Khi côn đồ ‘nhí’ phạm tội, trách nhiệm thuộc về ai?

Khi côn đồ ‘nhí’ phạm tội, trách nhiệm thuộc về ai?

Vụ việc các nhóm côn đồ ‘nhí’ gây ra các vụ hỗn chiến thường xuyên xảy ra, qua đó cho thấy, một phần cũng phải kể đến trách nhiệm giáo dục, dạy dỗ con cái của bậc làm cha, mẹ.

 

 

Ngày 13.7, TAND Q.8 (TP.HCM) mở phiên xét xử 13 bị cáo trong vụ hỗn chiến ở cầu Chánh Hưng (Q.8) xảy ra hồi tháng 5.2021. Trong vụ án này T.H.L (16 tuổi), T.Q.B (anh ruột L., 21 tuổi) và P.H.H (15 tuổi, cùng ngụ Q.8) và 10 đồng phạm bị đưa ra xét xử về tội “cố ý gây thương tích”, thuộc trường hợp dùng vũ khí, vật liệu nổ nguy hiểm và có tính tổ chức, côn đồ.

 

Nhóm côn đồ “nhí” hiếu chiến

Từ sớm, phía bên trong phòng xét xử của TAND Q.8 rất đông người ngồi dưới hàng ghế dự khán. Họ là người thân của các bị cáo. 13 bị cáo bị tòa án đưa ra xét xử, lớn nhất 21 tuổi và nhỏ nhất chỉ 15 tuổi.

Theo cáo trạng của Viện KSND (VKS) Q.8 truy tố, xuất phát từ mâu thuẫn giữa L. và H. với nhóm xiếc múa lửa U.L (không rõ lai lịch), L. đã nhờ anh ruột là B. đi trả thù và nhắn tin hẹn nhóm U.L ở cầu Chánh Hưng để hỗn chiến.

Khi côn đồ 'nhí' phạm tội, trách nhiệm thuộc về ai? - ảnh 1
13 bị cáo trong vụ hỗn chiến ở cầu Chánh Hưng (Q.8) được đưa ra xét xử ngày 13.7  SONG MAI

L. và B. rủ thêm thêm các bị cáo khác, chuẩn bị hung khí dao tự chế, rựa, tuýp sắt và bom xăng… Cả nhóm tập trung ở bãi đất trống, phân chia nhau hung khí và “nhiệm vụ” rồi chở nhau đến điểm hẹn để hỗn chiến.

Khi đến gần cầu Chánh Hưng, cả nhóm thấy nhóm của U.L khoảng 15 người và mang theo nhiều hung khí nên cả hai bên xông vào đánh, rượt chém nhau gây náo loạn. Hậu quả, một thành viên của nhóm U.L bị 2 người trong nhóm của L. và B. chém vào đầu, thương tích 72%.

 

Hành vi liều lĩnh, coi thường pháp luật

VKS đọc cáo trạng, từng hành vi liều lĩnh, côn đồ của các bị cáo được nêu ra. Điều này vượt quá sức tưởng tượng của người thân của các bị cáo. Ngồi dưới hàng ghế dự khán, họ chỉ biết lắc đầu, lau nước mắt.

Công tố viên xét hỏi bị cáo H. về mâu thuẫn dẫn đến cuộc hỗn chiến, H. khai do bị nhóm U.L gây hấn và đánh trước tại P11, Q.8. Vài ngày sau, khi thấy nhóm U.L tại một quán ăn đứng nhìn H., nghĩ U.L “nhìn đểu”, định đánh mình nên H. nhắn tin qua mạng xã hội Facebook để nhờ L. đi trả thù.

Vị công tố viên lần lượt đặt câu hỏi đối với các bị cáo còn lại và các bị cáo đều khai không quen biết bị hại nhưng khi được rủ rê, lôi kéo nên tham gia chém nhau.

Khi côn đồ 'nhí' phạm tội, trách nhiệm thuộc về ai? - ảnh 2
Tham dự phiên xét xử, phía hàng ghế dự khán có rất đông người thân của các bị cáo  SONG MAI

Công tố viên nói: “Các bị cáo tuổi đời còn rất trẻ, có bị cáo vẫn còn đang đi học nhưng coi thường pháp luật, nghe lời rủ rê của bạn bè mà chém người khác, còn chuẩn bị hung khí nguy hiểm để mang theo. Các bị cáo có thấy hành vi mình vi phạm pháp luật?”. Liều lĩnh là vậy, nhưng khi ra đến phiên xét xử, các bị cáo chỉ cúi đầu nhận tội và nói lời xin lỗi.

