Kiến nghị giãn nợ, giảm thuế

Hàng loạt ý kiến đề nghị cần giảm lãi suất cho vay; thực hiện giãn nợ, giảm thuế giá trị gia tăng (VAT); nên giảm thu các loại thuế phí thay vì tăng thu ở thời điểm này; đưa ra các giải pháp kích cầu tiêu dùng…

 Kiến nghị giãn nợ, giảm thuế

Nhiều đề xuất cấp bách nhằm cứu doanh nghiệp đã được đại diện 11 hiệp hội, ngành nghề đưa ra tại buổi họp chiều 11-4, do Hội Doanh nhân trẻ TP.HCM, Câu lạc bộ CEO phối hợp với báo Tuổi TrẻTP.HCM tổ chức.

Hàng loạt ý kiến đề nghị cần giảm lãi suất cho vay; thực hiện giãn nợ, giảm thuế giá trị gia tăng (VAT); nên giảm thu các loại thuế phí thay vì tăng thu ở thời điểm này; đưa ra các giải pháp kích cầu tiêu dùng… “Nhà nước nên cấp thiết cứu doanh nghiệp. Cứu doanh nghiệp tức là cứu cả nền kinh tế” – nhiều ý kiến đề xuất.

Doanh nghiệp phải chủ động giãn nợ

“Nguồn tiền đổ vào sản xuất hầu như không có. Do vậy, nên gỡ ngay nút thắt này. Phải xem doanh nghiệp là cánh tay nối dài của Chính phủ, Nhà nước. Cứu doanh nghiệp cũng là để thực hiện an sinh xã hội”

Ông VÕ QUỐC THẮNG
(phó chủ tịch Hiệp hộiGốm sứ xây dựng VN)

Là người nêu ý kiến đầu tiên, ông Võ Quốc Thắng – phó chủ tịch Hiệp hội Gốm sứ xây dựng VN – nhấn mạnh: “Hai năm nay, chỉ riêng việc lo trả nợ cho ngân hàng đã khiến nhiều doanh nghiệp không còn sức để sáng tạo nữa”.

Ông Thắng cho rằng việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) yêu cầu các ngân hàng xem xét giãn nợ cho doanh nghiệp chưa thật sự mang lại lợi ích cho cộng đồng doanh nghiệp. Vì bản chất của việc “xem xét” là ngân hàng hoàn toàn chủ động, có đồng ý hay không là do ngân hàng. Do đó, ông Thắng kiến nghị: “NHNN cho doanh nghiệp quyền được chủ động đề nghị với ngân hàng được giãn nợ từ 2-3 năm đối với các khoản vay trung và dài hạn”.

Cùng quan điểm với ông Thắng, ông Văn Ðức Mười – chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP.HCM – nói thêm: “Nhà nước chỉ cần ban hành một khung nhất định để có thể kiểm soát được việc này trên cơ sở phân loại nợ. Doanh nghiệp sẽ đề xuất cơ cấu lại các khoản nợ, đảo nợ trong khung đã ban hành”.

Ông Trương Ðình Hòe, tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thuỷ sản, bức xúc cho rằng các ngân hàng thương mại đã được hưởng mức lợi nhuận rất cao. “Nay NHNN cần có chính sách gây áp lực với các ngân hàng thương mại để giúp doanh nghiệp tái cơ cấu các khoản vay, cho doanh nghiệp được khoanh nợ, giãn nợ” – ông Hòe nhấn mạnh.

Nên áp trần lãi suất cho vay

Kiến nghị lên uỷ ban Thường vụ Quốc hội

Ông Nguyễn Phương Nam, chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ TP.HCM, cho biết trong ngày hôm ngay (12-4) sẽ tổng hợp toàn bộ kiến nghị của đại diện các hiệp hội ngành nghề thành một bản kiến nghị và gửi lên uỷ ban Thường vụ Quốc hội và Thường trực Chính phủ. Các hiệp hội doanh nghiệp kỳ vọng các cơ quan Quốc hội, Chính phủ sẽ lắng nghe ý kiến đề xuất để có các chính sách tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Ông Văn Ðức Mười cho biết sản phẩm làm ra ở tất cả các ngành đều bị tồn kho. Ngay cả ở ngành sản xuất mặt hàng thiết yếu như thực phẩm, sức mua cũng giảm sút tới 10% so với cùng kỳ 2011. Do vậy cần cấp tốc giải quyết vốn cho doanh nghiệp. Ngay cả khi NHNN vừa quyết định đưa trần lãi suất huy động về 12%, nhưng không ai kiểm soát được lãi suất cho vay có hạ không. Lãi suất cho vay vẫn có thể kéo dài ở mức 19-20%. “Vì vậy, quan trọng nhất là phải khống chế trần lãi suất cho vay. Nên áp mức chênh lệch từ lãi suất huy động đến lãi suất cho vay ở mức không quá 4% để áp trần. Các ngân hàng sẽ cạnh tranh lãi suất cho vay trong biên độ này” – ông Mười đề xuất.

