“Hãy cho con về quê để học”

Con gái tôi học lớp 6 rồi vậy mà dịp nghỉ lễ vừa qua khi về quê nội chơi, nhìn thấy đàn gà và đàn vịt xiêm được thả ngoài vườn, con lại nói là “những con gà bà nội trồng đẹp quá”.

 

“Hãy cho con về quê để học”

 

Con gái tôi học lớp 6 rồi vậy mà dịp nghỉ lễ vừa qua khi về quê nội chơi, nhìn thấy đàn gà và đàn  vịt xiêm được thả ngoài vườn, con lại nói là “những con gà bà nội trồng đẹp quá”.



 

 

Tôi há hốc khi nghe con nói sai nên đính chính: “Đàn gà bà nuôi chứ không phải trồng đâu con ạ”. Con ú ớ thắc mắc sao lại là nuôi mà không phải trồng? Bởi theo lời con nói thì những gì ở ngoài vườn đều là trồng hết, còn trong chuồng mới là nuôi giống như con nhìn thấy những con cá trong bể, con chim nhốt trong lồng của nhà bác Minh hàng xóm.

Tôi ngồi bệt xuống thở dốc vì quá thất vọng với đứa con có tiếng học giỏi xưa nay. Tại sao con không thể phân biệt được những điều nhỏ nhặt ấy trong cuộc sống thì thành tích con đem về phỏng có ích gì?

Tôi từng rất tự hào mỗi khi kết thúc năm học con gái luôn đứng đầu lớp. Tôi hãnh diện mỗi khi họp phụ huynh cô giáo luôn khen con. Tôi cũng từng rất hạnh phúc khi nói về thành tích học tập của con mình. Trong học tập con luôn là tấm gương. Nhưng về kiến thức ngoài đời con gần như không biết, không hiểu.

Một học sinh sắp sửa bước vào lớp 7 sau mấy tháng hè nữa mà không phân biệt nổi những việc như nuôi và trồng, là người cha tôi cảm thấy sự nhầm lẫn ấy, thiếu hiểu biết ấy của con là “sản phẩm” của việc cha mẹ đặt quá cao thành tích học tập của con mình.

Nghĩ lại trong cuộc họp phụ huynh cuối năm ngoái, cô giáo chủ nhiệm của con nhắc phụ huynh: “Anh chị hãy cho các cháu về quê để học”. Có phụ huynh thắc mắc: “Về quê thì học cái gì? Có gì để học đâu?”.

Một phụ huynh khác cũng cười trừ: “Cứ phải cho các con ở lại thành phố để va chạm với sự đông đúc, bon chen, phức tạp mới thành người được”. Có một người mẹ cương quyết: “Thời gian nghỉ hè cho con đi học thêm ngoại ngữ mới mong sau này đủ sức đua chen với xã hội kiếm được miếng ăn”. Bỏ ngoài tai những lời giải thích cặn kẽ của cô giáo, không một người cha người mẹ nào cho rằng lời cô giáo nói có lý.

Ý kiến của cô giáo không nhận được sự đồng tình của phụ huynh bởi vì ai cũng mong con mình đem thật nhiều thành tích về, rồi sau đó vào được những ngôi trường danh tiếng thì các con sẽ có một tương lai xán lạn. Muốn được như thế các con phải làm bạn với sách vở bất cứ ngày hay đêm, bất cứ là học chính hay học hè, bất kể là ngày nghỉ.

Ngay cả bản thân tôi khi đó cũng cho rằng về quê là để chơi chứ không phải để học. Để rồi nay tôi ngộ ra rằng nhận thức, suy nghĩ của chính mình quá thiển cận và đã lệch lạc mất rồi. Bởi một đứa trẻ sống ở thành phố, không được thực hành, không được nhìn thấy con bò con trâu, không được tận mắt nhìn con ngan con gà, không được nhìn thấy cây lúa, cây khoai, cây ngô thì cũng có thể nhầm lẫn bất cứ lúc nào, đứa trẻ ấy sẽ lớn người mà không có khôn, nhất là lâu nay con cứ khoe sau này muốn trở thành kỹ sư. Nhưng đơn giản như con gà mà con cứ tưởng được trồng ngoài vườn thì tôi thật sự bất an, đau đầu và thất vọng bởi con có thể trở thành một kỹ sư giỏi được hay không.

Chắc chắn hè này tôi sẽ không ép con theo học thêm mà như vợ chồng tôi vẫn hay nói đùa là “học kỳ 3” nữa. Tôi sẽ cho con được về quê để học, dù cho đó là những điều nhỏ nhất như phân biệt con gà được nuôi chứ không phải trồng.

