Chúa Nhật IV MC B 2024: Con đường tình yêu

Chúa Nhật 4 MC B 2024

Con đường tình yêu

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK

Lời mở

Tuần trước, chúng ta đã tìm hiểu về tôn giáo mới, được Đức Giêsu giới thiệu. Tôn giáo này dạy cho biết Thiên Chúa thật sự là ai và những phương thế để đạt tới Thiên Chúa cũng là đạt tới ơn cứu độ toàn diện cho muôn loài. Qua bài Tin Mừng hôm nay (x. Ga 3,14-21) Đức Giêsu dạy thêm tôn giáo này chính là con đường tình yêu dẫn đến Thiên Chúa và muôn loài.

Vì thế, chúng ta cùng tìm hiểu con đường tình yêu đó là gì và ta cần phải đi như thế nào?

1. Những người không hiểu đạo là con đường tình yêu

Ngày 1/3/2018, Bộ Giáo lý Đức tin của Giáo hội Công giáo đã gửi đến các giám mục trên toàn thế giới bức thư “Placuit Deo” (Thiên Chúa đã muốn) nói đến hai chủ thuyết sai lầm hiện nay về ơn cứu độ do những biến đổi văn hoá. Trong Bài đọc II (x. Ep 2,4-10), thánh Phaolô cũng nói với chúng ta về hai lạc thuyết này.

1.1. Lạc thuyết thứ nhất gọi là thuyết Pelagiô mới chủ trương rằng mỗi người hoàn toàn tự chủ bởi vì họ có thể cứu độ chính mình mà không cần đến Thiên Chúa và tha nhân. Việc cứu độ là do sự cố gắng của mỗi người hoặc của các tổ chức phàm nhân. Nhiều người trong thời đại này tin rằng khoa học có thể khám phá ra những “gen” mới giúp con người vượt qua bệnh tật để trở thành bất tử: hỏng gan thì cấy tế bào gốc tạo ra gan mới, hỏng tim thì cấy tế bào gốc để thay tim và con người sẽ sống mãi.

Thuyết Pelagiô mới này còn ảnh hưởng trong chính cộng đồng Kitô hữu. Rất nhiều người tín hữu tin rằng chỉ cần thực hiện một số những hành động nào đó là đạt được ơn cứu độ. Có những phong trào hô hào tín hữu mỗi ngày cố gắng đọc 3 kinh Kính Mừng, hoặc đọc một bài kinh nào đó, thì dù mình tội lỗi đến đâu cuối cùng Đức Mẹ cũng can thiệp để được rỗi linh hồn. Hồi xưa, khi tôi còn bé, có một phong trào cổ vũ việc tham dự thánh lễ và rước lễ liên tục 9 ngày thứ Sáu đầu tháng hay 7 ngày thứ Bảy đầu tháng, thì chắc chắn được bảo đảm ơn cứu độ. Ngược lại, thánh Phaolô nhắc nhở ta rằng: “Chính do ân sủng và lòng tin mà anh em được cứu độ: đây không phải bởi sức anh em mà là một ân huệ của Thiên Chúa; cũng không phải bởi việc anh em làm, để không ai có thể hãnh diện” (Ep 2,8-9).

1.2. Lạc thuyết thứ hai là thuyết Ngộ đạo mới. Thuyết này chủ trương rằng ơn cứu độ là hoàn toàn thuộc về nội tâm của con người và không cần phải để ý đến mối tương quan với người khác hoặc với vạn vật. Có những Kitô hữu nghĩ rằng mình chỉ cần cảm nghiệm được sự bình an, gắn bó mật thiết với Chúa, được Thiên Chúa yêu thương là đủ, không cần quan tâm đến đời sống kinh tế, xã hội, luân lý của mình.

Chúng ta thử lên những vùng có nhiều người Công giáo sống mà xem: rất nhiều tín hữu nghĩ rằng mình đang sống đạo đức vì đi dự lễ hằng ngày hay hằng tuần, tham gia hội đoàn, học hỏi Thánh Kinh, góp tiền để xây dựng các nhà thờ hay làm việc từ thiện, nên họ nghĩ mình chắc chắn sẽ được cứu rỗi không cần đến bất cứ mối quan hệ nào. Họ cảm nghiệm được bình an, hạnh phúc, mà chẳng cần quan tâm đến người khác và vạn vật quanh mình. Họ vẫn buôn bán những hàng giả, hàng độc hại, vẫn nuôi gia súc bằng thuốc tăng trưởng, vẫn dùng thuốc trừ sâu và chất bảo quản độc hại cho những cây trái mà không nhận ra rằng mình đang giết những anh chị em mình. Họ hiểu sai về tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa. Họ chỉ biết có mình và không biết học hỏi để nhận ra những giá trị căn bản của tôn giáo mới mà họ đang tự mãn đi theo.

Đó là những con người không hiểu rằng đạo họ đang theo là con đường tình yêu.