Cũng bức xúc về tác động của vấn đề lãi suất cho vay, ông Ðặng Quốc Hùng, phó chủ tịch Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM, cho biết các doanh nghiệp có dự án đầu tư mới đều không thể chịu nổi mức lãi suất hiện tại. Ông Hùng cho rằng: “Nếu đã phát hiện bệnh thì phải trị ngay bệnh. Nhà nước đã xác định phải giảm lãi suất thì phải làm ngay, không nên chờ lộ trình đến cuối năm, có khi doanh nghiệp cũng… chết rồi!” – ông Hùng nói thẳng.

Bên cạnh việc phải giảm ngay lãi suất cho vay, lãnh đạo các hiệp hội ngành nghề cho rằng cần phải có cơ chế để ngân hàng tăng cường cho vay sản xuất. Theo ông Trần Kim Chung – chủ tịch HÐQT Tập đoàn CT Group, 5-7 năm trước ngân hàng đến tận doanh nghiệp để tiếp thị, chào vay, bây giờ “ngân hàng đang thờ ơ với việc cho vay”. Theo ông Chung, nếu lãi suất có giảm xuống 15%/năm, nhưng ngân hàng vẫn tìm cách từ chối cho vay thì cũng vô ích. “Vì vậy, NHNN cần có cơ chế hạn chế tình trạng các ngân hàng đang cho vay lòng vòng lẫn nhau trên thị trường liên ngân hàng. Từ đó mới tạo được sức ép dồn vốn cho vay sản xuất” – ông Chung đề xuất.

Giảm thu thuế, phí

Nhanh chóng có biện pháp kích cầu tiêu dùng

Theo ông Đỗ Long – phó chủ tịch Hiệp hội Phát triển hàng tiêu dùng VN, nếu không có chính sách kích cầu tiêu dùng, chú trọng tốc độ tăng trưởng thì đến một lúc nào đó, cho vay lãi suất 10% doanh nghiệp cũng không dám vay vì không có đầu ra, hàng hoá tồn ế không tiêu thụ được.

Còn ông Võ Quốc Thắng thấy rằng “cứu doanh nghiệp cũng chính là kích cầu tiêu dùng”. Khi doanh nghiệp duy trì được hoạt động sản xuất thì chắc chắn sẽ phải đi mua giày, quần áo đồng phục cho công nhân, phải thuê xe chở hàng, mua thực phẩm cho công nhân ăn… Điều này tạo ra luồng chạy cho hàng hoá.

Liên quan đến chính sách giãn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, trong thời gian qua, ông Võ Quốc Thắng đặt câu hỏi: “Chúng ta đang giúp những “người giàu” (tức doanh nghiệp vẫn có sức khoẻ tốt – PV) hay giúp những người thật sự khó khăn?” Theo ông Thắng, nên thực hiện giãn thuế VAT. Như vậy, doanh nghiệp sẽ được giữ lại một lượng vốn, giảm bớt khoản vay phải gánh lãi suất cao.

Ông Nguyễn Phương Nam, chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ TP.HCM, khẳng định giảm thuế VAT sẽ giảm bớt giá thành, nâng cao sức cạnh tranh cho hàng hoá. Ông Nam cho rằng cần có biên độ giảm thuế thu nhập doanh nghiệp xuống còn 18-20%, thay vì mức 25% như hiện nay và việc giãn thuế vào năm 2012-2013 cần được thông báo sớm cho doanh nghiệp.

Tương tự, ông Phạm Ngọc Hưng, phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM, cũng cho rằng không nên phạt doanh nghiệp trong trường hợp chậm nộp thuế do ảnh hưởng từ các yếu tố suy thoái kinh tế chung.

Theo ông Trần Kim Chung, để tăng cường năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp, mặt hàng nào Nhà nước còn can thiệp, định giá được như xăng dầu, điện nước thì “cố gắng kềm không để cho tăng nữa”. Mặt khác, cần tháo gỡ độc quyền ở một số ngành có ảnh hưởng nhiều đến chi phí sản xuất như xăng dầu, điện vì “nếu xăng dầu mà làm được như ngành viễn thông, phá bỏ thế độc quyền sẽ giảm bớt không nhỏ chi phí sản xuất cho doanh nghiệp”.

Ðối với vấn đề thu phí giao thông theo đề xuất của Bộ Giao thông vận tải, đại diện các hiệp hội cho rằng doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng nặng. Do đó, hầu hết doanh nghiệp sẽ đưa các khoản phí vào chi phí sản xuất, đẩy giá thành lên cao, gây bất lợi cho tính cạnh tranh của hàng Việt ở cả thị trường trong và ngoài nước.