Đừng bỏ qua những niềm vui nhỏ

“Một nhà khoa học lừng danh sau cả đời làm việc cật lực, ông giật mình khi một đứa trẻ “dạy” ông bằng một câu hỏi ngây ngô: Kiếm tiền nhiều để làm gì? Ba mẹ con kiếm ít tiền nhưng lúc nào cũng bên cạnh con, vậy là đủ”. Đó là câu chuyện của thầy.

Đừng bỏ qua những niềm vui nhỏ

“Một nhà khoa học lừng danh sau cả đời làm việc cật lực, ông giật mình khi một đứa trẻ “dạy” ông bằng một câu hỏi ngây ngô: Kiếm tiền nhiều để làm gì? Ba mẹ con kiếm ít tiền nhưng lúc nào cũng bên cạnh con, vậy là đủ”. Đó là câu chuyện của thầy.

Thầy Trang Sĩ Dũ - Ảnh: Sơn Định 

Người dạy chúng tôi rằng cuộc sống còn có nhiều điều quý giá hơn vật chất, và rồi chúng tôi viết lại những dòng tâm sự này cũng vì chân lý ấy.

Khởi đầu cảm hứng!

 

Người thầy trong bài viết là thầy Trang Sĩ Dũ, giáo viên vật lý Trường THPT Đoàn Kết, H.Tân Phú, tỉnh Đồng Nai. Thầy Nguyễn Văn Hiển, hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Thầy Trang Sĩ Dũ đang chủ nhiệm lớp 12A1 của trường. Đây là lớp có tỉ lệ học sinh giỏi rất cao ở trường. Thầy Dũ là một giáo viên trẻ nhưng biết đầu tư kiến thức, đổi mới phương pháp giảng dạy. Mỗi tiết dạy vật lý, thầy Dũ đưa ra nhiều câu chuyện vui, thú vị về lịch sử vật lý để kích thích sự sáng tạo của học sinh. Thầy Dũ bám lớp, lắng nghe tâm tư của các em học sinh để rồi truyền đạt đến các em một khát vọng sống, khát vọng học tập, sáng tạo và đoàn kết, tự lực, cạnh tranh lành mạnh trong học tập. Cách đổi mới phương pháp dạy học, không khô khan đã khiến nhiều em học sinh rất thích thú khi thầy Dũ đứng lớp.

SƠN ĐỊNH 

 

Ngày đầu tiên vào lớp chúng tôi, thầy tươi cười: “Học vật lý, thế nhưng thầy đố tụi em chúng ta sẽ học cái gì?”. Chúng tôi nhanh chóng lóe lên trong đầu hàng tá câu trả lời, nhưng dường như các câu trả lời rơi vào câu chuyện ngụ ngôn “thầy bói xem voi”, cũng chỉ sờ được cái đầu, cái tai hay cái đuôi của từ “vật lý”.

Những học sinh chuyên vật lý cũng lắc đầu. Hóa ra bấy lâu nay chúng tôi bị cuốn vào một cuộc đua khủng khiếp của các khái niệm trong sách, nhưng ngay cả khái niệm đơn giản về đối tượng mình đang học thì chúng tôi mù tịt. Thầy nhìn chúng tôi với ánh mắt bao dung: “Tuy học giỏi, điểm cao nhưng lắm khi chẳng biết mình đang ở đâu, làm gì. Mà đã như thế thì lấy đâu ra đam mê. Không có đam mê thì cái mới sẽ mãi nằm trong vỏ bọc.” Thầy kết luận: “Nhiệm vụ của thầy là giúp các em đam mê môn vật lý”.

Đơn giản thôi, tại sao một cái lá đang rơi lại xoay tròn? Sóng biển đến từ đâu? Liệu một con ruồi có thể tung vỡ một chiếc ôtô? Hay phải chăng bộ não chúng ta chẳng khác gì một chiếc đồng hồ?… “Mọi thứ xung quanh chúng ta đang vận động, vật lý sẽ đưa các em vận động cùng chúng, đơn giản thế thôi” – thầy nhấn mạnh.

Học vật lý bằng “kể chuyện em nghe”

Cuộc đời học sinh của chúng tôi chưa bao giờ có những tiết học vật lý hay đến thế. Đầu mỗi buổi học, thầy thường dành năm phút để kể cho chúng tôi nghe chuyện học vật lý – chuyện học làm người: “Vật lý không chỉ là những bài học về các con số, mà còn là đạo đức, sự kiên trì, khiêm tốn và lòng dũng cảm”.

Đó là một Newton với tuổi thơ mồ côi cha nhưng khiến thế giới sửng sốt với định luật vạn vật hấp dẫn cùng giai thoại quả táo rơi trúng đầu, Archimedes với vũ điệu Eureka hoang dại và trần trụi, Galileo Galilei đã thay đổi nhận thức về vạn vật bằng thí nghiệm trên đỉnh tháp nghiêng Pisa, Edison với người vợ bất ngờ sau một cơn mưa, hay câu chuyện một nhà khoa học “thua độ” bác nông dân vì cho rằng kiến thức sách vở sẽ thắng kinh nghiệm sống của một người “thiếu chữ”… Tất cả đã đưa chúng tôi vào “cái nôi” những thiên tài vật lý, với vị mặn của thất bại, vị chua chát của khó khăn và vị ngọt của thành công.

