11/01/2025

Trường giải thể, trẻ khuyết tật bơ vơ

Đã hơn tám tháng kể từ khi Trường khuyết tật dân lập Đa Thiện (Q.7, TP.HCM) giải thể nhưng đến nay nhiều học sinh khuyết tật vẫn chưa biết đi đâu về đâu. Một số phụ huynh phải bỏ công việc để ở nhà chăm sóc con trẻ.

 

Trường giải thể, trẻ khuyết tật bơ vơ

Đã hơn tám tháng kể từ khi Trường khuyết tật dân lập Đa Thiện (Q.7, TP.HCM) giải thể nhưng đến nay nhiều học sinh khuyết tật vẫn chưa biết đi đâu về đâu. Một số phụ huynh phải bỏ công việc để ở nhà chăm sóc con trẻ.
Trường đóng cửa, ông Hoàng Dũng phải nghỉ việc ở nhà trông con Ảnh: MỸ DUNG

 

Sau một thời gian liên hệ khắp các trường khuyết tật, chuyên biệt lân cận hoặc xa hơn nhưng không nơi nào cho con mình vào học, ông Hoàng Dũng (P.Tân Kiểng, Q.7) buồn bã: “Gia đình chỉ muốn kiếm một chỗ cho cháu học để cháu cải thiện hành vi, nhưng nơi nào cũng viện đủ lý do để từ chối. Giờ chẳng biết làm sao, tôi đành nghỉ việc ở nhà chăm con”.

Bỗng dưng giải thể

Bé Hoàng Vũ, con trai ông Dũng, năm nay 13 tuổi, mắc hội chứng Down từ khi sinh ra. Trước tháng 8-2013, Hoàng Vũ và gần 40 trẻ khuyết tật ở Q.7 được yên ổn học tập tại Trường khuyết tật dân lập Đa Thiện (đường Lâm Văn Bền, Q.7) – ngôi trường do bà Nguyễn Thị Thu Mai thành lập. Bỗng dưng đầu tháng 9-2013, khi học sinh cả nước nô nức tựu trường thì nhà trường đột ngột thông báo giải thể.

“Ngày khai giảng 5-9-2013 là một ngày đau buồn đối với toàn thể học sinh trường khuyết tật này. Khi phụ huynh chở các cháu khuyết tật tới trường để bắt đầu năm học mới thì được tin trường giải thể. Tại sao ban giám hiệu không báo trước với phụ huynh để họ tiên liệu được tình hình?” – phụ huynh tên Trang lên tiếng.

 

Quyền học tập của người khuyết tật

Theo ThS Hoàng Thị Nga, phó trưởng khoa giáo dục đặc biệt Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, trẻ bị hội chứng Down, đa tật, khiếm khuyết trí tuệ… tùy vào chỉ số trí tuệ đều có đáp ứng với việc học và cải thiện hành vi. Trẻ khuyết tật cũng như trẻ bình thường phải được quyền tiếp cận giáo dục. Vì thế, xã hội phải xây dựng nhiều trường khuyết tật hơn và đầu tư những dự án liên quan đến việc tạo việc làm cho người khuyết tật. Tuy nhiên, hiện toàn TP.HCM chỉ có khoảng 17 quận, huyện có trường khuyết tật công (mỗi quận, huyện chỉ có 1 trường), nhiều quận, huyện chưa có trường nào, trong đó có Q.7.

 

Không một thông báo nào được phát đi trước khi trường giải thể để phụ huynh chuẩn bị. Khi phụ huynh chất vấn, chủ Trường khuyết tật dân lập Đa Thiện cho rằng họ không đủ kinh phí để hoạt động thì có quyền giải thể và cũng không cần phải thông báo trước với phụ huynh. Ông Ngô Xuân Đông, trưởng Phòng GD-ĐT Q.7, cho biết do Trường khuyết tật dân lập Đa Thiện là trường tư thục nên đơn vị quản lý cũng không có cách nào để giữ lại trường. Trường này giải quyết đầy đủ chế độ cho cán bộ, giáo viên và làm nghĩa vụ đầy đủ với Nhà nước là có thể giải thể.

