Công nhân treo bảng cầu cứu sữa cho con, nghẹn ngào khi nhận được hỗ trợ

Công nhân treo bảng cầu cứu sữa cho con, nghẹn ngào khi nhận được hỗ trợ

Thất nghiệp vì dịch Covid-19, nhiều hộ công nhân ở trọ gặp khó khăn, con nhỏ kêu khóc mỗi ngày vì thiếu sữa, họ đã tự treo bảng ngay trước các hẻm phong toả để cầu cứu sữa cho con…
Vì quá khó khăn và không còn kinh tế trang trải, nhiều hộ công nhân đã treo bảng trước các khu phong toả để cầu cứu sữa cho con /// HOA NỮ
Vì quá khó khăn và không còn kinh tế trang trải, nhiều hộ công nhân đã treo bảng trước các khu phong toả để cầu cứu sữa cho con  HOA NỮ
Chứng kiến thực tế nhiều hộ công nhân phải treo bảng, gọi điện đến đường dây nóng để cầu cứu sữa cho con, Hội đồng Đội T.Ư cùng với Trung tâm Công tác xã hội thanh thiếu niên Việt Nam (T.Ư Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam) và Đoàn Cơ sở Báo Thanh Niên thực hiện chương trình Hỗ trợ sữa cho con em công nhân ở trọ gặp khó khăn vì dịch Covid-19. Sáng nay (29.8), chương trình đã trao tặng 1200 phần sữa (tương đương 24.000 bịch sữa) cho con em công nhân tại TP.HCM.
Công nhân treo bảng cầu cứu sữa cho con, nghẹn ngào khi nhận được hỗ trợ - ảnh 1

Xót xa với hình ảnh công nhân treo bảng cầu cứu sữa cho con

Không còn tiền phải treo bảng, gọi điện cầu cứu sữa cho con

Cách đây một tuần, chị Phan Thị Tài Linh, trọ trên đường Lê Văn Lương (xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè) đã gọi điện đến cho chúng tôi, giọng mếu máo cầu cứu sữa cho con.
Trao đổi với người viết, chị Linh kể từ khi đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát đến nay, chị và chồng thất nghiệp đã hơn 3 tháng. Gia đình có 2 con nhỏ, bé lớn 9 tuổi bị chậm phát triển, bé nhỏ 23 tháng tuổi. Trước đó gia đình nằm trong khu phong tỏa 21 ngày do có liên quan đến ca nhiễm Covid-19, ngày 12.7 chồng chị không may dương tính nên được đưa đi điều trị cách ly tại Khu cách ly tập trung huyện Nhà Bè. Đến nay đã khoẻ bệnh trở về khu trọ nhưng kinh tế gia đình đã suy kiệt, con quấy khóc mỗi ngày vì không có sữa.
“Hai vợ chồng giờ không còn đồng bạc nào trong túi cả, trước đó mình đã mượn đỡ 300.000 đồng của hàng xóm để mua thức ăn và sữa cho con, nhưng dịch bệnh ai cũng khó khăn, đâu thể mượn được mãi. Thật sự người lớn như mình ăn gì cũng được, có hủ chao với mì tôm ăn ngày này qua ngày khác cũng được, rồi các nhà hảo tâm cho rau, cho gạo thì ăn thêm. Chỉ có con nít, các con đâu thể ăn như mình được. Bé nhỏ không có sữa là cứ quấy khóc suốt, các con thiếu sữa gần 3 tháng nay rồi mà 2 vợ chồng không có tiền để mua sữa cho con”, chị Linh chia sẻ.
Nghe tin được hỗ trợ sữa, chị Linh nghẹn ngào bày tỏ với người viết: “Ôi, nghe được hỗ trợ sữa cho con mà mình mừng quá chừng luôn. Nhìn thấy con nhỏ không có sữa uống mình xót lắm, tối qua chồng mình cũng mới vừa gọi điện lên đường dây nóng để cầu cứu sữa cho con. Giờ nhận được sữa từ chương trình, mình không biết nói sao để bày tỏ hết lòng biết ơn”.
Công nhân treo bảng cầu cứu sữa cho con, nghẹn ngào khi nhận được hỗ trợ - ảnh 3
Công nhân treo bảng cầu cứu sữa cho con, nghẹn ngào khi nhận được hỗ trợ - ảnh 4

Những phần sữa đến tận tay cho con em công nhân ở trọ gặp khó khăn vì dịch Covid-19

Cũng thất nghiệp vì dịch Covid-19 nhiều tháng nay, vợ chồng chị Trần Thị Thới, trọ tại khu lưu trú công nhân Trung Nguyên (xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè) chia sẻ: “Cả 2 vợ chồng đều làm công nhân, dịch bệnh là coi như thất nghiệp hết luôn. Vừa tiền ăn uống, sinh hoạt rồi tiền trọ nên 2 vợ chồng gần như hết khả năng chi trả, vì thế làm gì có tiền mua sữa cho con. Lâu nay là bé gần như không có sữa, thương con nhưng mà biết sao giờ, dịch bệnh khó khăn nên đành phải chịu. Nay được nhận hỗ trợ sữa thế này, mình vui mừng và biết ơn quá chừng”.

