Mức tăng lương tối thiểu: ý kiến vẫn bất đồng

Hội đồng Tiền lương quốc gia đã nhóm họp nhiều lần để có thể đưa ra một mức tăng lương tối thiểu hợp lý cho người lao động vào năm 2015. Trong tháng 8 tới Hội đồng sẽ phải thống nhất mức tăng lương tối thiểu vùng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; nhưng đến nay vẫn còn nhiều ý kiến bất đồng giữa đại diện người lao động và người sử dụng lao động.

 

Mức tăng lương tối thiểu: ý kiến vẫn bất đồng

Hội đồng Tiền lương quốc gia đã nhóm họp nhiều lần để có thể đưa ra một mức tăng lương tối thiểu hợp lý cho người lao động vào năm 2015.

Trong tháng 8 tới Hội đồng sẽ phải thống nhất mức tăng lương tối thiểu vùng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; nhưng đến nay vẫn còn nhiều ý kiến bất đồng giữa đại diện người lao động và người sử dụng lao động.

Sẽ có mức tăng lương tối thiểu áp dụng cho năm 2015 vào tháng 8 tới – Ảnh minh hoạ: Thuỳ Dung

Bên lề hội nghị về tiền lương diễn ra sáng nay 29-7, ông Nguyễn Tiến Đăng, Trưởng phòng Tiền lương Vụ Lao động – Tiền lương thuộc Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho hay Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, cơ quan đại diện cho người lao động, đề xuất mức tăng lương tối thiểu cho năm 2015 là 23%. Lấy ví dụ, mức lương tối thiểu hiện tại cho vùng 1 là 2,7 triệu đồng/tháng thì mức mới, theo đề xuất của tổ chức này, là 3,32 triệu đồng/tháng.

Đề xuất tăng 23% này dựa trên kết quả của cuộc khảo sát mới nhất do Tổng liên đoàn Lao động thực hiện với gần 1.900 người lao động trực tiếp sản xuất trong các khu công nghiệp. Kết quả cho thấy 7,9% công nhân trả lời thu nhập không đủ sống; 39% phải chi tiêu tằn tiện và kham khổ; 41,2% vừa đủ trang trải cho cuộc sống; chỉ có 11,9% có tích lũy.

Cũng theo điều tra này, tiền lương trung bình của công nhân hiện nay là 3,667 triệu đồng/người/tháng. Nhiều doanh nghiệp nợ lương và các khoản bảo hiểm nên lương bình quân chỉ còn 3,14 triệu đồng/người/tháng. Nhưng mức thu nhập này lại thấp hơn mức chi tiêu trung bình hàng tháng của họ. Số liệu khảo sát cho thấy mức chi tiêu trung bình cho nhu cầu sinh hoạt hàng tháng của người lao động (có nuôi con) là 3,905 triệu đồng.

Tuy nhiên, cũng theo ông Nguyễn Tiến Đăng, về phía đại diện cho giới chủ sử dụng lao động, do kinh tế khó khăn nên họ đề xuất không tăng lương hoặc nếu có tăng thì không vượt quá 12%.

Thực tế, trước đó đã có rất nhiều buổi toạ đàm của các doanh nghiệp đại diện cho giới chủ sử dụng lao động do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức.

Trong buổi họp gần đây nhất tại Hà Nội, ông Tạ Văn Ngọ, thuộc Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ, thành viên Hội đồng tiền lương quốc gia cho hay tăng lương tối thiểu dựa vào nhiều yếu tố như: mức tăng GDP, chỉ số giá tiêu dùng (CPI), năng suất lao động của người lao động và sức khoẻ của doanh nghiệp. Trong khi đó, năng suất lao động không được cải thiện trong thời gian qua; GDP dự kiến tăng 4,15%; chỉ số giá tiêu dùng tăng 7% trong năm nay; sức khoẻ doanh nghiệp đang gặp rất khó khăn nên mức tăng lương nên ở mức 12%.

Ông Lê Tiến Trường, Phó Chủ tịch Hiệp hội dệt may Việt Nam còn cho rằng, sức khoẻ của doanh nghiệp dệt may đang rất yếu do căng thẳng gần đây giữa Việt Nam và Trung Quốc. Chính vì vậy, phía các doanh nghiệp trong Hiệp hội cho rằng, không nên tăng lương trong năm 2015 hoặc nếu có tăng thì không quá 5% mới đảm bảo được tình hình kinh doanh của doanh nghiệp.