Nói vậy, không làm vậy

Nói vậy, không làm vậy

Đối với Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), cuộc gặp cấp cao năm nay ở Uzbekistan là sự kiện thành công. Một trong những điều được quan tâm là việc Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ nhắc lại ý định nước này muốn trở thành thành viên chính thức của SCO.

 

 

 

Năm 2016, Tổng thống Recep Tayyip Erdogan lần đầu đề cập khả năng ấy. Hiện tại, Thổ Nhĩ Kỳ có quan hệ hợp tác với SCO và ông Erdogan là khách mời tham dự cuộc gặp cấp cao năm nay.

Nói vậy, không làm vậy - ảnh 1
Ông Erdogan tại hội nghị SCO vừa qua  REUTERS

SCO sẽ kết nạp thêm thành viên, nhưng sẽ không phải Thổ Nhĩ Kỳ. Ông Erdogan tung hỏa mù và chơi đòn gió thế nhưng biết rõ Thổ Nhĩ Kỳ không thể gia nhập SCO được. Nguyên do nằm ở hai khía cạnh.

Thứ nhất, Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên NATO và cách hành xử “làm mình làm mẩy” trong NATO đã trở thành truyền thống của Thổ Nhĩ Kỳ. Tư cách thành viên NATO giúp Thổ Nhĩ Kỳ có được vị thế và ưu thế chiến lược nổi bật trong NATO và ở khu vực Trung Đông, Bắc Phi và vùng Vịnh. Nói theo cách khác, ông Erdogan có thể sẵn sàng từ bỏ cái này hay cái khác nhưng sẽ không rút ra khỏi NATO như nước Anh quyết định ra khỏi EU.

Thứ hai, cội gốc nguyên thủy của SCO là hợp tác trên lĩnh vực an ninh. Cứ nhìn vào quá trình phát triển của SCO đến nay có thể thấy được rất rõ ảnh hưởng chi phối của Trung Quốc và Nga và hai nước này theo đuổi mục tiêu phát triển SCO thành đối trọng với NATO. Họ và SCO có lợi khi tách được Thổ Nhĩ Kỳ ra khỏi NATO nhưng sẽ không chấp nhận kết nạp Thổ Nhĩ Kỳ vào SCO khi nước này vẫn còn là thành viên NATO. Kết nạp thành viên NATO vào SCO chẳng khác gì chấp nhận rủi ro để cho “Con ngựa thành Troia” vào thành. Dù vậy, việc ông Erdogan nêu ý định vẫn giúp Thổ Nhĩ Kỳ và SCO thêm có giá.

PHẠM LỮ

TNO