Thỉnh thoảng thầy “đổi khẩu vị” cho chúng tôi. Đó là những buổi cả lớp cười ngả nghiêng với siêu lừa hóm hỉnh “bác Ba Phi”. “Bác Ba Phi là người miền Tây, có khả năng gây cười một cách bất ngờ. Để hiểu rõ bác Ba sử dụng nghệ thuật gì, hôm nay chúng ta sẽ bước vào bài học… Con lắc đơn” – thầy hay pha trò “trớt huớt” và bất ngờ như thế để chúng tôi hưng phấn suốt buổi học.

“Lời thầy muốn nói”

Dịp tết 2014, chúng tôi về nhà thầy. Nhấp ngụm trà mà thầy cẩn thận pha chỉ đãi khách quý, chúng tôi kể lại những ký ức ngày chuẩn bị rời trường phổ thông.

Ngày đó, các tiết học bắt đầu trở nên căng thẳng bởi áp lực chọn trường, chọn ngành, hay như ba mẹ bảo là “chọn tương lai”. Hiểu học trò mệt đầu trước việc học nặng thi cử, thầy tự tay viết dòng chữ thư pháp: “Lắng lòng lại để thời gian ngưng đọng, Trải tâm ra cho vạn vật vô thường”. Và thầy đề chữ “tâm” màu đỏ phía bục giảng với hi vọng chúng tôi hãy bình tĩnh, nhẹ nhàng, sáng suốt và biết sẻ chia. Và “Lời thầy muốn nói” được chuyển tới các học trò trong quyển sổ thầy tặng mà đến nay chúng tôi còn giữ.

Một người bạn trong nhóm chúng tôi – Hoài Trung (hiện là sinh viên ĐH Bách khoa, ĐHQG TP.HCM) – kể: “Hồi năm 1 có lần mình thất tình, chuyện học hành cũng gặp ngược xuôi. Nản quá, định bỏ học. Nhưng đọc lại quyển sổ thầy tặng, biết rằng mình không được dừng lại”. Thầy viết rằng: “Thầy biết rồi cũng có khi em vất vả, phân vân và gặp khó. Em cảm thấy mệt mỏi và chán nản cuộc đời. Em muốn ngã quỵ trước những khó khăn trong cuộc sống. Vì thế, thầy dành những dòng này cho em với hi vọng có thể giúp em đủ tự tin trên bước đường đầy gian truân, cạm bẫy nhưng cũng vô cùng mầu nhiệm”.

Mở lại quyển sổ năm nào, những câu chữ mà ngày ấy chúng tôi cho rằng “xa xôi quá” nay lại làm chúng tôi xúc động. “Hôm qua em là người lớn nhất trong thế giới trẻ nhỏ. Hôm nay em là người nhỏ nhất trong thế giới người lớn. Thế nên rồi em sẽ có lần lo âu, lần sầu khổ, lần bị hiểu lầm, lần mất mát, lần chán nản, lần cô đơn, khi thất bại lúc thành công… nhưng hãy đừng bỏ qua những niềm vui nho nhỏ. Và ngày em trở thành một con người có một trái tim – trái tim được hướng dẫn bằng một lý trí sáng suốt, được hun đúc bằng một tình thương sâu đậm, được nối dài bằng một đôi tay ham làm – là khi em thật sự hạnh phúc”.

 

 

Không ai hiểu học trò bằng thầy chủ nhiệm

Thầy bảo: “Trường có tổ chức tư vấn cho tất cả học sinh, nhưng riêng lớp thầy chủ nhiệm suốt ba năm qua, thầy muốn tự tay tổ chức thêm”. Một là không ai hiểu học trò mình cần gì bằng giáo viên chủ nhiệm. Hai là “tụi nhỏ muốn nghe các câu chuyện người thật việc thật, những chọn lựa và đánh đổi đã được thời gian kiểm chứng qua các cựu học sinh nay đã đi làm”. Ba là “phụ huynh cũng nên ngồi nghe con em họ muốn gì và chia sẻ áp lực với chúng”. Thầy cho các em xem bộ phim giáo dục hướng nghiệp rất nổi tiếng của Ấn Độ Ba chàng ngốc (Three idiots), và tự tay làm thí nghiệm vật lý “cây kim có thể nổi trên mặt nước” để kết luận: “Nếu các em quá áp lực, đầu óc sẽ nặng nề và tâm lý không còn thư thái để có thể vượt qua kỳ thi một cách tốt nhất được”.

 

 

Nhóm 3T 
(cựu học sinh A1 – THPT Đoàn Kết, H.Tân Phú, tỉnh Đồng Nai 2006-2009)