Quá ít trường cho trẻ khuyết tật

Việc một trường khuyết tật đột ngột giải thể trong khi toàn quận chưa có ngôi trường khác tương tự đã khiến gia đình rối bời, học sinh không biết đi đâu về đâu. Ông Nguyễn Anh Dũng (P.Tân Hưng), có con gái từng là học sinh Trường khuyết tật dân lập Đa Thiện, cho biết sau khi trường này giải thể, ông gửi con cho lớp học tình thương do một cô giáo của trường này đứng ra tổ chức. Nhưng được một thời gian cô giáo nản lòng và lớp học tình thương này cũng “vỡ”.

“Tôi qua một trường khuyết tật, chuyên biệt ở Q.4 xin học cho con, người ta nói con tôi chân hơi yếu nên không nhận. Tôi qua Q.8 thì trường nói chỉ nhận học sinh trong quận. Tôi cũng biết có một vài trường khuyết tật ở Q.3, Q.1 nhưng giá mắc quá, 6-7 triệu đồng/tháng, gia đình kham không nổi nên đành để con ở nhà cho bà xã trông” – ông Nguyễn Anh Dũng nói. Còn ông Hoàng Dũng đã đến một số trường ở các quận 2, 3, 10 nhưng nơi thì cho biết chỉ nhận trẻ trong quận, nơi lại nói rằng do đã “quá tải”, nơi thì từ chối với lý do con ông đã 13 tuổi vì “chỉ nhận trẻ dưới 10 tuổi”…

Khi trẻ khuyết tật được đến trường, gia đình không chỉ đỡ gánh nặng mà quan trọng hơn là trẻ còn cải thiện được hành vi. Theo các phụ huynh, từ ngày không được đến trường, những trẻ này càng chậm chạp. “Không được đến trường, không giao tiếp với bên ngoài, các cháu gần như quên tất cả những gì học được, lại khó bảo, không biết tự lo cho bản thân. Tôi mong con mình được đi học là thế”, ông Hoàng Dũng tâm sự.

Ít nhất 2 năm nữa mới có trường

Việc Trường khuyết tật dân lập Đa Thiện giải thể và nhiều học sinh khuyết tật của Q.7 bơ vơ, theo một chuyên gia, trách nhiệm trước tiên thuộc về UBND quận. Q.7 hiện chưa có trường khuyết tật nào, hoặc quận phải lo chuyển đổi để học sinh của quận mình đến quận khác học, hoặc phải gấp rút xây dựng trường khuyết tật trên địa bàn. Bởi theo Luật khuyết tật, điều này nằm trong trách nhiệm của UBND từng quận, huyện.

Ông Ngô Xuân Đông cho biết khi Trường Đa Thiện giải thể, Phòng GD-ĐT Q.7 đã giới thiệu với phụ huynh để họ đưa con em mình vào học ở một trường khuyết tật tại Q.4. Nhưng việc nhiều gia đình đến nay vẫn chưa xin cho con em mình đi học được, theo ông Đông, là do tình hình rất khó khăn, bởi vì “những trường như vậy (trường khuyết tật) ở TP cũng không nhiều”. Theo quy hoạch trường lớp trước đây thì Q.7 chưa có trường khuyết tật. Hiện nay, Phòng GD-ĐT đã tham mưu để điều chỉnh quy hoạch đó và được UBND quận thống nhất về chủ trương. Trên cơ sở điều chỉnh quy hoạch mới có thể chọn đất để đề nghị làm dự án. Như vậy mất ít nhất 2, 3 năm nữa quận mới có trường.

 

 

Thu không đủ chi

Ngày 9-5, chúng tôi đến địa chỉ mà trước đây Trường khuyết tật dân lập Đa Thiện đóng. Sau tám tháng tuyên bố giải thể, nơi đây vẫn trưng bảng Trường khuyết tật dân lập Đa Thiện nuôi dạy trẻ khuyết tật Q.7. Trường chưa có dấu hiệu sang tên đổi chủ. Theo người dân nơi đây, trường thành lập khoảng cuối thập niên 1990 sau Trường mầm non Maika một thời gian. Hai ngôi trường này (chỉ cách nhau một con hẻm nhỏ) cùng một chủ sở hữu là bà Nguyễn Thị Thu Mai. Trong khi Trường mầm non Maika ngày một bề thế, phát triển thì Trường khuyết tật dân lập Đa Thiện bị giải thể vào khoảng tháng 9-2013 với lý do thu không đủ chi, học sinh ngày càng ít.

 

MỸ DUNG