Điều đáng buồn, khi B. và L. là anh em ruột, lại đứng trước tòa trong cùng một vụ án. Năm 2018, B. đã bị TAND Q.1 kết án 18 tháng tù nhưng cho hưởng án treo về tội “cố ý gây thương tích”, thời hạn thử thách là 36 tháng. Thay vì nghiêm túc sửa đổi để thi hành án treo, B. lại tiếp tục phạm pháp.

 

Trách nhiệm thuộc về ai?

Trong 13 bị cáo tại toà, có 4 bị cáo đang ở tuổi vị thành niên, một trong số đó còn đang đi học. HĐXX cũng đã mời người giám hộ đối với các bị cáo đứng lên trình bày tại phần tranh luận.

Đối với bị cáo L.M.H (thời điểm xảy ra vụ án bị cáo này 17 tuổi), ngoài hành vi phạm tội này, bị cáo L.M.H đã từng bị xử phạt hành chính về hành vi gây rối trật tự công cộng, xâm phạm sức khoẻ người khác và sử dụng vũ khí trái phép.

HĐXX hỏi: “Tại sao gia đình không quản lý, giáo dục bị cáo?”, Phía dưới, ông L.V.D, cha của bị cáo đứng dậy, giọng run run: “Hoàn cảnh gia đình khó khăn, tôi đi làm tối ngày nên không chăm được con. Mong tòa xem xét giảm án cho bị cáo”.

Khi côn đồ 'nhí' phạm tội, trách nhiệm thuộc về ai? - ảnh 3
Ông L.V.D (bìa phải, áo nâu) cha của bị cáo L.M.H trình bày hoàn cảnh gia đình với HĐXX   SONG MAI

Ngồi ở cạnh bên, bà D.T.M.T, mẹ của bị cáo N.M.T (thời điểm xảy ra vụ án 17 tuổi) cũng cho biết, bà vừa thi hành án tù 15 năm và vừa ở trại giam về được vài ngày. Vợ chồng bà T. ly hôn, N.M.T sống ở nhà với bà ngoại đã già yếu nên thiếu đi sự giáo dục.

Riêng bị cáo P.H.H (15 tuổi) quá trình điều tra, truy tố và xét xử bị cáo được tại ngoại để đi học. Trong vụ án này, H. khai đã nghe lời rủ rê nên chở các bị cáo khác mang theo hung khí đi chém nhau. Theo lời trình bày của chị L.T.T.D (chị gái của bị cáo), cha mẹ H. ly hôn và bỏ đi biệt tăm. Từ nhỏ H. sống với chị D. và em trai. Là lao động chính, chị D. phải đi làm để lo cho gia đình, nên không có thời gian dạy dỗ bị cáo H. chu đáo.

Kết thúc phiên tòa, người thân bị cáo đứng nán lại nhìn các bị cáo bị dẫn giải ra chiếc xe bít bùng. Thay vì chứng kiến các bị cáo khôn lớn, trở thành con người có ích cho xã hội, họ phải chứng kiến các bị cáo đứng trước tòa. Để xảy ra sự việc như hôm nay, cũng phải nói đến trách nhiệm quản lý, dạy dỗ con cái của bậc làm cha, mẹ.

 

Các bị cáo đã hoang phí cuộc đời

Tại phần luận tội, VKS đã đề nghị mức án đối với bị cáo B. từ 8 – 9 năm tù, bị cáo L. từ 5 năm 6 tháng – 6 năm 6 tháng tù và bị cáo H. từ 3 năm 9 tháng – 4 năm 9 tháng tù, 10 bị cáo còn lại từ 4 năm 6 tháng – 8 năm tù cùng về tội “cố ý gây thương tích”.

Sau khi các bị cáo nói lời sau cùng, HĐXX đã đưa ra quyết định nghị án kéo dài.

Trong phiên xét xử, theo lời HĐXX, khi phải triệu tập người thân của bị cáo đến phiên tòa và gặp các bị cáo trong hoàn cảnh mà không ai mong muốn. Hành vi của các bị cáo rất côn đồ khi tụ tập, rủ rê đi chém nhau, gây ra vụ hỗn chiến. Trong khi bạn bè của các bị cáo không ngừng học tập, trưởng thành để trở thành người tốt, đóng góp cho xã hội, các bị cáo ở độ tuổi đẹp nhưng lại hoang phí cuộc đời mình, vi phạm pháp luật.

SONG MAI

TNO