Xây dựng nước Việt hùng cường: Nỗ lực để người Việt giàu hơn

Xây dựng nước Việt hùng cường: Nỗ lực để người Việt giàu hơn

Đến năm 2025, người Việt có thu nhập từ 4.700-5.000 USD/năm. Xa hơn vào năm 2030, người Việt sẽ có thu nhập khoảng 7.500 USD/năm, tương đương 176,9 triệu đồng.

 

Xây dựng nước Việt hùng cường: Nỗ lực để người Việt giàu hơn - Ảnh 1.

Kinh tế VN vẫn tăng trưởng trong năm 2020 đầy khó khăn – Ảnh: MẠNH DŨNG

Để đạt được mục tiêu này, mỗi năm thu nhập bình quân đầu người phải tăng thêm khoảng 400 USD, tương đương 9,4 triệu đồng/năm.

Đồng lương phổ biến 6 – 8 triệu/tháng

Đây là những mục tiêu đầy thách thức được Đảng đưa ra trong dự thảo báo cáo chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 5 năm (2021-2025), 10 năm tới (2021-2030). Các đại biểu tham dự Đại hội XIII đang thảo luận trước khi ban hành các nghị quyết về phát triển kinh tế – xã hội cho giai đoạn sắp tới.

Dù có nhiều thách thức phải vượt qua, nhưng đây cũng là mục tiêu quan trọng phản ánh Việt Nam đang trên con đường trở thành quốc gia hùng cường, từng bước nâng cao mức sống người dân.

Ghi nhận của phóng viên Tuổi Trẻ tại thị xã Sông Công (tỉnh Thái Nguyên) cho thấy đa số công nhân làm việc trong khu công nghiệp có mức thu nhập khá sát với GDP bình quân đầu người của cả nước.

Chiều tan ca, chị Vi Thị Hương ở thị xã Sông Công tranh thủ rẽ vào chợ sắm tết sớm. Tết năm nay, công ty chị thưởng nửa tháng lương cho công nhân ăn tết. Chị tranh thủ mua ít đồ khô, lựa một bộ nồi inox mới cho hợp với cái bếp gas mới sắm. Chị Hương cho hay từ ngày về làm dâu ở Sông Công, chị đã chuyển ba công ty. Công ty chị gắn bó lâu nhất là nhà máy S ở Phổ Yên. Mấy năm làm việc ở đây, mức lương của chị cả tăng ca, phụ cấp, thưởng chuyên cần… cũng được gần 8 triệu đồng mỗi tháng.

Hai năm trước, dây chuyền chị Hương làm đòi hỏi cao hơn. Bằng cấp, chứng chỉ, tay nghề của chị không đạt, chị nghỉ việc ở nhà hưởng bảo hiểm thất nghiệp. Đầu năm rồi, chị kiếm được việc làm ở một công ty chuyên sản xuất nội thất. Công việc vất vả nhưng bù lại thu nhập khá ổn định.

Không được như chị Hương, bốn năm trước để thoát cảnh khó khăn ở quê, vợ chồng chị Lý Thu Thảo ở Hàm Yên, Tuyên Quang xuống Hà Nội làm thuê. Chồng chị làm thợ xây, chị đi theo phụ hồ. Công việc vất vả, nghỉ tay là nghỉ lĩnh tiền. Làm quần quật từ sáng đến chiều muộn, mỗi tháng chị Thảo chỉ có hơn 4 triệu đồng, không bảo hiểm, không tiền ăn trưa, không xăng xe. Công việc bấp bênh, nay nhà này chờ hết mưa mới xây tiếp, mai nhà kia đợi khô tường để sơn, tính ra mỗi năm chị Thảo đi làm chưa đủ sáu tháng. Thời gian còn lại, chị đạp xe ra chợ đêm, mua rau đi bán rong kiếm thêm thu nhập.

Từ khi chị Thảo tìm được việc làm công nhân nhà máy, mức lương khởi điểm cũng chỉ 4 triệu đồng, nhưng được đóng bảo hiểm, hỗ trợ ăn trưa, phụ cấp xăng xe, thưởng chuyên cần, làm thêm giờ có thêm tiền. Mỗi tháng chị cũng có 6 triệu đồng chuyển vào tài khoản. Đến nay, mức lương của chị tăng lên 6 triệu, cộng các khoản thêm, mỗi tháng cũng có 7 triệu đồng để chi tiêu.

Sáu năm ra phố làm thuê, chị Nguyễn Thị Hà Phương ở Thường Tín (Hà Nội) có sáu năm làm việc ở các nhà hàng. Chị đã chuyển tới bốn nhà hàng, chỗ nào trả lương cao, công việc hợp thì chị ứng tuyển.

