Lễ Hiện Xuống – A: Cùng uống trong một Thần Khí

Thánh Phaolô, trong bài đọc II gửi giáo đoàn Côrintô (x. 1Cr 12,3-7.12-13), nhắc cho chúng ta một câu kỳ lạ: “Tất cả chúng ta đã được uống trong một Thần Khí duy nhất”

 

Cùng uống trong một Thần Khí

Hành Khất Kitô

 

Lời mở

Các bài Kinh Thánh hôm nay hình như giới thiệu cho chúng ta hai cuộc hiện xuống của Chúa Thánh Thần, giống như chúng ta đã suy niệm tuần trước có hai lần thăng thiên của Chúa Giêsu.

1. Hai lần Hiện Xuống

Cuộc hiện xuống đầu tiên thì công khai, rõ rệt, mãnh liệt cho toàn thể Hội Thánh đã được sách Công vụ Tồng đồ tường thuật cho chúng ta qua bài đọc I (x. Cv 2,1-11). Khi đó Thánh Thần như một luồng gió mãnh liệt ùa vào đầy nhà và mỗi môn đệ đều nhận lấy Thánh Thần qua hình lưỡi lửa, rồi các ông mở tung cửa ra, đi rao giảng Tin Mừng cho toàn dân Do Thái thuộc đủ mọi ngôn ngữ. Tiếp theo đó là các tông đồ chữa lành bệnh nhân, xua trừ ma quỷ, cho người chết sống lại để khai sinh ra Giáo Hội.

Nhưng cuộc hiện xuống thứ hai âm thầm hơn, trong căn nhà đóng kín cửa, được mô tả qua bài Tin Mừng hôm nay (x. Ga 20,19-23). Khi ấy Chúa Giêsu Phục Sinh hiện ra và nói: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần”. Cuộc hiện xuống công khai được thực hiện 50 ngày sau khi Chúa Giêsu sống lại, trong khi cuộc hiện xuống âm thầm lại được thực hiện ngay sau khi Đấng Phục Sinh chỗi dậy từ cõi chết.

Nếu đối chiếu với đời sống người tín hữu, chúng ta cũng sẽ thấy 2 lần hiện xuống ấy được thực hiện trong cuộc đời của mỗi người. Lần hiện xuống công khai chung với những thành phần trong Giáo Hội, có lẽ chúng ta thấy tương tự với việc chúng ta đón nhận bí tích Thêm Sức. Bấy giờ chúng ta cùng với anh chị em đón nhận ơn Chúa Thánh Thần để trở thành những chiến sĩ can trường của Đức Kitô, loan báo Tin Mừng cứu độ cho mọi người.

Còn lần hiện xuống âm thầm, cá nhân được thực hiện khi chúng ta chịu bí tích Rửa Tội, khi ấy nhân danh Ba Ngôi, chúng ta đón nhận ân sủng của Thánh Thần để trở thành thụ tạo mới giống như Thiên Chúa đã dựng nên con người qua làn hơi thổi vào khối bùn đất vật chất. Từ đó chúng ta trở thành con Thiên Chúa với đầy đủ sức mạnh, tình yêu, quyền năng và cả sự sống nhiệm mầu của Thiên Chúa được trao cho chúng ta qua bí tích Rửa Tội.

Tuy nhiên, các lần hiện xuống ấy chỉ phát huy tác dụng nếu chúng ta biết thở hít Thần Khí của Chúa Thánh Thần. Rất nhiều người chúng ta chỉ nhớ đến Chúa Thánh Thần khi nhận lãnh bí tích Thêm Sức còn hầu như quên thở hít Thần Khí từng giây phút mỗi ngày. Thánh Phaolô, trong bài đọc II gửi giáo đoàn Côrintô (x. 1Cr 12,3-7.12-13), nhắc cho chúng ta một câu kỳ lạ mà bản văn ta vừa nghe lại dịch không sát nghĩa, chúng ta vừa nghe đọc: “Tất cả chúng ta đã được đầy tràn một Thần Khí duy nhất” (x. Sách Bài đọc của Nhóm Giờ Kinh Phụng Vụ). Nếu so sánh bản văn nguyên thuỷ thì câu này phải dịch là: “Tất cả chúng ta đã được uống trong một Thần Khí duy nhất” (x. Sách lễ của Uỷ ban Phụng tự, HĐGMVN).

