19/11/2024

Dạy con trong yêu thương

Dạy con trong yêu thương

LTS: TS Đặng Minh Chưởng, người sáng lập một hệ thống trường mầm non ở Nghệ An và cũng là người cha của 4 con nhỏ, chia sẻ việc mình làm mỗi sáng sớm khi con thức giấc, tạm biệt con ở cổng trường và đón con về nhà.

 

Dạy con trong yêu thương - Ảnh 1.

TS Đặng Minh Chưởng với các học sinh Trường mầm non Tuổi Thơ Vinh, Nghệ An – Ảnh: QUỲNH TRANG

Những cử chỉ, lời nói của cha mẹ có sức mạnh lớn lao trong việc hình thành nhân cách con trẻ.

Đánh thức con dậy buổi sáng, tạm biệt con yêu đến trường và vui đón con về cần một sự hiểu biết, tinh tế và dụng công của các bậc làm cha làm mẹ.

Làm con gà gáy sáng

Mỗi buổi sáng chúng ta đều phải đánh thức các con yêu dậy, để chuẩn bị cho các con đến trường. Các con còn say giấc trong chăn ấm hay còn chìm trong những giấc mơ đẹp và cũng là thời điểm tĩnh lặng, không khí xung quanh trong lành và mát mẻ cho giấc ngủ thì việc thức dậy là điều rất khó.

Có thể sẽ có bố mẹ nặng lời, quát nạt, la mắng to tiếng, thậm chí còn tung chăn, lôi kéo con ra khỏi giường. Như thế bố mẹ vô tình tạo một không khí khởi đầu của một ngày thật nặng nề cho các con, ảnh hưởng rất xấu đến tâm lý, tinh thần của con ngay khi mở mắt nhìn thế giới xung quanh. Nếu việc này cứ lặp đi lặp lại trong thời gian dài sẽ ảnh hưởng lớn đến tâm lý của con, thậm chí tạo sự ức chế, sự phản xạ tiêu cực nguy hiểm đến sự hình thành tính cách của các con.

Tại sao chúng ta không lên giường nằm cạnh con trong chốc lát, nắm lấy tay con và hỏi con hôm qua dặn bố cái gì nhớ không, kể cho bố nghe giấc mơ của con, hỏi con hôm nay là thứ mấy, có phải đi học không… Hay bố có thể làm con gà gáy, gáy thật nhiều để các con tỉnh giấc.

Có hàng vạn lời yêu thương, cách thức, phương pháp, nghệ thuật, tạo tình huống để đánh thức con và nếu ta kiên trì thì con sẽ tự giác dậy mà không phải làm điều này nữa. Bởi các con sẽ hiểu dần dậy sớm sẽ được bố mẹ chào đón và vui lắm.

Sức mạnh của cái ôm và những câu hỏi

Chuẩn bị rời xa bố mẹ đến trường, các con càng nhỏ tuổi càng cần có một nghệ thuật động viên đặc biệt mỗi buổi sáng, thậm chí đôi khi phải hứa với con vài điều mà con thích nữa đó (chiều nay bố và mẹ cùng đón con nhé; tối nay cả nhà ta cùng đi sinh nhật dì Ánh; chiều nay ba sẽ chở con đi mua hộp bút màu…). Những cái ôm đầy ắp sự trìu mến và yêu thương. Việc bế hay ôm một em bé cũng cần lắm một tình yêu và sự hiểu biết, khi đó các con mới cảm thụ được tình cảm, sự yêu thương được truyền dẫn từ chúng ta.

Việc ôm các con một cái trước lúc con đi học sẽ tạo một tinh thần phấn chấn cho con và ngay khi đó có thể trao vài câu ngắn về tiếng Anh như “Bye bye my daughter, have a nice day, I will miss you so much”… Lại muôn vàn cách tạm biệt trước khi con đến trường nhưng bản chất là tạo cho con tinh thần vui vẻ bước đến.

Tương tự, con tan lớp, bố mẹ đón con ở trường với những câu hỏi: “Hôm nay con có vui không? Con ăn trưa ngon không? Trưa nay con có ngủ được không, con mơ đến điều gì nào? Hôm nay cô giáo của con có khỏe không, cô giảng bài con nghe hiểu không, cô mặc váy màu gì nào?”…

Thực tế đa số phụ huynh hằng ngày ít để ý hỏi thăm về cô thầy của con mình. Chúng ta nên thường xuyên hỏi thăm con về thầy cô, qua đó dạy cho con ý thức quan tâm, quý trọng, yêu thương, biết ơn thầy cô giáo. Đồng thời, con sẽ tự tin và biết cách nói chuyện cùng thầy cô.

