Xăng dầu bị tuồn ra ngoài

Ách tắc nằm ở đâu khi mặt hàng này thuộc diện kinh doanh có điều kiện, Nhà nước kiểm soát cả giá bán lẫn quy trình bán?

 Xăng dầu bị tuồn ra ngoài

Tình trạng cây xăng bán hàng nhỏ giọt đang lặp lại và lan rộng. Các doanh nghiệp (DN) đầu mối tuyên bố cung cấp đủ hàng, trong khi đại lý nói thiếu. Trong khi đó, tình hình xuất lậu xăng vẫn tăng. 

Ách tắc nằm ở đâu khi mặt hàng này thuộc diện kinh doanh có điều kiện, Nhà nước kiểm soát cả giá bán lẫn quy trình bán? Mặc dù nghị định số 84/2009/NĐ-CP quy định khá chặt chẽ về quy trình kinh doanh từ đầu mối đến tổng đại lý, đại lý nhưng có thể nói các đầu mối đã đánh mất quyền kiểm soát.

Lỗi từ đầu nguồn

Theo quy định, một tổng đại lý chỉ được ký hợp đồng mua hàng với một thương nhân đầu mối nhưng trên thực tế các tổng đại lý có đủ cách để lách qua “khe hẹp” này. Chồng đứng tên một công ty làm tổng đại lý, vợ đứng tên công ty khác là một ví dụ. Nhờ cách “phân thân” mà hai tổng đại lý này – thực chất là một – có thể mua được hàng từ hai nguồn khác nhau rồi “đá qua đá lại” mỗi khi thị trường biến động, gây khó khăn cho việc kiểm soát.

Phó tổng giám đốc một DN đầu mối lớn khẳng định: “Các đầu mối biết hết nhưng thường chẳng làm gì vì một phần do mối quan hệ, một phần cốt làm sao vẫn bán được hàng!”.

Ngoài ra, tình trạng mua bán phiếu xuất kho xăng dầu khá phổ biến nhưng không ai lưu ý. “Nhà nước không mất nguồn thu thuế vì chỉ căn cứ vào hợp đồng giữa các bên và hoá đơn bán hàng là đủ nên không cần biết ai là chủ của cái phiếu kia. Vì thế lơi lỏng việc kiểm tra, kiểm soát.

Tôi từng kiến nghị xử lý việc này nhưng dường như chẳng ai để tâm” – tổng giám đốc một DN đầu mối lớn nói. Ông này thừa nhận có tình trạng các tổng đại lý được cấp phiếu xong nhưng cố tình không lấy hàng mà lưu lại rất lâu trong kho của DN đầu mối, chỉ đến khi nào bị hối thúc hoặc thời điểm tăng giá đến gần mới lấy hàng ra.

Các đầu mối hoàn toàn có thể trưng bằng chứng với cơ quan chức năng bằng những chứng từ thật nên rất tự tin tuyên bố luôn cấp hàng đầy đủ, còn thực tế hàng đi đâu họ không biết hoặc người có trách nhiệm làm ngơ vì lợi ích cá nhân.

Khó quản xe bồn

Theo quy định, các DN đầu mối và tổng đại lý phải có đại lý thuộc quyền sở hữu và ký hợp đồng với đại lý bán hàng hưởng hoa hồng. Tổng đại lý được ký hợp đồng với một DN đầu mối, còn đại lý được ký hợp đồng với một tổng đại lý hoặc trực tiếp với một DN đầu mối. Quy định này nhằm đảm bảo việc phân phối xăng dầu từ đầu mối đến tổng đại lý, đại lý và cửa hàng phải cùng một hệ thống.

Nhưng trên thực tế vẫn xảy ra chuyện mua bán chui, không hoá đơn do không kiểm soát được tình trạng các đại lý, tổng đại lý mua bán phiếu xuất kho. Nguồn hàng bị tuồn ra ngoài hệ thống phân phối chính thống. Điều này không chỉ được đầu mối mà cả một số tổng đại lý và đại lý thừa nhận là thực tế hiện nay. Khi quyết toán thuế, các tổng đại lý sẽ đổ thừa DN đầu mối cung ứng không đủ… Số hàng này hoặc tiếp tay cho buôn lậu qua biên giới, hoặc trở thành nguồn hàng đầu cơ, gây nên tình trạng thiếu hụt ở một số nơi.

Chính vì các phiếu xuất kho chạy lòng vòng nên nguồn hàng chảy ra ngoài hệ thống phân phối chính thống. Bán các phiếu xuất kho này, các tổng đại lý hoặc đại lý có lãi hơn là mua hàng về bán tại cây xăng vì được “ăn” hai đầu. Một mặt, những đại lý mua nguồn hàng này không cần hoá đơn nên bán được giá cao, mặt khác các tổng đại lý lại bán được số hoá đơn đó cho những đơn vị sản xuất cần hoá đơn xăng dầu.