Các em đang cần sự chung tay của cả cộng đồng

Do tình hình dịch bệnh, nên ngoài những phần sữa đã trao tận tay cho con em công nhân ở khu lưu trú Trung Nguyên (huyện Nhà Bè) sáng nay, ban tổ chức chương trình đã phối hợp với các quận, huyện đoàn ở TP.HCM để hỗ trợ việc chuyển những phần sữa còn lại đến từng hộ công nhân.
Công nhân treo bảng cầu cứu sữa cho con, nghẹn ngào khi nhận được hỗ trợ - ảnh 5
Công nhân treo bảng cầu cứu sữa cho con, nghẹn ngào khi nhận được hỗ trợ - ảnh 6
Dưới góc độ là đơn vị tiếp nhận để chuyển những phần quà này đến tận tay cho con em công nhân gặp khó khăn trên địa bàn huyện Nhà Bè, Phạm Minh Tâm (Phó Bí thư Huyện đoàn Nhà Bè) cho biết do việc giãn cách xã hội kéo dài khiến cho công nhân gặp rất nhiều khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày. Bên cạch việc chi tiêu trong ăn uống, tiền thuê phòng, điện, nước thì gánh nặng sữa cho con nhỏ cũng là một nỗi trăn trở rất lớn, đã có nhiều trường hợp trẻ nhỏ thiếu sữa dài ngày do cha mẹ bé không còn khả năng mua sữa cho con.
Công nhân treo bảng cầu cứu sữa cho con, nghẹn ngào khi nhận được hỗ trợ - ảnh 7

150 phần sữa cho phường Phú Thuận, Q.7

“Trước tình hình trên, thời gian qua phía Huyện Đoàn, Hội Liên hiệp Thanh niên, Hội đồng Đội huyện Nhà Bè cũng đã đồng hành tổ chức vận động thực hiện chương trình “Ly sữa yêu thương” dành tặng cho các bé là con em thanh niên công nhân với hơn 6.000 ly sữa đã được trao. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là con số khiêm tốn trong tình hình khó khăn chung hiện nay. Vì vậy, khi nhận được sự hỗ trợ 600 phần sữa (tương đương 12.000 ly sữa) từ chương trình, chúng tôi rất phấn khởi, rất mừng vì sẽ có 600 trẻ nhỏ của huyện sẽ không còn khát sữa trong những ngày tới, giúp cho cha mẹ các bé thêm an tâm chấp hành quy định giãn cách xã hội, cùng nhau vượt qua dịch bệnh, đưa cuộc sống sớm trở về trạng thái bình thướng mới”, Phạm Minh Tâm gửi lời cảm ơn.
Công nhân treo bảng cầu cứu sữa cho con, nghẹn ngào khi nhận được hỗ trợ - ảnh 8
Công nhân treo bảng cầu cứu sữa cho con, nghẹn ngào khi nhận được hỗ trợ - ảnh 9

300 phần sữa trao tặng cho phường Long Thạnh Mỹ và phường Linh Xuân, TP. Thủ Đức

Chị Nguyễn Phạm Duy Trang, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Công tác thiếu nhi T.Ư Đoàn, Phó chủ tịch thường trực Hội đồng Đội T.Ư cho biết chương trình Hỗ trợ sữa cho con em công nhân ở trọ khó khăn vì dịch Covid-19 mà Hội đồng Đội T.Ư cùng với Trung tâm Công tác xã hội thanh thiếu niên Việt Nam (T.Ư Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam) và Đoàn Cơ sở Báo Thanh Niên thực hiện lần này là tiếp nối của chương trình “Chia sẻ cùng em thơ, chung tay vượt qua đại dịch”. Từ khi dịch Covid-19 bùng phát tại nước ta đến nay, chương trình “Chia sẻ cùng em thơ, chung tay vượt qua đại dịch” đã được triển khai rộng khắp tại 63 tỉnh, thành, đặc biệt là các tỉnh thành bị ảnh hưởng lớn bởi dịch bệnh, để có thể san sẻ và hỗ trợ kịp thời nhất cho các em.

Với mong muốn chăm lo, hỗ trợ thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, bằng tinh thần “Không ai bị bỏ lại phía sau”, từ năm 2020 đến nay, Hội đồng Đội T.Ư triển khai chương trình “Triệu ly sữa và hành trình của những cuốn sách”. Đến nay, chương trình đã vận động và trao tặng được hơn 2 triệu ly sữa, hơn 200.000 cuốn sách với tổng trị giá hơn 15 tỷ đồng.

Song song với đó, trong tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Hội đồng Đội T.Ư tiếp tục triển khai chương trình “Chia sẻ cùng em thơ, chung tay vượt qua đại dịch”. Chương trình với mong muốn bên cạnh việc hỗ trợ sữa, sách cho các em trong việc sinh hoạt tại nhà thì có thể hỗ trợ, trang bị thêm trong học tập, sinh hoạt tại trường học như: hỗ trợ vở, đồ dùng học tập, học bổng… cho con em của thanh niên công nhân tại một số địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn và địa bàn, nơi tập trung đông thiếu nhi.

“Thực tế chúng ta thấy, việc hỗ trợ nhu yếu phẩm như gạo, rau củ quả…đa phần là phục vụ nhiều cho nhu cầu của người lớn. Còn đối với trẻ em thì cần thiết lúc này là những bữa ăn dinh dưỡng, nhất là sữa. Đặc biệt là các em ở độ tuổi nhỏ mà mẹ không có sữa, hay gia đình gặp khó khăn vì dịch bệnh, không có kinh tế trang trải đã phải cầu cứu sữa cho con. Chính vì thế, nhu cầu sữa cho các bé là con em công nhân, người lao động khó khăn trong tình hình dịch bệnh này là rất cấp thiết. Sắp tới, chúng tôi sẽ tiến đến thực hiện chương trình sữa bột cho những trẻ dưới 3 tuổi, vì ở lứa tuổi này các em rất cần sữa bột. Chúng tôi rất mong các đơn vị sẽ chung tay, chia sẻ và đồng hành cùng chương trình trao tặng sữa để quan tâm, hỗ trợ nhiều hơn nữa cho trẻ em trong mùa dịch. Các em đang rất cần sự chung tay của cả cộng đồng”, chị Trang gửi gắm.
HOA NỮ
TNO