Dạy con làm sao khi ông bà can thiệp?

Chuyện dạy dỗ một đứa trẻ đôi lúc cũng làm hoà khí gia đình trở nên căng thẳng, nhất là khi có thêm sự xuất hiện của ông bà với những quan điểm, ứng xử quá khác biệt.

 Dạy con làm sao khi ông bà can thiệp?

Chuyện dạy dỗ một đứa trẻ đôi lúc cũng làm hoà khí gia đình trở nên căng thẳng, nhất là khi có thêm sự xuất hiện của ông bà với những quan điểm, ứng xử quá khác biệt.

Mời bạn đọc cùng chia sẻ vấn đề này qua góc nhìn của hai vị giáo sư tâm lý trị liệu Neal và Susan Newfield cùng tiến sĩ giáo dục học Patricia Chase tại Đại học West Virginia (Hoa Kỳ).

Thống nhất ai đưa quan điểm cuối cùng

Trái với phương Tây, cuộc sống của các ông bố, bà mẹ trẻ ở VN vẫn thường được ông, bà can thiệp sâu trong nhiều mặt và mâu thuẫn theo đó phát sinh. Điều này là dễ hiểu với nền văn hóa luôn đề cao vai trò của người lớn tuổi (đối tượng được cho là có nhiều vốn sống và tri thức hơn) như VN. Trong khi đó, thực tế bạn trẻ hiện nay có nhiều cơ hội tiếp thu kiến thức mới và hợp thời hơn, cụ thể như một đứa trẻ có thể chia sẻ ngược lại với ông bà, cha mẹ những kỹ năng như dùng máy vi tính, sử dụng Internet…

Để giải quyết những mâu thuẫn giữa ông bà và phụ huynh trẻ trong cách nuôi dạy con cháu, trước tiên cần nhìn nhận rõ những điều được và mất của ông bà khi cùng gồng gánh trách nhiệm dạy cháu. Một số nghiên cứu ở Mỹ, Đài Loan cho thấy ông bà càng dành nhiều công sức cho việc chăm sóc cháu nhỏ càng dẫn tới việc sức khỏe bị giảm sút, sự căng thẳng tâm lý gia tăng và chất lượng mối quan hệ trong gia đình theo đó cũng ảnh hưởng. Trong trường hợp này, các bậc phụ huynh và ông bà nên cân nhắc và thống nhất phân chia trách nhiệm cụ thể để mối quan hệ trong gia đình không bị ảnh hưởng.

Một số giải pháp

– Cùng dành thời gian tham gia một số hoạt động tập thể phù hợp với không khí gia đình và khuyến khích mọi người cùng tham gia. Các bậc phụ huynh trẻ phải nhìn nhận và cân nhắc một sự thật là so với những người dọn ra ở riêng, họ đối mặt với thử thách, bất đồng nhiều hơn trong việc nuôi dạy con cái khi sống chung nhà với ông bà.

– Thống nhất với nhau ai sẽ là người đưa ra ý kiến cuối cùng khi mâu thuẫn trong gia đình phát sinh.

– Trẻ dễ bị căng thẳng khi phải tiếp nhận cùng lúc hai cách giáo dục khác biệt hoặc thấy cha mẹ và ông bà tranh cãi nhau vì mình. Cần thống nhất nguyên tắc nuôi dạy trẻ để chúng tin tưởng khi làm theo.

– Có thể tạo ra một số sự quan tâm khác dành cho trẻ như để trẻ vui chơi cùng bạn bè thân thiết, hàng xóm… của bạn. Điều này góp phần san sẻ gánh nặng chăm sóc trẻ cũng như sự can thiệp sâu vào cuộc sống của trẻ từ ông bà lẫn các ông bố, bà mẹ trẻ.

– Cố gắng hài hước và tạo môi trường trao đổi “mở” để mọi người thoải mái chia sẻ tâm sự cũng như nhận sự hỗ trợ, lời khuyên từ các thành viên khác trong gia đình.

 

Nỗ lực chấp nhận nhau

Tôi từng chứng kiến một người bạn phải ôm con về nhà mẹ đẻ chỉ vì cô ấy và mẹ chồng không tìm được tiếng nói chung trong cách dạy cháu. Người mẹ có kỹ năng nuôi dạy trẻ do đây là chuyên ngành cô được đào tạo. Ngược lại, mẹ chồng muốn nuôi cháu theo kiểu thuần truyền thống. Vì vợ chồng cô đều ở chung nhà bố mẹ chồng nên mâu thuẫn ngày một lớn.

Trẻ từ ba tháng tuổi đã phần nào có khả năng nhận ra những trục trặc trong mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình, do đó nên giải quyết vấn đề càng sớm càng tốt, tránh gây ảnh hưởng tới sự phát triển của trẻ. Khi đã là người một nhà, điều cần thiết là sự nỗ lực chấp nhận để cùng dung hòa. Con cái nên suy nghĩ tích cực về sự can thiệp của ông bà trong việc nuôi dạy cháu. Có thể tự nhủ: ông bà muốn thế cũng chỉ là tốt cho cháu, chẳng qua hai bên chưa thấu hiểu nhau. Bên cạnh đó, cần lưu ý với người già không có gì vui và hạnh phúc bằng việc chăm cháu. Chính vì thế nên hạn chế việc đột ngột cắt ngang niềm vui đó, bởi điều này sẽ tác động mạnh tới mối quan hệ giữa ông bà và cha mẹ.

Để làm tốt điều trên, các ông bố, bà mẹ trẻ nên chuẩn bị tinh thần và tìm cách trao đổi khéo léo với ông bà về cách nuôi dạy cháu từ trước lúc trẻ ra đời. Thậm chí đôi khi phải chấp nhận kiên nhẫn kiểu “mưa dầm thấm lâu”. Mặt khác, các bậc phụ huynh trẻ cần chứng minh bản thân có kiến thức, đủ thuyết phục ông bà tin tưởng.

Gia đình Việt có truyền thống hội họp, gặp gỡ nhau nên đây cũng là cơ hội để các thành viên lắng nghe, hỗ trợ tác động qua lại lẫn nhau. Sự kiềm chế cảm xúc của các bậc phụ huynh trẻ trước ông bà luôn là điều cần thiết để tránh gây những tổn thương tâm lý ở người già.

Thạc sĩ tâm lý NGUYỄN HỮU LONG (giảng viên Trường CĐ Sư phạm T.Ư TP.HCM)