Khó chịu cảnh con nít mè nheo, nhưng khi có con họ như thay đổi hoàn toàn

Khó chịu cảnh con nít mè nheo, nhưng khi có con họ như thay đổi hoàn toàn

Nhiều người vẫn tin rằng do mối dây máu mủ nên tự nhiên sinh ra thứ tình cảm đặc biệt giữa cha mẹ và con cái. Thế nhưng phải chăng chính sự chăm sóc, gần gũi của cha mẹ với con cái đã tạo ra tình yêu thương sâu đậm!

 

Khó chịu cảnh con nít mè nheo, nhưng khi có con họ như thay đổi hoàn toàn - Ảnh 1.

“Một số người khi chưa có con hay “phê bình” người khác “sao suốt ngày cứ ôm con?”, hoặc thể hiện sự khó chịu khi thấy cảnh con nít mè nheo. Nhưng khi có con, họ gần như thay đổi hoàn toàn, không chỉ thương con mình mà còn yêu trẻ con khác.

Tôi nhớ hồi con gái còn nhỏ, con hay bị ho, mỗi lần như vậy là kèm theo nôn trớ. Có khi mới thiu thiu ngủ, con ho mấy tiếng, nôn sữa ra đầy người, ướt cả chăn mền, thấm xuống chiếc chiếu tre. Vợ chồng tôi phải lui cui dọn, mệt có, bực có nhưng phần nhiều là xót con, thương con.

Hay mỗi lần giặt đồ cho con, nhìn thấy cái áo chỉ to hơn bàn tay chút thấy thương làm sao. Tôi thường không dám dùng nhiều xà bông và hay chọn nước giặt hoặc xà bông có tính tẩy nhẹ, vì sợ ảnh hưởng làn da còn non của con. Có khi giặt vội mà tấm áo còn nghe mùi sữa, cứ nghĩ đó là mùi của con.

Sau những lần giặt đồ cho con mà tôi đã viết nên những vần thơ giản dị: Chiếc áo của con / Nhỏ như hai bàn tay ba xếp lại / Chiếc áo của con / Nhỏ như chiếc mùi soa! / Con chào đời bé tựa cánh hoa / Mỏng mảnh. Áo làm sao to được? / Con vừa vặn trong bàn tay ba / Nhẹ nhàng. Áo nhỏ hai bề sau trước

Chăm con đâu chỉ có vất vả mà còn những khoảnh khắc để lại cảm giác đặc biệt khó tả. Lúc con khóc, con cười, con ngáp, con hóng chuyện, rồi con lật, con trườn, con bò, con đứng, con đi, con nói… đều là những kỷ niệm sâu sắc, có khi trở thành câu chuyện gia đình kể hoài không hết.

Có bậc cha mẹ ghi lại từng khoảnh khắc bằng chữ hoặc bằng hình ảnh, bằng thơ hoặc bằng các câu chuyện cụ thể. Ngày…, con lật; ngày…, con gọi “ba ba”; ngày…, con thôi bú; ngày…, con bước đầu tiên…

Tất cả những khoảnh khắc đó với nhiều người làm cha mẹ đều không phải diễn ra bình thường, vô vị. Nhiều năm sau, mỗi lần nhớ lại, ta có thể cảm thấy bồi hồi, xúc động, rồi thấy thương con hơn.

Vì chăm con nên đồng cảm từng khoảnh khắc với con. “Trời, cái miệng ổng cười hệt mẹ ổng!”, hay “Ôi, cái trán vồ giống ba làm sao!”, hoặc “Anh nghe mẹ nói con gái kêu “ba ba” rất sớm như anh hồi đó vậy”…, tức là mỗi khoảnh khắc của con đều có những câu chuyện riêng.

Nên con bị muỗi đốt, con ngã trầy tay, con bị sốt… đều làm cha mẹ thấy đau nhói trong lòng, cứ nghĩ phải chi mình có thể đau thay cho con.

Có lần, con gái nhỏ của tôi bị ngã, tôi xoa xoa chỗ đau của con mà nói: “Lần sau con phải cẩn thận hơn, vì con đau thì ba cũng đau lắm!”. Con gái tròn mắt nhìn tôi hỏi lại: “Con đau thì sao ba lại đau?”. Tôi ôm con đáp: “Vì ba thương con nhất nên con đau thì lòng ba cũng đau, con có hiểu không?”…

Có con, chăm con tạo cho cha mẹ những thứ trách nhiệm trước đó chưa hề có. Có những người sau giờ làm hay la cà quán xá, có khi bù khú với bạn bè đến tối muộn mới về. Nhưng khi có con ai rủ rê cũng từ chối: “Tôi phải về phụ bà xã giặt tã cho con”, hoặc “Phải tranh thủ về chơi với con!”, hay “Mấy bữa nay con bé cứ ấm đầu, tôi phải về coi sao!”…

Nói chung là có vô số lý do, mà có khi chỉ là về nhà để được thấy mặt con, được ôm con trong lòng, được nghe con bi bô, được thay tã hay pha sữa cho con…

Vì chăm con nên nhạc sĩ Ngọc Lễ đã có bài hát Con mãi tuổi lên 3 với những câu như: “Thương tiếng khóc ban đầu”, “Thương cái nôi con nằm / Mẹ thương cái bô con ngồi / Thương con mê man trong cơn sốt / Thương lúc con nằm ngủ / Thương lúc con chơi đùa”… Người làm cha làm mẹ nào mà không thương con như vậy!

Ông bà ta hay nói: Nuôi con rồi mến tay mến chân, có lẽ cái “mến” đó là một thứ tình thương “có điều kiện”, tức là có nuôi nấng, săn sóc thì tình càng thương nhiều, mà càng thương thì trách nhiệm càng lớn. Suy cho cùng, yêu thương và trách nhiệm mới tạo ra sự khác biệt giữa con người và loài vật đối với con cái của mình!

Trang Tổ ấm tuần qua đã nhận được bài viết cộng tác của các tác giả: Thái Hoàng, Trần Văn Tám, Thanh Nguyễn, Huyền Minh, Lê Tấn Thời, Phương Lan… Bài viết cộng tác chuyên mục Chuyện nhà, Góc tâm tình, bạn đọc vui lòng gửi về [email protected], độ dài không quá 1.000 chữ.

Cảm ơn bạn đọc đã chia sẻ cùng trang báo Tuổi Trẻ những câu chuyện đời thực, thấm đẫm cả niềm vui lẫn nỗi buồn, để cùng nối dài những câu chuyện nếp nhà trong hành trình xây Tổ ấm.

TRỊNH MINH GIANG
TTO