24/11/2024

Hôn nhân khác tôn giáo

Hiện nay tỷ lệ hơn 6 triệu người Công giáo so với trên dưới 80 triệu dân, một sự cách biệt quá lớn. Chính vì thế, việc kết hôn khác niềm tin Công giáo là điều không thể tránh khỏi, đây cũng là nỗi ưu tư của Giáo Hội và của các bậc làm cha làm mẹ trong Giáo hội Công giáo.

Hôn nhân khác tôn giáo

Hiện nay tỷ lệ hơn 6 triệu người Công giáo so với trên dưới 80 triệu dân, một sự cách biệt quá lớn. Chính vì thế, việc kết hôn khác niềm tin Công giáo là điều không thể tránh khỏi, đây cũng là nỗi ưu tư của Giáo Hội và của các bậc làm cha làm mẹ trong Giáo hội Công giáo.

Vừa qua, trên diễn đàn nhacthanh.net, một bạn trẻ đã đưa ra những câu hỏi của người anh em khác tôn giáo nội dung sau:

– Em có 2 câu hỏi được một người ngoại giáo đặt ra, nhưng chưa đủ trình độ để trả lời có ai có thể giúp em không?

Câu 1: Theo người bạn em nói: “Tôn giáo là một hình thức xoa dịu nỗi đau của con người”, vậy điều đó đúng hay sai và tại sao?  

Câu 2: Khi 2 người khác tôn giáo lấy nhau thì bạn em nghĩ tôn giáo nào cũng tốt. Vậy tại sao phải theo đạo Thiên Chúa giáo? Xin ai biết chỉ dùm em càng sớm càng tốt.

Bạn thân mến! Với chút kiến thức hạn hẹp, mình mạo muội đôi chút suy tư về 2 câu hỏi trên, những mong cùng giúp nhau tìm hiểu, đào sâu thêm.

1. “Tôn giáo là một hình thức xoa dịu nỗi đau của con người”. Đúng hay sai?

Nói một cách nào đó, điều này đúng chứ không sai so với cái yếu đuối của thân phận con người, nhưng nếu ta chỉ dừng lại một cách người và rất người, thì quả là một sai lầm rất lớn. Vì không chỉ có đạo mới xoa dịu nỗi đau nơi con người, nhưng trong cuộc sống còn có nhiều cách và nhiều hình thức thực tế hơn ví dụ: Ta đang mang trong mình nỗi tuyệt vọng của bệnh tật thì những liệu của pháp Tây y, Đông y có thể phần nào đó giúp ta; khi ta đang gặp những thách đố, khó khăn và tuyệt vọng trong cuộc sống, chung quanh ta còn có người thân, bè bạn, hỗ trợ hay an ủi đông viên…

Có thể nói đạo chính là chiếc phao cứu hộ cho con người khi hành trình của cuộc sống gặp những lúc sóng to gió lớn trên biển đời, nhưng đạo còn có một ý nghĩa lớn hơn. Đó là, Đạo giúp cho con người có một hướng đi, một cách sống cao đẹp hơn, ý nghĩa hơn; đạo là đường, giúp cho con người tìm và hướng về “Chân, Thiện, Mỹ”, là lá chắn giúp cho con người khỏi sự quấy phá của ác thần; đặc biệt nhất, Đạo giúp cho con người nhận ra căn nguyên của đời mình, được khởi đi từ đâu và kết cục sẽ về đâu… Cuối cùng, Đạo là niềm tin mà con người hướng về một Đấng thần linh nào đó, đã có trước họ và ở trên họ, để từ đó họ gửi gắm những ước mơ, hoài bão, những toan tính, chia sẻ với họ những vui buồn trong cuộc sống, khi cuộc đời nhìn lại chung quanh chỉ mình ta với ta, khởi đi từ niềm tin đó, giúp họ có niềm hy vọng khi gặp nghịch cảnh, động lực cho họ sống thanh cao với mình và với mọi người.  

2. Khi 2 người khác tôn giáo lấy nhau, thì bạn em nghĩ đạo nào cũng tốt. Vậy tại sao phải theo đạo Thiên Chúa giáo?

Trong ca dao tục ngữ có câu: “Thuận vợ thuận chồng, tát biển đông cũng cạn”. Thuận từ tình yêu, thuận trong tư tưởng, thuận trong hành động, ngôn ngữ, trong mưu kế sinh nhai và thuận trong cách giáo dục con cái.

Hiện nay, trên thế giới nói chung và ngay tại Việt Nam ta nói riêng, Đạo cũng lắm mà thần cũng nhiều, khi nói về lĩnh vực đạo thì rất nhiều người suy nghĩ, đạo nào cũng là đạo, đạo nào cũng dạy người ta ăn ngay ở lành, đạo tại tâm… Ở đây, mình xin chia sẻ sự khác biệt giữa đạo Thiên Chúa giáo, nói rõ hơn là đạo Công giáo, với những tôn giáo đang song hành.

Sự khác biệt thứ nhất:

Hầu hết các tôn giáo đều do con người sáng lập, còn đạo Công giáo do chính Thiên Chúa sáng lập, qua Đức Giêsu Kitô, Con Một Thiên Chúa, Ngài đã nhập thể và nhập thế trở thành con người thực sự để ở giữa nhân loại và chính Ngài mạc khải cho nhân loại hình ảnh rõ nét của Thiên Chúa, Ngài là chủ của Vương Quốc Tình Yêu. Điều này đã được lịch sử minh chứng qua Kinh Thánh gồm Cựu Ước và Tân Ước.  

