11/01/2025

Giúp con làm chủ thời gian

“Các bạn không ai muốn chơi với con, vì khi nào con cũng chậm trễ, sai hẹn. Trong nhóm bạn không ai muốn chờ đợi con, kể cả bạn Diễm rất thân với con cũng bo xì con vì hôm qua đi chơi, con để bạn đợi quá lâu”.

 

Giúp con làm chủ thời gian

 

“Các bạn không ai muốn chơi với con, vì khi nào con cũng chậm trễ, sai hẹn. Trong nhóm bạn không ai muốn chờ đợi con, kể cả bạn Diễm rất thân với con cũng bo xì con vì hôm qua đi chơi, con để bạn đợi quá lâu”.



 

 

Gợi ý cho trẻ lập thời gian biểu một cách cụ thể như học thêm môn năng khiếu sẽ giúp trẻ chủ động trong học tập Ảnh minh họa: NHƯ HÙNG
Gợi ý cho trẻ lập thời gian biểu một cách cụ thể như học thêm môn năng khiếu sẽ giúp trẻ chủ động trong học tập – Ảnh minh hoạ: Như Hùng

Nghe con gái lên 9 tuổi rầu rĩ thổ lộ mà chị Hải ngụ ở Q.Gò Vấp, TP.HCM không khỏi chạnh lòng.

“Con bé khi được giao việc thì cứ nói để đó con sẽ làm sau, hứa hẹn rồi để đấy. Làm bài tập dù không khó lắm nhưng bé cứ học môn này một ít lại chuyển sang môn khác. Nên có khi cả buổi sáng bé không học xong được môn nào” – chị Hải băn khoăn. Chị Hải cũng biết nếu không dạy con cách sử dụng thời gian hợp lý ngay khi còn nhỏ sẽ ảnh hưởng không tốt đến cuộc sống, việc học tập và sự nghiệp của bé bây giờ cũng như sau này, nhưng gia đình chị chưa biết bắt đầu từ đâu. Không ít bậc cha mẹ hiện nay cũng rơi vào tình cảnh như chị Hải.

Làm chủ thời gian không hẳn là vấn đề đơn giản, tuy nhiên phụ huynh hoàn toàn có thể giúp con trẻ từng bước thực hiện nếu có quyết tâm, với các gợi ý sau:

Cùng con xác định mục tiêu, lập thời gian biểu, thời khóa biểu cụ thể

Nếu không có mục tiêu thì trẻ không biết được chiều hướng phấn đấu ra sao. Do đó, giúp các bé định ra mục tiêu dài hạn (trong học kỳ, trong năm học…), ngắn hạn (trong buổi học, buổi đi chơi, trong một việc cụ thể…) để con trẻ biết trong ngày làm gì, thời gian cụ thể từng việc là bao nhiêu, trong tuần này mình cần phải đọc những sách gì, làm bài tập nào, đi chơi những đâu… Từ đó trẻ tìm cách phân bổ thời gian hợp lý.

Có kế hoạch trẻ sẽ biết việc nào cần làm trước, việc nào cần làm sau và hoàn thành nhiệm vụ học tập hoặc đi đâu, làm việc gì đúng với dự kiến.

Dạy con chủ động cập nhật thông tin

Ngay khi con còn bé, cha mẹ nên dạy con cách cập nhật thông tin (chịu khó quan sát diễn biến công việc, lắng nghe lời hướng dẫn cẩn thận, đọc thêm sách báo để biết cách làm nhanh nhất…). Bởi khi không có được những thông tin cần thiết thì không thể xử lý tốt công việc trong khoảng thời gian cụ thể một cách hợp lý.

Bắt tay hành động

Để thực hiệc mục tiêu, cha mẹ cần hướng dẫn trẻ kết hợp với hành động cụ thể. Các công việc có mang lại hiệu quả hay không đòi hỏi trẻ biết phân phối thời gian hợp lý vào từng việc cụ thể; không chần chừ thực hiện để mong đạt kết quả tốt. Cho con thực hành nhiều lần, trẻ nhận thấy nếu biết sắp xếp thời gian rõ ràng, phù hợp sẽ đạt được hiệu quả công việc. Từ đó kích thích trẻ tính tích cực, chủ động hơn với quỹ thời gian của mình.

Tập trung thời gian cho một “sở đoản”

Chẳng hạn nếu trẻ học kém môn nhạc, cha mẹ cần tranh thủ một kỳ nghỉ hè cho trẻ tham gia một khoá bồi dưỡng về âm nhạc. Khi trẻ bị hổng kiến thức về nhạc lý, xướng âm…, cha mẹ cùng trẻ củng cố kiến thức nhằm lấp đầy lỗ hổng kiến thức đó. Được học hỏi thêm những điều thú vị, trẻ sẽ chủ động thời gian hơn trong lúc học tập.

“Nói lời phải giữ lấy lời”

Trong sinh hoạt hằng ngày hay học tập của con, cha mẹ cần đặt ra cho trẻ yêu cầu đúng hẹn, yêu cầu trẻ nếu đã hứa hẹn thì cần tuân thủ đúng thời gian. Đó còn là cách trẻ thể hiện sự tôn trọng người khác, cũng là tôn trọng bản thân bởi nếu trẻ thất hứa thì không thể đòi hỏi người khác đúng hẹn với mình.

Đơn giản hóa trong suy nghĩ và hành động

Làm chủ thời gian có nghĩa là trẻ sẽ rất quý thời gian, khi làm việc gì cũng tìm mọi cách nhanh gọn và hiệu quả nhất. Chẳng hạn làm một bài toán với nhiều cách giải khác nhau, nếu bài tập không yêu cầu phải giải bằng nhiều cách thì khuyến khích trẻ chọn cách giải nhanh nhất.

LÊ PHẠM PHƯƠNG LAN