Ngọn lửa đam mê

Những đam mê luôn ấp ủ trong lòng nhiều người trẻ muốn sống tử tế và hữu ích. Vấn đề là cách nhìn của xã hội, của những nhà quản lý để nhân ngọn lửa đam mê ấy lên trong cả cộng đồng

 Ngọn lửa đam mê

“Nếu không được học ngành yêu thích sẽ khổ cả đời”. Tâm sự của cô học trò đỗ thủ khoa cả hai khối của Đại học Nông nghiệp đã làm ấm lòng người đọc. Khi dứt bỏ ngành ngoại thương vốn đang “nóng” để quyết gắn với ngành công nghệ sinh học, cô bé đã hướng cuộc đời theo những ước mơ.

Có chứng kiến những sinh viên vật vờ trên giảng đường đại học, chờ hết bốn năm để lĩnh tấm bằng như một người đi nhờ trên chuyến tàu tri thức không thuộc về mình, có chứng kiến những học sinh thi vào trường này trường kia chỉ vì “bố em bảo thế”, để đến lúc ra trường vẫn xa lạ, vô cảm với nghề đã học mới trân trọng hạnh phúc của người biết thắp lên ngọn lửa đam mê cho cuộc đời mình.

Giáo sư triết học Trần Đức Thảo lặng lẽ viết các bài báo khoa học bằng tiếng Pháp để đăng trên các tạp chí hàng đầu ở Pháp; nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc cặm cụi với từng di tích lịch sử, chắt lọc, suy ngẫm trên mỗi cách ứng xử, mỗi nét văn hoá Tràng An, say sưa với tất cả những gì thuộc về đất và người Thăng Long – Hà Nội… Họ là những người biết kiến tạo cho mình hạnh phúc khi biết sống với ước mơ. Ngành giáo dục chỉ đạt được mục tiêu khi đào tạo ra những con người có đam mê và đi được đến cùng với những đam mê ấy.

Nhưng đam mê đích thực có đến dễ dàng trong thời buổi sôi động của những nhu cầu vật chất, của sự chạy đua những giá trị bề nổi vốn dễ lôi cuốn những người trẻ và cả những người không còn trẻ? Thắp lên ngọn lửa nhiệt thành, sống có lý tưởng, có mục đích là trách nhiệm của ngành giáo dục, của cả xã hội hay là nỗ lực của mỗi cá nhân?

Nhiều người trách thế hệ trẻ thực dụng, không biết quan tâm đến xung quanh, chỉ chăm chăm lợi ích của mình. Định hướng nghề nghiệp của họ là ngành nào “hấp dẫn” thu nhập cao, dễ kiếm việc là xông vào, bất kể năng lực cá nhân và nhu cầu thị trường nhân lực thật sự ra sao. Lại có ý kiến băn khoăn, nhìn vào nhà trường học trò giỏi không ít, thủ khoa nở rộ, nhưng chỉ mấy năm ra đi làm không còn thấy người giỏi, chỉ toàn những người “khôn”, biết nép vào cơ chế, biết chạy vạy để được trọng dụng.

Thế nhưng, logic đời sống đâu chỉ vận hành xoay quanh cơm, áo, gạo tiền thuần túy? Bao bạn trẻ say sưa trong mùa hè tình nguyện, đem tri thức và cả sức lực giúp đỡ những vùng đất còn khó khăn, lạc hậu. Nhiều giảng viên trẻ bỏ cơ hội làm việc ở nước ngoài với mức lương cao để được gắn với nghề dạy học và môi trường dạy học, dù cơ chế đãi ngộ và sử dụng con người còn nhiều bất cập…

Những đam mê luôn ấp ủ trong lòng nhiều người trẻ muốn sống tử tế và hữu ích. Vấn đề là cách nhìn của xã hội, của những nhà quản lý để nhân ngọn lửa đam mê ấy lên trong cả cộng đồng. Không sợ quá lời nếu nói rằng sự thực dụng của một số người trẻ hôm nay có một phần nguyên nhân từ tư duy coi giáo dục là sản phẩm hàng hoá đơn thuần mà không quan tâm đến tính định hướng lâu dài!

Cô học trò thủ khoa quyết chọn ngành công nghệ sinh học đã biết thắp lên ngọn lửa đam mê cho cuộc đời mình. Nhưng thắp lên ước mơ cho cả triệu học trò, thúc giục họ khao khát làm việc và cống hiến cho đất nước mới là yêu cầu khó, đòi hỏi tầm chiến lược quốc gia. Xã hội cần biết mấy những con người biết ước mơ và dám sống cho ước mơ như thế. Vì vậy, ngành giáo dục với trách nhiệm đào tạo con người cần tự định hướng và điều chỉnh lại mục tiêu cho sát với kỳ vọng của xã hội, góp sức cho dân tộc thêm nguồn lực nội sinh mạnh mẽ, bền lâu như dòng lịch sử cả nghìn năm đã chảy…