2. Con đường tình yêu

Vậy con đường tình yêu là gì? Các bài đọc Thánh Kinh hôm nay giới thiệu cho ta tôn giáo mới của Đức Giêsu là con đường tình yêu. Điểm khác biệt của Kitô giáo so với các tôn giáo khác đó là nói rõ bản chất của Thiên Chúa là tình yêu (1Ga 4,16). Tình yêu không phải chỉ là một đặc tính của Thiên Chúa hay một ân huệ được Thiên Chúa ban tặng cho thụ tạo. Nhưng tình yêu là tất cả Thiên Chúa, là toàn thể những quan hệ bên trong của Thiên Chúa, quyết định tính cách và mọi hoạt động bên ngoài của Thiên Chúa.

Vì yêu thương, Ngài đã dựng nên chúng ta và chia sẻ tất cả những ân phúc cao cả, cho ta được sống mãi, xinh đẹp, khôn ngoan; nhưng con người lại cắt đứt mối quan hệ với Ngài, không cần đến Ngài, nên đánh mất những ân sủng đó.

Chúng ta xúc phạm liên tục đến Chúa khi chối bỏ tình yêu đối với Chúa và anh chị em, giống như dân Do Thái xúc phạm đến Thiên Chúa, từ bỏ giới răn của Thiên Chúa là Mười Điều Răn được đặt trong lòng của mỗi con người. Dù vậy, Thiên Chúa vẫn yêu thương, vẫn tha thứ. Sau khi đền thờ Giêrusalem bị phá huỷ, Thiên Chúa đã soi sáng một ông vua ngoại đạo tên là Kyrô cho phép người Do Thái lưu đày trở về xứ sở để xây dựng lại đền thờ như Bài đọc I diễn tả (x. 2Sbn 36,14-23).

Đức Giêsu giới thiệu con đường tình yêu, không phải chỉ là một chiều từ phía con người vươn tới Thiên Chúa như các tôn giáo khác, nhưng là con đường có hai chiều. Chiều thứ nhất là đi từ Thiên Chúa xuống với con người khi ban Con của Ngài đến với ta. Chiều thứ hai là chính người Con đó, Đức Giêsu Kitô, sẽ dẫn ta trở về với Thiên Chúa để kết hợp thành một với Ngài. Vì thế Chúa Giêsu xác định: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Ngài thì được sống muôn đời” (Ga 3,16).

9-14 thanh gia 03

Vậy chúng ta phải đi như thế nào? Con đường tình yêu ấy là chính Chúa Giêsu. Người đã nói: “Tôi là con đường, là sự thật, là sự sống”. Để đi trọn được con đường này ta phải yêu như Chúa Giêsu vì Người là tình yêu cụ thể của Thiên Chúa. Người đã diễn tả tình yêu trọn vẹn với Thiên Chúa, Cha của Người, bằng việc vâng lời cho đến chết trên thập giá. Nhờ đó toàn thể thụ tạo được tha thứ và được hoà giải với Thiên Chúa. Người trở thành hình ảnh của con rắn đồng cứu thoát con người trong sa mạc cuộc đời (x. Ga 3,14).

Nhưng Người cũng diễn tả tình yêu trọn vẹn với con người và vạn vật khi tha thứ cho những kẻ đóng đinh mình và hoà giải mọi loài với nhau. Vì thế, khi Chúa Giêsu gục đầu chết trên thập giá, trái đất đã rung động, mồ mả đã mở tung và nhiều người chết sống lại để diễn tả ơn cứu độ đã hoàn thành. Đi trên đường đời với tình yêu như thế mới là trọn vẹn.

Đích điểm của con đường tình yêu không phải chỉ là sự giải thoát khỏi cái chết, đau khổ, bệnh tật hay được hưởng hạnh phúc vật chất theo kiểu sông sữa, biển mật, hội Bàn Đào với những tiên nữ xinh đẹp tuyệt vời của các tôn giáo khác. Đích điểm này là được hoà nhập vào tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi, được chia sẻ sự sống kỳ diệu của chính Thiên Chúa. Thánh Phaolô nhắc nhở ta hôm nay: “Thiên Chúa đã cho chúng ta được cùng sống lại với Đức Giêsu Kitô trên cõi trời… Chúng ta là tác phẩm của Thiên Chúa, chúng ta được dựng nên trong Đức Giêsu Kitô để sống mà thực hiện công trình tốt đẹp Thiên Chúa đã chuẩn bị cho chúng ta” (Ep 2,6.10).

Khi gắn bó được với Chúa Giêsu, Người sẽ chuyển thông cho ta sức mạnh, tình yêu, quyền năng kỳ diệu của Thiên Chúa, để ta có thể cứu giúp mọi người. Quanh ta đang còn có bao người đói khổ đang cần ta tác động vào vạn vật để chuyển hoá thành những lượng bánh lớn lao, biến đổi trái đất này nên phong phú hơn. Hàng triệu người tật bệnh đang cần được chữa lành. Hàng triệu người bị ma quỷ kiềm chế và bị mê hoặc bởi những tiên tri giả đang cần ta giải thoát. Bao nhiêu người chết dần, chết mòn trong tội lỗi đang cần ta giúp cho sống lại. Chúng ta không thể ngồi yên, an thân, tự mãn. Ta phải bước vào con đường tình yêu của Chúa Giêsu thôi!

Lời kết

Vậy “Ai trong anh em là Dân của Chúa, xin hãy tiến lên!” (x. 2Sbn 36,23).

HKK