“Ông ơi, đây là quả gì ạ?”

Tôi năm nay đã ngoài 60 tuổi. Có thể cách nhìn của tôi phần nào hơi khắt khe với thời khóa biểu của các cháu, nhưng một điểm chung tôi nhận thấy là các cháu tôi (cả nội và ngoại) đang học cấp I và cấp II khi về quê nghỉ lễ đều “rồng rắn” sách vở về theo.

Để ý ngoài thời gian ăn uống ra các cháu đều làm bạn với bài vở. Tôi hỏi sao không chơi thì các cháu nói: “Nhiều bài tập lắm ông ạ”. Có đứa vừa ăn sáng vừa làm bài tập. Tôi bảo sao cấp I mà nhiều bài tập thế? Đứa cháu lớp 3 trả lời: “Ngoài bài tập trên lớp cô giao, mẹ cháu còn giao thêm nhiều lắm ông ơi”.

Con dâu tôi nói thêm: “Cả lớp đều phải học như thế cả, cháu nó không học thì chẳng thể theo kịp các bạn được đâu ông ạ”. Tôi lắc đầu ngao ngán. Nghỉ lễ mà vẫn cặm cụi học thế này thì nghỉ để làm gì?

Trong bữa ăn, đứa cháu học lớp 8 vẫn không biết xếp đũa. Ăn xong thì nhảy tót ra ngoài chơi điện tử trên điện thoại của bố. Tôi bảo: “Các cháu ăn xong phải mời tăm ông bà, bố mẹ…”. Một đứa cháu kêu lên: “Ở nhà bố mẹ cháu chẳng bảo thế bao giờ ông ạ”. Thấy tôi không hài lòng, con trai tôi “chữa cháy”: “Cũng tại chúng nó bận học ông ạ, nên vợ chồng con không quá khắt khe mấy chuyện vặt vãnh ấy”. Lại đổ lỗi cho học, nghe con nói tôi chỉ biết thở dài.

Hôm đưa các cháu ra vườn chơi, tôi giật mình khi đứa cháu “thành phố” của mình chỉ vào củ khoai lang hỏi ngây ngô: “Ông ơi, đây là quả gì ạ?”. Sự tò mò, thích thú của cháu về củ khoai lang khiến tôi thấy lo lắng thật sự.

Tôi không biết các cháu học nhiều để làm gì, giấy khen treo đầy nhà để làm gì, thành tích này thành tích khác để làm gì khi không phân biệt nổi một số loại rau, nhầm lẫn giữa mấy loại rau đơn giản, không biết mặt mũi củ khoai lang. Bữa ăn tối hôm đó tôi cảnh báo điều này với các con. Nhìn sự lúng túng của các con, tôi thấy các con đang giáo dục các cháu tôi trong lồng kính.

Nhất là có đứa cháu ước ao: “Cháu muốn cuối tuần được về chơi với ông bà, ông lại dẫn cháu đi đào khoai lang,ông nhỉ. Nhưng thứ bảy cháu vẫn phải học thêm, chủ nhật cũng phải học thêm nữa ông ạ”. Một đứa khác nói: “Chỉ những ngày lễ thế này chúng cháu mới được về thăm ông bà thôi. Cháu chỉ ước sao mẹ không bắt học nhiều”.

Ước mơ trẻ con ấy quả thật không khó mà sao lại không dễ chút nào với các cháu. Bởi vì ở tuổi các cháu, ngày ngày đối mặt với bài vở, lịch học kín mít, đến cuối tuần cũng chẳng được nghỉ ngơi thì về quê chơi sao được?

Tôi ám ảnh mãi với chuyện cháu không nhận biết được một số loại rau, củ, quả đơn giản. Băn khoăn, thở dài với ao ước bé nhỏ được về quê chơi của đứa cháu. Tất cả là vì đâu? Tôi không trả lời được. Giá như gánh nặng bài vở giảm bớt để các cháu có được những ngày nghỉ đúng nghĩa.

Không phủ nhận thành quả học tập của các cháu nhưng với hình thức học ngày học đêm, cuối tuần học, nghỉ lễ về quê cũng chỉ biết chúi mũi vào bài vở, tôi băn khoăn tự hỏi liệu sau này bằng ấy kiến thức sách vở có đủ giúp cháu tôi thành công được hay không khi đến củ khoai lang mà cháu cũng phải hỏi là quả gì?

THÁI MINH (Hoằng Hoá, Thanh Hoá)

CAO HẢI BÌNH (Ba Đình, Hà Nội)