Chúa Nhật V PS B-2015: Cành nho sinh trái ngọt

Cành sinh trái ngọt không phải là cành mang tán lá rộng, nó chỉ có ít lá vươn ra đón ánh sáng mặt trời để có thể chuyển hết dòng nhựa nguyên từ rễ thành dòng nhựa luyện và từ đó làm bung ra những hoa thơm trái ngọt cho đời.

 Chúa Nhật V Phục Sinh B-2015

Cành nho sinh trái ngọt

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK

Lời mở

Qua bài Phúc Âm hôm nay, Chúa Giêsu giới thiệu cho chúng ta: Người là cây nho, Cha Người trồng nho và mọi người là những cành nho. Người cũng phân biệt những tình trạng khác nhau của cành: có những cành khô bị quăng vào lửa vì không gắn kết với thân nho, có những cành xanh tươi nhưng không sinh hoa trái và có những cành sinh ra những hoa thơm trái ngọt.

Ai trong chúng ta cũng muốn mình trở thành những cành nho mang lại hoa trái ngọt ngào cho đời. Vậy cần phải làm gì? Đó là điều  chúng ta được mời gọi suy nghĩ hôm nay.

1. Tình trạng sống của Kitô hữu tương tự các loại cành nho

Chúng ta đã có ít nhiều kinh nghiệm trong đời sống về những cây cối quanh ta nên việc phân loại của Chúa Giêsu rất dễ hiểu vì diễn tả những tình trạng sống của con người.

1.1. Cành khô. Những cành nào không gắn được với thân cây thì sẽ không nhận được dòng nhựa sống từ rễ chuyển lên. Chúng sẽ tự khô héo, các lá úa tàn và người ta chặt chúng đi để cây không bị thiệt hại.

Có thể nói rằng cành khô đó giống như người tín hữu sau khi được rửa tội, đã nhận được sự sống kỳ diệu của Thiên Chúa chuyển vào mình, nhưng do những đam mê, chiều theo những đòi hỏi của cuộc sống, những cám dỗ của ma quỷ, của danh lợi… họ đã cắt đứt sự sống với Thiên Chúa. Có thể nói họ là những tín hữu thành công trong cuộc đời, nhưng trước mặt Thiên Chúa họ chỉ là những cành cây khô héo. Trong đời sống thường ngày, họ như những người ích kỷ, chỉ biết mình, biết gia đình mình mà không quan tâm đến người khác. Khi chết đi, họ không mang theo được con người mà họ chiếm đoạt, những danh lợi, tiền bạc, bằng cấp mà họ đã thu được. Họ chết trong niềm ân hận mãi mãi vì cắt đứt với nguồn sống mà Chúa đã ban cho họ.

1.2. Cành xanh. Có những cành gắn với thân cây, hút được dòng nhựa nguyên từ rễ chuyển lên. Dòng nhựa ấy chuyển đến từng cành, từng lá và nhờ ánh sáng mặt trời để trở thành dòng nhựa luyện nuôi cây phát triển. Nhưng có thể nói tất cả dòng nhựa sống dồi dào chuyển vào đều tạo thành những tàn lá sum xuê, trông rất đẹp mắt, nhưng không sinh hoa cũng không kết trái.

Cành xanh tượng trưng cho những người gắn bó với Thiên Chúa, hút được dòng nhựa sống kỳ diệu của Ngài chuyển vào trong họ, vì thế đời sống của họ rất tốt đẹp. Nếu nhìn từ bên ngoài, họ giống như các cành lá xanh tươi, vừa mát mắt vừa có cả bóng mát che cho người khác. Họ có một đời sống đạo đức, gương mẫu, được người khác khen ngợi giống như những người Biệt Phái hay tư tế thời Chúa Giêsu. Họ là mẫu người tín hữu mà nhiều giáo xứ đang cổ vũ và đang muốn có thêm vì họ đọc kinh, đi lễ, làm việc bác ái đều đặn. Nhưng qua sách Tin Mừng, chúng ta đã thấy thái độ của Chúa Giêsu với hạng người này!

Thiên Chúa đọc được thực trạng của họ vì Ngài nhìn từ bên trong, từ tâm trí của họ. Tất cả những ân phúc, phương tiện Chúa ban như dòng nhựa của thân cây chỉ tiêu hao thành những lá xanh bên ngoài, cho những hành động khoe khoang lòng đạo đức, thánh thiện, lòng bác ái giả hình để nhận được lời khen tặng của con người, chứ nó không thực sự mang lại hoa thơm trái ngọt cho ai cả. Khi đến mùa đông thử thách, lá rụng, họ chỉ còn là những cành trơ trụi mà thôi! Đời sống đạo của tín hữu Việt Nam cả trăm năm qua không lôi kéo thêm được người tin theo Chúa Giêsu, không nâng được tỷ lệ Công Giáo lên được 1% dân số có đáng để các vị chủ chăn và tín hữu cổ vũ loại cành này hay không?

