Chúa Nhật II PS B – 2015: Chúa Nhật về Lòng Thương xót của Thiên Chúa

Cái chết và cuộc sống lại của Chúa Giêsu là điểm cao nhất của lòng thương xót Chúa Cha để thúc đẩy ta sống lại niềm tin của các tín hữu thời Giáo Hội sơ khai.

 

Chúa Nhật II Phục Sinh B – 2015

 

Chúa Nhật về Lòng Thương xót của Thiên Chúa

 Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn

Lời mở

Hôm nay là Chúa Nhật về Lòng Thương xót của Thiên Chúa, chúng ta được mời gọi thông hiệp với Giáo Hội toàn cầu để tôn vinh Chúa là Đấng đầy lòng thương xót. Xin Ngài ban cho chúng ta cảm nhận và thể hiện được lòng thương xót ấy cho mọi người, mọi vật quanh mình. Chiều nay, ngày 12/04/2015, tại 3 Vương cung Thánh đường ở Rôma, các đức hồng y được chỉ định sẽ công bố Tông sắc “Năm Thánh về Lòng Thương Xót” của Đức Thánh Cha (ĐTC) Phanxicô. Đây là dịp để ta học hỏi về đề tài này.

1. Năm Thánh ngoại lệ về Lòng Thương Xót

Chiều thứ Bảy, 11/4/2015, Tông sắc của ĐTC Phanxicô mang tựa đề “Misericordiae Vultus” (Khuôn mặt Thương xót) đã được công bố tại Đền thờ Thánh Phêrô. Qua đó, ĐTC ấn định Năm Thánh ngoại lệ về lòng Thương xót của Chúa sẽ bắt đầu từ ngày 8/12 năm nay và kết thúc vào Lễ Chúa Kitô Vua, ngày 20/11/2016. Tông sắc này gồm ba phần. Trong phần đầu, ĐTC đào sâu ý niệm Thương xót; trong phần hai, ngài trình bày một số gợi ý để cử hành Năm Thánh; và phần ba chứa đựng một số lời kêu gọi.

Ý niệm Lòng Thương xót

Theo cách hiểu thông thường, “thương xót là cảm thấy đau lòng vì nỗi bất hạnh của người khác” (x. Từ điển Tiếng Việt, NXB Đà Nẵng, 2005).

Trong tông sắc, ĐTC viết: lòng thương xót là “Con đường liên kết Thiên Chúa với con người, vì mở rộng tâm hồn cho niềm hy vọng được yêu thương mãi mãi, mặc dù có những giới hạn do tội lỗi chúng ta”. Lòng thương xót là “luật căn bản ở trong tâm hồn mỗi người”; là “xà nhà nâng đỡ cuộc sống của Giáo Hội”; là “lý tưởng sống và là tiêu chuẩn xác định xem niềm tin của chúng ta có đáng tín nhiệm hay không”.

Có nhiều định nghĩa mà ĐTC Phanxicô dành cho lòng thương xót: ngài nhấn mạnh rằng lòng thương xót “không phải là một dấu chỉ sự yếu nhược, nhưng đúng hơn là phẩm tính toàn năng của Thiên Chúa”. Lòng thương xót của Thiên Chúa là “vĩnh cửu” vì “đời đời con người sẽ luôn ở dưới cái nhìn thương xót của Chúa Cha”. Trong Chúa Giêsu, “tất cả đều nói về lòng thương xót và không gì bị thiếu sự cảm thương”, vì “con người của Chúa Giêsu không là gì khác hơn là tình thương, một tình thương trao ban nhưng không” (x. G. Trần Đức Anh OP., Công bố Tông sắc Năm Thánh về Lòng Thương Xót, Radio Vatican, ngày 12/4/2015).

ĐTC nhấn mạnh một điều quan trọng: lòng thương xót “không phải chỉ là hành động của Chúa Cha, nhưng còn trở thành tiêu chuẩn để hiểu ai là những người con đích thực của Chúa”. Trong thực hành, “tất cả chúng ta đều được kêu gọi sống lòng thương xót vì lòng thương xót đã được áp dụng cho chúng ta trước tiên”. Vì thế, “tha thứ những xúc phạm người ta làm cho chúng ta… chính là một mệnh lệnh mà các tín hữu Kitô không thể tránh né hoặc bỏ qua”. ĐTC nhận xét rằng bao nhiêu lần, tha thứ dường như là điều khó khăn, nhưng “tha thứ chính là phương tiện đặt trong những bàn tay mong manh của con người để đạt tới sự thanh thản trong tâm hồn” và “để sống hạnh phúc”.

Trong đời sống của cá nhân cũng như của Giáo Hội, “có lẽ trong một thời gian khá dài, chúng ta đã quên xác tín và sống con đường thương xót”, chiều theo cám dỗ “luôn đòi hỏi công lý và chỉ có công lý”, trong lúc nơi nền văn hoá hiện nay, “kinh nghiệm về sự tha thứ ngày càng trở nên khan hiếm”. Từ đó, ĐTC nhắn nhủ Giáo Hội hãy đảm nhận trách nhiệm “vui mừng loan báo sự tha thứ”, “là sức mạnh làm tái sinh đời sống mới và mang lại can đảm để hướng nhìn về tương lai trong niềm hy vọng”.

ĐTC kêu gọi ghi nhớ Khẩu hiệu của Năm Thánh là: “Hãy có lòng thương xót như Chúa Cha” (Lc, 6,36).

