Đức Giêsu Kitô làm cho chúng ta trở nên giàu sang nhờ sự nghèo khó của Người

Lạy Mẹ Đấng Cứu Thế, xin hãy đồng hành với chúng con trong suốt năm nay, một năm đang bắt đầu ngày hôm nay, và xin cầu cùng Chúa ban hòa bình cho vùng Thánh Địa và cho toàn thể nhân loại. Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời cầu cho chúng con.

Đức Giêsu Kitô làm cho chúng ta trở nên giàu sang nhờ sự nghèo khó của Người

Bài giảng Lễ Mẹ Thiên Chúa và Ngày Thế giới Hoà bình lần 42
Tại Vương cung Thánh đường Vatican
Thứ năm, 1/1/2009
 
Chư huynh đáng kính,
Kính thưa Quý vị Đại sứ,
Anh chị em thân mến,
 
Trong ngày đầu năm, Chúa Quan phòng quy tụ chúng ta về đây tham dự buổi cử hành mà cứ mỗi lần tham dự, chúng ta đều hết sức cảm động do nét phong phú và vẻ đẹp của các biến cố tương ứng với nhau: Năm Mới dân sự gặp gỡ cao điểm của Tuần Bát nhật Giáng Sinh, mà qua đó, chúng ta mừng thiên chức làm Mẹ Thiên Chúa của Đức Maria, và cuộc gặp gỡ này đưa ta đến một tổng hợp tuyệt vời trong Ngày thế giới hòa bình. Trong ánh sáng của ngày lễ Giáng Sinh, tôi vui sướng được gởi đến quý vị tất cả những lời cầu chúc tốt đẹp nhất của tôi cho một năm mới vừa mới bắt đầu. Đặc biệt, tôi xin gửi lời cầu chúc của tôi đến Đức Hồng y Renato Raffaele Martino và những cộng sự viên của người trong Hội đồng Giáo Hoàng về “hoà bình và công lý”, cùng với lòng biết ơn chân thành của tôi đối với công việc phục vụ thật quý giá của họ. Đồng thời, tôi cũng xin gởi lời cầu chúc của tôi đến ngài Quốc vụ khanh, là Đức Hồng y Tarcisio Bertone, và toàn bộ văn phòng Quốc vụ khanh, và cùng với lòng thân tình sâu xa, tôi xin được gởi lời cầu chúc đến các ngài Đại sự mà hôm nay đang hiện diện nơi đây thật đông đảo. Những lời cầu chúc của tôi vọng lại lời mong ước của chính Chúa gởi đến chúng ta trong phần Phụng vụ Lời Chúa. Một Lời, khởi đi từ biến cố Bêlem, được Phúc Âm theo Thánh Luca gợi lại trong cái thực tế lịch sử của nó (2,16-21), và được Thư Thánh Phaolô chú giải lại trong tầm vóc cứu độ của biến cố ấy (Gl 4,4-7), nay đã trở nên một lời chúc phúc cho Dân Chúa và toàn thể nhân loại.
 
Theo truyền thống xa xưa của dân Do Thái, thì lời chúc lành đã được thực hiện như thế đó (Ds 6,22-27): các tư tế Do Thái chúc lành cho dân, và “kêu cầu Danh Chúa xuống trên họ”. Qua một công thức gồm có ba phần – mà ta gặp thấy trong Bài đọc một – Danh của Chúa chí thánh được xướng ba lần trên các tín hữu như một lời cầu chúc ân sủng và bình an. Tập tục cổ xưa này đưa chúng ta đến một thực tế cơ bản: để có thể bước đi trên con đường bình an, con người và các  dân tộc cần được “dung mạo” của Thiên Chúa chiếu soi, và cần được “danh của Người” chúc phúc. Đó là điều đã xảy ra một lần thay cho tất cả qua Mầu nhiệm Nhập thể: việc Con Thiên Chúa đến trong xác phàm và trong lịch sử đã mang lại cho ta một lời chúc phúc mà không một ai có thể hủy bỏ được, đã mang lại cho ta một ánh sáng, một nguồn sáng không bao giờ tàn lụi, một nguồn sáng mang lại cho các tín hữu và những người thành tâm thiện chí khả năng để xây dựng một nền văn minh tình yêu và hòa bình.
 