Cũng cần hỏi thăm về tình hình các bạn trong lớp của con, để con biết chú ý đến các bạn, quan tâm, hòa đồng với các bạn. Việc quan tâm các bạn của con là rất cần thiết, giúp ta hình dung được một mối quan hệ tổng quan, tương quan sức học của con mình ở lớp, nhiều điều tế nhị hay vướng mắc của con, con sẽ kể cho chúng ta biết.

Sợi dây vô hình

Tâm sự gì với con mỗi ngày? Nhiều thứ lắm không ai kể hết, không ai biết được bởi mỗi bố mẹ một tâm hồn, một mức độ hiểu biết, một tình yêu với con khác nhau mà! Hãy bằng tình yêu, trách nhiệm và sự cập nhật hiểu biết để thủ thỉ với các con, sợi dây vô hình này phải xoắn chặt và lớn bền lớn dần cùng với sự phát triển của con, nhờ nó và cũng chỉ có nó chúng ta mới kiểm soát hay khích lệ được con, chỉ duy nhất nó mới truyền dạy từ ta đến con hay ta lắng nghe được từ trái tim các con yêu muốn điều gì.

Cha mẹ là “chuyên gia tâm lý” của con

 

nh-me con 03 18-12 1(read-only)

Cha mẹ gần gũi, lắng nghe và kiên nhẫn bên con sẽ giúp con tự tin trưởng thành. Trong ảnh: mẹ học bài cùng con – Ảnh: NHƯ HÙNG

Ở các trường học, việc có chuyên gia tư vấn tâm lý là điều rất cần thiết, nhất là học sinh (HS) bậc THCS, THPT. Nếu có được đội ngũ chuyên nghiệp tư vấn tâm lý, những sự việc đáng buồn, đau lòng, chẳng hạn như bạo lực học đường, cả thể chất lẫn tinh thần, trầm cảm, tự tử, sẽ hạn chế rất nhiều.

Tôi mạn phép mở rộng về “chuyên gia tâm lý” tại gia đình. Cha mẹ cũng có thể trở thành chuyên gia tâm lý cho các con.

Thứ nhất, hãy là người bạn của con. Điều đầu tiên và quan trọng nhất, cha mẹ hãy xem các con như người bạn của mình. Một khi làm được điều này, khoảng cách giữa cha mẹ và con cái sẽ được rút ngắn. Các con sẽ đặt niềm tin vào cha mẹ để tâm sự. Những chuyện diễn ra ở lớp, ở trường, chuyện cá nhân của bản thân, con sẵn sàng chia sẻ. Cha mẹ sẵn sàng lắng nghe con trải lòng, đó là một thành công.

Thứ hai, hãy là “chuyên gia” có chuyên môn. Mỗi khi nghe con chia sẻ, cha mẹ lắng nghe con nói rồi suy ngẫm kỹ, đặt ra những tình huống khác nhau để có “đáp án” đúng nhất. Từ đó các con sẽ hiểu thấu đáo hơn, hạn chế những mặt tiêu cực, phát huy những mặt tích cực. Qua cách ứng xử hay, đẹp của con ở trường, HS khác có thể học hỏi.

Thứ ba, hãy đặt mình vào thời đại của các con. Về mặt vật chất, thời đại các con sướng hơn cha mẹ. Song đừng “vin” vào đó để so sánh. Càng so sánh càng gây “tác dụng phụ”. Về mặt tinh thần, chưa hẳn các con đã hạnh phúc hơn thời HS của cha mẹ. Áp lực học tập, sân chơi bị thu hẹp (bởi thời gian học tập khép kín, không gian vui chơi hạn chế)… khiến con mệt mỏi, trầm cảm. Một khi cha mẹ đặt mình vào các con, chúng ta sẽ hiểu và nên làm gì cho các con được vui vẻ, hạnh phúc hơn với việc học ở trường, ở nhà.

Tôi cũng là một “chuyên gia tâm lý” của hai con. Chính vì thế các con, nhất là nhóc lớn đang học lớp 8, luôn đặt niềm tin vào cha để tâm sự chuyện ở lớp, ở trường và những vấn đề khác liên quan đến kiến thức. Tôi lấy làm vui và hạnh phúc vì làm được điều đó.

Thiết nghĩ cha mẹ dành thời gian bên con nhiều hơn, lắng nghe con nói nhiều hơn, đặt mình vào tâm sinh lý của tuổi ẩm ương… chúng ta sẽ trở thành “chuyên gia tâm lý” – người bạn lớn để con gửi gắm niềm tin mỗi khi chia sẻ.

THÁI HOÀNG

ĐẶNG MINH CHƯỞNG
TTO