Một số tổng đại lý sẽ chỉ đạo xe bồn chở xăng dầu đến một địa chỉ nào đó để găm hàng thay vì về đổ cho cây xăng. “Sở dĩ lực lượng quản lý thị trường đến kiểm tra một số cây xăng đều thấy trống rỗng thật sự vì xe bồn đã đi trốn ở đâu đó chứ không về đúng địa chỉ để cấp xăng.

Lâu nay chúng ta thường thấy nói quản lý thị trường phát hiện các cây xăng nghỉ bán hoặc bán nhỏ giọt chứ chưa thấy nói phát hiện xe bồn chở xăng dầu đi sai địa chỉ” – phó giám đốc một công ty bán lẻ xăng dầu ở TP.HCM nhận xét.

Trong một hội nghị chống buôn lậu xăng dầu gần đây, giám đốc Sở Công thương Tây Ninh Đỗ Thanh Hoà đã nói thẳng: “Không có nguồn cung cấp, lấy gì họ buôn lậu qua Campuchia?”. Ông cho biết lực lượng chức năng của tỉnh này đã phát hiện một số trường hợp xe bồn trốn trong rừng cao su để xuống hàng vào ban đêm. Vì thế ông đề nghị các đầu mối và tổng đại lý khi cấp hàng không cho các xe bồn đi vào ban đêm. “Lực lượng chức năng làm sao đủ để kiểm soát hoạt động của họ cả vào đêm khuya?” – ông Hoà nói.

Theo cửa hàng trưởng một cửa hàng xăng dầu ở Q.Bình Thạnh, hoàn toàn có thể kiểm soát và ngăn chặn những xe bồn chở xăng dầu tuồn hàng ra ngoài. “Tất cả kho hàng đều cấp phiếu xuất hàng khi xe đến lấy hàng với đầy đủ thông tin của nơi nhận hàng. Xe nào về tỉnh nào nhân viên trực kho biết hết.

Nhân viên trên xe bồn luôn thủ sẵn nhiều phiếu xuất kho để đối phó khi bị lực lượng chức năng “vịn”. Nếu quản lý thị trường hay công an non tay, chỉ xem giấy tờ sơ qua thì khó phát hiện” – người trạm trưởng kinh nghiệm 25 năm trong ngành xăng dầu này phân tích. Theo ông, hoàn toàn có thể nghi ngờ những xe bồn chở xăng dầu kia hoặc cấp hàng cho bọn buôn lậu, hoặc găm lại để chờ tăng giá.

Lợi lớn nên liều lĩnh

Có những thời điểm bán 1 lít xăng qua Campuchia lời đến 3.000 đồng khiến không ít người liều lĩnh. “Trường hợp DN bị phát hiện găm hàng có thể bị phạt giỏi lắm vài chục đến 100 triệu đồng, nhưng nếu trót lọt, giá lên họ lãi đến 250 triệu đồng. Đây chính là mấu chốt của vấn đề quản lý hiện nay” – tổng giám đốc một DN đầu mối băn khoăn.

“Có thể kiểm soát, vấn đề là làm hay không thôi. Mỗi DN đầu mối đều có từng bộ phận, từng cá nhân phụ trách khách hàng nào, ở khu vực nào, số lượng bán của mỗi khách hàng. Tổng đại lý cũng tương tự. Đại lý, cây xăng nào bán tăng 5-7% thì bình thường, còn tăng đột biến 20-30% là phát hiện ngay sự bất thường” – lãnh đạo một DN đầu mối nói.

Theo ông, hiện nay có quá nhiều đầu mối không điều khiển nổi các tổng đại lý bởi đang quản lý theo kiểu các chành ở chợ mà không theo đúng nghị định và cũng chẳng khoa học. Theo các nhà bán lẻ xăng dầu, cần xem lại quy định về mức hoa hồng bởi trên thực tế họ không được thỏa thuận mà bị áp đặt.

Nguyên tắc cơ bản trong kinh doanh là nếu hoa hồng thấp thì đại lý phải tăng bán hàng cho nhiều để “ăn về số lượng”. “Trên thực tế, mức hoa hồng bị ép xuống quá thấp, bán càng nhiều càng lỗ lớn thì chẳng ai muốn bán nhiều cả” – chủ một cây xăng ở Hóc Môn nói. Hơn nữa, các cây xăng cũng khó có thể tăng lượng bán vì định mức bán hằng tháng đã bị DN đầu mối và tổng đại lý siết lại.