Về điểm này, Công đồng chung Vatican II đã nói rằng: “Con Thiên Chúa khi nhập thể, một cách nào đó đã kết hợp với tất cả mọi người“ (Gaudium et Spes – Vui mừng và Hy vọng -, s. 22). Sự kết hợp này đã xác nhận kế hoạch nguyên thủy về một nhân loại được tạo dựng theo “hình ảnh Thiên Chúa và giống như Thiên Chúa”. Trong thực tế, Ngôi Lời Nhập thể là hình ảnh độc nhất hoàn hảo và đồng bản tính của Thiên Chúa vô hình. Đức Giêsu Kitô là con người hoàn hảo. Công đồng còn ghi nhận như sau: “Nơi Người bản tính nhân loại đã được mặc lấy (…), do đó chính nơi chúng ta nữa bản tính ấy cũng được nâng lên tới một phẩm giá siêu việt“ (Sđd). Chính vì thế, lịch sử trần thế của Đức Giêsu, một lịch sử đạt đến đỉnh điểm trong Mầu nhiệm Vượt qua, là khởi điểm của một thế giới mới, bởi vì lịch sử ấy đã thực sự khai mào cho một nhân loại mới, một nhân loại luôn phải có và chỉ có ơn của Chúa mới có khả năng thực hiện được một cuộc “cách mạng” mang tính hòa bình. Một cuộc cách mạng không hề mang tính ý thức hệ, nhưng là tinh thần, không ảo tưởng, nhưng thực tế, và như thế, cần phải có một sự kiên nhẫn vô biên, đôi khi phải cần đến những thời gian rất ư lâu dài, phải tránh bất cứ con đường rút ngắn nào, và phải vượt qua con đường khó khăn nhất, đó là con đường trong quá trình trưởng thành về trách nhiệm lương tâm.
 
Các bạn thân mến, đó là con đường Tin Mừng đưa đến hòa bình, con đường mà Giám Mục Rôma cũng được Chúa mời gọi phải kiên trì đề nghị lại cho nhân loại, cứ mỗi lần mà người soạn thảo Sứ điệp cho Ngày thế giới hoà bình hàng năm. Khi bước trên con đường này, đôi lúc chúng ta cũng phải quay trở lại những khía cạnh và những vấn nạn mà chúng ta đã đương đầu, nhưng lại rất quan trọng đến độ chúng ta ngày càng phải quan tâm đến chúng nhiều hơn nữa. Đó chính là chủ đề mà tôi đã chọn cho Sứ điệp năm nay: “Chiến đấu chống đói nghèo, xây dựng hòa bình”. Một chủ đề mà chúng ta cần phải xem xét cả hai khía cạnh, và tôi chỉ có thể nói tóm tắt ở đây. Một mặt, sự đói nghèo đã được Đức Giêsu chọn và nêu lên, mặt khác, sự đói nghèo mà chúng ta cần phải chiến đấu để làm cho thế giới này được công bằng và liên đới hơn.
 
Ta có thể tìm thấy được khung cảnh lý tưởng cho khía cạnh đầu tiên này trong Mùa Giáng Sinh. Cuộc hạ sinh của Đức Giêsu tại Bêlem mạc khải cho ta biết Thiên Chúa đã chọn cho mình sự khó nghèo, khi Người đến cư ngụ giữa chúng ta. Quang cảnh mà các mục đồng nhìn thấy đầu tiên đã xác nhận việc Sứ thần loan báo với các mục đồng, ấy là cảnh một chuồng bò nơi Đức Maria và Thánh Giuse trú ngụ, là cảnh một một máng cỏ nơi Đức Maria đặt con trẻ mới sinh mình quấn tả (x. Lc 2,7.12.16). Cảnh khó nghèo này, chính Thiên Chúa đã chọn cho mình. Người đã muốn hạ sinh như thế đó – và ta cũng có thể nói thêm rằng: Người đã muốn sống, và cũng đã muốn chết như thế đó. Tại sao thế? Bằng những từ ngữ thật bình dân trong một bài hát mà tất cả chúng ta ở Ý ai cũng đều biết cả, Thánh Anphongxô đệ Luôgôri đã cắt nghĩa như sau: “Ôi lạy Chúa của lòng con, Chúa là Đấng Tạo Hóa của trần gian mà lại không đủ y phục và lửa ấm. Ôi bé thơ đầy ân sủng đáng mến, sự khó nghèo này đã làm cho tình yêu của con dành cho Chúa tăng lên gấp bội, bởi vì sự khó nghèo ấy cũng đã làm cho Ngài trở nên tình yêu nghèo khó”. Đó là câu trả lời: tình yêu Đức Giêsu dành cho chúng ta không những chỉ thúc đẩy Người hóa thân làm người, mà còn trở nên nghèo khó.
 
