Lễ Mình Máu Thánh – A: Mầu Nhiệm Thánh Thể trong đời tín hữu

Nhân dịp Lễ Mình Máu Thánh Chúa hôm nay, chúng ta thử suy nghĩ về một câu hỏi được nhiều người đặt ra: “ Làm sao vận dụng được mầu nhiệm Thánh Thể trong đời người tín hữu?”

 

Mầu Nhiệm Thánh Thể trong đời tín hữu

 

Hành Khất Kitô

 

Lời mở

Nhân dịp Lễ Mình Máu Thánh Chúa hôm nay, chúng ta thử suy nghĩ về một câu hỏi được nhiều người đặt ra: “ Làm sao vận dụng được mầu nhiệm Thánh Thể trong đời người tín hữu?” để tìm ra câu trả lời cho mình cũng như cho người khác.

Chúa Giêsu đã nói về đời sống kỳ diệu cho những ai đón nhận Người: “Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy. Cũng như Chúa Cha là Đấng Hằng Sống đã sai tôi, và tôi sống nhờ Chúa Cha thế nào, thì kẻ ăn tôi, cũng sẽ nhờ tôi mà được sống như vậy” (Ga 6,56-57).

1. Tại sao lại đặt câu hỏi này?

Nhìn vào đời sống thực tế của người Công giáo, nhất là ở Việt Nam, chúng ta thấy tín hữu đi dự lễ rất đông, rước Mình Máu Chúa thường xuyên, thế mà tại sao họ lại chưa vận dụng được sự sống kỳ diệu của Thiên Chúa trong con người mình giống như các thánh tông đồ và các tín hữu thời Giáo Hội sơ khai? Quả thật, các tín hữu thời ấy, sau khi được Thánh Thần tác động, họ đã quy tụ lại để tham dự nghi lễ bẻ bánh và sau đó, trở về đời sống thường ngày, họ can đảm rao giảng Tin Mừng, chữa lành bệnh nhân, xua trừ ma quỷ, sẵn sàng chịu chết cho Đức Giêsu Kitô. Chính nhờ đời sống kết hợp một lòng một ý với nhau như thế mà họ thu hút biết bao nhiêu người về cho Chúa Giêsu. Vì vậy, chỉ trong thế kỷ đầu tiên, hàng trăm ngàn người trong đế quốc Roma đã tin theo đạo.

Còn bây giờ, Giáo Hội toàn cầu cũng như Giáo hội Việt Nam, hàng trăm năm nay không tăng được 1% dân số Công giáo mà mỗi ngày còn giảm sút đi bởi vì đời sống của người tín hữu chưa biểu lộ đặc tính kỳ diệu của bí tích Thánh Thể. Câu hỏi này cũng là câu hỏi mà các vị giáo hoàng gần đây, như ĐTC Gioan Phaolô II và ĐTC Bênêđictô XVI, đặt ra cho chúng ta là: làm thế nào để vận dụng được bí tích Mình và Máu Thánh Chúa Giêsu Kitô trong cuộc đời người tín hữu? Câu trả lời đã được các ngài gợi ý như chúng ta sẽ thấy trong chính cấu trúc đặc biệt của ngày lễ hôm nay.

Gợi ý thứ nhất: chúng ta cần được quy tụ bằng Thánh Thần tình yêu của Đức Giêsu. Gợi ý thứ hai: chúng ta cần vận dụng năng lực của Thánh Thể để đi trên con đường sự thật và sự sống của Đức Kitô. Gợi ý thứ ba: sau khi tiêu hao sức lực trên đường, chúng ta cần tìm về nguồn sống, nguồn tình yêu, sức mạnh, quyền năng qua việc thờ lạy Chúa trong bí tích Thánh Thể.

Hôm nay Giáo Hội mời gọi chúng ta cùng nhau quy tụ để cử hành thánh lễ và đón nhận Mình Máu Thánh Chúa như của ăn, của uống thiêng liêng để có sức đi đường qua cuộc rước kiệu. Trong khi bước theo Chúa Kitô trên con đường phục vụ là chúng ta tiêu hao sức sống kỳ diệu của Thiên Chúa trong con người mình để mang lại ơn cứu độ cho anh chị em. Cuối cùng, chúng ta tìm về với Chúa, cùng nhau tôn thờ bí tích Thánh Thể để tìm lại sức mạnh, bình an, sự sống, quyền năng mà Chúa ban cho chúng ta qua việc chúng ta thờ lạy Người rồi lại tiếp tục lên đường. Có lẽ chúng ta nên dành vài phút để tìm hiểu những gợi ‎‎ý này trong đời sống thực tế của người tín hữu.