1.3. Cành sinh trái ngọt. Chúa Giêsu mời gọi chúng ta đi xa hơn đời sống đạo dức theo hình thức bên ngoài. Người nói hôm nay rằng chúng ta hãy trở thành những cành nho mang lại hoa quả tốt đẹp: “Thầy là cây nho, anh em là cành. Cành nào sinh hoa trái thì Chúa Cha cắt tỉa cho nó sinh nhiều hoa trái hơn” (Ga 15,1-2).

Cành sinh trái ngọt không phải là cành mang tán lá rộng, nó chỉ có ít lá vươn ra đón ánh sáng mặt trời để có thể chuyển hết dòng nhựa nguyên từ rễ thành dòng nhựa luyện và từ đó làm bung ra những hoa thơm trái ngọt cho đời. Nó chẳng quan tâm đến lời khen chê của người đời “thiếu lá xanh che mát” vì nó hiểu rằng bóng mát từ vài cái lá ít ỏi của mình chẳng che nổi cho ai. Nó cũng chẳng toả hương hay sinh trái cho mình, hoa trái đó là của Thiên Chúa và Ngài muốn cho ai cũng được, tốt xấu, giàu nghèo, lương thiện hay độc ác đều có thể thưởng thức mùi hương và vị ngọt của nó. Nó không sống cho mình mà sống cho Chúa, cho người. Đó là đời sống của những Tông Đồ, môn đệ thời Chúa Giêsu, đó là những tổ tiên anh hùng của dân Việt chúng ta thời trước, chúng ta đã quên rồi sao?

2. Muốn trở thành những cành sinh trái ngọt, chúng ta phải làm gì?

Các bài Kinh Thánh hôm nay giới thiệu cho chúng ta 3 điều kiện:

– Gắn bó mật thiết với Chúa Giêsu Phục Sinh,

– Chấp nhận sự cắt tỉa của Chúa Cha,

– Sử dụng ơn Chúa Thánh Thần bằng những hành động tích cực.

2.1. Gắn bó mật thiết với Chúa Giêsu Phục Sinh

Đây là điều kiện đầu tiên để chúng ta đón nhận dòng nhựa sống từ Thiên Chúa. Chúa Giêsu quả quyết rằng: “Thầy là bánh ban sự sống” (Ga 6,35); “Thầy chính là sự sống lại và là sự sống” (Ga 11,25); “Tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào” (Ga 10,10) “Tôi ban cho chúng sự sống đời đời” (Ga 10,28)… Người cứ nhắc đi nhắc lại rằng Người có sự sống thần linh. Khi gắn bó mật thiết với Người, Người chuyển cho chúng ta sự sống dồi dào, phi thường của Thiên Chúa để chúng ta chia sẻ sự sống kỳ diệu qua những hành động tốt đẹp thành những hoa quả ngọt ngào cho mọi người.

Hôm nay Người nói rõ hơn khi ví mình là cây nho: “Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh  nhiều hoa trái” (Ga 15,5). Gắn bó với Chúa Giêsu chính là chúng ta ở lại trong tình yêu của Người. Ở lại trong Chúa Giêsu chính là giữ giới răn yêu thương của Người: “Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 13,34).

Thánh Gioan, trong bài đọc I đã nhắc nhở chúng ta rằng: “Đây là điều răn của Thiên Chúa là chúng ta phải tin vào danh Đức Giêsu Kitô, Con của Ngài, và phải yêu thương nhau theo điều răn Ngài đã ban cho chúng ta. Ai tuân giữ các điều răn của Thiên Chúa thì ở lại trong Thiên Chúa và Thiên Chúa ở lại trong người ấy” (1Ga 3,23-24). Càng gắn bó với Chúa Giêsu, chúng ta càng được Người chuyển thông sự sống thần linh của Chúa Cha cho chúng ta. Khi chúng ta giữ được giới răn yêu thương của Ngài, thể hiện bằng những hành động cụ thể trong đời sống, chứ không phải chỉ là những lời nơi đầu môi chót lưỡi (1Ga 3,18), chúng ta sẽ thấy cuộc sống của chúng ta tràn đầy những hành động tốt đẹp và sự kỳ diệu của Chúa Giêsu.

2.2. Chấp nhận sự cắt tỉa

Điều kiện thứ hai, mà chúng ta muốn nhấn mạnh hôm nay, đó là chấp nhận sự cắt tỉa của Chúa Cha.