Cũng trong một tiến trình suy tư này, chúng ta có thể trích dẫn lại câu nói của Thánh Phaolô trong Thư II gửi tín hữu Côrintô. Người viết như sau: “Quả thật, anh em biết Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta đã giải phóng chúng ta, Người là Đấng giàu sang, đã vì anh em mà trở nên nghèo khó, để làm cho anh em được giàu sang nhờ sự nghèo khó của Người” (8,9). Chứng nhân mẫu mực của sự nghèo khó vì tình yêu này là Thánh Phanxicô Assise. Phong trào Phansinh, trong lịch sử của Giáo Hội và lịch sử của nền văn minh Kitô giáo, đã tạo nên một trào lưu truyền bá sự nghèo khó Phúc Âm, đã sản sinh biết bao điều thiện hảo, và vẫn còn tiếp tục sản sinh những điều thiện hảo ấy cho Giáo Hội và cho gia đình nhân loại. Khi nhắc lại tổng hợp tuyệt diệu của Thánh Phaolô về Đức Giêsu, thật là có ý nghĩa khi chúng ta nhận thấy rằng tổng hợp này đã gợi cảm hứng cho Thánh Phaolô – cũng như cho suy tư của chúng ta ngày hôm nay – khi Thánh Tông đồ cổ vũ các Kitô hữu thành Côrintô quảng đại trong việc quyên góp giúp đỡ người nghèo. Người cắt nghĩa: “Vấn đề không phải là bắt anh em sống eo hẹp để cho người khác bớt nghèo khổ. Điều cần thiết là phải có sự đồng đều” (8,13).
 
Ở đây, ta muốn nói đến một điểm có tính quyết định, một điểm sẽ dẫn chúng ta đến khía cạnh thứ hai: có một sự nghèo khó, một sự bần cùng mà Thiên Chúa không hề muốn và ta cần phải “chiến đấu”, như chủ đề của Ngày thế giới hòa bình năm nay đã nói đến; một sự nghèo khó ngăn cản con người và gia đình sống đúng phẩm giá của họ; một sự nghèo khó xúc phạm đến công lý và bình đẳng, và như thế, là đe doạ cho sự chung sống hoà bình. Và theo nghĩa phủ định này, thì ta cũng nhận thấy có những hình thức nghèo khó phi vật chất có thể gặp thấy trong những xã hội giàu có và tiến bộ: sự khai trừ, sự khốn cùng trong mối tương giao, sự khốn cùng về mặt luân lý và tinh thần (x. Sứ điệp về Ngày thế giới hòa bình 2009, s. 2). Trong sứ điệp của tôi, lại một lần nữa, theo bước chân của các vị Tiền nhiệm, tôi đã muốn phân tích thật cẩn thận hiện tượng toàn cầu hóa phức tạp này, để lượng giá về những tương quan giữa toàn cầu hóa với sự nghèo đói trên bình diện rộng. Khi đối diện với những vết thương lan tràn trên bình diện rộng, chẳng hạn những cơn bệnh thuộc từng vùng (Sđd, s. 4), trẻ em nghèo đói (Sđd, s. 5) và khủng hoảng lương thực (Sđd, s. 7), đáng buồn thay, tôi lại phải lên án cuộc chạy đua vũ trang không thể chấp nhận được. Xét về một mặt, thì người ta cử hành Hiến chương thế giới về quyền con người, nhưng về mặt khác, thì người ta lại gia tăng những chi tiêu về mặt quân sự, và như thế là vi phạm Hiến chương Liên hiệp quốc, là tổ chức đã cam kết giảm thiểu đến mức tối đa những chi tiêu quân sự (x. điều khoản 26).
 