2. Sống Năm Thánh cách tốt đẹp nhất

Trong phần II của Tông sắc, ĐTC trình bày chủ đề “Làm thế nào để sống Năm Thánh một cách tốt đẹp nhất”. Ngài giới thiệu một số việc làm cụ thể như sau:

 - Đi hành hương như một “dấu chỉ nói lên rằng lòng thương xót cũng là một mục tiêu cần đạt tới bằng sự dấn thân và hy sinh”.

– Xa tránh những hành động xét đoán người khác, tật nói hành nói xấu người khác, nói lời ghen tương, phân bì, để biết tha thứ, cho đi và đón nhận điều tốt lành nơi người khác.

– Cởi mở tâm hồn đối với những ai bị gạt ra ngoài lề xã hội, an ủi, cảm thương, liên đới và “quan tâm đến những người đang sống trong những tình trạng bấp bênh, đau khổ trên thế giới ngày nay”.

– Vui mừng thực thi những công việc bác ái về thể lý và tinh thần, để “thức tỉnh lương tâm ngái ngủ của chúng ta trước thảm trạng nghèo đói”. Giống như Chúa Giêsu, chúng ta mang lại niềm an ủi cho người nghèo, giải thoát cho các tù nhân của các chế độ nô lệ tân thời, trả lại tầm nhìn cho người co cụm vào mình, trả lại phẩm giá cho người bị tước đoạt, cứu giúp cho hàng triệu người đang chịu cảnh mù chữ và dốt nát.

– Trong các giáo phận, hãy gia tăng sáng kiến cầu nguyện và thống hối “24 giờ cho Chúa”. Sáng kiến này cần cử hành vào những ngày thứ sáu và thứ bảy tuần thứ tư Mùa Chay. Đặc biệt, giúp đỡ các người trẻ đến với Bí tích Hoà Giải để “tái khám phá ý nghĩa cuộc sống của mình”.

Trong phần III của Tông sắc, ĐTC đưa ra một số lời kêu gọi:

– Với các thành phần thuộc những nhóm tội phạm để mời gọi họ cảm nghiệm được lòng thương xót của Thiên Chúa thay vì chạy theo tiền bạc và sử dụng bạo lực.

– Với những người gây ra hoặc đồng loã với sự tham nhũng, ĐTC mời gọi họ thay đổi cuộc sống để làm cho xã hội tốt đẹp hơn.

– Với những thành phần Do Thái giáo và Hồi giáo, ĐTC mời gọi đối thoại liên tôn, loại bỏ mọi hình thức khép kín, khinh rẻ, sử dụng bạo lực và kỳ thị”.

– Thật ra, lòng thương xót của Thiên Chúa không trái với công lý vì tình yêu là nền tảng của một nền công lý đích thực, và lòng thương xót cũng chỉ là một khía cạnh của tình yêu Thiên Chúa.

3. Cảm nghiệm lòng thương xót của Chúa

Muốn cảm nghiệm được lòng thương xót vô bờ của Thiên Chúa, chúng ta cần khám phá qua những lời dạy và hành động của chính Chúa Giêsu trong những sự kiện có vẻ như ngẫu nhiên xảy ra trong đời sống thường ngày của mình. Tôi xin được chia sẻ với anh chị em một kinh nghiệm:

Trong những ngày này, đất nước chúng ta đang tưng bừng kỷ niệm 40 năm thống nhất. Nhớ lại những ngày này cách đây 40 năm, tình hình chính trị xã hội ở miền Nam Việt Nam hết sức căng thẳng, quân đội Cộng sản miền Bắc đã chiếm được Huế, Đà Nẵng và các miền cao nguyên như Buôn Ma Thuột, Kontum, Lâm Đồng và trận địa lan tới miền Long Khánh, Xuân Lộc. Hơn nửa triệu người đi tìm tự do và an bình phải bỏ nhà cửa và cắm lều suốt dọc theo các xứ đạo miền Hố Nai, Biên Hoà. Lúc đó UBBAXH Công giáo do Đức cha Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận làm chủ tịch và tổ chức Caritas Việt Nam do cha Phêrô Trương Trãi làm giám đốc đã tích cực cứu giúp các nạn nhân chiến tranh và đồng bào khốn khổ này.

Chúng tôi được giao nhiệm vụ lo gạo, nước, thức ăn, thuốc chữa bệnh cho những anh chị em đó. Cho đến hôm nay, thú thật với anh chị em là tôi vẫn không hiểu làm thế nào mà có thể kiếm đủ gạo nước, thức ăn, thuốc men cho từng ấy người trong suốt thời gian làm việc, từ 24/3/1975 đến 28/4/1975. Tất cả đều bắt nguồn từ lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa muốn che chở và nuôi dưỡng những đứa con của Ngài. Từ đó tôi cảm nhận phần nào những phép lạ hoá bánh ra nhiều, chữa lành bệnh tật, xua trừ ma quỷ của Chúa Giêsu đều là những biểu hiện của lòng Thương xót. Nhất là cái chết và cuộc sống lại của Người là điểm cao nhất của lòng thương xót Chúa Cha để thúc đẩy ta sống lại niềm tin của các tín hữu thời Giáo Hội sơ khai như bài đọc I diễn tả (x. Cv 4,32-35).

Lời kết

ĐTC kết luận: “Hãy để cho Thiên Chúa làm chúng ta ngạc nhiên. Chúa là Đấng không bao giờ mỏi mệt trong việc mở rộng cánh cửa tâm hồn của Ngài cho loài người” thì chúng ta cũng hãy mở rộng tâm hồn cho nhau.