Chúa Nhật II MV – A: Điều kiện để có thể đổi mới

Các bài Thánh Kinh hôm nay giới thiệu cho chúng ta 3 điều kiện bắt đầu bằng chữ “T” để có thể đổi mới cuộc đời mình: thứ nhất là thinh lặng, thứ hai là tội lỗi, thứ ba là Thánh Thần

 Điều kiện để có thể đổi mới

 

Hành Khất Kitô

Lời mở

Tuần trước chúng ta đã cùng nhau suy nghĩ về niềm hy vọng và đã thấy rằng hy vọng suông chưa đủ, cần phải thực hiện niềm hy vọng bằng cách đổi mới con người. Sự đổi mới của chúng ta bắt đầu từ việc nhận thức đúng về con người mình, về sự vật quanh mình và tìm ra những nguyên nhân gây nên hiện trạng chưa tốt đẹp, sau đó tìm ra những biện pháp để sửa đổi tình trạng yếu kém, chưa tốt dẹp đó.

Trong tuần này chúng ta được mời gọi để tìm hiểu thêm về những điều kiện có thể đổi mới được con người. Các bài Thánh Kinh hôm nay giới thiệu cho chúng ta 3 điều kiện bắt đầu bằng chữ “T” để có thể đổi mới cuộc đời mình: thứ nhất là thinh lặng, thứ hai là tội lỗi, thứ ba là Thánh Thần. Chúng ta dành ít phút để tìm hiểu các điều kiện này.

1. Thinh lặng

Những người Do Thái đã đi vào hoang mạc để tìm đến với Gioan Tẩy giả. Hoang mạc là một vùng đất rộng lớn, hầu như không có cây cối và người ở. Đó là một nơi thinh lặng, không có tiếng động của người và vật, của xe cộ hay phương tiện truyền thông xã hội mà con người hiện nay đang bị vây bọc tư bề. Mỗi ngày, ngay từ lúc thức dậy, chúng ta không còn tìm được sự thinh lặng vì những tiếng động làm ta buồn bực khó chịu, làm ta mất sự chú ý và không nghe được tiếng Chúa nói trong tâm hồn. Trái lại, nhiều người không chịu được sự thinh lặng, lầm nó với sự hoang vắng cô đơn nên luôn tạo nên những tiếng động quanh mình, về nhà người ta bật máy nghe hết bản nhạc này đến bản nhạc khác hoặc xem tivi hết chương trình này đến chương trình kia.

Thời nay, con người thiếu sự thinh lặng vì họ không hiểu ích lợi của nó đối với thể xác và tâm hồn. Khi ta sống trong bầu khí thinh lặng, không có tiếng động: cơ quan thính giác không phải căng thẳng vì những tiếng động, hệ thống thần kinh không phải phân tích đủ loại tiếng động như tiếng nhạc trầm bổng, tiếng nói với âm sắc của mỗi người cũng như ý nghĩa của từng lời nói. Nhờ vậy, thể xác con người được an nghỉ, tinh thần được hồi phục.

Khi tinh thần không bị những tiếng nói của tham vọng và dục vọng thôi thúc, tâm trí con người trở nên thanh thoát, nghe được tiếng Chúa nói trong lương tâm ngay chính của mình để mạc khải những mầu nhiệm cao cả và làm cho con người được thông phần vào bản tính Thiên Chúa (x. Hiến chế Dei Verbum - Ngôi Lời Thiên Chúa – của CĐ Vat. II, số 1).

Vì thế, điều kiện đầu tiên để có thể đổi mới là đi vào hoang địa để nghe được tiếng Chúa nói trong lòng ta, kêu gọi chúng ta phải làm gì như người Do Thái vào hoang địa nghe lời kêu gọi sám hối của Gioan. Thi sĩ Hàn Mạc Tử – Nguyễn Trọng Trí tả về thinh lặng như sau:

Ai hãy lặng thinh chớ nói nhiều,
Để nghe dưới đáy nước hồ reo,
Để nghe tơ liễu run trong gió,
Và để nghe Trời giải nghĩa yêu.

Muốn giải thích được tình yêu của trời đất, muốn cảm nhận được tình yêu Thiên Chúa, con người rất cần thinh lặng.

2. Khám phá ra tội lỗi để thống hối

Điều kiện thứ 2 là nhận ra tội lỗi của mình để sám hối.

Nhiều người tín hữu xét mình theo Mười Điều Răn và thấy mình không giết người, không trộm cắp, không dối trá, không dâm đãng, dự lễ đọc kinh đều đặn, chỉ chia trí ít nhiều khi cầu nguyện hoặc nói vài lời khó nghe với người chung quanh và cảm thấy mình chẳng có tội lỗi gì. Có người còn tự mãn về tình trạng đạo đức của mình. Thật ra chúng ta nên tìm hiểu tội lỗi thật sự là gì và tình trạng tội lỗi ngăn cách chúng ta với Thiên Chúa như thế nào.

Tội lỗi là một hành động từ khước Thiên Chúa khi lỗi phạm một điều Chúa cấm với ý thức và tự do “trong tư tưởng, lời nói, việc làm và cả những điều thiếu sót”. Nhiều người chúng ta hình như quên những tội do thiếu sót bổn phận, những tội trong tư tưởng mà hầu như chỉ nhớ đến hành động xúc phạm đến Thiên Chúa. Ví dụ có những người nghĩ rằng xem phim ảnh đồi truỵ, bạo lực, ma quái thì không có tội vì chỉ để giải trí. Nhưng những tư tưởng và hình ảnh ma quái, bạo lực, dâm đãng ấy xâm chiếm tâm trí ta, ghi sâu trong tiềm thức, lọt vào cả vô thức rồi ở mãi trong đó nếu ta không biết dùng Lời Chúa như nguồn nước kỳ diệu để thanh tẩy ký ức. Ma quỷ lợi dụng chúng để cám dỗ ta, làm ta chia trí, bực bội, xung đột với người khác, làm hại người khác. Tất cả đều làm chúng ta xa lìa Thiên Chúa.

