Đừng dùng hộ khẩu để cấm quyền học hành, chữa bệnh

Một trong những mục tiêu của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật cư trú là giảm sức ép dân cư tại các TP trực thuộc trung ương.

Đừng dùng hộ khẩu để cấm quyền học hành, chữa bệnh

Một trong những mục tiêu của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật cư trú là giảm sức ép dân cư tại các TP trực thuộc trung ương. 

Nhưng tại cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 26-2, nhiều ý kiến cho rằng không thể vì mục tiêu này mà hạn chế quyền của người dân.

>>Xóa tên thường trú của người xuất cảnh quá hai năm?
>>”Cớ gì tôi đi nước ngoài mà ông ở nhà xóa tên tôi?”

Lý do sửa đổi luật lần này, theo lý giải của Bộ Công an – cơ quan soạn thảo, là “nhằm khắc phục tình trạng lạm dụng các quy định thông thoáng của Luật cư trú để đăng ký thường trú tại nội thành của các TP trực thuộc trung ương, gây mất cân đối về phân bố dân cư và an sinh xã hội, tạo sức ép lên cơ sở hạ tầng, giao thông, trường học, bệnh viện, điện, nước; đồng thời nhằm nâng cao hiệu quả của công tác quản lý cư trú…”.

Thêm điều kiện

 

“Tôi đi nước ngoài, tôi đi tù thì ông ghi chú vào đó, cái sổ của ông rất to cơ mà, làm gì ông phải xóa tên trong cái sổ đó, khi tôi về thì ông ghi chú lại thôi chứ cớ gì phải xóa”

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng

 

Ngoài quy định tăng thời gian tạm trú từ một năm lên hai năm, dự thảo luật đã bổ sung quy định công dân được đăng ký thường trú tại TP trực thuộc trung ương khi có chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ của cá nhân, tổ chức thì còn phải bảo đảm cả điều kiện về diện tích bình quân theo quy định của HĐND TP và được người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý bằng văn bản có xác nhận của chính quyền địa phương hoặc công chứng; nơi đề nghị đăng ký thường trú phải là nơi đang tạm trú.

Theo thường trực Ủy ban Pháp luật, quy định “nơi đề nghị đăng ký thường trú phải là nơi đang tạm trú” có thể dẫn đến những hạn chế quyền của người dân, bởi vì việc ở nhờ, mượn hay thuê nhà ở thường không có tính ổn định, có sự phụ thuộc vào các hợp đồng dân sự về thời hạn thuê, mượn, ở nhờ, về giá thuê nhà ở cũng như phụ thuộc điều kiện công tác, làm việc, sinh hoạt. “Như vậy, nếu quy định chỉ được đăng ký thường trú vào nơi đang tạm trú sẽ có khả năng nhiều người mặc dù đã tạm trú tại TP trực thuộc trung ương nhiều năm nhưng vẫn không đủ điều kiện đăng ký thường trú tại TP đó do phải thay đổi chỗ ở nhiều lần mà không có nơi nào tạm trú tới hai năm” – Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý nói.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng cần phải xem kỹ lại các quy định của dự luật có gì mâu thuẫn với quyền tự do cư trú của người dân được ghi trong Hiến pháp không. “Người dân muốn ở đâu thì ở. Quản lý thế nào thì cũng phải đảm bảo quyền của người dân. Quản lý là việc của Nhà nước, tôi từ nơi này đến nơi kia sinh sống thì tôi chỉ thông báo, chỉ đăng ký thôi, chứ không phải là tôi đến xin ông cái quyền ấy. Tại sao ông quản lý hộ khẩu mà lại cấm người ta ký hợp đồng lao động? Tôi có việc cần phải đến chỗ đó làm ăn. Ông không cho tôi đăng ký thì tôi vẫn cứ phải đến đó. Đừng có dùng cái này (hộ khẩu) để cấm quyền được học hành, quyền được chữa bệnh của tôi” – ông Hùng nói. Đồng tình, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện yêu cầu xác định “Luật cư trú thì phải xem lại phạm vi điều chỉnh là gì, có phải điều chỉnh cả pháp luật về lao động hay không?”.

Xóa tên đăng ký thường trú?

Dự luật đưa ra quy định với một số đối tượng như người xuất cảnh, đối tượng chấp hành hình phạt tù tại các cơ sở giam giữ từ hai năm trở lên sẽ bị xóa đăng ký thường trú. Thường trực Ủy ban Pháp luật cho rằng việc sửa quy định xóa đăng ký thường trú đối với trường hợp ra định cư ở nước ngoài thành quy định xóa đăng ký thường trú đối với người đã xuất cảnh từ hai năm trở lên là chưa thật sự phù hợp, không bảo đảm quyền tự do cư trú của công dân đã được quy định trong Hiến pháp.

“Quy định này có áp dụng với cán bộ, công chức được cử đi làm việc ở nước ngoài, người đi lao động, học tập, chữa bệnh ở nước ngoài hay không? Hơn nữa, nếu xóa đăng ký thường trú trong trường hợp này thì cơ quan nào có trách nhiệm quản lý đối với những người này; khi có những vấn đề liên quan đến họ thì sẽ xử lý như thế nào?” – ông Phan Trung Lý đặt hàng loạt câu hỏi. Ủy ban Pháp luật cũng cho rằng không nên xóa đăng ký thường trú đối với người đang chấp hành án phạt tù.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện, con người sinh ra ai cũng có nơi đăng ký thường trú, đây là quyền cơ bản. Đăng ký thường trú và thường trú là hai khái niệm khác nhau. “Tôi đăng ký thường trú ở đây, nhưng do điều kiện tạm thời nào đấy mà tôi phải thường trú nơi khác, tại sao lại bị xóa? Vậy công dân không có quyền thường trú à? Tôi đi công tác nước ngoài hai năm, ở trong nước xóa đi thì tôi là công dân VN mà không có nơi đăng ký thường trú à? Tôi ở trong tù thì chẳng lẽ tôi đăng ký thường trú trong tù? Nơi đăng ký thường trú dùng để giải quyết nhiều vấn đề dân sự khác chứ” – ông nói. Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai cho rằng “người ta ở tù mà các anh xóa tên người ta đi thì chỉ gây khó khăn thêm cho công tác quản lý”.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu Bộ Công an chỉnh lý thật kỹ dự luật để cho ý kiến lại trước khi trình Quốc hội.