Tại sao thánh Phaolô lại nói đến một điều kỳ lạ như vậy? Tại sao không nói là chúng ta ăn trong một Thần Khí duy nhất mà lại nói uống trong một Thần Khí duy nhất? Đó là vì ngài đang mời gọi chúng ta suy nghĩ về sự nối kết giữa Chúa Kitô và Chúa Thánh Thần, giữa máu Đức Kitô đã được trao ban cho chúng ta từ của ăn của uống thiêng liêng và thần khí của Thánh Thần để chúng ta liên kết trong đời người tín hữu.

2. Mối quan hệ giữa khí và máu trong đời sống tự nhiên

Nếu nhìn vào đời sống tự nhiên, chúng ta thấy ngay mối liên kết mật thiết giữa máu và khí: dòng máu của chúng ta là kết tinh từ đồ ăn, thức uống cùng với những chất dịch trong bộ phận tiêu hoá để đưa vào từng tế bào, từng hộ phận những chất cần thiết cho sự sống: từ chất đường glucid cho những bắp thịt vận động, chất béo lipid tạo nên năng lượng dự trữ, chất đạm protid giúp cho não hoạt động, đến các vitamin, muối khoáng… Nhưng dòng máu ấy sẽ không phát huy tác dụng chuyển lưu sự sống cho chúng ta nếu không có khí. Vì thế, dòng máu ấy chuyển đến tim, tim bơm máu qua phổi và nhận dưỡng khí để biến thành dòng máu đỏ chuyển đi khắp thân thể và truyền sức sống cho từng tế bào.

Con người chúng ta có thể nhịn ăn 30-40 ngày mới chết, nhưng chúng ta không thể nhịn thở trong từng giây phút. Buồng phổi chúng ta có dung lượng tối đa 5 lít khí, trong đó có 1,5 lít dự trữ nên chúng ta mới có thể ngưng thở trong vòng 5 phút nhờ sử dụng khí dự trữ; nhưng các tế bào chỉ cần 1-2 giây không nhận được dưỡng khí là không thể phục hồi. Mỗi phút, quả tim chuyển 60-70 hoặc 80-90 vòng quay, mỗi vòng đều đưa máu đen sang phổi để chuyển thành máu đỏ trước khi đến khắp thân thể; nên từng giây chúng ta cần phải có khí, chỉ có khí mới biến máu đen thành máu đỏ và chuyền sự sống cho cơ thể. Hơn nữa, dòng máu ấy đưa các chất bổ dưỡng và khí lên não sẽ làm cho bộ não trung ương phát sinh các lệnh truyền đến các bộ phận trong cơ thể, nhờ đó chúng ta có thể suy nghĩ, nói năng, đi đứng, làm việc…

3. Khí và máu trong đời sống siêu nhiên

Nếu đối chiếu với đời sống thiêng liêng, chúng ta cũng sẽ thấy như vậy: dòng máu tinh tuyền của Chúa Giêsu chuyển thông cho chúng ta sức sống kỳ diệu của Thiên Chúa. Sự sống vĩnh hằng, tình yêu, sự thật, hạnh phúc, niềm vui là những thứ rất cần cho cuộc sống trần thế của chúng ta, nhưng vì chúng ta chưa thở được Thần Khí của Chúa Giêsu nên chúng ta không phát huy được sự sống thần linh ấy trong cuộc đời của mình.

