Quyền chuyển đổi giới tính: Cần nghĩ đến cộng đồng nửa triệu người

Quyền chuyển đổi giới tính: Cần nghĩ đến cộng đồng nửa triệu người

Đại sứ Thuỵ Điển tại Việt Nam và quyền điều phối viên thường trú của Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam có bài viết về việc bảo vệ thực thụ cho quyền của cộng đồng chuyển đổi giới tính tại Việt Nam.

 

Quyền chuyển đổi giới tính: Cần nghĩ đến cộng đồng nửa triệu người - Ảnh 1.

Xã hội của chúng ta đang đặt ra nhiều trở ngại cho những người chuyển giới được sống tự do theo bản dạng giới của mình – Ảnh: ĐẠI SỨ QUÁN THỤY ĐIỂN

Trên văn bản, Việt Nam đã thực hiện bước quan trọng tiến tới đảm bảo quyền được công nhận bản dạng giới của người chuyển giới.

Bây giờ đã đến thời điểm ban hành khung pháp lý đang trong quá trình xây dựng nhằm thực thi và triển khai trên thực tế điều khoản trong Bộ luật dân sự có liên quan.

Việc Việt Nam đưa vào quy định về quyền được công nhận của người chuyển giới trong Bộ luật dân sự năm 2015 đã đánh dấu một bước tiến quan trọng. Tuy nhiên, pháp luật để thực hiện các quy định liên quan và đảm bảo các quyền đó trên thực tế vẫn còn đang được hình thành.

Dự thảo luật hiện đang được soạn thảo cần phải tính đến thực tế đã trải qua của con số ước tính khoảng 290.000-480.000 người đã được xác định là chuyển giới trong cả nước.

Xã hội của chúng ta đang đặt ra nhiều trở ngại cho những người chuyển giới được sống tự do theo bản dạng giới của mình. Hình dáng bên ngoài của họ có thể không tương ứng với giới tính của họ, có nghĩa là nhận định giới tính pháp lý là nam hay nữ trên các giấy tờ chính thức.

Vì vậy, bất cứ khi nào một người chuyển giới nam hay nữ gửi hồ sơ xin việc, muốn lấy bằng lái xe, hoặc phải làm bất cứ thủ tục hành chính đơn giản nào khác, thì họ đều gặp phải rào cản.

Chính điều này đã ngăn cản sự tham gia hiệu quả của họ trong xã hội trên cơ sở bình đẳng. Ví dụ, cứ ba người chuyển giới nữ ở Việt Nam thì có một người bị từ chối thuê nơi ở hoặc bị đuổi ra khỏi nơi sinh sống.

Một người chuyển giới nam cho biết về sau này anh ấy muốn kết hôn hợp pháp với bạn gái lâu năm của mình, nhưng hiện nay là chưa thể vì giới tính pháp lý trên giấy tờ tùy thân của anh ấy vẫn ghi là nữ.

Những trường hợp như vậy đã phủ nhận bản dạng giới tự xác định của một người, thông qua việc áp đặt các hạn chế không tương ứng với bản dạng giới hoặc thực tế cuộc sống của họ trong cộng đồng và xã hội.

Sự kỳ thị và phân biệt đối xử có thể gây ra nhiều tác hại. Gần 87% người chuyển giới nam và 75% người chuyển giới nữ đã phải thay đổi ngoại hình theo những kiểu cách không phù hợp với bản dạng của họ.

Tỉ lệ trầm cảm và có ý định tự tử trong cộng đồng người chuyển giới cao hơn nhiều so với tỉ lệ trung bình của cả nước. Gần 40% người chuyển giới tại Việt Nam cho biết có ý định tự tử với gần một nửa trong số đó đã cố tự tử. Nỗ lực tự sát đầu tiên của người chuyển giới trong nhóm này là vào khoảng 15 tuổi.

Quyền chuyển đổi giới tính: Cần nghĩ đến cộng đồng nửa triệu người - Ảnh 2.

