Chúa nhật XXIV TN – C: Giữ lòng vui

Từ “vui” được nhắc đến 8 lần trong bài Tin Mừng: “Xin chung vui với tôi vì tôi đã tìm được con chiên bị lạc hoặc vì tôi tìm được đồng tiền bị mất” hoặc: “Phải vui mừng, vì em con đã chết mà nay sống lại, đã mất mà nay tìm thấy”. Trời vui, Chúa vui, các thiên thần vui. Nhưng tại sao đất buồn, người buồn, thậm chí cho đời là bể khổ? Tại sao chúng ta phải vui và phải tìm nguồn vui ở đâu để vượt qua những nỗi buồn khổ trong cuộc sống.

 

Giữ lòng vui

 Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn 

Lời mở

Các bài Kinh Thánh hôm nay mời gọi chúng ta suy nghĩ về niềm vui. Từ “vui” được nhắc đến 8 lần trong bài Tin Mừng: “Xin chung vui với tôi vì tôi đã tìm được con chiên bị lạc hoặc vì tôi tìm được đồng tiền bị mất” hoặc: “Phải vui mừng, vì em con đã chết mà nay sống lại, đã mất mà nay tìm thấy”. Trời vui, Chúa vui, các thiên thần vui. Nhưng tại sao đất buồn, người buồn, thậm chí cho đời là bể khổ? Trong ít phút này, chúng ta cùng nhau tìm hiểu tại sao chúng ta phải vui và phải tìm nguồn vui ở đâu để vượt qua những nỗi buồn khổ trong cuộc sống.

1. Định nghĩa vui buồn

Nhiều khi chúng ta có tâm trạng vui buồn nhưng không định nghĩa được chúng. Theo Từ diển Tiếng Việt của Viện Ngôn Ngữ học, Vui là có tâm trạng tích cực, thích thú của người đang gặp việc hợp với nguyện vọng hoặc gặp điều làm cho mình hài lòng.Thí dụ: vui vì gia đình đoàn tụ, vì trúng số, thi đậu. Ngược lại; buồn là có tâm trạng tiêu cực, không thích thú của người gặp việc đau thương hoặc đang có điều không được như ý. Từ định nghĩa trên chúng ta thấy rằng vui buồn hệ tại ở tâm trạng tích cực hay tiêu cực của mỗi người.

2. Đi tìm niềm vui

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có bài hát rất dễ thương: Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui bởi vì ông thấy rằng mỗi ngày sống ít ra mình cũng có dịp nhận được bó hoa tươi của người hâm mộ, nghe được bản nhạc hay, uống được chai rượu quý…

Có lẽ người Công giáo chúng ta không phải mỗi ngày chỉ có một, mà có nhiều niềm vui. Vui nhất là vì ta được sống, được mở mắt để nhìn thấy những người, những vật quanh ta thay cho những đôi mắt mù loà; được có đôi chân để đi đến chỗ này chỗ khác thay cho những người nằm bất động; được có đôi tay để làm việc này việc nọ giúp cho mình và cho người; được có cái đầu để suy nghĩ, thu nhận những kiến thức qua sách báo, phim ảnh, câu chuyện. Chúng ta vui vì trái tim đang đập và cảm nghiệm được tình yêu thương của người thân, bạn bè cũng như của vạn vật: bao nhiêu cây xanh đang toả dưỡng khí cho ta thở, bao nhiêu con tôm, con cá, ngọn rau, cây giá hy sinh đời sống thấp kém của chúng cho ta được sống và sống mãi mãi với Thiên Chúa thay cho chúng.

Như thế, mỗi ngày không phải chỉ chọn một mà có thể cảm nhận được nhiều niềm vui khác nhau nếu chúng ta giữ được tâm trạng tích cực trong lòng mình.

3. Tìm hiểu nỗi buồn

Nhưng có nhiều người cảm thấy buồn khổ chỉ vì mang những tâm trạng tiêu cực dù họ vẫn có đôi mắt để nhìn, đôi chân để đi, đôi tay để làm việc, cái đầu để suy nghĩ và con tim để yêu thương. Vậy tại sao họ lại buồn?

Lý do đầu tiên là vì họ bất mãn, không bằng lòng với chính mình. Khi so sánh mình với người khác, ta thấy mình không giàu, không đẹp, không giỏi như họ. Ta muốn được như họ và hơn cả họ để khẳng định mình. Thậm chí ta còn trách Chúa sao không ban cho ta được như người vì ta sống đạo đức hơn, siêng năng đi lễ và cầu nguyện sốt sắng hơn. Chúng ta đã quên mất sứ mạng riêng tư với những ân sủng khác nhau của mỗi người.

Khi ta nhìn vào người để ghen tức mà quên nhìn vào mình để ca tụng vì những ân sủng của Chúa ban, ta sẽ buồn và không phát huy được những ân sủng ấy. Ta mang tâm trạng giống như người con cả trong bài Tin Mừng. Anh ta không dám lấy con dê để ăn mừng với chúng bạn chỉ vì đo lòng cha quảng đại bằng thước đo nhỏ hẹp của lòng mình. Do đó, để có thể vui, chúng ta không được bất mãn với mình.

