Nhiều khâu “ăn chặn”

Là nước nông nghiệp, đứng hàng đầu trong xuất khẩu các mặt hàng nông sản nhưng ở thị trường trong nước sốt gạo, khan hiếm đường, thiếu thịt… thỉnh thoảng lại xảy ra.

 

Người tiêu dùng bị móc túi: Nhiều khâu “ăn chặn”

Hệ thống phân phối yếu là mảnh đất màu mỡ cho đầu cơ, thổi giá “sống” khoẻ. Hậu quả của sự yếu kém đó là mỗi năm phải tốn hàng trăm tỉ đồng để thực hiện bình ổn giá.

Đầu cơ, sốt ảo

Là nước nông nghiệp, đứng hàng đầu trong xuất khẩu các mặt hàng nông sản nhưng ở thị trường trong nước sốt gạo, khan hiếm đường, thiếu thịt… thỉnh thoảng lại xảy ra. Điển hình là vụ “sốt” gạo hồi cuối tháng 4.2008, giá gạo bị đẩy lên gấp 2 – 3 lần so với bình thường, với mức cao kỷ lục 25.000 đồng/kg. Vụ gạo sốt ảo này là điển hình rõ nhất về sự yếu kém của hệ thống phân phối tại VN. Trong khi giới đầu cơ ém hàng, tung tin đồn khiến người dân đổ xô đi mua gạo dự trữ thì các DN kinh doanh lương thực lại không thể đưa gạo ra thị trường dù tồn kho rất lớn. “Chúng tôi muốn đưa hàng ra bình ổn thị trường nhưng không biết “đường” nào để đưa ra”, một DN từng ngao ngán thừa nhận. Sau vụ việc đó, vấn đề xây dựng hệ thống phân phối trong nước được đặt ra rất mạnh mẽ, gay gắt. “Nhưng từ đó đến nay, các DN lương thực vẫn chỉ lo xuất khẩu, còn thị trường gạo trong nước vẫn do thương lái nắm quyền phân phối với nhiều tầng nấc”, TS Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, bức xúc.

Nói về thực trạng này, một lãnh đạo DN trong ngành lương thực, đề nghị không nêu tên, cho biết trong nhiều năm qua tư nhân đã chiếm lĩnh kênh phân phối ở thị trường trong nước, họ mang hàng hoá đến tận các ngõ ngách của thị trường theo nhu cầu của người tiêu dùng (NTD). Bây giờ nếu DN bước ra xây dựng hệ thống phân phối đến tận tay NTD thì không thể cạnh tranh lại vì phải tốn thêm nhiều khoản thuế, phí, nhân công… Còn nếu thông qua các kênh phân phối sẵn có như siêu thị thì DN cần phải làm thương hiệu, bao bì, đóng gói… Tốn nhiều công sức, chi phí nhưng số lượng tiêu thụ không nhiều, lợi nhuận không cao. Do đó, nếu DN xây dựng hệ thống phân phối hay thông qua các kênh phân phối sẵn có như siêu thị thì vẫn không “ngon” ăn bằng các hợp đồng xuất khẩu.

Ông Trần Nguyên Năm, Phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương), phân tích hệ thống phân phối kém linh hoạt nên khi xảy ra mất cân đối cung cầu cục bộ sẽ dẫn đến sốt giá. Điều này cũng xảy ra với mặt hàng phân bón. Phân phối chồng chéo, lòng vòng đẩy giá lên, người dân phải mua phân bón giá cao hơn giá trần, dẫn đến phân bón giả hoành hành. Hiện tượng chợ sỉ dội hàng, chợ bán lẻ giá cao do tồn tại quá nhiều tầng nấc trung gian, tư thương lợi dụng làm giá đang hoành hành trên thị trường phân bón.

Hao hụt 30 – 50%

Chuyên gia Juline Brun, Phó chủ tịch Phòng Thương mại Pháp tại VN, đồng sáng lập Hiệp hội Chuỗi cung ứng VN (Vietnam Supply Chain), cho biết đặc điểm của chuỗi cung ứng (CCU) hàng hoá của VN là rời rạc, nhỏ lẻ và phức tạp. Ngoài rất nhiều nhà cung cấp nhỏ lẻ cấp độ khác nhau còn có hàng triệu đơn vị thu mua trung gian, họ là những “ông bà mối” gom hàng và bán cho các nhà máy, nhà phân phối khác. Đó là chưa kể rất nhiều đơn vị giao nhận, vận chuyển nhỏ lẻ. Chính vì vậy, rất khó quản lý được chất lượng, giá cả, vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm.

Hệ thống phân phối bị cắt vụn, nhiều khâu “ăn chặn” không chỉ đẩy giá lên cao mà còn khiến hao hụt cực lớn, từ 30-50%. Tất nhiên, mức hư hao này được khấu hao vào giá thành thực phẩm và NTD phải gánh chịu.

Cũng theo chuyên gia Juline Brun, trong CCU thực phẩm VN hiện nay, người nông dân rất tội nghiệp. Đến 80% chi phí của họ không quản lý được. Đó là các chi phí mua nguyên liệu chăn nuôi nhưng họ không thể tự định giá sản phẩm làm ra. Người nông dân bị hai đầu chèn ép, không có nhiều lợi nhuận, là đối tượng chịu thiệt thòi nhiều nhất trong CCU vốn rất yếu kém.

Người nông dân bị o ép, NTD phải mua hàng với giá cao, nhà nước thì tốn tiền bình ổn… trong khi các tầng nấc trung gian thì thoải mái làm giá, đầu cơ, găm hàng. Thực trạng này chưa biết bao giờ chấm dứt.

Tốn hàng trăm tỉ đồng để bình ổn giá

Từ năm 2002 TP.HCM phải thực hiện chương trình “bình ổn giá” một số mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu trong dịp tết. Lúc ấy, số tiền mà thành phố dùng để bình ổn giá chỉ có 45 tỉ đồng. Con số này đã tăng gấp gần 10 lần vào năm 2011, với 412 tỉ. Số mặt hàng được bình ổn giá cũng được mở rộng sang lĩnh vực y tế và dụng cụ giáo dục. Năm 2012, nguồn vốn mà TP.HCM dành để bình ổn giá dù có giảm hơn so với năm 2011 nhưng vẫn còn khá cao, 288,6 tỉ đồng.

Tại TP.Hà Nội, năm 2010 TP tạm ứng 400 tỉ đồng cho 14 DN vay với lãi suất 0% để thực hiện nhiệm vụ bình ổn giá đối với 9 nhóm mặt hàng thiết yếu. Đến năm 2012, con số này dự kiến là 477 tỉ đồng để bình ổn giá cho 10 nhóm mặt hàng.

Không chỉ có TP.HCM và Hà Nội, hiện nhiều địa phương khác trong cả nước cũng đã và đang phải thực hiện chương trình bình ổn giá theo mô hình của TP.HCM.