25/01/2025

Người chuyển giới: Dở khóc dở cười vì rắc rối pháp lý

Người chuyển giới: Dở khóc dở cười vì rắc rối pháp lý

Để sống đúng với giới tính thật của mình, không ít người đã bất chấp những nguy cơ về sức khoẻ, tiền bạc để chuyển giới. Thế nhưng, sau khi chuyển giới, họ còn gặp những câu chuyện “dở khóc, dở cười” vì những vấn đề pháp lý.

 

 

 

Người chuyển giới: Dở khóc dở cười vì rắc rối pháp lý - Ảnh 1.

Chị P.N.S. (44 tuổi, người chuyển giới từ nam sang nữ, chưa phẫu thuật, ngụ quận Gò Vấp, TP.HCM) chờ đợi tiêm vắc xin phòng COVID-19 – Ảnh: X.MAI

Đã trải qua cuộc đại phẫu từ nam sang nữ vào năm 2015 tại Thái Lan, chị T.H.M. (41 tuổi, ngụ quận 12, TP.HCM) mới có cuộc sống đúng nghĩa kể từ lúc này. Đây là khát khao rất lớn của chị M. dù biết phía trước sẽ đối diện nhiều khó khăn, thử thách từ sức khỏe đến vấn đề pháp lý.

 

Khát khao sống đúng giới tính thật

Chị M. nói thời điểm chị xuất cảnh sang Thái Lan (khi bề ngoài còn là nam giới) thì dễ dàng hơn vì đúng với tên tuổi, giới tính trên các giấy tờ tùy thân. 

Một tháng rưỡi sau phẫu thuật chuyển giới từ nam sang nữ thành công, khi trở lại Việt Nam, chị gặp rất nhiều rắc rối tại khu vực nhập cảnh vì hình hài lúc bấy giờ là nữ nhưng giấy tờ vẫn là nam.

“Cơ quan chức năng phải liên hệ địa phương nơi tôi đang sinh sống tại Việt Nam xác minh trong vòng 24 giờ đồng hồ. Tôi chỉ được nhập cảnh khi họ xác minh đúng thông tin”, chị M. chia sẻ.

Gần hai năm sau khi chuyển giới thành nữ (năm 2017), chị M. mong muốn được làm lại giấy chứng minh nhân dân (CMND). 

Trải qua nhiều khó khăn, chật vật thì chị M. cũng có giấy này với giới tính là nữ và cái tên theo chị mong muốn. Tuy nhiên, khi chuyển đổi giấy CMND theo đúng giới tính thì chị cũng gặp phải nhiều bất lợi về quyền lợi của một công dân.

“Khi có giấy tờ đúng với giới tính sau phẫu thuật thì sau này xuất nhập cảnh dễ hơn nhưng lại gặp khó khăn về các thủ tục hành chính, pháp lý như đăng ký kết hôn, mất quyền lợi khi phân chia tài sản vì lúc này cần thêm giấy khai sinh mà thực chất giấy này không thể thay đổi được”, chị M. nói và cho hay vừa làm căn cước công dân bình thường.

Từ nhỏ, chị P.N.S. (44 tuổi, chuyển giới từ nam sang nữ, chưa phẫu thuật, ngụ quận Gò Vấp, TP.HCM) đã thích mặc đầm váy điệu đà. Bao đời gia đình chị S. đều làm nghề cắt tóc nữ nên chị có nhiều cơ hội làm đẹp hơn. 

Chị chia sẻ bản thân rất muốn được phẫu thuật chuyển giới nhưng vì điều kiện kinh tế eo hẹp, lớn tuổi và đang bệnh nên chị tạm gác ước mơ này. Vì chị chưa phẫu thuật chuyển giới nhưng mọi giấy tờ pháp lý của chị đều ghi “P.N.S., giới tính nam”, nhưng bề ngoài thì chị đích thực là nữ và là “chị”.

Anh Lương Thế Huy – viện trưởng Viện Nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường (ISEE – tổ chức nghiên cứu về cộng đồng LGBT, dân tộc thiểu số, nhóm yếu thế trong xã hội) – cũng chia sẻ: “Tôi từng có người bạn chuyển giới, bạn ấy từ TP.HCM đến Hà Nội để tham dự một hội thảo về bình đẳng giới. Thế nhưng, bạn không được chấp nhận đi máy bay do ngoại hình “khác” so với CMND. Bạn buộc phải đi tàu ra Hà Nội. Còn nhiều trường hợp khác không được chấp nhận thuê phòng nghỉ, không được ra nước ngoài… vì hình ảnh trên giấy tờ “không đúng” với người thật”, anh Huy chia sẻ.

