40 doanh nghiệp bị Mỹ từ chối bản giải thích, gỗ dán Việt có nguy cơ bị áp thuế chống bán phá giá

40 doanh nghiệp bị Mỹ từ chối bản giải thích, gỗ dán Việt có nguy cơ bị áp thuế chống bán phá giá

Bộ Thương mại Mỹ (DOC) vừa có thông báo từ chối bản giải thích của 40 doanh nghiệp tủ bếp, tủ nhà tắm cho nội dung điều tra xem xét phạm vi sản phẩm. Điều này dẫn tới nguy cơ gỗ dán Việt Nam bị Mỹ áp thuế chống bán phá giá giống như Trung Quốc.

40 doanh nghiệp bị Mỹ từ chối bản giải thích, gỗ dán Việt có nguy cơ bị áp thuế chống bán phá giá - Ảnh 1.

Các doanh nghiệp Việt Nam hoang mang trước việc bị Mỹ áp thuế chống bán phá giá đối với gỗ dán – Ảnh: H. QUÂN

Theo Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam (VIFOREST), việc DOC từ chối là do một số bản giải thích (bao gồm việc cung cấp các thông tin liên quan đến vụ việc) của các doanh nghiệp trong vụ việc điều tra xem xét phạm vi sản phẩm đã nộp không đúng thời hạn.

DOC yêu cầu các doanh nghiệp chủ động gỡ bỏ/xóa các tập tài liệu đã nộp trên hệ thống.

Theo thông báo của DOC, trong số 40 doanh nghiệp bị từ chối bản giải thích, có nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gỗ lớn của Việt Nam như Công ty cổ phần Cẩm Hà, Công ty cổ phần chế biến gỗ Thuận An, Saigon River Factory, Công ty TNHH Tân Phước, Công ty TNHH Minh Phát 2 (Mifaco), Công ty TNHH Giang Minh…

Thông tin thêm với Tuổi Trẻ Online ngày 22-8, VIFOREST cho biết khoảng 40 doanh nghiệp của Việt Nam chuyên chế biến và xuất khẩu gỗ dán sản xuất từ gỗ cứng bị DOC đưa vào danh sách “không phản hồi” hoặc “không hợp tác” là do không mở tài khoản trên trang web của DOC để trả lời các bảng hỏi, trả lời không đầy đủ thông tin theo yêu cầu của DOC, thông tin không nhất quán…

Thời gian qua, một số doanh nghiệp đã thuê luật sư nước ngoài làm dịch vụ tiếp nhận thông tin từ DOC, phản biện và khai báo. Tuy nhiên, do nhận thức chưa đầy đủ, nhiều câu hỏi không được luật sư chuyển đến doanh nghiệp, các bằng chứng về nhà xưởng, cung ứng nguyên liệu và thực tế sản xuất cũng chưa được cung cấp đầy đủ và có hệ thống.

DOC đã sơ bộ kết luận có 21 công ty hợp tác tốt, 22 công ty “không phản hồi” và 14 công ty “không hợp tác”.

Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam đang cùng với 36 doanh nghiệp thuộc 2 nhóm “không phản hồi và không hợp tác” làm giải trình tóm tắt gửi DOC và đăng ký tham gia điều trần công khai để khẳng định rằng doanh nghiệp thực sự “vô can”, không lẩn tránh thuế.

Ông Ngô Sỹ Hoài, phó chủ tịch kiêm tổng thư ký VIFOREST, cho biết việc DOC từ chối bản giải thích của các doanh nghiệp Việt khiến vụ áp thuế chống bán phá giá đối với gỗ dán của Việt Nam tăng thêm độ căng thẳng.

“Các doanh nghiệp Việt hiện rất lo lắng và hoang mang. Đặc biệt, những doanh nghiệp có tên trong danh sách không hợp tác hoặc không phản hồi với DOC” – ông Hoài nói.

Theo ông Hoài, cuối tháng 7-2022, Mỹ công bố kết luận sơ bộ về gỗ dán nhập khẩu từ Việt Nam. Theo đó, Mỹ cho rằng gỗ dán nhập khẩu từ các doanh nghiệp Việt Nam có lõi sử dụng nguyên liệu là ván bóc nhập khẩu từ Trung Quốc.

Dự kiến giữa tháng 10-2022, Mỹ sẽ ban hành kết luận cuối cùng về việc điều tra lẩn tránh phòng vệ thương mại đối với gỗ dán sử dụng nguyên liệu gỗ cứng nhập khẩu từ Việt Nam. Nếu phán xét bất lợi cho doanh nghiệp Việt được thông qua, nhiều doanh nghiệp sẽ mất thị trường tiêu thụ sản phẩm do bị áp dụng thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp như đang áp dụng với gỗ dán nhập khẩu từ Trung Quốc. Thậm chí có những doanh nghiệp đối diện nguy cơ phá sản.

“Hiện các doanh nghiệp không phản hồi, không hợp tác đã gửi văn bản giải trình và đăng ký tham dự phiên điều trần. Chúng tôi đang gấp rút hỗ trợ các doanh nghiệp để tham gia điều trần với phía Mỹ” – ông Hoài nói và cho biết hy vọng DOC sẽ xem xét và ra phán quyết cuối cùng công bằng, minh bạch.

Đối với vụ kiện phòng vệ thương mại, lãnh đạo VIFOREST kiến nghị Bộ Công Thương, Chính phủ cần sớm tổ chức cuộc trao đổi với phía Mỹ, sẵn sàng mời cơ quan chức năng của Mỹ sang Việt Nam để tìm hiểu về quy trình, hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp ngành gỗ. Đồng thời kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp gian lận thương mại.

“Chúng ta cần cho bạn thấy các doanh nghiệp Việt Nam làm ăn minh bạch, sòng phẳng, không có chuyện gian lận. Ngoài ra, các cơ quan đại diện thương mại ở nước ngoài cần cung cấp thông tin sớm hơn, đầy đủ hơn và có nhiều những cảnh báo, khuyến nghị để các hiệp hội, doanh nghiệp nắm bắt kịp thời” – ông Hoài nói thêm.

Theo Tổng cục Lâm nghiệp, 7 tháng đầu năm, thị trường xuất khẩu gỗ lớn nhất của Việt Nam là Mỹ lại giảm, chỉ đạt 5,84 tỉ USD, giảm 4,9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ngoài lạm phát, nguyên nhân kim ngạch xuất khẩu gỗ sang Mỹ giảm tốc là do DOC đã khởi xướng điều tra xem xét tủ gỗ nhập khẩu từ Việt Nam.

Trong khảo sát nhanh đối với 52 doanh nghiệp ngành gỗ do các hiệp hội và nhóm nghiên cứu của các hiệp hội gỗ phối hợp với tổ chức Forest Trends thực hiện mới đây, trong 45 doanh nghiệp hiện xuất khẩu đi Mỹ, có 33 doanh nghiệp thông báo doanh thu hiện tại đã giảm gần 40% so với các tháng đầu năm. Chỉ có 10 doanh nghiệp nói doanh thu tăng so với các tháng trước đó, tuy nhiên mức tăng rất nhỏ (11%).

Hiện Mỹ là thị trường nhập khẩu đồ nội thất lớn nhất của Việt Nam (chiếm khoảng 65% tổng giá trị xuất khẩu gỗ, lâm sản). Năm 2021, Mỹ nhập khẩu khoảng 9 tỉ USD sản phẩm gỗ, nội thất từ Việt Nam. Trong đó, riêng gỗ dán từ Việt Nam đạt khoảng 522 triệu USD.

CHÍ TUỆ
TTO