Kinh tế Tế Thị Trường: Cần Một Sự Công Bằng Xã Hội Và Phát Triển Bền Vững Môi Trường

Cách đây hơn một thế kỷ, Đức Giáo Hoàng Lêô XIII đã nêu lên các vấn đề kinh tế và các thách thức trong Thông điệp Rerum Novarum mà ngày nay vẫn còn tiếp tục ám ảnh chúng ta; chẳng hạn như điều mà ngài gọi là “tài sản khổng lồ của một số ít người đối nghịch với sự nghèo khó của tuyệt đại đa số”.

Modal Trigger Bernie Sanders

LTS: Thượng nghị sĩ và cũng là ứng viên Tổng Thống Hoa Kỳ, Bernie Sanders, vào thứ 6 ngày 15 tháng 4 năm 2016 đã tham dự một hội nghị về các vấn đề xã hội, kinh tế và môi trường do Viện Hàn Lâm Giáo hoàng Khoa Học Xã Hội tổ chức. Cuộc họp cấp cao này được tổ chức nhân kỷ niệm 25 năm Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II ban hành Thông điệp Centesimus Annus. Thông điệp này có tầm mức quan trọng khi đề cập đến một nền kinh tế về phẩm giá, công bằng xã hội và phát triển bền vững môi trường. Trong hội nghị này, Thượng nghị sĩ Sanders đã có bài phát biểu trước cử tọa.

***

Tôi rất vinh dự đến đây với quý vị ngày hôm nay và rất hài lòng nhận lời mời phát biểu với hội nghị Viện Hàn Lâm Giáo hoàng Khoa Học Xã Hội này của quý vị. Hôm nay, chúng ta mừng kỷ niệm Thông điệp Centesimus Annus được ban hành, và suy tư về ý nghĩa của Thông điệp cho thế giới chúng ta vào một phần tư thế kỷ sau khi Thông điệp được Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trình bày. Với sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đưa ra một lời kêu gọi vang vọng về tự do của con người trong ý nghĩa đích thực nhất của nó: tự do bảo vệ phẩm giá của mỗi người và luôn luôn hướng tới công ích.

Giáo Huấn Xã Hội Của Giáo Hội, đi ngược trở lại đến Thông điệp hiện đại đầu tiên về kinh tế công nghiệp, Rerum Novarum vào năm 1891, đến Centesimus Annus, đến Thông điệp đầy cảm hứng Laudato Si’ năm ngoái của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, đã vật lộn với những thách thức của nền kinh tế thị trường. Có nhiều chỗ trong tư tưởng hiện đại đối nghịch với chiều sâu và cái nhìn của giáo huấn luân lý của Giáo Hội về kinh tế thị trường.

Cách đây hơn một thế kỷ, Đức Giáo Hoàng Lêô XIII đã nêu lên các vấn đề kinh tế và các thách thức trong Thông điệp Rerum Novarum mà ngày nay vẫn còn tiếp tục ám ảnh chúng ta; chẳng hạn như điều mà ngài gọi là “tài sản khổng lồ của một số ít người đối nghịch với sự nghèo khó của tuyệt đại đa số”.

Và chúng ta hãy minh bạch, hai năm rõ mười. Ngày hôm nay tình hình đó càng tồi tệ hơn. Trong năm 2016, một phần trăm của những người trên hành tinh này sở hữu tài sản nhiều hơn so với 99 phần trăm ở dưới đáy, trong khi 60 người giàu nhất – 60 người – sở hữu nhiều hơn nữa mức dưới đáy – 3 tỷ rưỡi người. Vào một thời điểm khi mà rất ít người có rất nhiều như thế, và rất nhiều người có quá ít như thế, chúng ta phải bác bỏ những nền tảng của nền kinh tế hiện đại này như là phi luân và không bền vững.

Những lời của Thông điệp Centesimus Annus như thế vang lên với chúng ta ngày nay. Một ví dụ nổi bật: “Hơn nữa, xã hội và Nhà nước phải đảm bảo mức lương thỏa đáng đủ nuôi sống người lao động và gia đình của mình, bao gồm cả một số tiền dành dụm nhất định. Điều này đòi hỏi một nỗ lực liên tục cải thiện việc đào tạo và năng lực của người lao động để công việc của họ sẽ có tay nghề cao hơn và hiệu quả hơn, cũng như các sự kiểm soát cẩn thận và các biện pháp pháp lý thích đáng để ngăn chặn các hình thức bóc lột đáng xấu hổ, nhất là những hình thức bất lợi cho các người lao động dễ bị tổn thương nhất, các di dân và các người sống bên lề xã hội. Vai trò của công đoàn trong việc đàm phán mức lương tối thiểu và các điều kiện làm việc đóng một vai trò quyết định trong lĩnh vực này”.[1]

