Chúa Nhật II Mùa Chay C, 2022: Biến đổi với Chúa Giêsu

Sau khi cùng vào hoang địa với Chúa Giêsu, Giáo Hội luôn mời gọi ta lên núi để cùng biến đổi cả diện mạo lẫn y phục của mình với Chúa Giêsu, vì chúng ta kết hợp thành một thân thể với Người. Nhưng nhiều người tín hữu không tin mình có thể biến đổi được như thế và cũng chẳng quan tâm đến việc cần phải làm gì để được biến đổi như vậy!

Chúa Nhật II Mùa Chay C, 2022

Biến đổi với Chúa Giêsu

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK

Lời mở

Sau khi cùng vào hoang địa với Chúa Giêsu, Giáo Hội luôn mời gọi ta lên núi để cùng biến đổi cả diện mạo lẫn y phục của mình với Chúa Giêsu, vì chúng ta kết hợp thành một thân thể với Người. Nhưng nhiều người tín hữu không tin mình có thể biến đổi được như thế và cũng chẳng quan tâm đến việc cần phải làm gì để được biến đổi như vậy!

1. Cuộc biến đổi khó tin

Nhiều tín hữu, khi nghe kể về biến cố hiển dung này (x. Lc 9,28-36), vẫn cho đó là việc riêng của Chúa Giêsu chứ không phải của mình.

Thật ra, biến cố này trước tiên mang ý nghĩa thúc đẩy các môn đệ giữ vững niềm tin, khi họ sắp cùng Chúa Giêsu bước vào cuộc khổ nạn. Họ được thấy vinh quang rạng ngời của Thầy mình (x. Lc 9,29.32) vì Người là người con đặc biệt của Thiên Chúa Cha. Người còn cao trọng hơn cả hai nhân vật lớn mà họ từng tôn kính, nhưng chưa biết mặt, là ông Môsê và ông Elia. Họ dường như được chạm vào thế giới siêu việt, phi thường của Thiên Chúa khiến họ sung sướng ngất ngây. Đến nỗi sau này Phêrô còn nhớ mãi kỷ niệm đó (x. 2Pr 1,16-18).

Giêsu hiển dung – Wikipedia tiếng Việt Nhưng có người vẫn cho đó chỉ là cảm nghiệm của 3 môn đệ đặc biệt, chứ không phải là của bất cứ môn đệ nào như chúng ta. Rất nhiều tín hữu đã quên mình là chi thể trong thân thể nhiệm mầu của Đức Giêsu Kitô, nên ai cũng có khả năng để biến đổi và cần phải biến đổi như thế, nhất là trong những trường hợp đặc biệt để làm chứng cho Đức Giêsu và cho Tin Mừng cứu độ của Người.

Nhiều tín hữu cũng quên rằng tinh thần của mỗi con người, vì được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa, nên đều có khả năng mở ra cho Đấng siêu việt cũng như với mọi thụ tạo. Học thuyết Xã hội Công giáo nhắc nhở ta rằng: “Nhờ trí khôn và ý chí, con người có thể nâng mình lên trên mọi thụ tạo và cả chính mình, độc lập và tự do trong quan hệ với thụ tạo, có thể vươn tới sự thật toàn diện và điều thiện tuyệt đối” (Tóm lược HTXHCG, số 130). Đời sống của nhiều vị thánh trong suốt dòng lịch sử đã chứng thực điều này.

Nhiều người chúng ta còn quên rằng: dù là một con người mang thể xác vật chất và bị giới hạn trong không gian và thời gian, nhưng mỗi người được Thiên Chúa ban cho những giá trị tinh thần vô tận. Đó là tình yêu, niềm vui, hạnh phúc, quyền năng, ân sủng và chân thiện mỹ. Nếu biết sử dụng và đào luyện các giá trị này, ta có thể phát huy chúng và làm cho đời mình tràn đầy ánh vinh quang.

Ví dụ cụ thể: khi xem các chương trình Siêu trí tuệ Việt Nam mùa 1 và mùa 2 năm 2019-2020 trên truyền hình HTV2 – Vie Channel, phát sóng trên VieOn và Youtube, chúng ta kinh ngạc về trí tuệ siêu đẳng của con người. Làm sao mấy em bé và các bạn trẻ có thể tính toán và tìm ra giải đáp cho những phép toán hết sức phức tạp trong vòng vài giây, vài phút. Làm sao có thể nhớ và truy xuất chính xác hàng ngàn sự kiện lịch sử thế giới hay nội dung hàng ngàn cuốn sách trong 1-2 giờ. Họ là những con người như chúng ta, các xung điện và các hạt hoá chất trong các tế bào thần kinh của họ cũng giống như ta. Vậy làm sao những con sâu xấu xí có thể hoá thành con bướm sặc sỡ như thế! Vậy làm sao có thể thực hiện được cuộc biến đổi này?

