Cuộc sống đẹp nhờ những tấm lòng

Quỹ “Vì người nghèo” hỗ trợ cho dân nghèo mượn tiền trả dần không lấy lãi, từ đó đã giúp nhiều người nghèo, hộ nghèo vượt qua khó khăn

 

Cuộc sống đẹp nhờ những tấm lòng

Sáng 10-5, TP.HCM đã tổng kết mười năm cuộc vận động vì người nghèo. Mười năm qua, quỹ “Vì người nghèo” TP.HCM đã vận động trên 740 tỉ đồng, chăm lo nhà cửa, học bổng…

46.000 hộ ở TP.HCM đã vượt nghèo từ phương thức hỗ trợ của quỹ “Vì người nghèo”: cho dân nghèo mượn tiền trả dần không lấy lãi.

Sáng 10-5, Ủy ban MTTQ VN TP.HCM và Ban vận động vì người nghèo TP đã tổ chức hội nghị tổng kết mười năm cuộc vận động “Vì người nghèo”. Đến dự có ông Lê Thanh Hải – ủy viên Bộ Chính trị, bí thư Thành ủy TP; ông Trần Hoàng Thám – phó chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ VN – và lãnh đạo HĐND, UBND TP. Tại buổi tổng kết, nhiều mô hình chăm lo cho người nghèo, nhiều gương điển hình vượt khó, vươn lên, không cam chịu số phận đã được tuyên dương.

Nước mắt hạnh phúc…

Vận động trên 740 tỉ đồng

Quỹ “Vì người nghèo” TP.HCM đã vận động được trên 740 tỉ đồng; chi chăm lo dân nghèo: xây mới 2.980 nhà tình nghĩa, 20.099 nhà tình thương, sửa chữa chống dột 9.057 căn, hỗ trợ 305.820 suất học bổng Nguyễn Hữu Thọ cho các cấp học, hỗ trợ 7.494 phương tiện đi học cho con các hộ nghèo để tránh nguy cơ bỏ học giữa chừng.

Đặc biệt, với phương thức hỗ trợ từ quỹ “Vì người nghèo” cho dân nghèo mượn tiền trả dần không lấy lãi, từ đó đã giúp nhiều người nghèo, hộ nghèo vượt qua khó khăn.

Đến cuối năm 2010, TP đã giúp hơn 46.000 hộ vượt chuẩn nghèo giai đoạn 3 (tức có thu nhập trên 12 triệu đồng/người/năm).

Trong suốt cuộc trò chuyện bên hành lang hội nghị, chị Nguyễn Thị Bích Liên (24 tuổi, P.Long Phước, Q.9) chưa lúc nào ráo nước mắt. Tuổi thơ của Liên cùng ba em trong gia đình gắn liền với những ngày nghèo khó trên vùng đất không quá xa trung tâm TP.

Năm đó, khi Liên chuẩn bị hoàn tất bài vở cuối cùng để bước vào kỳ thi tốt nghiệp THCS thì cha đột quỵ và mất. Cả nhà chới với, bàng hoàng… Cứ tưởng hoàn cảnh khó khổ của gia đình sẽ khiến Liên mãi mãi giã từ con chữ, thầy cô, bạn bè và mái trường thân yêu. Nhưng không, cô bé đầy nghị lực đã cố gắng để vượt lên số phận. Sau nhiều năm ròng rã phấn đấu, Liên được vào chương trình đào tạo cử nhân tài năng của Trường đại học Kinh tế – luật, được hỗ trợ tài liệu, chi phí học tập cùng những học bổng khuyến khích học tập khác…

Liên bảo từ lúc học THPT đã nhận học bổng Nguyễn Hữu Thọ (thuộc chương trình Vì người nghèo TP) và được hỗ trợ từ học bổng này cho đến hết những năm đại học. Liên cho biết thêm gia đình còn được vay vốn ưu đãi từ chương trình xoá đói giảm nghèo để chăn nuôi, góp phần trang trải cuộc sống khó khăn.

Có lúc gia đình phải nhận thêm hàng về làm gia công. Ngày đi học, tối về Liên phụ mẹ kiếm được chừng 5.000 đồng tiền công cho mỗi món hàng gia công. Liên nói: “Bây giờ dù tôi đã đi làm có lương ổn định, có thể lo được cho các em nhưng tôi vẫn quyết chí phấn đấu học tiếp…”.

Liên là một trong số những tấm gương phấn đấu vượt nghèo được tuyên dương tại hội nghị.

Rất nhiều người nghèo được giúp đỡ

Tại buổi tổng kết, bà Nguyễn Thị Thu Hà – ủy viên Trung ương Đảng, phó bí thư Thành ủy TP – khích lệ những tấm gương nghèo khó nhưng đầy ý chí vươn lên để có cuộc sống tốt hơn. Điển hình như anh Nguyễn Văn Sanh (P.3, Q.11), vốn là hộ nghèo nhưng với ý chí tự lực, quyết tâm vượt khó, gia đình anh đã thoát nghèo. Thấu hiểu những người cùng cảnh ngộ, anh Sanh giúp lại người nghèo trong tổ dân phố. Và những bạn trẻ như Lưu Mỹ Phụng (P.14, Q.11), Đoàn Thị Hồng Gấm (P.Tân Thới Nhất, Q.12), Võ Tiến Phát (P.Bình Thọ, Q.Thủ Đức)… là những sinh viên cũng được xướng tên như những điển hình vượt khó thoát nghèo.