Sự khác biệt thứ hai:

Hiện tại, song hành với đạo Công giáo tại Việt Nam có những tôn giáo như: Phật giáo, Hoà Hảo, Cao Đài, Đạo Ông Bà… Tất cả những tôn giáo kể trên đều dạy tín đồ của mình ăn ngay ở lành, nói đúng hơn là dạy tín đồ phạm trù luân lý hay sống đạo làm người.

Riêng đối với đạo Công giáo, ngoài việc dạy mọi tín hữu về luân lý, thì điều khác biệt rất lớn đó là hướng dẫn và giúp cho mọi tín hữu nhận ra một chân lý tối thượng. Đó là nhận ra mình là con Thiên Chúa và được mang hình ảnh của Ngài, dù người đó là ai, sống bậc sống nào, lớn hay nhỏ, già hay trẻ, không phân biệt màu da, giới tính, ngôn ngữ, tất cả đều là anh em với nhau, cùng gọi Thiên Chúa Cha, và được mời gọi sống chan hoà trong yêu thương, phục vụ, công bằng và bác ái; và điều quan trọng nhất là sẽ được ở trong mái nhà của Thiên Chúa trong hạnh phúc, bình an, không vành khăn xô, không tiếng khóc ly biệt, không còn khổ đau và hận thù sau khi từ giã cõi đời này.  

Sự khác biệt thứ ba:  

Đối với giáo lý nhà Phật dạy tín đồ đi vào con đường “Xuất Thế” như: diệt khổ, diệt dục, diệt tham sân si, cố gắng thoát khỏi cảnh “Đời Là Bể Khổ”; tự mình đi tìm con đường cứu lấy chính mình thoát khỏi nghiệp báo, nghiệp chướng, ách khổ bằng những hình thức: ăn chay trường, đi lễ chùa vào những ngày rằm, mồng 1 âm lịch, cả những việc bác ái, thực hiện để trả nợ đời.  

Với niềm tin Kitô giáo nói chung và đạo Công giáo nói riêng, luôn mời gọi và dạy tín hữu học theo Đức Kitô đi vào con đường “Nhập Thế”, Ngài là Thiên Chúa tối cao, theo ngôn ngữ dân gian vẫn gọi Ngài là “Ông Trời” nhưng Ngài đã từ bỏ cõi trời vinh quang, hạnh phúc, xuống mặc lấy thân phận con người sống giữa con người cùng đồng cam cộng khổ với con người, ngoại trừ tội lỗi và giúp cho con người vượt khổ, giúp cho con người sống đúng với phẩm giá của mình là con Thiên Chúa.

Để rồi nhờ ơn của Ngài mà mọi tín hữu dẫu đang sống trong khổ đau, lầm lỗi, yếu đuối, biết noi gương của Ngài mà cùng giúp nhau vượt khổ qua tình liên đới bác ái và yêu thương, Sống giữa thế gian nhưng không lệ thuộc vào thế gian, không né tránh đau khổ, nhưng biết dùng tất cả như khổ đau, đói nghèo, bệnh tật, tình yêu, tình dục để được cộng tác vào chương trình sáng tạo, cứu độ của Thiên Chúa trong Đức Giêsu và qua Đức Giêsu.

Đối với những người tin, yêu, giữ đạo và sống đạo theo sự hướng dẫn của Giáo hội Công giáo. Tuy Giáo Hội không áp đặt niềm tin cho một cá nhân nào, hoặc ép buộc một ai phải theo, nhất là trong lĩnh vực hôn nhân; nhưng với những chân lý đã được soi dẫn từ Thiên Chúa, một cách nào đó, Giáo Hội nhắc nhở và mời gọi mọi người tìm về chân lý trong đời sống đạo và đời sống đức tin, để mọi người cùng được hưởng một nguồn ơn cứu độ do Thiên Chúa ban tặng ngay cuộc sống hiện tại cũng như cuộc sống mai hậu. Đối với các gia đình Công giáo, Giáo Hội nhắc nhở và mời gọi trở thành nhưng tiếng nói, những cánh tay nối dài, giới thiệu Chúa cho mọi người, trong mối tương qua hôn nhân, đặc biệt là hôn nhân khác tôn giáo.

Vì thế, các gia đình Công giáo luôn duy trì và bảo vệ chân lý đã được soi dẫn từ Thiên Chúa qua Giáo Hội, luôn có trách nhiệm gìn giữ và bảo tồn, và đồng thời có trách nhiệm truyền lại cho hậu thế. Nhất là vai trò loan báo chân lý đó cho mọi người. Đặc biệt người Công giáo tin nhận Thiên Chúa là khởi thuỷ của tình yêu, vì thế, tình yêu đôi lứa, tình yêu hôn nhân, gia đình đều do Ngài ban tặng, chúc phúc và nuôi dưỡng.  

Với những ân sủng cao vời đó, các bậc làm cha, làm mẹ luôn đặt tầm quan trọng đố với con cái trong đời sống đức tin và đời sống đạo, nhất là trong lĩnh vực hôn nhân của con cái, luôn mong ước con cái tìm và kết hôn với những ai cùng niềm tin, hoặc tuy khác niềm tin nhưng mong ước người bạn đó nhận ra tầm quan trọng mà hướng theo, để có được một đời sống gia đình luôn an vui và hạnh phúc trong sự bảo bọc của Đấng là Tình Yêu.

Đôi dòng tâm sự cùng bạn, nguyện xin Chúa Thánh Thần luôn đồng hành cùng bạn, nhờ ơn của Ngài, bạn sẽ là tiếng nói là lời mời gọi mọi người nhận ra Thiên Chúa là Tình Yêu.

Thân chào.

Sài Gòn, ngày 9/11/2010

Antôn Lương Văn Liêm