Sự minh triết của Thông điệp Centesimus Annus là ở chỗ này: Kinh tế thị trường có ích cho năng suất và tự do kinh tế. Nhưng nếu chúng ta để cho sự tìm kiếm lợi nhuận thống trị xã hội; nếu công nhân trở thành những con ốc trong hệ thống tài chính được sử dụng theo kiểu vắt chanh bỏ vỏ; nếu các tình trạng bất bình đẳng lớn về quyền lực và tài sản dẫn đến tình trạng phải sống bên lề của những người nghèo và bất lực; thì công ích bị lãng phí và kinh tế thị trường làm hại chúng ta. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II phát biểu thế này: lợi nhuận là kết quả của “… sự bóc lột, đầu cơ phi pháp, hoặc sự phá vỡ tình liên đới giữa những người lao động… thì không gì có thể biện minh được, và thể hiện một sự lạm dụng trước mặt Thiên Chúa và con người”.[2]

Bây giờ, chúng ta ở thời điểm hai mươi lăm năm (25 năm) sau sự sụp đổ của chế độ cộng sản ở Đông Âu. Tuy nhiên, chúng ta phải thừa nhận rằng, những cảnh báo của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II về những sự lộng hành của nền tài chính vô kỷ cương thực là lời tiên tri sâu sắc. Hai mươi lăm năm sau Thông điệp Centesimus Annus, tình trạng đầu cơ, dòng tài chính bất hợp pháp, sự tàn phá môi trường, sự suy yếu các quyền của người lao động ngày nay càng trở nên nghiêm trọng hơn nhiều so với một phần tư thế kỷ trước. Các sự lộng hành về tài chính, thực ra là tình trạng tội phạm tài chính lan tràn rộng rãi trên Wall Street, đã đóng một vai trò trực tiếp trong việc gây ra cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ nhất thế giới kể từ cuộc Đại Suy thoái.

Chúng ta cần phân tích chính trị cũng như phân tích về luân lý và nhân chủng học để hiểu những gì đã xảy ra kể từ năm 1991. Chúng ta có thể nói rằng, với việc toàn cầu hóa phi quy định hóa, một nền kinh tế thị trường thế giới được xây dựng trên nền tài chính đầu cơ đã phá vỡ những hạn chế pháp lý, chính trị và đạo đức, mà đã có không dưới một lần được dùng để bảo vệ công ích. Ở Hoa Kỳ, quê hương của các thị trường tài chính lớn nhất thế giới, việc toàn cầu hóa đã được sử dụng như một cái cớ để phi quy định hóa các ngân hàng, kết thúc các thập niên pháp luật bảo vệ các người lao động và các doanh nghiệp nhỏ. Các chính trị gia bắt tay với các ngân hàng hàng đầu để cho phép các ngân hàng trở thành “quá lớn không thể sụp đổ”. Kết quả: cách đây tám năm, nền kinh tế Mỹ và phần lớn các nền kinh tế trên thế giới đã rơi vào suy thoái tồi tệ nhất kể từ những năm 1930. Người lao động mất việc làm của mình, nhà cửa của mình và các khoản tiết kiệm của mình, trong khi chính phủ lo giải cứu các ngân hàng.

Không hiểu sao, hệ thống chính trị Hoa Kỳ tăng gấp đôi sự phi quy định tài chính cẩu thả này, khi mà Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ, trong một loạt các quyết định sai lầm sâu sắc, đã tung ra một dòng chảy tiền tệ chưa từng có vào nền chính trị Hoa Kỳ. Những quyết định này lên đến đỉnh điểm trong vụ Citizen United khét tiếng, đã mở vòi tài chính cho các chiến dịch quyên góp khổng lồ của các tỷ phú và các đại công ty, để biến hệ thống chính trị Hoa Kỳ phục vụ cho lợi ích hẹp hòi và tham lam của họ. Nó đã thành lập một hệ thống, trong đó, các tỷ phú có thể mua các cuộc bầu cử. Thay vì một nền kinh tế nhắm đến công ích, chúng ta đã bị bỏ mặc cho một nền kinh tế vận hành bởi và cho 1% những người ngày càng trở nên giàu hơn, trong khi giai cấp lao động, những người trẻ và người nghèo càng ngày càng lùi về phía sau. Những tỷ phú và các ngân hàng đã thu được những lợi nhuận từ các khoản đầu tư vào chiến dịch của họ, dưới các hình thức ưu đãi đặc biệt về thuế, các hiệp định thương mại mất quân bình có lợi cho các nhà đầu tư hơn là cho công nhân, và thậm chí cung cấp cho các công ty đa quốc gia quyền lực ngoài vòng pháp luật trên các chính phủ đang cố gắng để điều chỉnh các công ty này.