Nói như ông Trần Hoàng Thám, phía sau những con số trong báo cáo tổng kết mười năm “Vì người nghèo” là biết bao mái nhà, biết bao hoàn cảnh, số phận nhờ cuộc vận động này mà được thay đổi, vươn lên và có cuộc sống tốt hơn. Tại hội nghị, ông Thám nhấn mạnh những nghĩa cử đẹp hưởng ứng tích cực việc chăm lo người nghèo đã xuất hiện nhiều tấm lòng hảo tâm cùng với biết bao việc làm thầm lặng, nghĩa tình trong cộng đồng dân cư, đã tô thắm thêm những nét đẹp của truyền thống tương thân, tương ái, “lá lành đùm lá rách” của dân tộc.

Chung tay giúp người nghèo

Tuy nhiên, ngay trong sự phát triển của TP và nỗ lực giúp người nghèo thoát nghèo, ở TP.HCM hiện vẫn còn hơn 103.000 hộ nghèo (chiếm 5,68% so với tổng dân số) cần được tiếp tục chung tay chăm lo. Ông Dương Quan Hà – chủ tịch Ủy ban MTTQ VN TP – nói dù TP cơ bản không còn hộ nghèo có thu nhập dưới 6 triệu đồng/người/năm, nhưng khi chuyển sang giai đoạn theo tiêu chí mới dưới 12 triệu đồng/người/năm, số hộ nghèo của TP vẫn còn nhiều.

Do vậy, Ủy ban MTTQ VN TP tiếp tục kêu gọi các nhà hảo tâm, doanh nghiệp, tổ chức tôn giáo – dân tộc và các tầng lớp nhân dân với tấm lòng nhân ái “nhường cơm sẻ áo” cùng chung tay góp sức với TP để giúp người nghèo, hộ nghèo nâng cao chất lượng cuộc sống, sớm thoát nghèo một cách căn cơ, bền vững.

Bà Nguyễn Thị Thu Hà cũng cho rằng cần chú ý những trường hợp cận nghèo vừa qua khỏi chuẩn 12 triệu đồng/người/năm. Theo bà, số hộ cận nghèo này nếu so với mức sống của hộ nghèo thì không cách xa, nhưng họ không được thụ hưởng các chính sách dành cho người nghèo. Nhóm dân cư này chưa đủ lực để vượt qua khó khăn và chưa thật sự thoát nghèo bền vững nên trước mắt có thể xem xét miễn, giảm một phần học phí cho con em họ khi đến trường, hỗ trợ chi phí khám, chữa bệnh…

Đáng lo chênh lệch giàu nghèo

Trao đổi với Tuổi Trẻ tại hội nghị, bà VÕ THỊ DUNG – ủy viên Ban thường vụ Thành ủy TP.HCM, phó chủ tịch thường trực Ủy ban MTTQ VN TP.HCM – nói: 

– Không chỉ là phong trào, “cuộc vận động vì người nghèo” mang tính nhân văn to lớn, ai cũng thấy đây là việc cần làm để phát huy được truyền thống đoàn kết, nhân ái vốn có của người dân.  

* Thưa bà, theo chuẩn nghèo của TP (thu nhập dưới 12 triệu đồng/người/năm), hiện còn hơn 103.000 hộ nghèo. Liệu chính quyền TP có giải pháp căn cơ nào khác để giúp nhóm dân cư này sớm thoát nghèo?

– Cái căn cơ là làm sao giải quyết được công ăn việc làm, đồng thời muốn thoát nghèo bền vững phải chăm lo phát triển nâng cao dân trí để con em gia đình nghèo học hành đàng hoàng, tạo được công ăn việc làm. Việc giúp đỡ, hỗ trợ, tương trợ cũng chỉ mang tính nhất thời, giải quyết những khó khăn trước mắt. Ngoài hỗ trợ của xã hội, giải pháp góp phần thoát nghèo cho người dân cũng phụ thuộc nhiều vào chính sách của Nhà nước, cụ thể là làm sao để chăm lo phúc lợi tốt hơn nữa đối các nhóm dân cư nghèo, thu nhập thấp.

* Bà có thể nói gì về khoảng cách giàu nghèo hiện nay trong xã hội? Làm cách nào để kéo giảm được khoảng cách này?

– Hiện nay điều đáng lo trong xã hội là vấn đề phân hoá giàu nghèo. Điều đáng băn khoăn là có những người giàu lên rất nhanh, bên cạnh đó có một bộ phận bà con rất nghèo. Sự chênh lệch rất rõ ràng, kể cả khoảng cách giữa người ở nông thôn và đô thị. Nguy cơ này sẽ tạo sự bất ổn trong xã hội. Do vậy lại càng đòi hỏi Chính phủ gấp rút có chính sách an sinh xã hội tốt hơn nữa.