Thay đổi giới tính “trên giấy” còn khó khăn

Theo kết quả của nghiên cứu “Đánh giá tác động kinh tế của chính sách hôn nhân cùng giới tại Việt Nam” do ISEE công bố hồi tháng 12-2021, tỉ lệ người đồng tính, song tính và chuyển giới tại Việt Nam chiếm từ 9 – 11% dân số Việt Nam.

Người chuyển giới là một bộ phận trong cộng đồng LGBT (LGBT là tên viết tắt các chữ cái đầu của một cộng đồng những người đồng tính luyến ái nữ – Lesbian, đồng tính luyến ái nam – Gay, song tính luyến ái – Bisexual và người chuyển giới – Transgender). 

Những người chuyển giới hiện còn gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống hằng ngày và hạn chế về quyền công dân, quyền con người.

Anh Huy cho biết Bộ luật dân sự 2015 đã công nhận việc chuyển đổi giới tính. Theo đó, trường hợp chuyển giới thì người chuyển giới cần phải xác định lại giới tính cá nhân, có quyền và nghĩa vụ phải đăng ký thay đổi hộ tịch, căn cước công dân theo quy định của pháp luật về hộ tịch.

“Hiện chỉ là thay đổi tên còn giới tính thì vẫn gặp nhiều khó khăn, bởi luật cho người chuyển giới hiện nay chưa được thông qua. Các bạn chuyển giới có thể thay đổi tên của mình trên căn cước công dân, nhưng việc này cũng không hề dễ dàng. 

Đặc biệt với những người chuyển giới chưa phẫu thuật, không có căn cứ để chuyển đổi giới tính trên giấy tờ. Tôi thường tư vấn mọi người nên nêu lý do khác như trùng tên người nhà, thay tên đệm… để có thể đổi tên dễ hơn”, anh Huy nói.

Anh Huy cũng nhận định hiện nay xã hội đã “nới lỏng” những ràng buộc đối với người chuyển giới. Người chuyển giới cũng được “hiểu”, cảm thông khi căn cước công dân và ngoại hình bên ngoài có khác nhau. Pháp luật Việt Nam đã có nhiều tiến bộ trong việc đưa ra những chính sách liên quan đến cộng đồng LGBT.

“Nhưng quyền công dân như những người khác thì thực tế còn nhiều hạn chế. Đặc biệt là những quyền được chăm sóc sức khỏe, học tập, quyền con người, khi cần làm giấy tờ sở hữu tài sản… Điều cộng đồng người chuyển giới mong muốn nhất lúc này là Luật chuyển đổi giới tính được thông qua”, anh Huy chia sẻ.

Hiện Bộ Y tế cũng đang xây dựng dự thảo Luật chuyển đổi giới tính, cho phép người chuyển giới có đủ quyền và nghĩa vụ công dân bình thường như kết hôn, đi nghĩa vụ quân sự… Hiện dự thảo đang trong quá trình hoàn thiện và trình Chính phủ, Quốc hội trong thời gian tới.

 

Nhà nước không thừa nhận hôn nhân hai người cùng giới tính

Hiện chị M. đã lập gia đình nhưng chưa đăng ký kết hôn. “Trong cộng đồng chúng tôi không nghĩ những chuyện sâu xa, chỉ muốn được sống với ước mơ, lý tưởng trong giới tính thật. Nhưng nếu không được đăng ký kết hôn hợp pháp thì mọi quyền lợi sau này là không có. Dù hiện nay cộng đồng có cái nhìn ít kỳ thị hơn nhưng chúng tôi vẫn còn nhiều thiệt thòi”, chị M. chia sẻ thêm.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu – ủy viên thường vụ, chủ nhiệm cơ quan truyền thông Liên đoàn Luật sư Việt Nam – cho biết pháp luật Việt Nam không đưa ra bất cứ nội dung nào về cấm kết hôn đồng giới, tuy nhiên lại chỉ rõ quy định chưa công nhận hợp pháp với loại hình hôn nhân này.

Cụ thể tại khoản 2, điều 8 Luật hôn nhân gia đình năm 2014 quy định Nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính.

Như vậy, Nhà nước không cấm nhưng không “thừa nhận” thì về bản chất hôn nhân của họ cũng không được xác định là hợp pháp, không được pháp luật bảo vệ quyền và lợi ích trong quan hệ thân nhân và quan hệ tài sản.

“Hôn nhân giữa những người đồng giới ở Việt Nam sẽ không có bất cứ sự ràng buộc nào về mặt pháp lý, mối quan hệ của họ không được coi là quan hệ vợ chồng, do đó mà sẽ không có phát sinh quyền và nghĩa vụ về nhân thân giữa vợ và chồng. Điều này đồng nghĩa với việc họ sẽ không được cấp chứng nhận đăng ký kết hôn”, luật sư Nguyễn Văn Hậu giải thích.

XUÂN MAI – DƯƠNG LIỄU
TTO