Người dân Afghanistan tìm đường vượt biên qua ngõ Iran

Người dân Afghanistan tìm đường vượt biên qua ngõ Iran

“Nếu các bạn trải qua cái nghèo, cái đói và cái khổ của dân tộc chúng tôi, thì các bạn cũng đi sang phía bên kia biên giới” – ông Mohammad Nasim, một người dân Afghanistan tìm cách vượt biên sang Iran, chia sẻ.

Người dân Afghanistan tìm đường vượt biên qua ngõ Iran - Ảnh 1.

Số người tìm cách vượt biên từ Afghanistan sang Iran đã tăng lên từ 3.000 – 4.000 người mỗi ngày – Ảnh: AFP

Ngày 9-10, Hãng tin AFP đưa tin số người Afghanistan tìm cách vượt biên sang Iran đã tăng vọt kể từ lúc lực lượng Taliban lên nắm quyền cách đây gần hai tháng.

Trước khi Taliban nắm quyền kiểm soát Afghanistan vào ngày 15-8 năm nay, khoảng 1.000 – 2.000 người đã vượt biên sang Iran mỗi tháng thông qua cửa khẩu Zaranj ở tỉnh Nimroz, tỉnh tây nam Afghanistan.

Tuy nhiên, chia sẻ với Hãng tin AFP, ông Mohammad Hashem Hanzaleh, một chỉ huy phụ trách khu vực biên giới của tỉnh Nimroz, cho biết hiện nay số người tìm cách vượt biên sang Iran đã tăng lên từ 3.000 – 4.000 người mỗi ngày.

Sự gia tăng nói trên được ghi nhận trong bối cảnh cuộc khủng hoảng kinh tế và nhân đạo đang tàn phá Afghanistan. Liên Hiệp Quốc đã cảnh báo 1/3 dân số Afganistan có thể đối mặt với nạn đói.

Tuy nhiên, ông Hanzaleh cho biết rất ít người sang được phía Iran vì nhiều người không có đủ các loại giấy tờ cần thiết.

Ông Hanzaleh nói rằng các thương nhân, những người có thị thực để cư trú cũng như những người có thị thực để khám chữa bệnh “không bị các lực lượng Iran ngăn cản”. Khoảng vài trăm người được phép qua lại mỗi ngày.

Trong khi đó, đối với những người không có giấy tờ, cuộc vượt biên là quá trình gian nan. “Các binh sĩ Iran đã lấy tiền của chúng tôi. Họ đánh vào tay chúng tôi” – ông Hayatullah, với bàn tay bị thương được băng bó, kể lại.

Một người khác tên Mohammad Nasim cho biết ông đã bị cản trở 3 lần và bị đánh đập khi tìm cách vượt qua bức tường biên giới. Ông kể lại lính biên phòng Iran đã nổ súng và giết chết 2 người tìm cách vượt biên, trong đó có một người bạn của ông.

“Nếu các bạn trải qua cái nghèo, cái đói và cái khổ của dân tộc chúng tôi, thì các bạn cũng đi sang bên kia biên giới. Chúng tôi không có bất kỳ giải pháp nào khác” – ông Mohammad Nasim chia sẻ.

BÌNH AN
TTO