Giải pháp giảm tải cho bệnh viện

Tỷ lệ giường bệnh/vạn dân của VN hiện là 20,5, ở mức trung bình thấp so với khu vực. Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới, trung bình số giường bệnh/vạn toàn cầu là 25. Tại một số quốc gia như Thái Lan, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật bản, tỷ lệ này là 22-140.

 Giải pháp giảm tải cho bệnh viện


Giảm tải tại các bệnh viện (BV) tiếp tục là đề tài nóng được đề cập trong Hội nghị triển khai nhiệm vụ trọng tâm công tác y tế các tháng cuối năm, do Bộ Y tế tổ chức ngày 13.9.

 

 

“Bệnh nhân đến viện nhiều khi không phải là nằm viện mà là ngồi viện, đứng viện”

 

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến

 

 

Theo ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh – Bộ Y tế, chương trình 1816 với việc bác sĩ (BS) tuyến trên về tuyến dưới, nâng cao năng lực điều trị cho tuyến dưới triển khai trong 2 năm qua đã giúp giảm khoảng 30% các ca bệnh chuyển tuyến. Tuy vậy, quá tải tại các BV, bệnh nhân (BN) nằm ghép vẫn khá phổ biến, đặc biệt các BV chuyên khoa Ung bướu, Tim mạch, Nhi, Sản. Tại Viện Tim mạch, danh sách có thể lên đến 4-5 BN/giường bệnh. Tương tự, tại một số khoa chiếu xạ, hoá trị của BV Ung bướu, số BN tính trên giường bệnh cũng 4-5 người.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến nêu thực tế: “Bệnh nhân đến viện nhiều khi không phải là nằm viện mà là ngồi viện, đứng viện”.

Xem lại đằng sau chuyện quá tải

 

Sẽ tăng viện phí

Ông Trần Đức Long – Vụ trưởng Vụ Pháp chế – Bộ Y tế, cho biết Bộ đang trình Chính phủ cho phép điều chỉnh tăng giá các dịch vụ kỹ thuật y tế, dự kiến áp dụng đối với 350 dịch vụ. Theo đó, đối với giá dịch vụ khám chữa bệnh, mức thu được đề xuất điều chỉnh tăng từ 6.000-25.000 đồng/lần khám, tuỳ theo từng hạng bệnh viện, chuyên khoa. Đối với giường điều trị nội trú, dự kiến mức điều chỉnh cho một ngày/giường bệnh: ở tuyến xã sẽ từ 10.000 – 15.000 đồng, hồi sức cấp cứu từ 30.000 đồng đến tối đa là 120.000 đồng, điều trị ngoại khoa, bỏng từ 25.000 – 240.000 đồng.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, bên cạnh các hộ nghèo đã được cấp thẻ BHYT, với trường hợp cận nghèo, Bộ Y tế đang đề nghị Nhà nước nâng mức hỗ trợ tối thiểu mua thẻ BHYT đến 70% (thay vì 50% như hiện nay). Đối với HS-SV cũng được đề nghị tăng mức hỗ trợ lên 50%.

 

BS Nguyễn Văn Hoàng, Giám đốc BV Nam Định, cho rằng cần xem xét lại vấn đề tế nhị phía sau quá tải. Phải chăng các BV tuyến trên cũng thích quá tải, vì có những trường hợp chỉ là xét nghiệm, uống  thuốc nhưng tại sao lại không chuyển về tuyến dưới mà cứ để nằm ghép? Phía sau đó phải chăng là thu nhập tăng thêm của nhân viên y tế? Bởi vậy, tuyến T.Ư kêu quá tải nhưng cũng cần quyết tâm giảm tải, chấp nhận giảm thu nhập khi giảm BN. Phải làm rõ, trong số quá tải đó có bao nhiêu BN điều trị vì lý do “thương mại”. Ví dụ BN tim mạch nằm ghép thì có phải tất cả đều phải phẫu thuật, can thiệp không hay chỉ là nội khoa mà năng lực tuyến tỉnh vẫn có thể đảm đương?…

