Triều đại Merkozy tại eurozone

Giới truyền thông và các nhà quan sát gần đây thường xuyên nhắc đến “Merkozy”: cách chơi chữ ghép họ của Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy.

 Triều đại Merkozy tại eurozone

Các chuyên gia nhận định khủng hoảng tài chính đã giúp Đức và Pháp bắt tay nhau cùng chi phối khu vực sử dụng đồng euro (eurozone).

Giới truyền thông và các nhà quan sát gần đây thường xuyên nhắc đến “Merkozy”: cách chơi chữ ghép họ của Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy. Hai nhà lãnh đạo này là nhân vật chính trên mọi diễn đàn, hội nghị liên quan đến khủng hoảng tài chính tại châu Âu. Hơn thế nữa, ParisBerlin đang ngày càng chứng tỏ tầm ảnh hưởng lên 15 thành viên còn lại của eurozone.

Tuần qua, ngay sau khi ông Silvio Berlusconi từ chức Thủ tướng Ý, Tổng thống Sarkozy đã đề nghị cùng bà Merkel sang Rome để ủng hộ ứng viên sáng giá Mario Monti (nay đã trở thành thủ tướng mới của Ý). Đề nghị này khiến các chính trị gia và giới truyền thông của Ý nổi giận. Theo tờ Le Monde, tại buổi họp ở Hạ viện Ý, nghị sĩ Massimo Polledri thuộc đảng Liên đoàn phương Bắc kịch liệt phản đối việc Pháp – Đức “chực chờ nắm quyền”. Trước đó khoảng 1 tháng, Tổng thống Bồ Đào Nha Aníbal Cavaco Silva từng tỏ ra lo ngại về “một thế lực chấp chính, không chính thức cũng không được uỷ nhiệm, đang coi thường và giới hạn tầm hoạt động của các thể chế EU”.

Cặp đôi hoàn hảo

Sự phản đối của một số quốc gia không thể làm thay đổi thực tế là thời thế đã tạo nên “cặp đôi hoàn hảo” Merkozy. Về căn bản, Đức với Pháp là 2 nền kinh tế đứng đầu khu vực, nếu kết hợp lại sẽ chiếm gần một nửa GDP, 1/3 dân số của EU và 31% số phiếu của Hội đồng châu Âu, theo tờ Die Zeit. Cường quốc đứng ngay kế sau là Anh lại ở thế “người xa lạ” vì thuộc EU nhưng không dùng đồng euro và đứng ngoài một số hiệp ước khu vực. Một thế lực khác là Ý thì ngày càng lún sâu vào khủng hoảng và vừa phải “trảm tướng” để tìm lối ra cho khoản nợ khổng lồ 1.900 tỉ euro.

Không còn đối trọng, Đức và Pháp thoả sức gia tăng ảnh hưởng. Có thể thấy rõ trước những hội nghị thượng đỉnh của châu Âu, thông thường sẽ có một cuộc họp ngay trước đó giữa Tổng thống Sarkozy và Thủ tướng Merkel. Thậm chí cuộc họp ngày 7.5.2010 của lãnh đạo các nước eurozone đã phải dời lại 2 giờ để đợi bộ đôi Merkozy kết thúc thảo luận riêng.

Có 17 nước sử dụng đồng euro nhưng 15 nước còn lại chẳng thể tạo sức ảnh hưởng lên những quyết định chung. Nhiều hội nghị thượng đỉnh phải kết thúc không có kết quả gì vì ParisBerlin bất đồng. Ngược lại, khi Merkozy bắt tay thì các nước khác phải chấp nhận “thoả thuận chung của eurozone”. Điển hình là sau nhiều lần thất bại, thoả thuận đối phó khủng hoảng nợ đã được thông qua vào ngày 26.10, chủ yếu nhờ Pháp và Đức dàn xếp được với nhau, theo Le Monde.

Một trong những điều khoản quan trọng nhất là việc các ngân hàng xoá 50% nợ công của Hy Lạp, đổi lấy các kế hoạch thắt lưng buộc bụng hà khắc tại nước này. Thủ tướng Hy Lạp khi ấy là George Papandreou “dại dột” đề nghị tổ chức trưng cầu dân ý về thoả thuận thì ngay lập tức bị Tổng thống Sarkozy và Thủ tướng Merkel chỉ trích nặng nề, đồng thời “treo” gói cứu trợ trị giá 8 tỉ euro của nước này lại. Không thể cầm cự trước sức ép quá lớn, ông Papandreou phải tuyên bố huỷ trưng cầu và từ chức.

Liên bang châu Âu

Lâu nay EU vẫn có ảnh hưởng ít nhiều đến chính sách của các nước trong khu vực, chẳng hạn những quốc gia muốn tham gia liên minh phải thay đổi nhiều mặt để đáp ứng tiêu chuẩn. Tuy nhiên, chưa bao giờ việc nội bộ của một số nước thành viên EU lại bị can thiệp trực tiếp như hiện nay. Trong thoả thuận ngày 26.10 có quy định những quốc gia bị điểm xấu về nợ nần sẽ phải chấp nhận “được” Quỹ Tiền tệ quốc tế IMF và Ủy ban châu Âu giúp kiểm định các kế hoạch cải cách kinh tế.

Nhiều nhà bình luận cho rằng đây là một trong những bước để Pháp và Đức bắt tay nhau hướng EU từ Liên minh châu Âu trở thành một “liên bang châu Âu”. Hồi đầu năm, 2 nước cũng đã đề xuất một “Hiệp ước về cạnh tranh” cho khu vực sử dụng đồng euro. Theo tờ The Times, hiệp ước này quy định việc điều chỉnh để đạt được sự cân bằng ở eurozone về thuế của công ty, chế độ hưu trí, mức lương, hệ thống giáo dục đào tạo… Giới quan sát đánh giá những điều khoản của hiệp ước chẳng những không giúp Hy Lạp hay Ireland giải quyết khủng hoảng mà còn khiến những nước này mất đi lợi thế cạnh tranh của nhân công giá rẻ hay thuế suất thấp nếu phải nâng lên để ngang bằng Đức và Pháp. Đề xuất của Pháp và Đức đã bị nhiều phía phản đối và cuối cùng phải thay đổi nội dung để có thể ghép vào một hiệp định khác về hợp tác kinh tế giữa các nước eurozone, được thông qua vào cuối tháng 3.2011.