08/09/2024

74% ca tử vong trên toàn cầu do bệnh không lây nhiễm gây ra

74% ca tử vong trên toàn cầu do bệnh không lây nhiễm gây ra

Ngày 21-9, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết các bệnh không lây nhiễm như tim mạch, ung thư, đái tháo đường là nguyên nhân của 74% ca tử vong trên toàn cầu. Nếu có thể hạn chế các yếu tố rủi ro gây bệnh, hàng triệu sinh mạng sẽ được cứu.

74% ca tử vong trên toàn cầu do bệnh không lây nhiễm gây ra - Ảnh 1.

Thể dục thường xuyên, hạn chế lối sống thiếu vận động, có thể giảm bớt rủi ro của các bệnh không lây nhiễm – Ảnh: runnersworld.com

Do môi trường và lối sống

Trong báo cáo có tựa đề “Những con số vô hình” công bố ngày 21-9, WHO cho biết các bệnh không lây nhiễm, có thể ngăn chặn được, chủ yếu do lối sống thiếu lành mạnh hoặc điều kiện sống gây ra, đang làm 41 triệu người chết mỗi năm, trong đó có 17 triệu người dưới 70 tuổi.

Bệnh tim, ung thư, tiểu đường và bệnh hô hấp hiện đã vượt qua bệnh truyền nhiễm, trở thành nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên toàn cầu.

Bà Bente Mikkelsen, người đứng đầu bộ phận giám sát bệnh không lây nhiễm của WHO, cho biết: “Cứ hai giây lại có một người dưới 70 tuổi chết vì các bệnh không lây nhiễm. Tuy nhiên, tài chính để ngăn chặn các bệnh này lại rất ít và đây thực sự là một thảm họa”.

Các bệnh không lây nhiễm không chỉ là nguyên nhân gây chết nhiều người nhất thế giới mà còn có tác động nghiêm trọng đến khả năng chống lại các bệnh truyền nhiễm của bệnh nhân. Điều này đã được chứng minh trong đại dịch COVID-19.

Theo đó, những người sống chung với các bệnh không lây nhiễm như béo phì hoặc tiểu đường có nguy cơ bị bệnh nặng và tử vong do vi rút cao hơn.

“Số liệu cho thấy bức tranh thực tế nhưng vấn đề là thế giới không nhìn vào nó”, báo cáo cảnh báo.

Trái ngược với những gì số đông tin tưởng, các bệnh không lây nhiễm không phải chỉ là vấn đề của các nước giàu. Nghiên cứu cho biết 86% các ca tử vong sớm do bệnh không lây nhiễm trên toàn cầu xảy ra ở các nước có thu nhập trung bình và thấp.

Theo bà Mikkelsen, điều này làm cho việc giải quyết các bệnh không lây nhiễm không chỉ là vấn đề sức khỏe mà còn là vấn đề “công bằng”. Bà cho biết nhiều người ở các nước nghèo hơn không được tiếp cận với các biện pháp phòng ngừa, điều trị và chăm sóc họ cần.

Số liệu trong báo cáo mới nhất của WHO cho thấy tỉ lệ tử vong do bệnh tim mạch – căn bệnh giết nhiều người nhất thế giới – cao nhất ở các nước như Afghanistan và Mông Cổ.

WHO cho biết việc xem các bệnh không lây nhiễm là bệnh hoàn toàn do lối sống là sai lầm, vì trong phần lớn trường hợp, mức độ phơi nhiễm với các yếu tố nguy cơ nằm ngoài khả năng kiểm soát của mỗi cá nhân.

“Rất thường xuyên, môi trường chúng ta đang sống hạn chế các quyết định của chúng ta, khiến việc đưa ra những lựa chọn lành mạnh trở nên khó khăn, nếu không muốn nói là không thể”, báo cáo cho biết.

Có thể ngăn chặn được

74% ca tử vong trên toàn cầu do bệnh không lây nhiễm gây ra - Ảnh 2.

Một số yếu tố rủi ro của bệnh không lây nhiễm có thể ngăn ngừa được – Ảnh: absolute-health.org

WHO nhấn mạnh bệnh không lây nhiễm có thể ngăn ngừa được. Chúng ta đã biết các yếu tố nguy cơ chính gây bệnh cũng như cách tốt nhất để giải quyết chúng.

Cụ thể, hút thuốc lá, ăn uống thiếu lành mạnh, lạm dụng bia rượu, lối sống không vận động và ô nhiễm không khí được xem là các nguyên nhân chính làm tăng bệnh không lây nhiễm.

Riêng hút thuốc lá đã gây ra hơn 8 triệu ca tử vong mỗi năm, trong đó, hơn 1 triệu ca tử vong là ở những người không hút thuốc – những người ngoài cuộc vô tội.

Khoảng 8 triệu ca tử vong khác do chế độ ăn không lành mạnh, có thể là ăn quá ít, ăn quá nhiều hoặc ăn thực phẩm nghèo dinh dưỡng.

Sử dụng bia rượu là một trong số những nguyên nhân gây xơ gan và ung thư, làm chết khoảng 1,7 triệu người mỗi năm. Thiếu vận động là nguyên nhân gây ra khoảng 830.000 ca tử vong.

Theo WHO, có những cách rõ ràng, đã được chứng minh là có thể giảm thiểu những yếu tố nguy cơ gây bệnh không lây nhiễm. Nếu tất cả các nước thực hiện các biện pháp ngăn ngừa, 39 triệu sinh mạng có thể được cứu trong 7 năm tới.

Bà Mikkelsen cho biết: “WHO kêu gọi tất cả các chính phủ áp dụng các biện pháp can thiệp để ngăn chặn 39 triệu ca tử vong vào năm 2030 và giúp vô số người khác sống lâu hơn, khỏe mạnh hơn và hạnh phúc hơn”.

Báo cáo nhấn mạnh các khoản đầu tư tương đối nhỏ vào phòng ngừa và điều trị bệnh không lây nhiễm có thể tạo ra sự khác biệt rất lớn.

Nếu đầu tư 18 tỉ USD mỗi năm vào các biện pháp phòng ngừa ở các nước nghèo, có thể tạo ra lợi ích kinh tế ròng là 2.700 tỉ USD trong 7 năm tới.

HỒNG VÂN