Chúa Nhật XX TN-A: Từ lòng ái quốc chân thực đến nhà cầu nguyện muôn dân

Bài Tin Mừng ghi lại thái độ có vẻ cứng cỏi của Chúa Giêsu, nhất là câu nói của Người “Thầy chỉ được sai đến với những con chiên lạc của nhà Israel mà thôi” (Mt 15,24) đã làm cho chúng ta suy nghĩ về thái độ của Chúa Giêsu trước người phụ nữ ngoại kiều Canaan

 

Từ lòng ái quốc chân thực
đến nhà cầu nguyện muôn dân

 

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK

Lời mở

Bài Tin Mừng mà chúng ta vừa nghe ghi lại thái độ có vẻ cứng cỏi của Chúa Giêsu, qua câu nói của Người: “Thầy chỉ được sai đến với những con chiên lạc của nhà Israel mà thôi” (Mt 15,24). Nhất là khi người phụ nữ ngoại kiều Canaan van xin Người cứu chữa con mình, Chúa Giêsu còn nói một câu có vẻ thiếu tôn trọng phẩm giá con người: “Không được lấy bánh dành cho con cái mà ném cho lũ chó con“. Có phải Chúa Giêsu giữ lòng ái quốc hẹp hòi, chỉ muốn dành ơn cứu độ cho người Do Thái hay Chúa Giêsu muốn dạy cho chúng ta bài học sâu xa nào đó qua cách hành xử của Người?

1. Không phải vì lòng ái quốc hẹp hòi
1.1. Lời giải thích của các nhà sử học về sự kiện

Chúa Giêsu có vẻ đã từ chối người phụ nữ Canaan khi bà đến xin Chúa Giêsu chữa lành cho con gái bà bị quỷ ám. Trước đó, Người còn dạy các môn đệ khi nhắc nhở các ông rằng: “Anh em đừng đi về phía các dân ngoại, cũng đừng vào thành nào của dân Samari, tốt hơn là hãy đến với các con chiên lạc của nhà Israel” (Mt 10,6). Thái độ và những câu nói của Chúa Giêsu đã được các nhà sử học Thánh Kinh giải thích rằng Người có lòng ái quốc hẹp hòi. Khởi đầu hình như Chúa Giêsu chỉ muốn rao giảng Tin Mừng cho người Do Thái và dành phép lạ cho đồng bào mình. Nhưng sau khi thấy họ không tin vào Người, nghi ngờ và thậm chí còn tìm cách giết Người, thì Người đã đi về phía các dân ngoại. Cuối đời, Người mới nói với các môn đệ rằng: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ” (Mt 18,29).

1.2. Lời giải thích đó không phù hợp với Thánh Kinh

Tuy nhiên, lời giải thích của các nhà sử học đó không đúng, vì đối với người Do Thái, ngay trong thời Cựu Ước, lòng ái quốc không thu hẹp vào dân tộc mình nhưng luôn mở rộng ra cho mọi dân tộc như trong bài đọc I: “Người ngoại bang nào gắn bó cùng Đức Chúa để phụng sự Người và yêu mến Thánh Danh, cùng trở nên tôi tớ của Người, đều được Chúa dẫn lên núi thánh và cho hoan hỷ nơi nhà cầu nguyện của Chúa, vì nhà của Chúa được gọi là nhà cầu nguyện của muôn dân” (Is 56,6-7).

Trong cuộc xuất hành, dân tộc Do Thái, dưới sự lãnh đạo của Môsê, đã bỏ Ai Cập để về miền Đất Hứa. Không phải chỉ có 12 chi tộc của Israel mà “có cả một dân đông hỗn tạp, những người đang làm nô lệ trong nước Ai Cập, cùng đi theo dân tộc Do Thái ra khỏi đó” (x. Xh 12,38), cùng sinh hoạt với dân tộc Israel trong suốt hành trình 40 năm ở sa mạc để rồi được biên chế vào các chi tộc, trở thành dân tộc Do Thái thật sự. Hơn nữa, dân tộc Do Thái vẫn ý thức rằng mình là một dân tộc đại diện cho tất cả các dân khác để tôn thờ Chúa tại đền thờ Giêrusalem.