Đời sống thiêng liêng muốn sinh hoa trái cũng cần phải cắt tỉa như vậy. Sự cắt tỉa ấy làm cho chúng ta đau đớn, giống như cây nho bị mất đi những cành lá không cần thiết. Vì thế, chúng ta được mời gọi để Chúa Cha cắt tỉa chúng ta bằng những đau đớn, mất mát, hy sinh, thất bại trong cuộc sống. Có thể chúng ta mơ ước đạt một bằng cấp, địa vị nào đó nên chúng ta dồn tất cả sức lực để học nhưng cuối cùng lại không đạt; hoặc chúng ta mơ ước có một công việc tốt đẹp nào đó và chuẩn bị mọi thứ, nhưng khi đi phỏng vấn lại không đậu! Thất bại làm ta đau đớn nhưng qua đó Chúa muốn chúng ta học ngành khác, làm công việc khác theo thánh ý Ngài thì sẽ tốt đẹp và ích lợi cho sự cứu độ của ta. Khi chúng ta gặp một bệnh tật nào đó Chúa muốn nhắc ta cẩn thận hơn trong đời sống…

Chúa cắt tỉa chúng ta để cuộc sống của ta phát huy những năng lực kỳ diệu mà Chúa Giêsu chuyển thông cho chúng ta qua sự sống thần linh của Người, qua những ân huệ của Thánh Thần để chúng ta thấy rằng đời sống của chúng ta không tầm thường. Đấng Phục Sinh không phải chỉ ban cho chúng ta những ân huệ tự nhiên của con người mà nâng chúng ta trở thành Thiên Chúa như Người để chúng ta có thể chữa lành bệnh nhân, xua trừ ma quỷ, nhận được những kiến thức phi thường của Thiên Chúa.

2.3. Sử dụng ơn Chúa Thánh Thần bằng những hành động tích cực

Điều kiện thứ ba, đó là gắn bó với Chúa Thánh Thần và sử dụng những ơn phúc của Ngài. Thánh Gioan trong bài đọc II đã nhắc nhở chúng ta về những hiệu quả khi chúng ta gắn bó với Chúa Giêsu: “Căn cứ vào điều này, chúng ta biết được Thiên Chúa ở lại trong chúng ta, đó là nhờ Thần Khí mà Người đã ban cho chúng ta” (1Ga 3,24). Khi gắn bó với Chúa Giêsu, Ngài chuyển thông cho chúng ta, qua dòng nhựa sống thần linh, những ơn lành của Thánh Thần. Những ơn ấy sẽ giúp chúng ta phát huy trong cuộc sống của mình thành những hoa trái tốt đẹp.

Chúng ta có 7 ơn của Chúa Thánh Thần: ơn khôn ngoan, thông hiểu, lo liệu, sức mạnh, suy biết, đạo đức, kính sợ Chúa, (x. Sách Giáo lý Hội Thánh Công giáo, số 1303). Ngoài ra, Chúa Thánh Thần còn ban cho chúng ta những hiện sủng, đó là những ơn giúp chúng ta thực hiện trách nhiệm hiện tại của mình:  mỗi người, tuỳ theo trách nhiệm như làm cha mẹ, bác sĩ, kỹ sư, học sinh…, cần những ân phúc để phát triển con người và hoàn thành nhiệm vụ hiện tại của mình. Chúa Thánh Thần cũng ban cho chúng ta những đoàn sủng, đó là những ân sủng để phục vụ cộng đồng – ví dụ: ơn chữa bệnh, nói tiên tri, ơn phục vụ…Những ơn huệ của Chúa Thánh Thần “như bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hòa, tiết độ” (Gl 5,22-23) làm cho đời chúng ta mang lại những hoa trái tốt đẹp (x. Sách Giáo lý Hội Thánh Công giáo, số 736).

Chúng ta cũng vậy, khi gắn bó với Chúa Thánh Thần, chúng ta phải cộng tác với ơn Chúa bằng những hoạt động tích cực như học hành, làm việc, chịu đựng những gian khổ, hy sinh… Những hành động cụ thể tốt đẹp ấy, giống như những lá cây vươn mình ra đón nhận ánh sáng, sẽ đưa chúng ta hoà mình vào ánh sáng thật sự của Đức Giêsu, khiến chúng ta không còn sống trong tăm tối, không chiều theo tham vọng và dục vọng mà chỉ nhằm để tôn vinh Chúa và mưu ích cho con người. Đó là những hành động đưa chúng ta vào nguồn sáng của Thiên Chúa để nhận được ánh sáng từ mặt trời công chính là Chúa Giêsu soi chiếu làm cho đời ta sinh hoa trái tốt đẹp.

Lời kết

Cầu chúc từng người chúng ta trở thành cành sinh trái ngọt như Đức Maria, người Mẹ Thánh của chúng ta, đã sinh hoa trái tuyệt vời  là Chúa Giêsu Kitô.