Mặt khác, toàn cầu hoá phá bỏ một vài biên giới, nhưng nó cũng có thể dựng lên những biên giới mới (Sứ điệp đã trích dẫn, s. 8). Như thế, cộng đoàn quốc tế và mỗi quốc gia cần phải luôn tỉnh thức; họ cần ý thức là mình không bao giờ được coi thường những nguy cơ xung đột, và thậm chí, họ còn phải cam kết duy trì tình liên đới ở mức độ cao. Sự khủng hoảng kinh tế toàn cầu hiện nay cũng phải được xem xét theo ý nghĩa này: chúng ta có sẵn sàng hiểu sự khủng hoảng kinh tế, trong cái phức tạp của nó, như là một thách đố cho tương lai, chứ không phải chỉ là một điều cấp bách để rồi mang lại những giải pháp mà lại thiếu đi sinh khí không? Chúng ta có sẵn sàng cùng nhau xem xét lại một cách sâu xa mô hình phát triển hiện nay, để rồi sửa đổi lại một cách thận trọng và sáng suốt không? Trong thực tế, thì điều đòi hỏi chúng ta phải làm, hơn cả những khó khăn về mặt tài chánh trước mắt, đó là tình trạng lành mạnh về mặt môi trường của hành tinh nơi chúng ta đang sinh sống, và đặc biệt, là sự khủng hoảng về mặt văn hoá và luân lý, mà từ lâu chúng ta đã thấy quá rõ những triệu chứng hiển nhiên trong mỗi vùng khác nhau trên toàn thế giới.
 
Do đó, ta cần phải tìm cách thiết lập một “phạm vi đạo đức học” giữa cái nghèo mà ta phải “chọn lựa”, và giữa cái nghèo mà ta phải “chiến đấu”. Ở đây, ta thấy mở ra một con đường mang lại nhiều thành quả cho hiện tại và tương lai của nhân loại, mà ta có thể tóm tắt như sau: để chiến đấu chống lại sự đói nghèo bất công, sự đói nghèo áp chế biết bao con người, đàn ông cũng như phụ nữ, và đe dọa hòa bình của tất cả mọi người, thì ta cần phải tái khám phá sự thanh đạm và tình liên đới, xét như là những giá trị của Tin Mừng, và đồng thời mang tính hoàn vũ. Cụ thể hơn, ta không thể nào chiến đấu chống lại sự khốn cùng một cách có hiệu quả được, nếu ta không làm điều mà Thánh Phaolô đã viết cho tín hữu thành Côrintô, nghĩa là nếu ta không tìm cách “thiết lập sự bình đẳng”, bằng cách giảm thiểu sự chênh lệch giữa những người phung phí cái dư thừa và những người thiếu ngay cả cái cần thiết. Điều này đòi phải có những chọn lựa công bằng và thanh đạm, mặt khác, những chọn lựa này đòi hỏi ta phải quản lý một cách khôn ngoan những tài nguyên của trái đất đã bị hạn chế.
 
Khi Thánh Phaolô khẳng định rằng Đức Giêsu Kitô đã làm cho chúng ta được phong phú nhờ sự “nghèo khó của Người”, thì Thánh Tông đồ đã đưa ra một đường hướng quan trọng không chỉ dưới khía cạnh thần học, mà còn cả dưới bình diện xã hội học. Không phải theo nghĩa sự nghèo khó tự bản tính là một giá trị, mà bởi vì nó là điều kiện để thực hiện sự liên đới. Khi Thánh Phanxicô Assise tự tước đoạt mọi của cải mình có, thì người đã chọn một cuộc sống chứng nhân trực tiếp do Thiên Chúa soi sáng, nhưng đồng thời, người cũng chỉ cho mọi người thấy con đường tín thác vào Chúa Quan Phòng. Như thế, trong Giáo Hội, lời khấn về đức khó nghèo là sự cam kết của một số người, nhưng nó lại nhắc cho mọi người về sự đòi hỏi phải thoát ly mọi của cải vật chất và tối thượng quyền của tài sản tinh thần. Như thế, sứ điệp mà ngày hôm nay chúng ta phải suy nghĩ là: ngoài việc xem sự khó nghèo của Đức Kitô, qua việc Người hạ sinh tại Bêlem, là một đối tượng cho các Kitô hữu tôn thờ, nhưng còn phải xem đây là một trường dạy sự sống cho mỗi con người. Sự khó nghèo ấy dạy chúng ta rằng để chiến đấu chống lại sự khốn cùng, về mặt vật chất cũng như tinh thần, thì con đường mà ta phải đi, đó là con đường của sự liên đới, một con đường đã thúc đẩy Đức Giêsu chia sẻ kiếp người phàm chúng ta.
 