Nhưng trong khi cả Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II và Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã cảnh báo chúng ta và thế giới, thế nhưng, các hậu quả đã trở nên và thậm chí còn tồi tệ hơn cả những tác động tai hại về  bong bóng tài chính cũng như sự suy giảm mức sống của các gia đình tầng lớp lao động. Chính linh hồn chúng ta, với tư cách là một quốc gia, đã phải chịu đựng sự mất lòng tin công cộng vào các tổ chức chính trị và xã hội. Như Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã tuyên bố: “Con người ngày nay không còn cai quản, tiền bạc cai quản, tiền bạc thống trị”. Và “Chúng ta đã tạo ra những ngẫu tượng mới. Sự thờ phượng bò vàng ngày xưa đã tìm thấy một hình ảnh mới và nhẫn tâm trong sự sùng bái tiền bạc, và thể chế độc tài của một nền kinh tế trơ tráo và thiếu bất kỳ mục tiêu thực sự nhân đạo nào”.

Và xa hơn: “Trong khi thu nhập của một thiểu số đang gia tăng theo cấp số nhân, thì thu nhập của đa số đang gẫy đổ. Sự mất cân bằng này là kết quả của những ý thức hệ đề cao quyền tự chủ tuyệt đối của các thị trường và sự đầu cơ tài chính, và như thế phủ nhận quyền kiểm soát của các Nhà nước, chính các Nhà nước này có nhiệm vụ phục vụ cho công ích”.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô kêu gọi thế giới hãy nói “Không với một hệ thống tài chính cai trị hơn là phục vụ” trong Tông huấn Evangelii Gaudium (Niềm vui Tin Mừng). Và ngài kêu gọi các giám đốc tài chính và các nhà lãnh đạo chính trị, hãy theo đuổi cuộc cải cách tài chính được sự cân nhắc về đạo đức mách bảo. Ngài tuyên bố rõ ràng và mạnh mẽ rằng, vai trò của sự giàu có và các nguồn lực trong nền kinh tế có đạo đức phải là vai trò của người đầy tớ, chứ không phải vai trò của ông chủ.

Các sự xa cách ngày càng lớn giữa người giàu và người nghèo, sự tuyệt vọng của người sống bên lề, sức mạnh của các công ty đối với chính trị, không phải là một hiện tượng chỉ có tại Hoa Kỳ. Sự lộng hành của các trên nền kinh tế toàn cầu phi quy định hóa đã gây ra thiệt hại ngay cả ở những nước đang phát triển. Họ chịu đựng không chỉ các chu kỳ bùng-vỡ (boom-bust cycles) trên Wall Street, nhưng còn chịu đựng một nền kinh tế thế giới đặt lợi nhuận trên ô nhiễm, đặt các công ty dầu hỏa trên sự an toàn khí hậu, và đặt việc buôn bán vũ khí trên hòa bình. Và trong khi một phần ngày càng tăng các của cải và thu nhập chạy vào túi một phân số nhỏ những người giàu, việc sửa chữa sự bất bình đẳng khổng lồ này đã trở thành một thách thức trung tâm. Vấn đề bất bình đẳng về của cải và thu nhập là vấn đề kinh tế lớn của thời đại chúng ta, vấn đề chính trị lớn của thời đại chúng ta, và vấn đề đạo đức lớn của thời đại chúng ta. Đó là một vấn đề mà chúng ta phải đối mặt trong Hoa Kỳ và trên toàn thế giới.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã đặt cái tên mạnh mẽ nhất cho thảm cảnh của xã hội hiện đại: Toàn cầu hóa sự Dửng dưng. “Hầu như không ý thức về điều đó”, ngài lưu ý, “chúng ta rốt cục không còn khả năng chạnh lòng thương trước tiếng kêu của người nghèo, khóc cho nỗi đau của tha nhân, và cảm thấy một nhu cầu phải giúp đỡ họ, như thể tất cả điều này là trách nhiệm của một ai khác, chứ không phải của chính chúng ta”. Chúng ta đã thấy trên Wall Street rằng, gian lận tài chính đã trở thành không chỉ là chuẩn mực, nhưng về nhiều phương diện, còn là mô hình kinh doanh mới. Các ngân hàng hàng đầu đã cho thấy không có sự xấu hổ nào cho hành vi xấu của họ và đã không có lời xin lỗi đến công chúng. Hàng tỷ hàng tỷ đô la tiền phạt họ đã nộp vì gian lận tài chính chỉ là một khoản phí khác để kinh doanh, một con đường tắt để đến với các lợi nhuận bất chính.