Lý do thứ hai làm ta không vui, đó là bất mãn với người. Chúng ta không vui vì vẫn giữ những gì tiêu cực, vẫn nghĩ đến những thất bại, đau khổ, tủi nhục mà người khác đã gây nên cho ta, ta không quên, không tha thứ cho họ. Có người nói xấu mình cách đây hơn 10 năm rồi, người nói đã quên mà người nghe vẫn nhớ! Mỗi lần nhớ là người ta đưa cái tiêu cực ăn sâu thêm vào trong ký ức của mình. Chính vì thế mà càng nhớ lòng người càng nặng nề, càng mất bình an và hạnh phúc.

Hôm nay Chúa mời gọi chúng ta tha thứ, bỏ đi tất cả những gì tiêu cực mà người khác gây nên cho ta, để lòng ta thanh thoát, nhẹ nhàng. Quả thật có những con người hay sự việc ăn quá sâu vào tâm trí khiến ta không thể nào quên, nhưng nhờ dòng nước và máu chảy từ Trái Tim Cực Thánh Chúa Giêsu, nhất là qua bí tích Giải Tội và Lời Chúa đọc thường xuyên, chúng ta có thể tẩy xoá tất cả để tìm lại sự trong sáng cho linh hồn.

4. Giữ linh hồn trong sạch để tìm được niềm vui

Nhà văn Khái Hưng, trong tiểu thuyết Gánh hàng hoa, có viết lại lời trăn trối của cụ Tú Lãm cho cô con gái: “Con hãy giữ lòng vui, giữ linh hồn trong sạch và đem hết nghị lực ra làm việc”. Quả thực, muốn giữ được lòng vui, ta rất cần giữ linh hồn trong sạch. Chúng ta cần quét dọn tâm hồn cho sạch sẽ để loại bỏ những gì tiêu cực của mình cũng như của người đang còn giữ trong ký ức và sẽ cảm nhận ngay được niềm vui Chúa ban: Chúa Giêsu nói với ta: “Phúc cho ai có lòng trong sạch vì sẽ nhìn thấy Thiên Chúa” (Mt 5,8).

Chúng ta phải tập quên đi quá khứ với những thất bại, đau thương, bất mãn về mình hay về người khác để tâm trí chúng ta hoàn toàn trống rỗng. Khi tâm trí ta trống rỗng sạch sẽ rồi, ta mới đưa vào những cái tích cực tốt đẹp và ta mới có thể vui được.

Nhiều bạn trẻ đang làm cho tâm trí mình hư hỏng, khó có thể học hành, làm việc chỉ vì họ nhồi nhét vào đó mỗi ngày hàng triệu, hàng tỷ hình ảnh bạo lực, ma quái, dâm loạn, hư ảo qua những giờ chơi trò chơi trực tuyến hay những cuốn phim đồi truỵ. Họ không nhớ rằng dưới ánh sáng của màn hình cao áp, tâm trí họ tiếp nhận qua đôi mắt mỗi giây 24 hình ảnh liên tục để tạo ra phim ảnh chuyển động. Những hình ảnh đó một khi lọt vào tâm trí, sẽ lưu giữ lại ở một nơi nào đó trong ký ức chứ không hề mất đi, giống như các “file” trong đĩa cứng của bộ máy vi tính. Đây chính là nguồn gây nên buồn khổ, thất bại trong đời sống. Hơn nữa, ma quỷ là loài có tinh thần nên biết lợi dụng những hình ảnh có sẵn đó để cám dỗ ta, làm ta chia trí khi cầu nguyện, khó tập trung khi học hành, làm việc.

Để tạo niềm vui, không phải chúng ta chỉ bỏ đi những gì tiêu cực mà còn phải xây dựng những tâm tình tích cực. Chúng ta hãy xem những phim ảnh tốt, nghe những bản nhạc hay, đọc những câu chuyện vui – nhất là Lời của Chúa – để tâm trí tràn đầy những điều hay lẽ phải, ta sẽ thấy niềm vui ở khắp nơi.

Tôi xin giới thiệu một hành động đã giúp bao người tìm được niềm vui mà bác sĩ Victor Pauchet đã giới thiệu trong tác phẩm Con đường Hạnh phúc của ông: Mỗi buổi sáng thức dậy, khi soi gương chải đầu, ta hãy nhìn vào gương nở nụ cười thật tươi và nói với Chúa: “Lạy Chúa, con xin giữ nụ cười này để chia sẻ niềm vui của Chúa cho mọi người”. Người khác chính là tấm gương, ta cười với họ thì họ cười với ta; ta nói lời tích cực, lời xây dựng với họ thì họ tích cực xây dựng với ta. Còn nếu họ có nói xấu, làm hại ta đi nữa thì Thiên Chúa ở trong họ và trong ta luôn nhìn thấy sự cố gắng của ta, Ngài sẽ ban niềm vui và phần thưởng cho ta.

Kết luận

Hôm nay, để tạo nên niềm vui cho mình và cho người khác, chúng ta hãy nhớ rằng Chúa là nguồn vui của ta. Càng bỏ đi bất mãn, tha thứ cho mình và người khác bao nhiêu, chúng ta càng vui bấy nhiêu. Hơn nữa, chúng ta càng xây dựng để tạo nên niềm vui bằng những nụ cười, những lời nói tích cực, những hành động tốt đẹp, đầy tình yêu thương bao nhiêu, chúng ta càng làm cho xã hội bớt đi những căng thẳng, những lo toan, bớt đi những người bị bệnh tâm thần bấy nhiêu. Như thế là chúng ta đang xây dựng cho dân tộc chúng ta có những con người tốt đẹp, phát triển bền vững và cũng là xây dựng Nước Trời trong thế giới hôm nay.