Người chuyển giới ở Việt Nam là bộ phận không thể tách rời của gia đình và cộng đồng, giống như bất kỳ thành viên nào khác trong gia đình hoặc cộng đồng – Ảnh: ĐẠI SỨ QUÁN THUỴ ĐIỂN

Với việc ban hành điều 37 của Bộ luật dân sự 2015, Chính phủ Việt Nam đã cam kết xây dựng khuôn khổ pháp lý quy định cách thức thay đổi giới tính pháp lý của một người. Công việc đang được triển khai liên quan tới dự thảo đầu tiên của khuôn khổ này, làm sáng tỏ những thách thức mà người chuyển giới phải đối mặt và tìm kiếm giải pháp cho tình trạng bất định về pháp lý mà cuộc sống của họ đang gặp phải.

Người chuyển giới ở Việt Nam là bộ phận không thể tách rời của gia đình và cộng đồng, giống như bất kỳ thành viên nào khác trong gia đình hoặc cộng đồng, nhưng việc họ vẫn bị ngăn cản khi tham gia vào xã hội với cùng cách thức như vậy và trên cơ sở bình đẳng.

Việc không được pháp luật thừa nhận về bản dạng giới gây cản trở tới sự tham gia hiệu quả của họ vào xã hội và lực lượng lao động của Việt Nam cũng như khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe của họ.

Mục tiêu của gần nửa triệu người ở Việt Nam xác định là người chuyển giới là đảm bảo rằng nhân phẩm và quyền con người của họ cần phải được tôn trọng; rằng họ có thể trở thành những công dân có ích, đóng góp cho cộng đồng của họ; và được bảo vệ khỏi tình trạng bạo lực, kỳ thị và phân biệt đối xử.

Bằng chứng ở nhiều quốc gia cho thấy có những lợi ích cụ thể và thiết thực do pháp luật và chính sách mang tính bao trùm mang lại – bao gồm cả những lợi ích kinh tế rộng lớn hơn. Các quốc gia nào nỗ lực bao trùm đầy đủ tất cả mọi người thì có nhiều khả năng hơn trong nâng cao kỹ năng nguồn vốn con người, xây dựng nền kinh tế đổi mới, sáng tạo hơn và phục hồi sau những cú sốc của các cuộc khủng hoảng hiện tại và tương lai, bao gồm đại dịch COVID-19.

Sự ra đời của Luật chuyển đổi giới tính cũng nhằm đáp ứng nhận thức ngày càng được nâng cao và sự chấp nhận của cộng đồng về tầm quan trọng của việc bảo vệ và tôn trọng quyền con người của người chuyển giới. Nhiều quốc gia và khu vực đang cải cách luật pháp về vấn đề này nhằm đảm bảo cho người chuyển giới có thể đề nghị được thay đổi giới tính pháp lý.

Ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, chỉ có một số quốc gia hoặc tỉnh công nhận tầm quan trọng của việc người chuyển giới được tiếp cận với sự công nhận pháp lý về bản dạng giới. Việt Nam có cơ hội quan trọng để trở thành quốc gia đi đầu trong khu vực về quyền của người chuyển giới.

Để thực hiện được điều này, điều quan trọng đối với Việt Nam là phải đảm bảo rằng quyết định về xác định giới tính trước hết phải là quyết định của cá nhân, với nền tảng là quyền tự quyết. Điều quan trọng trong cuộc tranh luận này là sự công nhận rằng một người có thể đề nghị thay đổi giới tính của mình mà không bị buộc phải trải qua các can thiệp y học xâm lấn.

Mặc dù một số người lựa chọn thực hiện các phương pháp điều trị nội tiết tố và can thiệp phẫu thuật (những phương pháp này phải dễ tiếp cận và an toàn) nhưng những điều này không phải là điều kiện tiên quyết để cá nhân có thể đề nghị được thay đổi giới tính hợp pháp.