Một số người có thể cảm thấy rằng, thật vô vọng khi chiến đấu với người khổng lồ kinh tế, rằng một khi nền kinh tế thị trường thoát khỏi ranh giới của đạo đức, ta không thể đưa nền kinh tế trở lại với những mệnh lệnh của đạo đức và công ích. Nhiều lần tôi được các người giàu và có quyền lực cũng như các phương tiện truyền thông chính thống đại diện cho họ nói với tôi rằng, chúng ta nên “thực tế”, rằng chúng ta nên chấp nhận hiện trạng; rằng một nền kinh tế thực sự đạo đức vượt quá tầm tay của chúng ta. Tuy nhiên, chính Đức Giáo Hoàng Phanxicô chắc chắn là sự thể hiện vĩ đại nhất của thế giới chống lại với một sự đầu hàng trước tuyệt vọng và hoài nghi. Ngài đã mở mắt thế giới một lần nữa khi tuyên bố về lòng thương xót, công lý và những khả năng trở thành  một thế giới tốt đẹp hơn. Ngài đã truyền cảm hứng cho thế giới đi tìm một sự đồng thuận toàn cầu mới cho ngôi nhà chung của chúng ta.

Tôi thấy hy vọng và cảm thức về khả năng đó mỗi ngày trong giới trẻ Hoa Kỳ. Tuổi trẻ của chúng ta không còn hài lòng với nền chính trị hủ hóa và hư hỏng cùng với một nền kinh tế bất bình đẳng và bất công rõ rệt. Họ không hài lòng với việc môi trường của chúng ta bị tàn phá bởi một ngành công nghiệp nhiên liệu hóa thạch, mà sự tham lam trong ngành đó đã đặt lợi nhuận ngắn hạn lên trước sự thay đổi khí hậu và tương lai của hành tinh chúng ta. Họ muốn sống trong sự hòa hợp với thiên nhiên, chứ không phá hủy thiên nhiên. Họ được kêu gọi trở lại với công bằng; cho một nền kinh tế bảo vệ công ích bằng cách bảo đảm rằng, tất cả mọi người, giàu hay nghèo, đều được tiếp cận sự chăm sóc sức khỏe, nền dinh dưỡng và giáo dục có chất lượng.

Như Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã mạnh mẽ nói rõ hồi năm ngoái trong Thông điệp Laudato Si’, chúng ta có công nghệ và bí quyết làm thế nào để giải quyết các vấn đề của chúng ta – từ nghèo đói cho đến biến đổi khí hậu, và từ việc chăm sóc sức khỏe đến bảo vệ sự đa dạng sinh học. Chúng ta cũng có tài sản lớn để làm như vậy, đặc biệt là nếu những người giàu nộp thuế sòng phẳng chứ không giấu tiền của họ trong các nơi ẩn chứa bí mật và trốn thuế của thế giới – như các Tài liệu Panama đã cho thấy.

Các thách thức đối đầu với hành tinh của chúng ta chủ yếu không thuộc lĩnh vực công nghệ hoặc ngay cả lĩnh vực tài chính, bởi vì với tư cách một thế giới, chúng ta đủ giàu để tăng các khoản đầu tư của chúng ta vào các kỹ năng, cơ sở hạ tầng và bí quyết công nghệ, để đáp ứng nhu cầu của chúng ta và để bảo vệ hành tinh. Thách đố của chúng ta phần lớn là một thách đố đạo đức, chuyển hướng những nỗ lực và tầm nhìn của chúng ta đến công ích. Thông điệp Centesimus Annus, mà chúng ta kỷ niệm và suy tư ngày hôm nay, và Thông điệp Laudato Si’, là những sứ điệp mạnh mẽ, hùng hồn và đầy hy vọng về khả năng này. Vấn đề là, chúng ta cần học hỏi từ các thông điệp đó, và mạnh dạn tiến bước hướng đến công ích trong thời đại chúng ta.

Đan Quang Tâm chuyển ngữ: http://www.indcatholicnews.com/news.php?viewStory=29852

  

 


[1]  Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Thông điệp Centesimus Annus, số 15.

[2] Ibid., số 43.