Đề nghị cấp bộ không quá 5 thứ trưởng

Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Phan Trung Lý đề nghị quy định rõ số lượng cấp thứ trưởng, phó thủ trưởng cơ quan ngang bộ tối đa là năm người.

 

Đề nghị cấp bộ không quá 5 thứ trưởng

 

Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Phan Trung Lý đề nghị quy định rõ số lượng cấp thứ trưởng, phó thủ trưởng cơ quan ngang bộ tối đa là năm người. 



Cụ thể, khi trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật tổ chức Chính phủ (sửa đổi) ngày 9-4, ông Lý đề nghị số lượng cấp phó cấp tổng cục, cục thuộc bộ, cơ quan ngang bộ tối đa là ba người; vụ, văn phòng, thanh tra và các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc bộ, cơ quan ngang bộ là hai người.

Tuy nhiên, đại diện Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình đề nghị không quy định giới hạn số lượng cấp phó trong luật, giao quyền này cho Chính phủ linh động trong tổ chức bộ máy.

“Như thế sẽ bảo đảm được tính năng động, chủ động của Chính phủ và phù hợp với yêu cầu từng giai đoạn phát triển kinh tế – xã hội của đất nước” – ông Bình giải thích. Đề nghị này không được các thành viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội chấp thuận.

“Không quy định cụ thể số lượng thì ra Quốc hội các đại biểu sẽ không chịu đâu” – Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng bình luận.

Ông đề nghị quy định chung đối với cấp bộ là không quá năm cấp phó, trừ các bộ Công an, Quốc phòng cho phép sáu thứ trưởng; cấp tổng cục chỉ nên quy định không quá bốn, cấp cục không quá ba và cấp vụ không quá hai.

Đối với dự thảo Luật tổ chức chính quyền địa phương, nội dung về mô hình tổ chức chính quyền vẫn còn các ý kiến rất khác nhau: một loại ý kiến đề nghị phải quy định theo hướng ở đâu có cấp chính quyền thì phải có đồng thời HĐND và UBND, ý kiến khác đề nghị tổ chức chính quyền ở đô thị thì bỏ HĐND cấp phường.

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đưa ra hai phương án, trong đó phương án thứ nhất thể hiện tất cả đơn vị hành chính đều tổ chức cấp chính quyền địa phương (gồm HĐND và UBND), làm rõ trong luật những điểm khác biệt về cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương ở nông thôn, đô thị và hải đảo. Phương án thứ hai quy định không tổ chức chính quyền địa phương ở cấp phường (chỉ có UBND), chủ tịch UBND do cử tri bầu trực tiếp hoặc chủ tịch UBND cấp trên bổ nhiệm.

Về dự thảo Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước đề nghị: “Tôi có thực tiễn bốn khóa ở Quốc hội, tôi thấy một số trường hợp đại biểu được bầu khi mới tốt nghiệp đại học thì rất khó phát huy. Tôi cho rằng phải có ít nhất ba năm công tác thực tiễn, không chỉ là công tác trong nhà nước, tổ chức xã hội mà ngay cả công nhân cũng phải trải qua thời gian lao động nuôi sống được bản thân mình thì mới nên ứng cử đại biểu Quốc hội” – ông Phước nói.

Trước đó, cũng đề cập vấn đề cơ cấu đại biểu trong các cơ quan dân cử, Trưởng Ban công tác đại biểu Nguyễn Thị Nương cho rằng cần phải chú trọng đến chất lượng chứ không nên quá nặng về cơ cấu. Bà Nương đề nghị cần giảm triệt để tỉ lệ đại biểu là người công tác trong các cơ quan hành chính nhà nước, tăng tỉ lệ đại biểu là người thuộc MTTQ, các đoàn thể, các chuyên gia, nhà khoa học có trình độ và uy tín xã hội.

Dự kiến cả ba dự án luật trên sẽ được Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 9 (giữa năm 2015).

Chiều cùng ngày, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thông qua đề nghị của Chính phủ về việc thành lập TP Tam Điệp thuộc tỉnh Ninh Bình và thị xã Kỳ Anh thuộc tỉnh Hà Tĩnh.

Ngăn chặn thư ký tòa án lạm quyền

Tại buổi góp ý dự án Luật tố tụng dân sự sửa đổi do Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM tổ chức ngày 9-4, đã có nhiều ý kiến trái chiều về nguyên tắc tòa án không được từ chối yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng.

Các đại biểu ủng hộ cho rằng thực tế pháp luật thường không điều chỉnh kịp những quan hệ xã hội nên không tránh khỏi những tranh chấp xảy ra trong thực tế mà pháp luật chưa quy định. Toà án thụ lý giải quyết để tránh trường hợp người dân có tranh chấp không biết nhờ ai phân xử rồi tự xử nhau theo kiểu “xã hội đen”.

Ngược lại, những ý kiến phản đối nguyên tắc này cho rằng như vậy sẽ khó khăn cho tòa. Trong thực tế, những vụ việc pháp luật đã có quy định mà các bên tố tụng còn cãi nhau rất nhiều vấn đề, huống gì những vụ việc chưa có quy định điều chỉnh. Việc lựa chọn tập quán, án lệ sẽ khó tránh khỏi cảm tính, khiến quyền lợi của các bên liên quan bị thiệt thòi.

Ông Trần Du Lịch, phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM, cho rằng đây là một trong những quy định nhằm ngăn chặn sự lạm quyền của các thư ký toà án. Thực tế có chuyện người dân đến nộp đơn khởi kiện tại tòa án thì bị các thư ký tuỳ tiện từ chối, làm khó khiến họ mất quyền được pháp luật bảo vệ.

D.N.HÀ

 

LÊ KIÊN