2. Thánh Thể và đời sống thực tế

Trước hết, chúng ta cùng suy nghĩ về việc quy tụ nhờ Thánh Thần tình yêu. Nhiều gia đình bây giờ không còn ăn cơm chung với nhau vì mỗi đứa con có đời sống riêng tư. Nhiều đứa không cần ăn ở nhà vì phải đi làm, đi học, đi chơi. Chúng tạt vào tiệm nào đó, mua khúc bánh mì hoặc ăn bát bún, bát phở cho qua bữa mà không cần gặp mặt chung với gia đình. Những món ăn đó nhiều khi còn có vẻ ngon hơn thức ăn cha mẹ cung cấp nếu người ta bỏ ra ngoài những giá trị tinh thần như tình yêu, sự hoà hợp, chia sẻ, đồng cảm trong bữa ăn gia đình.

Trong bữa tiệc của Thiên Chúa cũng thế, dù Ngài dựng nên tất cả các con cái mình, sẵn sàng ban tất cả, nhất là sự sống, sự thật, tình yêu, quyền năng của mình cho họ, nhưng rất nhiều người đã không tham dự bữa tiệc của Thiên Chúa. Họ đã tìm được những thứ bánh vật chất khác, những của ăn của uống khác mà xã hội hiện nay có thể cung cấp một cách dễ dàng. Hơn nữa chúng có vẻ ngon hơn, cụ thể hơn, thiết thực hơn những thứ mà Chúa dọn ra cho chúng ta trong bữa tiệc gia đình: sự sống tạm bợ trần thế, sự thật nửa vời, tình yêu thoả mãn dục vọng, quyền lực đồng tiền. Vì thế, trong bữa tiệc của Thiên Chúa, nhiều người đã vắng mặt.

Thiên Chúa luôn luôn quy tụ chúng ta bằng Thánh Thần tình yêu của Ngài. Ngài cho chúng ta hiểu được rằng qua bữa tiệc Mình và Máu Chúa Giêsu, Con của Ngài, Ngài thông ban cho chúng ta Thánh Thần với rất nhiều ân sủng, sự sống kỳ diệu, sự thật toàn thiện, tình yêu cao cả, quyền năng vô hạn của Thiên Chúa. Có điều là chúng ta có nghe lời mời gọi quy tụ để đến với Ngài hay không.

Hôm qua, một người nước ngoài hỏi tôi rằng tại sao ngày nay người ta không tin vào Mình Máu Chúa Giêsu. Tôi trả lời ông rằng vì ngày nay người ta có nhiều của ăn của uống khác. Ông hỏi thêm: “Tại sao người Do Thái và ngay cả các môn đệ xưa không tin vào việc Chúa Giêsu nói ai ăn thịt tôi và uống máu tôi thì được sống muôn đời?”. Tôi trả lời rằng người Do Thái không tin vì họ chỉ nhìn Chúa Giêsu như một con người chứ không nhận ra Ngài là một Thiên Chúa làm người.

Họ dư biết, qua kinh nghiệm dân tộc, là Thiên Chúa đã nuôi sống họ trong sa mạc, đã làm cho nước chảy ra từ hòn đá, đã cho họ manna trong suốt 40 năm (x. Đnl. 8,2-3.14-16). Chúa Giêsu cũng đã làm nhiều phép lạ hoá bánh để nuôi sống họ, làm rất nhiều phép lạ trên vạn vật như cho gió yên biển lặng để chứng tỏ quyền năng của Người. Hơn nữa, họ không thể không hiểu rằng trong, Kinh Thánh, máu là nguồn sự sống và máu được dành cho Thiên Chúa nên họ không được dùng máu. Khi Chúa Giêsu nói đến uống máu Người là người Do Thái hiểu được Người muốn nói gì. Vì thế, chỉ vì người Do Thái không tin Đức Giêsu là Thiên Chúa làm người nên họ không tin vào bí tích Thánh Thể.