Anh chị em thân mến, tôi nghĩ rằng Đức Trinh Nữ Maria đã nhiều lần đặt ra cho mình câu hỏi sau đây: tại sao Đức Giêsu lại muốn sinh ra từ một thiếu nữ tầm thường và khiêm hạ như Mẹ? Và, tại sao Người lại muốn đến trần gian trong một hang lừa máng cỏ và muốn được các mục đồng thành Bêlem là những người đầu tiên đến thăm? Đức Maria chỉ có được câu trả lời đầy đủ vào lúc cuối, khi Mẹ đặt xác của Đức Giêsu, đã chết và được tẩm liệm, trong huyệt đá (x. Lc 23,53). Lúc đó, Mẹ mới hoàn toàn hiểu được mầu nhiệm khó nghèo của Thiên Chúa. Mẹ hiểu rằng Thiên Chúa trở nên nghèo khó vì chúng ta, để làm cho chúng ta được giàu sang nhờ sự nghèo khó đầy tình yêu của Người, để khuyến khích chúng ta kềm hãm sự tham lam vô độ, sự tham lam dấy lên những cuộc chống đối và chia rẽ, để mời gọi chúng ta tiết chế sự ham muốn chiếm hữu, và như thế, mới sẵn sàng chia sẻ và đón tiếp nhau.
Với niềm tin tưởng, chúng ta dâng lên Đức Maria, là Thân Mẫu của Con Thiên Chúa hoá thân làm anh em chúng ta, lời kinh nguyện của chúng ta, xin Mẹ giúp chúng ta dõi theo những bước chân của Chúa, chiến đấu và chiến thắng sự nghèo đói, xây dựng hòa bình đích thật là opus iustitiae – thành quả của công bình -. Chúng ta phó dâng cho Mẹ ước muốn sâu xa được sống hòa bình, một ước muốn vươn lên từ tâm hồn của đại đa số người dân Israel và Palestine, lại một lần nữa đang phải sống trong mối hiểm nguy vì hàng loạt bạo lực xảy ra trong dải Gaza để trả đũa lại một bạo lực khác. Vũ lực, hận thù và thiếu tin tưởng cũng là những hình thái của nghèo đói – có lẽ là những hình thái kinh khủng nhất – mà ta cần phải “chiến đấu”. Ước gì những hình thái này không thể thắng thế được! Trong những ngày u buồn này, những vị mục tử trong những quốc gia này đang gióng lên những lời kêu gọi theo đường hướng này. Cùng với các ngài và với những tín hữu rất thân yêu của họ, đặc biệt là những tín hữu của giáo xứ Gaza bé nhỏ nhưng tràn đầy nhiệt huyết, chúng ta xin đặt dưới bàn chân Đức Maria những ưu tư của chúng ta cho hiện tại, cũng như những lo lắng cho tương lai, nhưng đồng thời, cũng đặt dưới chân Người niềm hy vọng có nền tảng rằng, cùng với sự cộng tác đầy khôn ngoan và sáng suốt của tất cả mọi người, chúng ta có thể lắng nghe nhau, đi đến gặp gỡ nhau, và mang lại những câu trả lời cụ thể cho khát vọng được sống trong hòa bình, trong an ninh và trong phẩm giá của mình. Chúng ta thưa với Đức Maria: Lạy Mẹ Đấng Cứu Thế, xin hãy đồng hành với chúng con trong suốt năm nay, một năm đang bắt đầu ngày hôm nay, và xin cầu cùng Chúa ban hòa bình cho vùng Thánh Địa và cho toàn thể nhân loại. Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời cầu cho chúng con. Amen.