Cơm công nhân từ bếp tới bàn – Loay hoay bài toán khó

Xem ra con đường tìm đến một bếp ăn an toàn, dinh dưỡng và đảm bảo tương lai đường dài cho sức khoẻ công nhân vẫn còn xa lắm trong tình hình hiện nay

 Cơm công nhân từ bếp tới bàn - Kỳ cuối: Loay hoay bài toán khó

Đánh giá về bữa ăn của công nhân trong thời tăng giá, bác sĩ Nguyễn Đình Bình, chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (VSATTP) Đồng Nai, cho biết: “Khảo sát tại các doanh nghiệp từ đầu năm 2011 đến nay, suất ăn của công nhân chỉ ở mức 8.500 – 15.000 đồng/suất”.

Theo bác sĩ Bình, giá cơm cho công nhân hiện nay đang là vấn đề nan giải, vì cơ quan chức năng chỉ có thể kiến nghị doanh nghiệp nâng chất lượng bữa ăn chứ không thể bắt buộc họ được.

Chất lượng khó lường

Tại Đồng Nai, dân trong nghề nấu bếp ăn tập thể không lạ gì với những đơn vị cung cấp suất ăn lớn như công ty R, công ty S, công ty T. Nhưng dân làm bếp cũng hoài nghi về khả năng nguồn nguyên liệu sạch ở đâu ra để mỗi đơn vị cung cấp hàng ngàn suất ăn mỗi ngày.

Chị Thanh, một người nấu bếp ăn công nhân lâu năm, tâm sự: “Những người làm chuyên môn quá hiểu về chất lượng bữa ăn của những đơn vị lớn nhưng có điều người ta kiểm tra, thanh tra và xử lý đến đâu thôi. Đó là chuyện để hợp thức hoá nguồn nguyên liệu, nhà thầu mua một ít thịt, rau, gạo có địa chỉ ở siêu thị, hợp tác xã để chứng minh trên hoá đơn, còn lại là gom nguyên liệu giá rẻ ở nhiều nơi chế biến suất ăn mới có lời”. Cũng theo chị Thanh, khi nhận hợp đồng suất ăn giá rẻ, dân nấu bếp tập thể vẫn nghĩ ra mọi cách để có lời, từ cách rửa rau đến lựa thịt giá rẻ… nhưng chỉ mong mỏi duy nhất công nhân ăn cơm không bị ngộ độc, đau bụng. “Còn chất lượng, dinh dưỡng ra sao đối với công nhân thì chuyện ấy không phải là việc của họ” – chị Thanh day dứt.

 Phan Lê Diễm Trang,giám đốc Công ty may Quốc Tế, phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may Bình Dương:

“Quá trình điều hành quản lý tại doanh nghiệp, tôi nhận thấy việc chăm lo khẩu phần ăn của công nhân là hết sức quan trọng. Khi sức khoẻ công nhân ổn định sẽ góp phần ổn định sản xuất, kể cả việc tăng ca trong những thời điểm đơn hàng gấp. Mặt khác, bữa cơm công nhân kém cũng có thể khiến công nhân “nhảy việc” từ công ty này qua công ty khác. Việc công nhân bỏ ngang không những gây ảnh hưởng đến quá trình sản xuất mà người lao động cũng bị thiệt thòi.

Tại Công ty may Quốc Tế, chúng tôi tự tổ chức bếp ăn phục vụ bữa ăn trưa cho công nhân. Giá trị mỗi khẩu phần ăn của công nhân hiện nay nếu tự nấu tại công ty khoảng 12.000 đồng. Nếu cũng với mức ăn này đặt tại các cơ sở chuyên nấu suất ăn công nghiệp giá có thể lên đến 15.000 đồng”.

Lý giải tình trạng trên, bác sĩ Nguyễn Đình Bình nói chi cục kiểm tra thấy cơ sở chế biến, bếp ăn tập thể có ý thức hơn trong việc chấp hành VSATTP. Thế nhưng vẫn còn nhiều vấn đề nan giải khi kiểm tra nguồn gốc nguyên liệu nấu ăn, giấy phép quy trình nấu ăn, lưu mẫu… “Thực tế chúng tôi có muốn đi kiểm tra, thanh tra bếp ăn đột xuất cũng không thể được mà phải thông báo trước. Đó là chưa kể trường hợp cơ sở nấu ăn, hay doanh nghiệp tổ chức bếp ăn tập thể lấy nhiều lý do không cho vào nên rất khó đánh giá toàn diện về chất lượng bữa ăn của công nhân”.

Một vấn đề khác đang phổ biến khiến cơ quan chuyên môn lúng túng, theo bác sĩ Bình, đó là tình trạng bếp ăn tại doanh nghiệp sau khi được cấp giấy chứng nhận VSATTP thì thay đổi ngay nhà thầu nấu ăn, nên rất khó kiểm soát chất lượng bữa ăn của công nhân ra sao.