Còn chúng ta, hôm nay chúng ta đến với Chúa Giêsu với tất cả lòng tin, tình yêu mà Người muốn chia sẻ cho chúng ta. Tuy nhiên, nhiều tín hữu đến đây không biết có thật sự vì tình yêu không hay chỉ vì sợ bỏ lễ Chúa Nhật là mắc tội trọng, là bị cha mẹ, vợ/chồng cằn nhằn rất khó chịu, hoặc đi lễ chỉ để lấy lòng ai đó. Khi quy tụ vì những l‎ý do khác với lòng tin và tình yêu thì chúng ta sẽ không khám phá ra sự sống kỳ  diệu, ân sủng dồi dào, sức mạnh vô biên của Thiên Chúa ẩn chứa trong Mình Máu Thánh Chúa Giêsu. Đó chính là l‎ý do thứ nhất mà hai ĐTC nhắc nhở chúng ta: chúng ta hãy xét xem chúng ta có được quy tụ bởi lòng tin và tình yêu để đến với bí tích Thánh Thể hay chưa.

Yếu tố thứ hai đó là lên đường. Khi đã đón nhận Mình Máu Thánh Chúa thì chúng ta phải lên đường. Chúa ban cho chúng ta sự sống, sự thật, tình yêu, quyền năng thì chúng ta phải diễn tả thành những hành động cụ thể để chia sẻ những gì chúng ta nhận được. Đó chính là cách tiêu hao năng lượng mà của ăn của uống thiêng liêng chuyển thông cho chúng ta. Nếu không tiêu hao năng lượng thì chúng ta cứ no và không cần ăn thêm nữa.

Người VN chúng ta đã quen ăn xong là ngủ: ăn trưa xong là ngủ trưa, ăn tối xong là ngủ đêm. Ít ai ăn xong mà làm việc cả. Ở Tây Phương người ta ăn trưa ít lắm và chỉ nghỉ vài mươi phút là làm việc tiếp. Chúng ta ăn xong là nghỉ ngơi, không muốn lên đường, không tiêu hao sức mạnh của của ăn của uống để chúng trở thành những hành động cụ thể, hữu ích.

Trong đời sống thiêng liêng cũng vậy, qua Mình và Máu Thánh, Chúa Giêsu chuyển cho chúng ta sức mạnh, tình yêu, lòng nhân hậu, quyền năng của Người nhưng chúng ta vẫn không biến thành những cái gì cụ thể trong đời sống. Người chia sẻ một tình yêu quảng đại, trong sáng, tốt đẹp còn chúng ta chỉ chiều theo những tham vọng và dục vọng, chúng ta chỉ yêu người này người nọ mà không yêu tất cả mọi người. Người chuyển cho chúng ta quyền năng để chữa lành bệnh tật, xua trừ ma quỷ nhưng nhiều khi chúng ta nghĩ rằng mình tội lỗi, sợ trừ quỷ không được mà chúng còn kể những tội của mình ra thì khốn.

Chúng ta rước Mình Máu Thánh Chúa mà không vận hành được năng lực của bí tích này, nghĩa là không lên đường, nên cuộc rước kiệu hôm nay như mời gọi chúng ta phải lên đường theo Đức Giêsu, con đường sự thật và sự sống, để chia sẻ với tất cả mọi người những gì mà Mình Máu Thánh Chúa ban cho chúng ta để họ cảm nhận được niềm vui, bình an, hy vọng, tình yêu, quyền năng của Chúa trong những hành động tốt đẹp của chúng ta.

Cuối cùng, khi đã lên đường và vận hành nhiều rồi, chúng ta mới cảm thấy đói, thấy thiếu thốn sự sống, sự thật, quyền năng, ân phúc của Chúa, lúc đó chúng ta được mời gọi trở về quy tụ bên Chúa Giêsu Thánh Thể để tôn thờ Ba Ngôi, nhận ra Chúa là nguồn của sự thật, của bình an, của hy vọng, của sự sống và mọi ân sủng. Lần quy tụ này được thể hiện trong niềm hy vọng là Chúa lại thông ban cho chúng ta sự sống của Người để bí tích Mình Máu Thánh Chúa lại tiếp tục vận hành trong con người tội lỗi của chúng ta.

Như thế, chúng ta đi trọn vòng vận hành của bí tích Thánh Thể: quy tụ khởi đầu bằng đức tin, vận hành bằng đức mến, thờ lạy trong đức cậy. Vận hành như thế ta mới phát huy được những năng lực kỳ diệu của mầu nhiệm này.

Kết luận

Đó là một vài gợi ý mà các ĐTC mời gọi chúng ta cùng nhau suy niệm trong ngày kính nhớ Mình Máu Thánh Chúa hôm nay và suy nghĩ lại trong cuộc đời của mỗi người để chúng ta trở thành chứng nhân sống động của Mình Máu Thánh Chúa.