Công việc đầu tiên chị kiếm được là chân chạy bàn ở một quán bia thuộc quận Cầu Giấy (Hà Nội). Ngày làm việc từ 9h sáng đến đêm, lương thỏa thuận được 2,5 triệu, chủ quán nuôi ăn ở. Chị làm được hai năm thì có một quán bún chả tìm người giúp việc. Lương “cứng” 4 triệu, thời gian làm việc ít hơn, công việc nhẹ nhàng hơn, chị chuyển. Giúp việc ở đây được hơn một năm thì chị kiếm được chân phục vụ ở một nhà hàng khá sang trọng khác cách chỗ làm cũ gần một cây số. Lương khởi điểm được 5 triệu, ngày làm tám giờ, được đóng bảo hiểm, ngày lễ, tết đều có thưởng.

Cuối năm 2020, sau giãn cách xã hội vì dịch COVID-19, chị Phương tìm được chân bán hàng ở một siêu thị trong khu đô thị Mễ Trì Hạ (Nam Từ Liêm, Hà Nội). Mức lương cũng chỉ 5 triệu mỗi tháng, nhưng chỉ làm nửa ngày. “Tôi chọn chỗ làm nửa ngày để đi học. Làm thuê nhiều rồi, tôi cần có công việc tốt hơn thì phải học thêm. Tôi vẫn chọn nghề kinh doanh dịch vụ, chắc vì tôi làm lâu rồi nên tôi muốn theo” – chị Phương chia sẻ.

Xây dựng nước Việt hùng cường: Nỗ lực để người Việt giàu hơn - Ảnh 2.

Người Việt có niềm tin đời sống sẽ ngày càng khá hơn – Ảnh: CHÍ QUỐC

Khát vọng vươn lên

Theo số liệu Tổng cục Thống kê, năm 2020 quy mô GDP nền kinh tế dự kiến đạt khoảng 340 tỉ USD, GDP bình quân đầu người khoảng 3.490 USD (khoảng 82,3 triệu đồng). Và nếu chia cho 12 tháng thì thu nhập bình quân đầu người hằng tháng của người Việt khoảng 6,85 triệu đồng/tháng. Nhưng điều này cũng không phản ánh tất cả người dân đều cán ngưỡng thu nhập này khi khoảng cách giàu – nghèo trong xã hội ngày càng lớn, những người làm việc trong khu vực khác nhau có mức thu nhập chênh nhau lớn.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Bích Lâm – nguyên tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê – đánh giá Việt Nam khi xây dựng mục tiêu chiến lược về cải thiện GDP bình quân đầu người, các bộ, ngành đã tính toán hết tiềm năng, đồng thời thể hiện khát vọng vươn lên.

Với mức độ hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng và những vị thế, lợi thế so sánh hiện nay của Việt Nam, ông Nguyễn Bích Lâm tin tưởng mục tiêu cải thiện, tăng gấp đôi GDP đầu người trong 10 năm tới có thể đạt được.

Để đạt được mục tiêu cải thiện nhanh chóng GDP bình quân đầu người những năm tới, theo ông Nguyễn Bích Lâm, cần thực hiện ba giải pháp, đó là phát huy tốt tiềm năng của nền kinh tế; lợi thế, vị thế so sánh của Việt Nam là nền tảng vĩ mô ổn định và duy trì đà tăng trưởng sẵn có trong năm 2020; đồng thời khơi dậy khát vọng vươn tới thịnh vượng của cộng đồng doanh nghiệp…

10 năm nỗ lực cải thiện thu nhập người dân

Theo Tổng cục Thống kê, thu nhập bình quân của người Việt năm 2019 khoảng 3.442 USD/người, đến năm 2020 tăng lên 3.490 USD/người. Như vậy, trong năm 2020, với mức tăng trưởng kinh tế khoảng 2,91%/năm, thu nhập bình quân đầu người cả nước tăng thêm 48 USD.

Dự thảo báo cáo chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 5 năm (2021-2025) của Đảng đặt mục tiêu bảo đảm tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững trên cơ sở ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn mức bình quân của 5 năm (2016 – 2020). Đến năm 2025, Việt Nam là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Về kinh tế, Đảng đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 5 năm khoảng 6,5 – 7%, GDP bình quân đầu người đến năm 2025 đạt 4.700 – 5.000 USD.

Bên cạnh đó, chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm (2021-2030) cũng đề ra mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao từ 5.000-12.000 USD/năm. Việt Nam có thể chế quản lý hiện đại, cạnh tranh, hiệu quả; kinh tế phát triển năng động, nhanh và bền vững, độc lập, tự chủ trên cơ sở khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo gắn với nâng cao hiệu quả trong hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế, nâng cao đời sống mọi mặt của nhân dân. Việt Nam phấn đấu đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Trong dự thảo chiến lược phát triển kinh tế 10 năm tới, Đảng cũng đề ra mục tiêu duy trì tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 10 năm tới khoảng 7%/năm và GDP bình quân đầu người đến năm 2030 đạt khoảng 7.500 USD/người, gấp 2,1 lần GDP bình quân đầu người năm nay. Để đạt được mục tiêu này, mỗi năm GDP bình quân đầu người phải tăng thêm khoảng 400 USD, một mục tiêu đầy thách thức nếu nhìn vào con số tăng GDP đầu người năm 2020 là 48 USD.

BẢO NGỌC – VŨ TUẤN
TTO