BS Nguyễn Văn Hoàng cho rằng việc mất công bằng trong thanh toán BHYT đã gây khó khăn cho năng lực tuyến dưới. Người dân mua thẻ BHYT cùng mệnh giá, nhưng nếu mổ ruột thừa ở tuyến dưới thì quỹ BHYT thanh toán rẻ hơn tuyến T.Ư. Điều này cản trở tuyến dưới có nguồn lực phát triển, sử dụng các thiết bị, vật tư tiêu hao chất lượng cao, do đó càng thúc đẩy tâm lý BN lên tuyến trên. Nếu được chi trả cao như tuyến trên thì tuyến dưới sẽ có cơ hội phát triển.

Theo Giám đốc BV tỉnh Lào Cai, chừng nào nhân lực y tế tuyến dưới còn yếu thì tuyến T.Ư còn quá tải. Không ít BS tuyến tỉnh chuyên môn còn non, không đủ khả năng chẩn đoán. BN bị bệnh nặng, BS không tiên lượng được nhưng không dám chuyển tuyến trên vì sợ bị phê bình. Đến khi BN gần chết mới chuyển tuyến thì đã nguy kịch nên người nhà quay ra khiếu kiện. Người dân không tin tưởng tuyến dưới thì tất yếu sẽ kéo lên tuyến trên, dẫn đến quá tải.

Luân chuyển cán bộ

Ông Lương Ngọc Khuê cho biết ngành y tế đang được tăng cường đầu tư nhân lực, trang thiết bị cho tuyến dưới, mở rộng các cơ sở ung bướu tại địa phương; xây dựng thêm cơ sở mới cho điều trị với các chuyên khoa: nhi, tim mạch, ung thư. Trong 2-3 năm tới sẽ có thêm hàng ngàn giường bệnh. Bộ Y tế cũng đang dự thảo quy định các BS trẻ ra trường sẽ về các vùng khó khăn, thiếu BS, đồng thời sẽ có đãi ngộ về chính sách: xét cấp chứng chỉ hành nghề; trợ cấp ngoài lương, ưu đãi khi tuyển dụng và là tiêu chuẩn đề bạt…

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh: “Ngay cán bộ của Bộ Y tế có kinh nghiệm cũng phải luân chuyển về các đơn vị trực thuộc, về địa phương để hỗ trợ về công tác quản lý, nâng cao năng lực cho các đơn vị”.

Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến cho rằng để giảm tải, các BV liên quan đến ngoại khoa hay một số chuyên khoa cần nâng chủ động cho BN làm hết các xét nghiệm, chụp chiếu trước khi nhập viện. Nhờ đó, thời gian lưu viện sẽ giảm được ngắn nhất. BV nên cho BN xuất viện sớm ngay khi sức khoẻ ổn định, sau đó tiếp tục chăm sóc, theo dõi sức khoẻ tại nhà bởi các BS, điều dưỡng. Tại BV Phụ sản T.Ư, các năm qua đã tổ chức hình thức này rất hiệu quả. Nhiều BN ra viện chỉ 24 giờ sau mổ. Mỗi ngày có khoảng 100 BN của BV được chăm sóc sức khoẻ tại nhà với chi trả phù hợp.

VN thuộc nhóm trung bình thấp!

Tại các BV Bạch Mai, Chợ Rẫy, T.Ư Huế, Việt Đức, Viện K, Nhi T.Ư, BV Sản T.Ư, Tai mũi họng T.Ư, công suất sử dụng giường bệnh nhiều khoa từ 117-365%.

Tỷ lệ giường bệnh/vạn dân của VN hiện là 20,5, ở mức trung bình thấp so với khu vực. Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới, trung bình số giường bệnh/vạn toàn cầu là 25. Tại một số quốc gia như Thái Lan, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật bản, tỷ lệ này là 22-140.