Chúa Nhật, 03.02.2019 – Đi Giữa Muôn Dân

Khi gặp phải những khó khăn trong cuộc sống, chúng ta thường có khuynh hướng né tránh nó. Nếu làm như vậy, là chúng ta đang bỏ qua một cơ hội giúp mình trưởng thành hơn. Chúng ta sẽ lỡ một dịp để xác định căn tính của mình.

Chúa Nhật Tuần IV Thường Niên (Năm C)
Gr 1, 1-5.17-19 • Tv 70 • 1Cr 12,31-13,13) • Lc 4, 21-30

Lời Chúa

“Chúa Giêsu, như Êlia và Êlisê, không phải chỉ được sai đến với người Do-thái”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, Chúa Giêsu bắt đầu nói trong hội đường rằng: “Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh mà tai các ngươi vừa nghe”. Mọi người đều làm chứng cho Người và thán phục Người về những lời từ miệng Người thốt ra, và họ nói: “Người này không phải là con ông Giuse sao?”
Và Người nói với họ: “Hẳn các ngươi sắp nói cho Ta nghe câu ngạn ngữ này: ‘Hỡi thầy thuốc, hãy chữa lấy chính mình!’ Điều chúng tôi nghe xảy ra ở Capharnaum, ông hãy làm như vậy tại quê hương ông'”. Người nói tiếp: “Quả thật, Ta bảo các ngươi, không một tiên tri nào được đón tiếp tại quê hương mình. Ta bảo thật với các ngươi, đã có nhiều bà goá trong Israel thời Elia, khi trời bị đóng lại trong ba năm sáu tháng, khi nạn đói lớn xảy ra khắp trong xứ; dầu vậy, Elia không được sai đến cùng một nguời nào trong các bà đó, nhưng được sai đến bà goá tại Sarepta thuộc xứ Siđon. Cũng có nhiều người phong cùi trong Israel thời tiên tri Elisêô, thế mà không người nào trong họ được lành sạch cả, ngoại trừ Naaman, người Syria”.
Khi nghe đến đó, mọi người trong hội đường đều đầy căm phẫn, họ chỗi dậy và trục xuất Người ra khỏi thành. Họ dẫn Người lên triền núi, nơi xây cất thành trì của họ, để xô Người xuống vực thẳm. Nhưng Người rẽ qua giữa họ mà đi.

Bản dịch của Uỷ Ban Phụng Tự, HĐGMVN
NS Trái Tim Đức Mẹ đánh máy vi tính
Nguồn: thanhlinh.net

Bài giảng của Lm. GB Phương Đình Toại

Nghe suy niệm Lời Chúa

Nguồn: chanlyviet.net – Đài Chân Lý Á Châu

Sống Lời Chúa: Đi Giữa Muôn Dân

Người rẽ qua giữa họ mà đi (Lc 4,30)

Khi gặp phải những khó khăn trong cuộc sống, chúng ta thường có thái độ nào? Chúng ta thường có khuynh hướng né tránh nó. Nếu làm như vậy, là chúng ta đang bỏ qua một cơ hội giúp mình trưởng thành hơn. Chúng ta sẽ lỡ một dịp để xác định căn tính của mình. Thay vì xem những trở ngại là chiếc đòn bẩy giúp chúng ta hoàn thành sứ vụ giao phó, chúng ta lại tìm cách tránh xa chúng.
Qua bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu chỉ cho chúng ta một con đường khác. Khi gặp những người muốn giết mình, Người không trốn tránh họ, nhưng Người rẽ qua giữa họ mà đi. Người muốn nán lại đội phút để giúp họ có một cái nhìn thiện cảm hơn. Qua sự hiện diện của mình, Người muốn nói với họ rằng giờ của Người chưa đến. Dưới ngòi bút của Thánh sử Luca, phản ứng của Chúa Giêsu diễn tả ý nghĩa một cách thâm thuý qua câu: “Nhưng Người rẽ qua giữa họ mà đi”. Chỉ một câu ngắn gọn, Luca cho người đọc thấy ba yếu tố quan trọng trong cuộc sống Chúa Giêsu: Căn tính (“Người”), Sự đối kháng (“rẽ qua giữa họ”), Sứ vụ (“mà đi”).
Căn tính 
Chúng ta đang ở thời kỳ đầu trong giai đoạn rao giảng công khai của Chúa Giêsu. Đoạn Tin Mừng trước bài Tin Mừng hôm nay nhắc đến sự hiện diện của Chúa Giêsu tại hội đường Nadarét. Chính tại nơi đó, Chúa Giêsu đọc một trích đoạn của ngôn sứ Isaia. Sau khi đọc xong, Người nói với dân chúng : “Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh mà tai quý vị vừa nghe” (Lc 4,21). Chúa Giêsu muốn nói rằng Người là Đấng được Thiên Chúa xức dầu tấn phong, Người là Đấng mang Tin Mừng Cứu Độ cho kẻ nghèo hèn. Người là Đấng giải thoát những ai bị tù đày và áp bức, Người là Đấng cho người mù được sáng mắt. Người là Đấng tuyên bố năm hồng ân. Việc tiết lộ về căn tính của Chúa Giêsu tạo nên sự bất đồng nơi dân chúng. Nhiều người ngưỡng mộ Người nhưng cũng lắm kẻ nuôi dưỡng hiềm khích.
Đối kháng
Khi chúa Giêsu đang nói về căn tình của Người là Đấng Thiên Sai thì nhiều người lại chỉ coi Người là con Ông Giuse, một người thợ mộc. Tuy nhiên, Chúa Giêsu không sợ phải tranh luận. Thậm chí người còn thầu hiểu được những luận điệu mà đối phương sắp đưa ra: ” Hẳn các người sắp nói cho Ta nghe câu ngạn ngữ này: ‘Hỡi thầy thuốc, hãy chữa lấy chính mình!'”. Một thách đố lớn mà Chúa Giêsu buộc phải đương đầu bằng cách bộc lộ căn tính của mình. Người tránh rơi vào cái khuôn do người khác đặt ra. Thách đố đó theo Người suốt hành trình rao giảng mà đỉnh cao là khi Người bị treo trên thập giá. Đó là lúc Chúa Giêsu phải ba lần đối diện với sự cám dỗ tột đỉnh: “Nếu ông là vua dân Do Thái thì cứu lấy mình đi!” (Lc 23,35.37.39). Trung thành với chính mình, Chúa Giêsu đã chiến thắng những cám dỗ đó để hoàn thành sứ vụ mà Chúa Cha trao phó.

Sứ vụ

Sứ vụ của Chúa Giêsu được gắn liền với sứ vụ của các tiên tri. Sứ vụ này không chỉ giới hạn cho một dân tộc hay một đất nước. Nó cần trải dài trên toàn cõi địa cầu. Khi Chúa Giêsu từ chối làm phép lạ trên quê hương mình, Người muốn nhắn nhủ với mọi người rằng sứ vụ của Người là ở nơi khác. Khi nhắc đến các vị ngôn sứ được sai đến những vùng khác ngoài Israel, Chúa Giêsu nhấn mạnh đến tính đại đồng trong sứ vụ của Người. Sứ vụ này vượt ra ngoài lãnh thổ của Nadarét và của Israel. Sự lựa chọn của Thiên Chúa không có tính loại trừ. Đó là sự khuếch trương. Người chọn dân Israel để rồi qua họ Người có thể đến với muôn dân. Thiên Chúa đi giữa dân Ngài tuyển chọn để đến với tất cả con cái của Ngài.

Lm. Nguyễn Chí Ái, AA

Nguồn: Sống Lời Chúa – Bayard Việt Nam