Nguy cơ rình rập

Một nghiên cứu về suất ăn công nghiệp và sự hài lòng của công nhân về bữa ăn trưa tại doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương cuối năm 2010 của Chi cục VSATTP Bình Dương mới đây cho thấy: khẩu phần ăn của công nhân thiếu năng lượng từ gluxit 63,3%, thiếu năng lượng từ đạm 30%, thiếu năng lượng từ chất béo 32,5%, thiếu rau xanh, củ, quả 45%…

Bữa cơm công nhân chưa đáp ứng được nhu cầu cơ bản là ăn ngon và ăn no. Cụ thể có 47,7% công nhân cho rằng không no và 51% công nhân cho rằng không ngon. Nếu giá tiền một suất ăn thấp hơn 10.000 đồng khó có thể cung cấp đầy đủ hai nhu cầu: năng lượng và ăn no của công nhân.

Chị Nguyễn Thị Nam, công nhân công ty P (KCN Sóng Thần, Bình Dương), cho rằng: “Tan ca mệt lại thấy đồ ăn nguội tanh, cơm hấp lại đóng thành cục lớn, buồn không muốn ăn. Tôi chỉ biết gắng ăn cho no mà làm chứ không biết dinh dưỡng của khẩu phần ăn là gì”. Trong khi đó theo khảo sát của Chi cục VSATTP Bình Dương: “Hầu hết doanh nghiệp có tổ chức ăn trưa cho công nhân nằm ở nhóm lao động nhẹ với quy mô hơn 200 suất ăn công nhân. Song chỉ 10% doanh nghiệp có yêu cầu nhà ăn tính toán năng lượng khẩu phần ăn”.

Theo một bác sĩ chuyên ngành về dinh dưỡng, để tính toán xây dựng một khẩu phần ăn hợp lý hiện nay không quá khó, không đòi hỏi trình độ đại học. Do đó với sự đồng thuận đa số của người nấu ăn trong việc bố trí người phụ trách về dinh dưỡng, việc triển khai phân tích năng lượng khẩu phần ăn tại công ty sẽ được thuận lợi và giúp cơ sở nấu ăn điều chỉnh cách thức nấu ăn dễ dàng.

Sau khi khảo sát, Chi cục VSATTP Bình Dương khuyến nghị: “Rất đông người lao động ngoài tỉnh đang sinh sống, làm việc và xin nhập hộ khẩu ở tỉnh Bình Dương. Nếu các vấn đề phát sinh về sức khoẻ công nhân không được kiểm soát sẽ làm giảm thời gian lao động do mất sức, và tăng gánh nặng y tế cho việc chăm sóc sức khoẻ trong 10-20 năm tới khi lực lượng này hết tuổi lao động”.

Tuy nhiên, câu chuyện 10-20 năm này đối với các doanh nghiệp là quá xa, trong khi họ phải thực hiện những mục tiêu lợi nhuận và các hợp đồng sản xuất hằng ngày.

Chi cục VSATTP Đồng Nai cũng ghi nhận tình trạng thực phẩm có sẵn độc tố, thực phẩm bị biến chất, quá hạn sử dụng… không được kiểm soát vẫn lưu thông trên thị trường. Đây là kẽ hở để một số nhà thầu suất ăn thiếu lương tâm tìm cách đưa vào bữa ăn công nhân mà chi cục không thể nào kiểm soát hết.

Số liệu từ chi cục năm 2010, Đồng Nai có 500 bếp ăn tập thể, 97 cơ sở cung cấp thức ăn công nghiệp và 348 bếp ăn nhà trẻ, trường học. Các cơ sở thực phẩm phần lớn nhỏ lẻ, năng lực đảm bảo VSATTP còn nhiều yếu kém, nguy cơ lây các bệnh truyền nhiễm qua đường thực phẩm và ngộ độc thực phẩm rất cao. Năm 2010 Đồng Nai xảy ra sáu ca ngộ độc làm 211 người mắc. Tuy không có ca tử vong nhưng nguy cơ tiềm ẩn ngộ độc thực phẩm đông người tại bếp ăn khu công nghiệp, trường học, mẫu giáo, nhà trẻ còn rất cao. Cũng theo chi cục, trong năm 2010 qua kiểm tra 371 mẫu sản phẩm từ thịt, nước chấm, sữa đậu nành thì có 100 mẫu không đạt (do nhiễm E.coli, salmonella, Ps.Aeroginosa). Riêng sản phẩm từ tinh bột, thịt xét nghiệm 431 mẫu đã có 93 mẫu chứa chất phụ gia độc hại là hàn the.

Xem ra con đường tìm đến một bếp ăn an toàn, dinh dưỡng và đảm bảo tương lai đường dài cho sức khoẻ công nhân vẫn còn xa lắm trong tình hình hiện nay.