Thứ Hai, 27.01.2020 – Mồng Ba Tết Nguyên Đán

Ông cho người này năm yến, người kia hai yến, người khác nữa một yến, tùy khả năng riêng mỗi người. Rồi ông ra đi.

MỒNG BA TẾT CANH TÝ
THÁNH HOÁ CÔNG VIỆC

Thánh Angiêla Mêrisi, trinh nữ
St 2,4b-9.15; Cv 20,32-35; Mt 25,14-30.

Lời Chúa

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

14 “Quả thế, cũng như có người kia sắp đi xa, liền gọi đầy tớ đến mà giao phó của cải mình cho họ.15 Ông cho người này năm yến, người kia hai yến, người khác nữa một yến, tùy khả năng riêng mỗi người. Rồi ông ra đi. Lập tức,16 người đã lãnh năm yến lấy số tiền ấy đi làm ăn buôn bán, và gây lời được năm yến khác.17 Cũng vậy, người đã lãnh hai yến gây lời được hai yến khác.18 Còn người đã lãnh một yến thì đi đào lỗ chôn giấu số bạc của chủ.19 Sau một thời gian lâu dài, ông chủ đến tính sổ với các đầy tớ và thanh toán sổ sách với họ.20 Người đã lãnh năm yến tiến lại gần, đưa năm yến khác, và nói: “Thưa ông chủ, ông đã giao cho tôi năm yến, tôi đã gây lời được năm yến khác đây.”21 Ông chủ nói với người ấy: “Khá lắm! hỡi đầy tớ tài giỏi và trung thành! Được giao ít mà anh đã trung thành, thì tôi sẽ giao nhiều cho anh. Hãy vào mà hưởng niềm vui của chủ anh!”22 Người đã lãnh hai yến cũng tiến lại gần và nói: “Thưa ông chủ, ông đã giao cho tôi hai yến, tôi đã gây lời được hai yến khác đây.”23 Ông chủ nói với người ấy: “Khá lắm! hỡi đầy tớ tài giỏi và trung thành! Được giao ít mà anh đã trung thành, thì tôi sẽ giao nhiều cho anh. Hãy vào mà hưởng niềm vui của chủ anh!”24 Rồi người đã lãnh một yến cũng tiến lại gần và nói: “Thưa ông chủ, tôi biết ông là người hà khắc, gặt chỗ không gieo, thu nơi không vãi.25 Vì thế, tôi đâm sợ, mới đem chôn giấu yến bạc của ông dưới đất. Của ông đây, ông cầm lấy!”26 Ông chủ đáp: “Hỡi đầy tớ tồi tệ và biếng nhác! Anh đã biết tôi gặt chỗ không gieo, thu nơi không vãi,27 thì đáng lý anh phải gởi số bạc của tôi vào ngân hàng, để khi tôi đến, tôi thu được cả vốn lẫn lời chứ!28 Vậy các ngươi hãy lấy yến bạc khỏi tay nó mà đưa cho người đã có mười yến.29 Vì phàm ai đã có, thì được cho thêm và sẽ có dư thừa; còn ai không có, thì ngay cái đang có, cũng sẽ bị lấy đi.30 Còn tên đầy tớ vô dụng kia, hãy quăng nó ra chỗ tối tăm bên ngoài: ở đó, sẽ phải khóc lóc nghiến răng.”

Sống Lời Chúa: Giá trị lao động

Ông cho người này năm yến, người kia hai yến, người khác nữa một yến, tùy khả năng riêng mỗi người. Rồi ông ra đi. (Mt 25,15)

Mùng Ba Tết, Giáo hội dành riêng để thánh hoá công ăn việc làm và đồng thời nhắc nhở mỗi Kitô hữu ý thức về giá trị của lao động:

Lao động để tồn tại và thoả mãn các nhu cầu:

Để sinh tồn, mọi sinh vật đều phải “lao động”. Thực vật vươn mình đón nắng quang hợp, tạo diệp lục cho lá; rễ cắm sâu vươn xa tìm dưỡng chất nuôi thân. Động vật “bươn chải” ngày đêm tìm kiếm tìm thức ăn: sói băng ngàn dặm kiếm mồi, ngựa phi vạn lý tìm cỏ, cá ngược dòng tìm thuỷ sinh… Cũng thế, con người lao tâm thổ tứ ngày đêm để tồn tại và thoả mãn các nhu cầu, theo Maslaw như: – căn bản về thể lý: ăn uống nghĩ ngơi; được an toàn; được quý trọng; được thể hiện bản thân;…

