Gìn giữ gia đình

Không có môi trường nào có đầy đủ điều kiện để ảnh hưởng đến hành vi của con người bằng gia đình

Gìn giữ gia đình

Gia đình là nơi của những điều thân thương, ngọt ngào và gần gũi nhất. Thế nhưng tin tức rất tiêu cực về gia đình đang xuất hiện ngày càng nhiều. Những con người máu mủ ruột rà, nhưng vì những mối lợi cá nhân, đã kiện tụng giành giật của cải, hành hạ nhau tàn khốc… Gia đình ơi tại sao vậy? Làm sao để gìn giữ đây?

Môi trường giáo dục đầu tiên và suốt đời

Không có môi trường nào có đầy đủ điều kiện để ảnh hưởng đến hành vi của con người bằng gia đình. Gia đình là môi trường giáo dục đầu tiên và suốt đời. Gia đình có được tính thiêng liêng trong bản năng làm cha, làm mẹ, làm con… của tất cả mọi người.

Việc xây dựng và gìn giữ gia đình hạnh phúc và bền vững là một quá trình không đơn giản. Đó là sự khẳng định giá trị của nhiều thành viên, của những trụ cột gia đình.

Sao lại có thể như vậy được?

Trên những phương tiện thông tin đại chúng đương đại, người ta rất dễ tìm thấy những hiện tượng tiêu cực xảy ra trong gia đình. Tiêu cực đến nỗi nhiều người phải thốt lên rằng: “Sao lại có thể như vậy được?” Đã từng có những người con tận cùng chữ nghĩa với cha mẹ tại toà án để cố chiếm giữ ngôi nhà cha mẹ mình từng chắt chiu mới có trong những tháng năm gian lao cực nhọc. Đã từng có những anh em ruột thịt cầm dao rượt chạy trong sân để tranh nhau cái ao bèo ngày xưa từng ngồi chung câu cá. Đã từng có những người con nhốt mẹ trong nhà vì thấy mẹ già… nhà quê quá độ… Và cũng đã từng có những mẹ cha cam lòng hành hạ con mình đến chết… Nhiều người sẵn sàng làm tất cả mọi điều dù với cha với mẹ hay họ hàng thân thuộc để thoả mãn ham muốn của mình dù đôi khi rất đỗi nhỏ nhoi…

Điều gì đang xảy ra trong cuộc sống gia đình ngày nay? Tại sao lại có những hiện tượng đau lòng và bất thường đến thế? Phải chăng gia đình ngày nay không còn những ràng buộc tình thương bình thường nhưng hết sức thiêng liêng? Có chăng một sự thay đổi lạ thường về các giá trị gia đình hiện đại? Có không một ám ảnh bất an về khả năng biến mất mô hình gia đình Việt Nam ôn hoà nhân bản? Có nhiều cách lý giải để hình dung rõ ràng hơn về những nét chấm phá trong thực trạng gia đình hiện tại, về bản chất của các mối quan hệ gia đình đang chi phối một góc của đời sống tinh thần cá nhân ngày nay.

Áp lực từ cuộc sống số, và sự giàu sang nhanh chóng… đang rượt đuổi

Cuộc sống đang ngày càng hết sức đa dạng khi nhịp độ hoạt động ngày càng nhanh, nhu cầu xã hội ngày càng lớn. Trong đó, nhu cầu khẳng định giá trị cá nhân đang bộc lộ ngày càng rõ nét. Đề cao tính cá nhân trong một xã hội phát triển là điều hết sức bình thường và đó cũng là một xu thế tất yếu khi xã hội ngày càng mở. Nhưng nếu việc đề cao tính cá nhân của con người làm mất đi tính cân bằng tương đối trong quan hệ gia đình với nét văn hoá đặc trưng Việt Nam, thì mọi ứng xử đều có thể “vượt rào”! Tính huyết thống hoặc sự thiêng liêng của tình cảm có thể sẽ chỉ là… xa xỉ!

Hiện nay, hàng loạt các giá trị đang bị “thử thách và cạnh tranh” hết sức dữ dội khi những áp lực từ cuộc sống số, áp lực về sự phú quý giàu sang nhanh chóng… đang từng ngày rượt đuổi chúng ta… Việc chuyển biến từ sự thay đổi giá trị đến sự thay đổi hành vi như tờ giấy mỏng. Chỉ cần tác động của môi trường, chỉ cần một tình huống hấp dẫn, chỉ qua một thoáng bâng khuâng… thì ai đó có thể sẽ sẵn sàng… bỏ qua lòng tốt… Điều này cũng cho thấy khả năng thích ứng của con người thì quá nhạy nhưng sự chuẩn bị để trở nên nhân bản thì lại quá hững hờ.

Mặt khác, dù nhiều người rất thương yêu nhau nhưng vì không biết cách thể hiện hoặc không đủ thời gian để cùng sẻ chia, cùng tận hưởng giá trị gia đình. Họ lại bị chi phối bởi một thói quen chẳng chút mong muốn là… mỗi người một việc. Khi trở về với nơi cội nguồn của cảm xúc, họ đang thiếu kỹ năng sống ở gia đình, họ đang tỏ ra lúng túng khi phải ứng xử yêu thương với những người thân thuộc. Họ quen dần với sự thờ ơ và do đó, sự hướng về nhau dần dần nhạt phai trong nhận thức và hành vi của họ… Chính điều này có thể làm con người chai sạn cảm xúc và căng thẳng hơn khi về nhà và liên miên… mệt mỏi đến chán chường…

Một gia đình bền vững

Có thể nói hạnh phúc tuỳ theo cách nhìn của mỗi người mà nó trở nên xa vời hay gần gũi.

Không phải bất kỳ ai cũng có thể bộc lộ cảm xúc một cách hoàn toàn tự do và tự tin trong gia đình của mình. Còn có điều gì bất hạnh hơn trong gia đình nếu khi vui chẳng có ai cùng vui lây, khi buồn không có ai cùng chia sẻ? Niềm vui được nhân nhiều lần hơn, nỗi buồn được làm cạn đi trong không khí gia đình, trong một môi trường các cá nhân trở lại là mình để tìm được sự cảm thông, sự đồng cảm và sự che chở. Đó là những dấu hiệu cho thấy, ở đó gia đình là nơi tận cùng của cảm xúc, là không gian của mọi buồn vui…

Gia đình hạnh phúc là điều kiện tiên quyết để có được một gia đình bền vững. Sự bền vững của gia đình bắt đầu từ sự ổn định trong đời sống tinh thần, trong sự đáp ứng các yêu cầu tối thiểu về vật chất để tồn tại và thực thi ảnh hưởng của mình đối với các thành viên. Gia đình bền vững là một gia đình có cơ cấu chặt chẽ, giữ gìn được các giá trị truyền thống vốn có trong kinh nghiệm của mình, giữ được các điều kiện ổn định để liên kết các thành viên trong một không gian thực và trong một môi trường tích cực, lành mạnh.