Khi nào điểm chuẩn đại học hết trồi sụt, ảnh hưởng quyền lợi thí sinh ?

Khi nào điểm chuẩn đại học hết trồi sụt, ảnh hưởng quyền lợi thí sinh ?

Kỳ tuyển sinh đại học năm nay nhiều ngành điểm chuẩn tăng giảm đột ngột so với năm trước đó. Vấn đề đặt ra làm sao có được sự ổn định về điểm chuẩn để không ảnh hưởng đến quyền lợi người học.

 

 

Tăng giảm so với năm ngoái trên 10 điểm

Năm nay, điểm chuẩn một số ngành theo phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT tăng mạnh hoặc giảm sâu trong phạm vi trên dưới 10 điểm so với năm 2021. Điều này thấy rõ nhất ở nhóm ngành đào tạo sư phạm, đặc biệt các ngành xét tổ hợp môn xã hội.

Khi nào điểm chuẩn đại học hết trồi sụt, ảnh hưởng quyền lợi thí sinh ? - ảnh 1

Thí sinh trúng tuyển đợt 1 làm thủ tục nhập học vào một trường ĐH tại TP.HCM  ĐÀO NGỌC THẠCH

Chẳng hạn, Trường đại học (ĐH) Sư phạm Hà Nội 2 ngành sư phạm lịch sử có điểm chuẩn tăng tới hơn 13 điểm so với năm ngoái. Cụ thể, điểm chuẩn ngành này tăng từ 25,5 năm ngoái lên 38,67 năm nay (tính theo thang điểm 40). Một số ngành khác của trường này điểm chuẩn cũng tăng trên 8 điểm như: sư phạm hóa, sư phạm lý… Trường ĐH Quy Nhơn cũng có những ngành điểm chuẩn tăng sốc tới 9,5 điểm so với năm 2021 như: sư phạm lịch sử, sư phạm địa lý, sư phạm vật lý (điểm chuẩn tăng từ 19 năm ngoái lên 28,5 điểm năm nay).

Ngược lại với xu hướng tăng mạnh thì điểm chuẩn nhiều ngành lại giảm sâu. Đáng chú ý nhất trong nhóm này phải kể đến điểm chuẩn Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM. Ngành khai thác vận tải (chuyên ngành quản lý và kinh doanh vận tải) có mức giảm nhiều nhất từ 25,9 năm ngoái xuống còn 15 điểm năm nay (giảm đến 10,9 điểm). Bên cạnh đó, ngành khai thác vận tải chất lượng cao giảm 10,7 điểm; kinh tế vận tải biển giảm 10,5 điểm; kỹ thuật điều khiển và tự động hóa (chuyên ngành tự động hóa công nghiệp) giảm 10,4 điểm; logistics và quản lý chuỗi cung ứng (chuyên ngành xây dựng và quản lý chuỗi cung ứng) giảm 10,1 điểm… Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM cũng có nhiều ngành điểm chuẩn giảm mạnh so với năm trước. Chẳng hạn, ngành kỹ thuật công nghiệp (hệ đại trà) giảm 8,25 điểm; các ngành công nghệ vật liệu (hệ đại trà), kỹ thuật gỗ và nội thất giảm 7,25 điểm; công nghệ kỹ thuật in giảm 7,65 điểm…

Nhận định về xu hướng này, tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo (ĐH Quốc gia TP.HCM), cho rằng: “Việc tăng giảm đột ngột điểm chuẩn năm nay có thể nói là cực đoan vì không cho thấy một quá trình tuyển sinh”.

Ông Chính cho rằng việc điểm chuẩn tăng mạnh ở một số ngành còn rất ít chỉ tiêu xét điểm thi tốt nghiệp THPT. Các trường tuyển sinh nhiều phương thức, chỉ tiêu được chia nhỏ giữa các phương thức. Ở những ngành nhiều thí sinh (TS) quan tâm, khi chỉ tiêu phương thức xét điểm thi tốt nghiệp ít, TS đăng ký nhiều thì điểm chuẩn bị đẩy lên cao. Đặc biệt ở các ngành xét tổ hợp khối C00 (văn, sử, địa), khi năm nay có phổ điểm thi cao hơn năm trước đó.

Còn tiến sĩ Trần Thanh Thưởng, Trưởng phòng Tuyển sinh và Công tác sinh viên Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, cho rằng có một số nguyên nhân như: số TS tham gia xét tuyển ĐH giảm, một bộ phận đáng kể học sinh đi du học… Trong đó, một nguyên nhân đến từ sự giảm sút số TS tham gia phương thức xét tuyển riêng dẫn đến chỉ tiêu còn lại phương thức xét điểm thi tốt nghiệp tăng nên điểm chuẩn phương thức này giảm xuống.

 

Giải pháp ổn định tuyển sinh

Trước bối cảnh điểm chuẩn “nhảy múa” khó lường năm nay, vấn đề được dư luận xã hội quan tâm là sự ổn định về điểm chuẩn để tạo công bằng cho người học trong tuyển sinh đầu vào.

Tiến sĩ Nguyễn Quốc Anh, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, đề xuất: “Các trường ĐH nên ổn định về phương thức xét tuyển, không nên điều chỉnh quá nhiều. Đặc biệt, chỉ tiêu xét tuyển mỗi phương thức cũng nên ở mức ổn định hoặc điều chỉnh theo lộ trình thích hợp qua từng năm. Khi đó, TS sẽ không rơi vào tình huống bị động trong đăng ký xét tuyển”.

Ngoài câu chuyện phân bổ chỉ tiêu, tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính còn cho rằng Bộ GD-ĐT chỉ nên ban hành quy định chung và giám sát việc thực hiện tuyển sinh cụ thể của các trường. Bởi lẽ, theo tiến sĩ Chính, các trường hiện có nhiều phương thức xét tuyển, mỗi phương thức có khoảng thời gian và nhóm TS khác nhau. Như năm 2021, các trường tự thực hiện các phương thức với nhiều giai đoạn khác nhau và ước lượng được mức độ TS gọi nhập học. Tuy nhiên, với sự thay đổi đột ngột cách làm của năm nay, các phương thức xét tuyển diễn ra trong cùng một thời điểm và sự điều chỉnh tỷ lệ chỉ tiêu các phương thức diễn ra sau đó là một nguyên do dẫn đến tình trạng xáo trộn trên.

Cũng theo ông Chính: “Đề thi tốt nghiệp THPT cần phải được chuẩn hóa, tức phải có quy trình xây dựng, phản biện, thử nghiệm, phân tích độ khó dễ trước khi đưa vào sử dụng. Nếu chưa có sự chuẩn hóa này thì việc năm nay điểm thi cao, năm sau điểm thi thấp vẫn còn xảy ra”.

HÀ ÁNH

TNO