Nếu có triệu chứng nghi ngờ đậu mùa khỉ, nên làm gì?

Nếu có triệu chứng nghi ngờ đậu mùa khỉ, nên làm gì?

Xin bác sĩ cho biết đậu mùa khỉ có triệu chứng đặc trưng gì? Nếu nghi ngờ bị thì đi khám ở đâu? Cách chăm sóc thế nào? (C.Thắng, ngụ TP.HCM).

 

 

 

 

Bộ Y tế khuyến cáo: 6 việc cần làm ngay để phòng bệnh đậu mùa khỉ - 1

BS-CKI. Hoàng Văn Minh, Trưởng Trung tâm U Máu, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM – Cơ sở 3, trả lời:

Các triệu chứng của bệnh đậu mùa khỉ thường bao gồm sốt, đau đầu dữ dội, đau cơ, đau lưng, suy yếu, sưng hạch bạch huyết và phát ban da. Phát ban thường bắt đầu trong vòng 1 đến 3 ngày sau khi bắt đầu sốt. Tổn thương có thể phẳng hoặc hơi gồ lên, chứa đầy chất dịch trong suốt hoặc hơi vàng, sau đó có thể đóng vảy, khô và bong ra. Số lượng tổn thương trên một người có thể từ vài nốt đến vài nghìn nốt. Ban có xu hướng tập trung ở mặt, lòng bàn tay và lòng bàn chân. Chúng cũng có thể được tìm thấy trên miệng, bộ phận sinh dục và mắt.

Các triệu chứng thường kéo dài từ 2 đến 4 tuần và tự biến mất mà không cần điều trị.

Nếu bạn nghi ngờ mình có các triệu chứng là bệnh đậu mùa khỉ hãy báo với y tế địa phương. Hãy cho bác sĩ biết nếu bạn đã tiếp xúc gần với người đã nghi ngờ hoặc đã xác nhận mắc bệnh đậu mùa khỉ.

 

Chăm sóc và bảo vệ bản thân thế nào?

Bạn có thể giảm nguy cơ mắc bệnh đậu mùa khỉ bằng cách hạn chế tiếp xúc với những người đã nghi ngờ hoặc mắc bệnh.

Nếu bạn cần tiếp xúc trực tiếp với người bị bệnh đậu mùa khỉ vì bạn là nhân viên y tế hoặc sống cùng nhau, hãy khuyến khích người bị nhiễm bệnh tự cách ly và nên đeo khẩu trang y tế, đặc biệt khi họ đang ho hoặc có vết thương ở miệng. Bạn cũng nên đeo khẩu trang. Tránh tiếp xúc da với da và sử dụng găng tay dùng một lần, đeo khẩu trang khi phải xử lý bất kỳ quần áo hoặc ga trải giường của người bệnh nếu họ không thể tự làm.

Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước hoặc chất tẩy rửa có chứa cồn, đặc biệt là sau khi tiếp xúc với người bị nhiễm bệnh, quần áo, ga trải giường, khăn tắm và các vật dụng hoặc bề mặt khác mà người bệnh đã chạm vào hoặc có thể đã tiếp xúc với phát ban hoặc dịch tiết đường hô hấp (ví dụ: đồ dùng, bát đĩa). Giặt quần áo, khăn tắm và ga trải giường cũng như dụng cụ ăn uống của người bệnh bằng nước ấm và chất tẩy rửa. Làm sạch và khử trùng mọi bề mặt bị ô nhiễm và xử lý chất thải bị ô nhiễm (ví dụ: gạc, bông băng) một cách thích hợp.

Nếu bạn cho rằng mình có các triệu chứng hoặc từng tiếp xúc gần với người bị bệnh đậu mùa khỉ, hãy liên hệ với nhân viên y tế để được tư vấn, xét nghiệm và chăm sóc y tế. Nếu có thể, hãy tự cô lập và tránh tiếp xúc gần với những người khác. Vệ sinh tay thường xuyên và thực hiện các bước nêu trên để bảo vệ người khác khỏi bị nhiễm bệnh.

 

M.PHÚC

TNO