Điều cần hơn là khám phá ra tình trạng tội lỗi. Đây không phải chỉ là tìm ra những hành động nào đó cụ thể trong cuộc sống mà là tìm về nguồn gốc tội lỗi của con người khi so sánh với sự thánh thiện của Thiên Chúa để thấy mình cần sám hối ăn năn trước sự thánh thiện nhân từ của người Cha trên trời. Chỉ khi con người sống trong ánh sáng của Thiên Chúa họ mới thấy được những vết đen bẩn dù rất nhỏ trong tâm hồn mình giống như chúng ta thấy được những hạt bụi bẩn bay trong luồng ánh sáng và mới sám hối để thanh tẩy tội lỗi. Chỉ có tâm hồn chỉ tâm hồn nào gắn bó với Chúa mới có thể phát ra những tư tưởng trong sạch, lời nói tốt đẹp hành động bác ái vì Ngài là nguồn của Chân Thiện Mỹ.

Vì thế, Gioan Tẩy giả nói với những người Pharisêu và Sađốc trong bài Tin Mừng hôm nay bằng những lời nặng nề để kêu gọi họ sám hối: “Hỡi nòi rắn độc kia, ai đã chỉ cho các anh cách trốn cơn thịnh nộ của Thiên Chúa sắp giáng xuống vậy? các anh hãy sinh hoa quả để chứng tỏ lòng sám hối. Đừng tưởng có thể bảo mình rằng chúng ta có tổ phụ Abraham” (Mt 3,7-9).

Chúng ta biết người Pharisêu nổi tiếng là đạo đức trong cộng đồng Do Thái và người phái Sađốc là những tư tế. Họ tượng trưng cho những người lãnh đạo trong cộng đồng Giáo Hội và giáo dân ưu tuyển như chúng ta. Chúng ta đừng nại rằng mình đã được rửa tội, dự lễ mỗi tuần, làm việc bác ái và có Thiên Chúa là Cha của mình. Chúng ta được mời gọi khám phá ra tình trạng tội lỗi đang ngăn cách mình với Thiên Chúa, làm cho mình không phát huy được những ân sủng kỳ diệu Chúa ban.

Khi chúng ta gắn bó với Thiên Chúa trong tình yêu qua những hành động tốt đẹp là hoa quả của lòng sám hối thì chúng ta sẽ phát huy được ân sủng Chúa ban để mỗi khi tiếp xúc với ai, đụng chạm đến người nào, họ sẽ cảm nghiệm được niềm vui, được chữa lành. Đó mới là tình trạng thánh thiện thật sự đáng chúng ta mơ ước và hy vọng.

3. Chúa Thánh Thần

Điều kiện thứ ba cũng được Gioan Tẩy Giả báo trước cho người Do Thái rằng: “Phần tôi tôi làm phép Rửa cho anh em bằng nước để giục lòng anh em sám hối, còn Đấng đến sau tôi thì quyền thế hơn tôi. Người sẽ làm phép rửa cho anh em bằng Thánh Thần và bằng lửa” (Mt 3,11). Trong bài đọc thứ nhất hôm nay (x Is 11,1-10), tiên tri Isaia tả cho chúng ta thấy Đấng Mêsia với 7 ơn Thánh Thần sẽ thực hiện ơn cứu độ như thế nào: Người sẽ làm cho cả xứ tràn đầy ơn phúc của Thiên Chúa, thay đổi cả bản tính vạn vật để cho sói ở với chiên con, beo nằm bên dê nhỏ, trẻ con chơi đùa bên hang rắn độc…

Mỗi người chúng ta là hình ảnh của Đấng đó vì chúng ta đã được rửa nhân danh Chúa Thánh Thần và bằng ngọn lửa tình yêu của Người. Chúng ta được Người ban muôn ơn để tiếp tục công trình cứu độ thế giới. Vì thế, chúng ta cần cầu nguyện với Chúa Thánh Thần để Ngài đến đổi mới khuôn mặt địa cầu cũng như đổi mới tâm hồn mỗi người.

Chính Chúa Thánh Thần sẽ dẫn chúng ta vào hoang địa để chiến đấu với những cơn cám dỗ của ma quỷ và khám phá ra tội lỗi như đã từng dẫn đưa Đức Giêsu vào hoang địa (x. Lc 4,2) và thúc đẩy Người đi khắp nơi rao giảng Tin Mừng Nước Trời (x. Lc 4,14).

Kết luận

Hôm nay chúng ta suy nghĩ về những điều kiện để đổi mới: đó là thinh lặng, tội lỗi và Thánh Thần. Xin Chúa cho chúng ta biết tạo nên sự thinh lặng bằng cách bớt đi những giờ xem tivi, những giờ đọc báo không cần thiết, những cuộc nói chuyện vô bổ để tăng thêm giờ cầu nguyện, nói chuyện với Chúa ngay trong chính gia đình hay nơi làm việc.

Mỗi tối chúng ta có thể dành 5-10 phút trước khi ngủ để tìm sự thinh lặng cho tâm hồn, nhìn lại ngày sống, nói với Chúa vài câu thân mật để diễn tả lòng biết ơn và tình yêu của mình thay vì đọc vội vã vài lời kinh quen thuộc. Ngài sẽ dạy chúng ta khám phá ra tình trạng tội lỗi và ban nhiều ân sủng Thánh Thần để nhờ đó chúng ta thực hiện thành công cuộc đổi mới chính mình.