Lấy lại niềm tin cho thị trường

Chính phủ cần có một chương trình tổng thể cơ cấu lại nền kinh tế thông qua các chính sách để định hướng cho thị trường

Lấy lại niềm tin cho thị trường

Vẫn là các vấn đề lạm phát, lãi suất và nhập siêu nhưng có nên tiếp tục chính sách thắt chặt tiền tệ không khi hàng loạt doanh nghiệp đã “đuối sức”, thị trường bất động sản tê liệt… đang là đề tài gây tranh cãi hiện nay. Tiến sĩ Trần Du Lịch, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM, chia sẻ quan điểm của ông về việc này.

Việc áp dụng chính sách thắt chặt tiền tệ đã đạt được một số kết quả nhất định. Tuy nhiên, đến thời điểm này, nhiều ý kiến cho rằng nên nới lỏng, quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Tôi cho rằng kế hoạch kéo giảm tốc độ tăng tín dụng năm 2011 ở mức dưới 20% và tổng phương tiện thanh toán ở mức 15-16% cũng chỉ ở mức độ “chặt chẽ, thận trọng” thôi. Tôi cũng chia sẻ với ý kiến cho rằng trong 6 tháng đầu năm, tổng dư nợ tín dụng mới tăng khoảng 7% và tổng phương tiện thanh toán mới hơn 2% là quá chặt chẽ. Tuy nhiên, tôi muốn lưu ý là tổng dư nợ tín dụng của nền kinh tế hiện nay đã bằng khoảng 1,2 lần GDP và nếu nhìn tình hình tín dụng trong các năm qua, dễ nhận thấy sự thận trọng của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong điều hành chính sách tiền tệ hiện nay là cần thiết để chống lạm phát. Từ năm 2007 hiện tượng bất thường đã xảy ra, dư nợ tín dụng của hệ thống ngân hàng thương mại (NHTM) tăng đột biến và thậm chí ngược chiều với tốc độ tăng GDP (năm 2007: GDP tăng 8,6%, dư nợ tín dụng tăng 53,4%; năm 2008: GDP tăng 6,4%, dư nợ tín dụng tăng 27,6%; năm 2009: GDP tăng 5,3 %, dư nợ tín dụng tăng 37,3%; năm 2010: GDP tăng 6,78%; dư nợ tín dụng tăng 31%). Đây là yếu tố tiền tệ gây ra lạm phát. Sự kéo giảm tốc độ tăng tín dụng cùng với chính sách tài khoá thắt chặt, cắt giảm đầu tư công, giảm bội chi ngân sách sẽ tác động làm giảm tổng cầu của nền kinh tế. Về tỷ giá, với các biện pháp chống đầu cơ găm giữ ngoại tệ, từ tháng 3 tới nay tỷ giá đã đi vào ổn định, xoá bỏ tình trạng 2 giá trong giao dịch ngoại hối, tăng dự trữ ngoại hối của Nhà nước. Nhưng vấn đề cơ bản để giữ giá tiền đồng vẫn là sức khoẻ của nền kinh tế, giải quyết căn bệnh nhập siêu. Nên trong năm 2011 phải thực hiện theo lộ trình giải quyết bộ ba: lạm phát, tỷ giá và lãi suất.

Muốn giảm lãi suất, lạm phát phải hạ nhiệt. Nhưng với dự báo CPI năm nay lên tới 18%, phải làm thế nào để giảm lãi suất thưa ông?

Vấn đề này khá hóc búa trong bài toán kinh tế vĩ mô hiện nay. CPI tháng 6.2011 so với tháng 12.2010 đã lên đến 13,2% và nếu so với cùng kỳ năm trước thì đã là 20,8%, nên muốn thực hiện chính sách lãi suất huy động thực dương (lãi suất huy động cao hơn chỉ số CPI) không đơn giản. Và thực tế trong 6 tháng qua, dù lãi suất huy động đã “phá trần” 14% thì vẫn không “thực dương”. Nên chỉ có thể căn cứ vào tín hiệu CPI giảm dần để hạ nhiệt lãi suất. Như tôi đã nói ở trên, do trong 6 tháng đầu năm mức tăng tín dụng và phương tiện thanh toán thấp nên NHNN có dư địa để thực hiện kế hoạch tăng khối cung, giảm áp lực khối cầu tín dụng, để giảm lãi suất. Tuy nhiên, cũng không thể chỉ trông chờ một phía NHNN, mà bản thân các NHTM phải tái cấu trúc lại nguồn tín dụng của mình, không làm tăng nợ xấu trong tổng dư nợ tín dụng đang tồn tại, ảnh hưởng đến sự an toàn của hệ thống.

Ông đánh giá thế nào về thị trường bất động sản hiện nay? Theo ông có nên phân định cho vay hoặc thắt chặt đối với từng loại hình bất động sản hay không?

Thị trường bất động sản nước ta đang chứa đựng sự bất ổn từ nội tại cơ cấu do tình trạng đầu cơ thái quá và đầu tư chệch hướng cung – cầu, làm méo mó thị trường. Tôi lưu ý rằng, không phải bao giờ tín hiệu của thị trường cũng đúng mà đôi khi vẫn gây ra nhầm lẫn về cung – cầu. Trong các năm qua thị trường bất động sản vẫn rơi vào tình trạng đó. Về bản chất, thị trường bất động sản nước ta không dựa vào sức mua thực tế, mà dựa vào đầu cơ nên đang để lại hậu quả. Tôi cho rằng giải quyết vấn đề của thị trường bất động sản hiện nay không đơn giản chỉ có giải pháp tín dụng, mà cần có một hệ thống các giải pháp để lành mạnh hoá. Tuy nhiên, trước mắt tôi đồng tình với việc cần phân loại từng loại đối tượng của thị trường bất động sản để có chính sách tín dụng phù hợp, đặc biệt đối với các dự án bất động sản về nhà ở đô thị phù hợp với sức mua của người dân…

Với hiện trạng này, theo ông trong 6 tháng cuối năm chúng ta phải làm gì để giải quyết các vấn đề nóng của nền kinh tế như lãi suất, lạm phát, nhập siêu?

Tôi nghĩ rằng Chính phủ cần kiên trì thực hiện các nội dung của Nghị quyết 11, nhất quán với quan điểm trong năm nay là ưu tiên kiềm chế lạm phát và chuẩn bị chính sách để từng bước tái cấu trúc nền kinh tế. Năm 2011 nếu đạt mục tiêu tăng GDP khoảng 6% và kiềm chế CPI khoảng 17%, giữ ổn định tỷ giá xoay quanh mức 21 ngàn đồng/USD và giảm nhập siêu ở mức khoảng 16% kim ngạch xuất khẩu; kéo giảm dần lãi suất là thành công. Lấy lại niềm tin cho thị trường về ổn định kinh tế vĩ mô là mục tiêu quan trọng nhất của năm nay. Tôi hy vọng sẽ đạt được mục tiêu này.

Vấn đề quan trọng hơn là phải hướng tới các mục tiêu trung – dài hạn, giải quyết căn bản các bất ổn vĩ mô từ nội tại cơ cấu của nền kinh tế. Chính phủ cần có một chương trình tổng thể cơ cấu lại nền kinh tế thông qua các chính sách để định hướng cho thị trường. Ngay trong năm 2011 này, cần ưu tiên hình thành các chính sách để cơ cấu lại 4 lĩnh vực sau đây: thị trường tài chính (gắn với thị trường BĐS); đầu tư công; doanh nghiệp (trong đó có doanh nghiệp nhà nước) và thị trường hàng hoá (mối quan hệ giữa thị trường nội địa và xuất khẩu).