Quả vậy, “đói thì đầu gối phải bò”; “muốn ăn thì lăn vô bếp, muốn chết thì lết vô hòm”; “tay làm hàm nhai, tay quai miệng trễ”; “có làm thì mới có ăn, không dưng ai dễ đem phần đến cho”;,,,

Lao động để nêu cao tinh thần tương thân tương ái:

Lao động không chỉ để tồn tại và thoả mãn các nhu cầu, mà còn để nêu cao tinh thần tương thân thương ái. Bởi lẻ, hoa trái của nó góp phần duy trì sự sống, bảo đảm sức khoẻ, mang lại hạnh phúc, bình an cho mình và cho con người. Chương trình Hát Mãi Ước Mơ trên kênh truyền hình HTV7 là một minh chứng. Những người tham gia chương trình này chỉ mong muốn có những tấm lòng tương thân tương ái, giúp đỡ những phận đời bất hạnh vì “môi hở, răng lạnh”, “một con ngựa đau, cả tàu bỏ cỏ”, “bầu ơi thương lầy bí cùng”…

Thật vậy, cuộc sống sẽ tốt đẹp biết bao, nếu chúng ta siêng năng làm việc và dùng thành quả cần lao để phục vụ tha nhân, theo tinh thần bác ái Kitô giáo: cho kẻ đói ăn, cho kẻ khát uống, cho kẻ rách rưới ăn mặc; cho khách đỗ nhà, thăm kẻ tù rạc, chăm người ốm đau…

Lao động để góp phần vào chương trình của Thiên Chúa

Lao động có thể làm chủ thiên nhiên và góp phần hoàn thành các chương trình của Thiên Chúa. Phần đầu sách Sáng Thế (St 1,26-2,3) cho hay: Thiên Chúa dựng nên trời đất trong sáu ngày và ngày thứ bảy Ngài nghỉ ngơi; trong đó, con người đã được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa, là chóp đỉnh và là trung tâm điểm của công trình này. Thiên Chúa “đã làm việc” và mời gọi con người “tiếp tục làm việc”: “Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều, cho nhiều đầy mặt đất, và thống trị mặt đất. Hãy làm bá chủ cá biển, chim trời và mọi giống trên mặt đất” (St 1,28). Thiên Chúa cũng đã sai Con Một của Ngài giáng trần để chia sẻ thân phận người lao động và thực hiện chương trình cứu độ muôn dân. Với 33 năm tuổi đời, nhất là 3 năm hoạt động công khai, Chúa Giêsu đã bắc chước Chúa Cha hoạt động không ngừng (ăn chay, cầu nguyện, rao giảng giáo huấn, chữa lành, trừ quỹ…) để nêu gương cho chúng ta biết chuyện cần làm việc, hầu no cơm ấm áo, góp phần dựng xây xã hội loài người, thánh hoá bản thân, làm rạng danh Chúa và mở rộng Nước Trời tại trần gian.

Tóm lại, để nhận biết chân giá trị của lao động, chúng ta hãy vâng theo lời khuyên dạy của Thánh Phaolô: không biếng nhác, không ăn bám của người này, không trở nên gánh nặng cho người khác, nhưng làm lụng vất vả khó nhọc ngày đêm và hưởng dùng lương thực mình làm ra. Chúng ta cũng hãy vâng theo lời răn dạy của Chúa Giêsu trong Tin Mừng hôm nay để đừng quá bận tâm về các nhu cầu vật chấ như ăn, uống, mặc… cũng đừng quá lo lắng áy náy về ngày mai vì Thiên Chúa đã an bài tất cả, nhưng hãy tìm kiếm Nước Chúa và sự công chính của Người. Chúng ta hãy tin tưởng phó thác cho Thiên Chúa mọi công việc của chúng ta sẽ làm trong Năm Canh Tý này. Xin Thiên Chúa cho chúng ta biết cộng tác với công trình sáng tạo, cứu độ và thánh hoá nhiệm mầu của Người, để hăng hái chu toànmọi việc sao cho đẹp lòng Chúa, hầu mưu ích cho mình, cho người đời này và đời sau. Amen.

Lm. Lê Lương

Nguồn: Sống Lời Chúa – Bayard Việt Nam