Làm gì khi chợ, siêu thị đều sợ có ca nhiễm?

Làm gì khi chợ, siêu thị đều sợ có ca nhiễm?

Trong ngày 29-6, TP.HCM có thêm nhiều chợ, siêu thị phải tạm ngưng hoạt động vì liên quan các ca COVID-19. Làm sao giữ ổn định phòng tuyến thực phẩm và người dân cần làm gì để an toàn khi đi chợ trong mùa dịch?

 

Làm gì khi chợ, siêu thị đều sợ có ca nhiễm? - Ảnh 1.

Siêu thị Co.opmart Nhiêu Lộc, quận 3, TP.HCM sắp xếp mỗi lượt 20 khách hàng vào mua sắm (ảnh chụp sáng 29-6) – Ảnh: QUANG ĐỊNH

Theo ông Huỳnh Thanh Trường – đại diện chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh), chợ đã phong tỏa khu 5 (có trên 206 sạp) vì có trường hợp liên quan ca nhiễm COVID-19.

Phải đóng cửa nhiều sạp hàng

Còn lại 2 khu khác trong chợ cũng áp dụng giảm mạnh số người bán với hiện còn khoảng 100 sạp, bằng 1/3 so với bình thường để thực hiện giãn cách các quầy sạp ra xa.

Ngay trong sáng 29-6, chợ Bà Chiểu tiếp nhận thông tin một ca COVID-19 liên quan khu bán rau cá nên cả khu này lập tức được phun thuốc khử khuẩn, lực lượng chức năng cũng đã khoanh vùng, đóng cửa luôn cả khu này với khoảng 150 tiểu thương phải ngưng kinh doanh.

Bên cạnh đó, chợ đã triển khai lấy khoảng 900 mẫu xét nghiệm cho thương nhân, cán bộ chợ, người dân sống trong khu chợ. Tuy nhiên, đến thời điểm này chưa phát hiện ca dương tính nào.

Đại diện ban quản lý chợ Tam Bình (TP Thủ Đức) cũng xác nhận chợ tạm ngưng hoạt động trong vòng 7 ngày, bắt đầu từ 21h ngày 28-6 sau khi có các trường hợp ở khu vực gần chợ liên quan ca COVID-19. Trưa 29-6, xung quanh chợ đều được giăng dây không cho người ra vào. Lối đi vào chợ có người trực gác.

Theo ông Hải – chủ sạp dừa tại đầu cổng chợ Tam Bình, việc chợ đóng cửa đột ngột khiến ông không kịp trở tay bởi hơn 700 trái dừa được nhập lên tới nơi. Tuy nhiên, ông Hải nói dù tồn đọng hàng nhưng theo quy định chung nên phải chấp hành.

Trong khi đó, các hộ dân xung quanh chợ Tam Bình cũng cho biết chịu nhiều ảnh hưởng trong sinh hoạt hằng ngày từ việc chợ đóng cửa.

Bà Trần Bích Hồng – hộ dân sống bên hông chợ – cho biết chợ đóng cửa nên bà đã gọi mua hàng tại siêu thị gần đó để họ giao tận nhà, còn không thì gửi nhờ người khác đi chợ khác, xa hơn để mua nhu yếu phẩm hằng ngày.

Giữ ổn định phòng tuyến thực phẩm

Tương tự các chợ truyền thống, tại kênh siêu thị, cửa hàng thực phẩm đến nay cũng ghi nhận hơn 40 điểm bán phải tạm dừng mở cửa để phòng, chống dịch.

Trong đó, ngày 29-6 siêu thị MM Market (phường An Phú, quận 2) đã đóng cửa vì liên quan một ca COVID-19. Trước đó, siêu thị Big C Miền Đông, AEON Mall Tân Phú, Vincom Thảo Điền… cũng phải tạm dừng do có liên quan ca COVID-19.

Theo các nhà bán lẻ, thông thường các điểm này phải đóng cửa ít nhất 7 ngày và sau khi tuân thủ các quy định, kiểm dịch an toàn mới được mở cửa trở lại.

Tuy nhiên, trước diễn biến dịch căng thẳng, việc đóng cửa trên diện rộng và dài ngày sẽ ảnh hưởng nguồn cung ứng hàng hóa cho người dân. Do đó, nhiều nhà bán lẻ cho biết họ phải “căng mình” giữ phòng tuyến thực phẩm sao cho ổn định, không bị đứt gãy.

Rất nhiều nhà bán lẻ đã kiến nghị cơ quan chức năng TP cần tạo điều kiện cho doanh nghiệp được vận chuyển hàng hóa ra khỏi khu vực kinh doanh trong thời gian thực hiện phong tỏa, phun khử khuẩn…

Ngoài ra, cơ quan quản lý cũng nên xem xét rút ngắn thời gian phong tỏa, dựa trên khả năng thực hiện các quy định về phòng, chống dịch an toàn của cơ quan y tế.

“Với các điểm mua sắm không may có ca F0, chúng ta cho tạm ngưng hoạt động mua sắm tại chỗ. Thế nhưng các cơ quan cũng cần cho phép duy trì hoạt động bán hàng online nhằm duy trì được mạng lưới phân phối hàng hóa thiết yếu cho người dân, bình ổn giá cả” – đại diện một nhà bán lẻ bày tỏ thêm.

Người dân cần làm gì để an toàn khi đi chợ trong mùa dịch?

Ngày 29-6, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) ban hành hướng dẫn phòng chống COVID-19 tại chợ đầu mối, chợ dân sinh. Theo đó, trách nhiệm người mua hàng cần:

Không đi chợ khi đang trong giai đoạn cách ly tại nhà hoặc có các biểu hiện sốt, ho, khó thở.

Phải đeo khẩu trang khi vào chợ, giữ khoảng cách tối thiểu 1,5m khi xếp hàng tại lối vào, khi thanh toán, khi trao đổi với người bán hàng.

Rửa tay với dung dịch sát khuẩn trước khi vào chợ và khi ra về.

Khai báo y tế hằng ngày tại website: https://khaibaoyte.khambenh.gov.vn/

Không khạc, nhổ; vứt rác, khẩu trang bừa bãi; che miệng và mũi khi ho, hắt hơi.

Tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 riêng của ban quản lý chợ (nếu có).

Để hạn chế số lần đi chợ, bác sĩ Đinh Thị Hải Yến – trưởng khoa truyền thông giáo dục sức khỏe HCDC – khuyến khích người dân có thể mua nhiều thực phẩm sử dụng trong vòng 2-3 ngày, trong đó cần đặc biệt chú ý việc bảo quản thực phẩm đúng cách và phù hợp với dung tích tủ lạnh của gia đình, tránh nhồi nhét thực phẩm quá nhiều.

X.MAI ghi

NH.BÌNH – NG.HIỂN – NG.TRÍ
TTO