2. Thực hiện cuộc biến đổi tuyệt vời

Các môn đệ được tham dự vào biến cố này đã cảm thấy lạ lùng, hoảng sợ, không ý thức được mình đang sống trong thực tại hay ảo mộng. Các ông đã giữ im lặng, không kể lại cho ai biết. Cho đến khi Đức Giêsu từ cõi chết sống lại, các ông mới hiểu được ý nghĩa của biến cố và mới biết mình có thể và phải biến đổi như Đức Giêsu.

Như thế, điều kiện đầu tiên để có thể biến đổi kỳ diệu là phải kết hợp mật thiết với Đức Giêsu để Người chuyển thông cho ta sự sống lạ lùng của chính Thiên Chúa.

Qua bí tích Rửa Tội và các bí tích khác, nhất là với bí tích Thánh Thể và Thêm Sức, mỗi tín hữu chúng ta đã cùng chết với Đức Giêsu nên cũng được cùng sống lại và chia sẻ vinh quang với Người. Vì thế, thánh Phaolô nói với chúng ta hôm nay: “Chúng ta nóng lòng mong đợi Đức Giêsu Kitô từ trời đến cứu chúng ta. Người có quyền năng khắc phục muôn loài, và sẽ dùng quyền năng ấy mà biến đổi thân xác yếu hèn của chúng ta nên giống thân xác vinh hiển của Người” (Phl 3,20-21).

Điều kiện tiếp theo là lên núi và cùng cầu nguyện với Chúa Giêsu. Thánh Lucas đã ghi nhận điều này (x. Lc 9,28) “Đang lúc Người cầu nguyện, dung mạo Người bỗng đổi khác, y phục Người trở nên trắng tinh, chói loà”. Lên núi là chúng ta biết hướng tinh thần của mình lên cao, vượt lên trên những tính toán nhỏ nhen, những tham vọng ích kỷ, những dục vọng tầm thường để mở ra cho những giá trị cao đẹp, những ước vọng sống hào hùng, những chương trình cứu độ con người và thế giới như Chúa Giêsu. Cho nên, trong câu chuyện trên núi, Chúa Giêsu nói với những người hiện diện về cuộc xuất hành Người sắp hoàn thành tại Giêrusalem.

Cuộc xuất hành đó chính là việc Đức Giêsu sẽ giải phóng toàn thể nhân loại và vũ trụ bằng cái chết, sự phục sinh và lên trời của Người (x. Lc 9,31). Do đó, ông Moise và Elia trò chuyện với Chúa Giêsu như để khích lệ và nâng đỡ Người. Có hướng tâm hồn lên cao như thế, ta mới có thể được hoà vào đám mây sáng bao phủ. Đám mây này tượng trưng cho Chúa Thánh Thần mà ĐGH Gioan Phaolô II đã giải thích. Có hướng tâm hồn lên cao, ta mới được nghe tiếng Chúa Cha nói với Chúa Giêsu và cũng là nói với ta rằng: “Đây là Con Ta, người được Ta tuyển chọn, hãy vâng nghe lời Người”.

Điều kiện thứ ba là phải xuống núi cùng với Chúa Giêsu để hành động với Người. Xuống núi, khuôn mặt Chúa Giêsu không còn toả sáng. Vinh quang toả ra trên khuôn mặt của Đức Giêsu đã có sẵn từ muôn thuở do Chúa Cha ban cho Người. Nhưng khi mang thân phận con người bình thường, Người đã tự huỷ mình ra không và ẩn giấu vinh quang thần linh đó khỏi mắt người đời (x. Phl 2,6-7) để tôn trọng tự do của họ. Người không muốn ai theo Người một cách mù quáng vì bị ánh sáng của những dấu lạ Người làm.

Mỗi người chúng ta cũng phải nhận ra các tiềm năng thuộc về tinh thần của mình đã được Chúa Cha ban cho từ muôn thuở. Đó là lý trí, ý chí, tình cảm. Đó là trí hiểu, trí nhớ, tình yêu. Đó là niềm vui, tự do, hạnh phúc. Đó là chân thiện mỹ và muôn ân huệ của Chúa Thánh Thần. Chúng ta phải đào luyện, phải sử dụng, phải làm phát triển chúng bằng việc học hành, tìm hiểu thực tế thì cuộc đời của chúng ta mới tràn ngập ánh vinh quang của Thiên Chúa. Như thế, cuộc biến đổi nơi chúng ta không phải là ngẫu nhiên và đột ngột. Nhưng là một tiến trình dài, thể hiện dần dần trong thể xác và tinh thần của ta như con sâu biến đổi từng giây để một ngày kia trở thành con bướm xinh đẹp tuyệt vời như Đức Giêsu Phục Sinh.

Lời kết

Vì thế, chúng ta hãy cùng lên núi và xuống núi với Chúa Giêsu để biến đổi toàn diện con người mình. Amen.

HKK