1.3. Lòng ái quốc đích thực

Thái độ cứng cỏi của Chúa Giêsu đối với người phụ nữ Canaan cũng như lời dặn dò của Người với các môn đệ không phải muốn nói lên lòng ái quốc hẹp hòi. Trong cuộc đời, ngay từ lúc sinh ra, Đức Giêsu đã đón nhận ba vị đạo sĩ từ những dân tộc khác nhau đã đến thờ lạy Người (x. Lc 1,20). Trong 3 năm rao giảng, Chúa Giêsu làm phép lạ cho tất cả mọi người, không phân biệt Do Thái hay ngoại bang: Người làm phép lạ chữa lành cho đầy tớ của viên sĩ quan Rôma (x. Mt 8,5-13), cho người phụ nữ Canaan.

Đức Giêsu có tinh thần ái quốc đích thực vì Người yêu mến quê hương, dân tộc: Người đã khóc thương thành Giêrusalem (x. Lc 19,41-44), đau khổ khi nghĩ đến dân tộc đang bị người Rôma đô hộ và sẽ bị quân xâm lược tàn phá (x. Mt 23,37-39; Lc 13,34-35). Nhưng không phải vì thế mà Người không chữa lành cho người đầy tớ viên sĩ quan Rôma hay kêu gọi kỳ thị ngoại kiều. Người luôn nhắc các môn đệ hãy đi rao giảng Tin Mừng cho muôn dân (x. Mt 28,19) và cho muôn loài thụ tạo (x. Mc 16,15).

Vào ngày Chúa Thánh Thần Hiện xuống, các môn đệ đã nhận được ơn thiêng nói được các thứ tiếng để rao giảng Tin Mừng cho muôn dân (x. Cv 2,1-13). Vì thế, thái độ cứng cỏi của Chúa Giêsu đối với người phụ nữ Canaan chắc hẳn phải có một ý nghĩa sâu xa.

2. Giải thích thái độ lạnh lùng của Đức Giêsu
2.1. Thử thách lòng tin

Trước hết, một số nhà thần học giải thích rằng: Chúa Giêsu tỏ vẻ lạnh lùng, không ban ơn ngay cho người phụ nữ Canaan là để thử thách lòng tin của bà. Khi nói: “Không nên lấy bánh của con cái mà vứt cho chó”, không phải Chúa Giêsu khinh thường người phụ nữ ngoại kiều như con chó, mà Người muốn giới thiệu cho bà một lòng tin vượt lên trên những lạnh lùng, lãnh đạm của con người để hoàn toàn tin tưởng vào Thiên Chúa.

Bà càng nài nỉ, càng ước ao đạt được điều mình cần, thì càng muốn đến gần và muốn gắn bó với Chúa Giêsu hơn để gặp được Người với Chúa Cha trong ngôi nhà Thiên Chúa mà chúng ta sẽ bàn tới ở phần sau. Vì thế, chúng ta thấy Đức Giêsu khen lòng tin đã được thử thách ấy: “Này bà, lòng tin của bà mạnh thật!… Bà muốn thế nào, sẽ được như vậy!”. Trong đời sống, có những lúc Chúa như có vẻ không lắng nghe ta, quên ta, bỏ ngoài tai lời cầu xin của ta, ta hãy vững lòng tin tưởng như người phụ nữ này.

2.2. Ưu tiên cho dân tộc Do Thái

Lý do thứ hai, đó là Chúa Giêsu còn muốn dành ưu tiên cho dân tộc Do Thái vì đó là dân tộc được Chúa Cha yêu thương chọn lựa. Người muốn chứng tỏ tình yêu trung thành của Thiên Chúa đối với dân Ngài và một khi đã hứa với cha ông họ thì Người đã dành ưu tiên lời giảng dạy về Tin Mừng cũng như những phép lạ cho dân Do Thái. Đó cũng là ý nghĩa lời dặn dò của Đức Giêsu với các môn đệ mà ta nói đến ở phần đầu. Vì thế, lời nói của Chúa Giêsu: “Đừng lấy bánh của con cái mà vứt cho chó” là có ý nói đến dân tộc Do Thái là những đứa con được ưu tiên trong gia đình. Tuy nhiên, một khi bất cứ ai giữ điều luật của Chúa, sống công minh chính trực, như bài đọc I nhắc nhở, đều trở thành con cái của Người, đều thuộc về gia đình Thiên Chúa và gặp gỡ nhau trong nhà cầu nguyện của muôn dân.