Quyền chuyển đổi giới tính: Cần nghĩ đến cộng đồng nửa triệu người - Ảnh 3.

Người chuyển giới có rất nhiều đóng góp cho xã hội của chúng ta và cho cộng đồng của họ – Ảnh: FTM

Thẩm quyền cao nhất trên toàn cầu về (diễn giải) các hiệp ước nhân quyền đã được Việt Nam phê chuẩn, chẳng hạn như Cao ủy Nhân quyền và Chuyên gia độc lập về khuynh hướng tính dục và bản dạng giới, đã nhấn mạnh rằng việc yêu cầu can thiệp y học như một điều kiện để được công nhận giới tính hợp pháp thường dẫn đến việc đối xử vô nhân đạo hoặc hạ thấp nhân phẩm và bị cấm bởi Công ước chống tra tấn Liên Hiệp Quốc

Hơn nữa, bản mới nhất của Bảng phân loại quốc tế về bệnh tật do Đại hội đồng Y tế thế giới thông qua đã đề cập rõ rằng chỉ tình trạng chuyển giới thì không cấu thành bất kỳ bệnh tật hay rối loạn nào. Cũng cần khẳng định rằng ở những cá nhân nào vẫn liên tục tồn tại sự không đồng nhất giữa giới tính trải nghiệm và giới tính khi sinh, thì cần có quyền tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc y tế về chuyển đổi giới tính.

Hơn nữa, các quy định cấm phân biệt đối xử đề cập rõ rằng yêu cầu về tình trạng hôn nhân ‘không có chỗ’ trong thủ tục đề nghị thay đổi giới tính hợp pháp, vì điều này sẽ vi phạm nguyên tắc bình đẳng. Nguyên tắc này được ghi nhận trong Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị, Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa, Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ và các điều ước khác mà Việt Nam đã phê chuẩn.

Một số quốc gia đã mở đường cho vấn đề này, đảm bảo khả năng tiếp cận rộng rãi với khả năng chuyển đổi giới tính hợp pháp, bất kể quốc gia đó đã hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới hay chưa.

Điều quan trọng là không phá vỡ các gia đình đang chung sống yên ổn, hoàn cảnh sống và mối gắn kết trong quan hệ cá nhân, và do đó khuyến nghị đề ra là bất kỳ cuộc hôn nhân nào vẫn tiếp tục có hiệu lực nếu hôn nhân là hợp pháp vào thời điểm kết hôn.

Thời điểm hiện tại là thích hợp, vì cộng đồng người chuyển giới tại Việt Nam đã chờ đợi điều này trong nhiều năm với kỳ vọng lớn lao về những quy định được hứa hẹn sẽ lấp đầy những khoảng trống quan trọng về pháp lý mà họ phải đối mặt trong cuộc sống hằng ngày. Người chuyển giới có rất nhiều đóng góp cho xã hội của chúng ta và cho cộng đồng của họ. Luật pháp cần phải phản ánh thực tế cuộc sống của họ để họ có thể sống hết mình.

*(1) Trong bài viết này, thuật ngữ “chuyển giới” được dùng để chỉ bất kỳ người nào có bản dạng giới khác với giới tính khi sinh của người đó. Một người chuyển giới có thể được xác định là nam, nữ, người chuyển giới nam, người chuyển giới nữ, là một người đa dạng về giới hoặc phi nhị nguyên giới hoặc theo các thuật ngữ khác.

(2) Điều 37 Bộ luật dân sự: “Việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của luật. Cá nhân đã chuyển đổi giới tính có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch; có quyền nhân thân phù hợp với giới tính đã được chuyển đổi theo quy định của bộ luật này và luật khác có liên quan”.

 Ann Måwe, đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam và Rana Flowers, quyền điều phối viên thường trú của Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam, là đồng chủ tịch của Nhóm hoạt động không chính thức về Điều phối chính sách giới của các đại sứ và trưởng đại diện các tổ chức phát triển quốc tế.

ANN MAWE – RANA FLOWERS
TTO