Cha mẹ và con cái: “Đồng minh” hay…

Phần lớn cha mẹ hiện nay vẫn cho rằng con mình không biết gì nên nhiều lúc xâm phạm đời tư cá nhân của con như lục cặp, lén xem tin nhắn, thư… nhưng đó là điều không nên làm.

 

Cha mẹ và con cái: “Đồng minh” hay…

Mâu thuẫn, bất đồng quan điểm và cách để cha mẹ và con cái có thể gặp nhau là nội dung mà TS Tâm lý Đinh Phương Duy trình bày trong chuyên đề giáo dục “Mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái ở lứa tuổi dậy thì”.

Chuyên đề này diễn ra tại NVH Phụ nữ TP.HCM vào tháng 5/2007.

Vừa thoáng thấy con có dấu hiệu bất thường, bà mẹ quyết định lục cặp đứa con học lớp 8 của mình xem có gì nghi vấn không. Kết quả là không tìm ra gì bất thường nhưng lại bị đứa con phát hiện và phản ứng kịch liệt “mẹ không có quyền lục cặp của con vì nó là của con”.

“Chiến tranh lạnh” bắt đầu. Cả tuần đứa con không thèm nói chuyện cho dù người mẹ đã nhận ra mình hơi quá và tìm cách xoa dịu tình hình. Rồi một hôm bà đọc được tờ giấy con để trên bàn với chỉ vỏn vẹn năm chữ: “Gia đình hay địa ngục”. Câu chuyện được tiến sĩ Đinh Phương Duy đưa ra làm nhiều bà mẹ có mặt tại khán phòng lặng đi.

Ông nói: “Bây giờ trẻ em khôn, thông minh và rất hiểu biết quyền của mình. Chúng biết và thậm chí trong vài lần tư vấn tôi còn được mấy đôi vợ chồng bảo con của mình còn dẫn ra cả luật nữa”. Tuy nhiên, phần lớn cha mẹ hiện nay vẫn cho rằng con mình không biết gì nên nhiều lúc xâm phạm đời tư cá nhân của con như lục cặp, lén xem tin nhắn, thư… nhưng đó là điều không nên làm.

Nếu các em phát hiện sẽ có cảm giác mình bị xúc phạm, bị theo dõi và sẽ có phản ứng dữ dội, hoặc là lớn tiếng cãi lại, hoặc là làm mặt lạnh không trò chuyện. Nhiều bậc phụ huynh còn áp đặt cả chuyện quần áo, kiểu tóc, suy nghĩ lên con mà không chú ý đến cảm xúc cũng như sở thích riêng của con mình. Đặc biệt là thiếu sự tôn trọng các em và luôn cho các em là “con nít”.

Ông lấy ví dụ từ chính bản thân mình rằng nhà chỉ có một cái máy tính và sống cùng nhưng hai cha con vẫn thường xuyên gửi mail cho nhau. Và đứa con tỏ ra rất thích thú mỗi khi nhận được thư của ba. Từ đó ông đề nghị các bậc phụ huynh nên trở thành “đồng minh” đáng tin cậy nhất của con để con có thể chia sẻ những suy nghĩ, buồn vui trong cuộc sống.

“Dọn cỗ cho con”

Ở một số không nhỏ gia đình có điều kiện hiện nay, sự thông cảm vô điều kiện với con ngỡ là hiểu con thật ra lại là một cách làm hư con.

Chị M. là trưởng phòng, chồng chị là giám đốc một công ty. Nhà cửa khang trang, đầy đủ điều kiện, anh chị chỉ còn tập trung lo cho D., cậu con trai duy nhất. Anh chị bắt cu cậu theo học về IT dù D. thích vẽ. Dẫu vậy, D. vẫn nghe theo lời bố mẹ sang tận trời tây. Nhưng người ta học chỉ mất bốn năm, D. thì học… sáu năm. Rồi bỗng nhiên D. quay về bỏ việc, bỏ học để đi làm thêm nuôi cô người yêu quen qua… chat.

Không chỉ ngang nhiên “sống thử” với cô gái, D. còn vòi tiền bố mẹ để trả tiền thuê nhà cho cả hai trong ngôi nhà cô từng sống với người yêu trước. Bố mẹ năn nỉ, khuyên nhủ, cậu vẫn kiên quyết “con sống cho bố mẹ đủ rồi, giờ con phải sống cho con”.

Để con sống theo ý mình, nhiều cha mẹ chấp nhận “trả giá”, chu cấp cho con mọi thứ, tiền bạc, điện thoại đời mới, máy vi tính đổi xoành xoạch…

Theo cô Trần Thị Hồng Hà (phó giám đốc Trung tâm Tư vấn tình yêu – hôn nhân – gia đình), trong những hoàn cảnh tương tự, giải pháp tốt nhất là cả bố mẹ và con cùng nhau nhìn lại. Bố mẹ đã không đúng khi bắt con học theo ý của mình. Nếu con muốn chuyển nghề theo đúng sở thích thì có thể vừa đi học vừa đi làm, bố mẹ chỉ đứng bên cạnh hỗ trợ. “Nên giáo dục các em biết quí trọng lao động của chính bản thân dù trong điều kiện vật chất đầy đủ”, cô Hà khuyên.

MỘC THẢO

Tiến sĩ Đinh Phương Duy cho rằng cha mẹ nên trở thành “đồng minh” của con – Ảnh: Phi Long

Vietbao.vn, ngày 06/5/2007