Nếu những chi thể trong thân thể mầu nhiệm của Chúa Giêsu là Giáo Hội không thở được Thần Khí thì Giáo Hội cũng không phát huy được đời sống kỳ diệu của Chúa, dù dòng máu Chúa Giêsu vẫn chuyển đến từng chi thể tất cả những gì cần thiết cho đời sống siêu nhiên. Bây giờ chúng ta hiểu rằng tại sao ơn làm phép lạ, ơn nói tiên tri, ơn phục vụ bác ái lại trở thành hoạ hiếm trong cuộc đời của chúng ta. Thánh Phaolô nói: “Có nhiều đặc sủng khác nhau nhưng chỉ có một Thần Khí. Có nhiều hoạt động khác nhau nhưng vẫn chỉ có một Thiên Chúa làm mọi sự trong mọi người… Tất cả chúng ta đều đã chịu phép Rửa trong cùng một Thần Khí để trở nên một thân thể. Tất cả chúng ta được uống trong một Thần Khí duy nhất” (1Cr 3-13).

Chúng ta uống dòng máu tinh tuyền đỏ thẳm của Chúa Giêsu để Người chuyển cho chúng ta sự sống nhiệm mầu của Thiên Chúa. Nếu chúng ta thở hít được Thần Khí của Chúa Giêsu, chúng ta mới đón nhận được sự sống kỳ diệu ấy và phát huy trong đời sống cá nhân cũng như trong cộng đồng của Giáo Hội. Khuôn mặt chúng ta từ đó mới hồng hào tươi đẹp, chứ không xanh xao vàng vọt, trước mặt Thiên Chúa cũng như trước mặt con người. Tinh thần chúng ta nhờ sức thiêng kỳ diệu của dòng máu và tác động của Thần Khí, chúng ta mới thể hiện được lệnh truyền yêu thương của Đức Kitô, mới nhận được sự soi sáng mạc khải của Thiên Chúa, mới nhận được những kiến thức kỳ diệu để phát huy trong đời sống. Từ đó ta mới trở thành những con người khôn ngoan, thánh thiện, đầy quyền năng như các thánh tông đồ xưa: “Họ không phải là những người Galilê, những ngư phủ tầm thường đó ư? Thế sao bây giờ chúng tôi lại nghe họ nói tiếng mẹ đẻ của chúng tôi, dù chúng tôi thuộc bất cứ dân tộc nào?” (Cv 2,7-8).

Chúa Thánh Thần là tình yêu nối kết Ngôi Cha và Ngôi Con lại với nhau và nối kết chúng ta lại với Thiên Chúa. Vì thế, mỗi lần chúng ta được thôi thúc bởi tình yêu thì đó là một lần chúng ta thở Thần Khí. Chúng ta có thể thể hiện trong đời sống thường ngày: “Lạy Chúa, con xin ăn bữa ăn này, học bài này, làm công việc này, chịu đựng nỗi thất bại, lời nhục nhã này vì tình yêu Chúa”. Hoặc chúng ta nhớ đến Chúa Thánh Thần trước khi làm một việc gì đó để nói với Ngài: “Lạy Chúa, con yêu mến Chúa”. Đó là những lần thở Thần Khí! Khi thở được Thần Khí như vậy thì những việc tầm thường nhỏ bé chúng ta làm trong đời sống hằng ngày sẽ được Chúa Thánh Thần thánh hoá trở thành hành động của chính Chúa Giêsu và mang lại ơn cứu độ cho chúng ta cũng như cho mọi người. Lúc bấy giờ chúng ta mới phát huy được sự sống kỳ diệu của Chúa Giêsu trong cuộc đời của mình.

Kết luận

Hôm nay chúng tôi mời gọi anh chị em suy nghĩ lại cách thở Thần Khí của anh chị em trong đời sống hằng ngày và xin Chúa Thánh Thần đổ tràn ân phúc xuống anh chị em để mỗi người chúng ta trở thành chứng nhân sống động của Chúa Giêsu và cùng với Người biến đổi bộ mặt địa cầu cũng như gia đình nhân loại.