3. Nhà cầu nguyện của muôn dân
3.1. Nhưng, nhà cầu nguyện của muôn dân là gì?

Đối với người Do Thái, đó là đền thờ Giêrusalem đặt trên núi Sion. Dân Do Thái đã xây dựng đền thờ này hết sức hoành tráng dưới thời vua Salomon và Hêrôđê. Các đền thờ này đã bị phá huỷ nhiều lần, và lần cuối cùng, vào năm 70 trước Công nguyên. Bây giờ, ở Giêrusalem chỉ còn lại bức tường đá để người Do Thái đến gục đầu vào đó than khóc.

Do đó, nhà cầu nguyện của muôn dân không phải là đền thờ Giêrusalem, cũng không phải là ngôi thánh đường cụ thể nào của người Kitô hữu để bất cứ ai, dù thuộc dân tộc nào, cũng có thể đến cầu nguyện tại đó.

3.2. Nhà cầu nguyện đích thực

Nhà cầu nguyện của muôn dân mà Chúa Giêsu muốn nói là chính thân thể của Người. Người đã nói: “Hãy phá huỷ đền thờ này đi, nội ba ngày Ta sẽ xây dựng lại” (Ga 2,19-21), Người ám chỉ thân thể của Người sẽ bị chết, được chôn táng 3 ngày, nhưng sẽ sống lại để trở thành nơi muôn dân gặp gỡ được Thiên Chúa. Chính trong con người Giêsu, chúng ta gặp được Thiên Chúa nhờ lòng tin và tình yêu thì chúng ta sẽ nhận được lòng thương xót của Cha Trên Trời, giống như người phụ nữ Canaan đến gặp Chúa Giêsu với lòng tin được thử thách và đã được Chúa cứu chữa con gái của bà.

Hơn nữa, trong đền thờ Chúa Giêsu đó, chúng ta không phải chỉ gặp gỡ con người mà còn gặp muôn loài thọ tạo cũng là những anh chị em của ta như chúng ta đã tìm hiểu về mối liên hệ với vạn vật trong hai tuần vừa qua. Bây giờ chúng ta mới hiểu câu nói của Chúa Giêsu “không nên lấy bánh của con cái mà ném cho chó” và câu đáp lại thật tuyệt vời của người phụ nữ: “Nhưng, chó con cũng được ăn những mảnh vụn từ bàn chủ rơi xuống!”. Chúa Giêsu không muốn bất cứ ai, cũng như bất cứ thụ tạo nào bị xua đuổi ra khỏi nhà cầu nguyện này. Người đón nhận tất cả và ban ơn cho tất cả: cả con chó con là đứa bé con của người phụ nữ Canaan! Tất cả đều là con cái Thiên Chúa và gặp gỡ nhau trong đền thờ của Ngài là Đức Giêsu.

Cuối cùng, đền thờ, hay nhà cầu nguyện của muôn dân, cũng không phải chỉ là một mình Chúa Giêsu, mà là tất cả chúng ta khi ta kết hợp thành một với Đức Giêsu và làm thành thân thể mầu nhiệm của Người. Thánh Phaolô đã viết rất nhiều về đề tài này để nhắc nhở chúng ta là “đền thờ của Chúa Thánh Thần”, là những viên đá sống động xây dựng nên đền thờ Thiên Chúa: muôn dân “không còn là Do Thái hay Hy Lạp, nô lệ hay tự do, cắt bì hay không cắt bì, đàn ông hay đàn bà, nhưng tất cả là một trong Đức Giêsu Kitô” (x. Gl 3,28; Cl 3,11).

Lời kết

Hôm nay, qua sự kiện Chúa Giêsu chữa lành cho con gái của người phụ nữ ngoại kiều, chúng ta hãy bỏ qua lòng ái quốc hẹp hòi, chỉ biết dân tộc mình, phe nhóm mình, xứ đạo mình và mở lòng ra cho muôn dân tộc cũng như muôn loài thọ tạo để tất cả đều có thể gặp gỡ nhau trong Chúa Giêsu Kitô. Xin Chúa đổ tràn ân phúc xuống anh chị em và biến anh chị em thành ngôi nhà sống động của Thiên Chúa.