Hàng tiêu dùng nhập lậu gia tăng

Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM cho biết tình trạng buôn bán hàng tiêu dùng nhập lậu như quần áo, vải, điện thoại di động, thiết bi điện, mắt kính, giày dép, rượu bia, sữa… có xu hướng gia tăng trong thời gian gần đây

 

Hàng tiêu dùng nhập lậu gia tăng

Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM cho biết tình trạng buôn bán hàng tiêu dùng nhập lậu như quần áo, vải, điện thoại di động, thiết bi điện, mắt kính, giày dép, rượu bia, sữa… có xu hướng gia tăng trong thời gian gần đây.

Đa phần hàng nhập lậu được vận chuyển từ các vùng biên giới phía Bắc, miền Trung, biên giới Tây Nam bộ vào thành phố chứa trữ, buôn bán tại các kho hàng, cửa hàng của các doanh nghiệp, cá nhân hoàn toàn không có chứng từ, hoá đơn hoặc xuất trình hoá đơn không phải lô hàng được kiểm tra. Chủ hàng khai mua trôi nổi, do người đem tới bán, không biết danh tính, địa chỉ, nguồn hàng.

Sôi động nhất có lẽ khu vực Q.5, Q.6 khi nơi đây là kho hàng lớn của nhiều đầu nậu, cũng từ đây hàng bắt đầu toả đi các tỉnh thành ở khu vực miền Tây và miền Trung. Chỉ riêng trong 3 tháng đầu năm 2011, các đội quản lý thị trường kết hợp với đoàn kiểm tra liên ngành đã phát hiện 414 vụ hàng nhập lậu, tăng 28 vụ so với cùng kỳ năm trước, 153 vụ giả nhãn hiệu hàng hoá, tăng 74 vụ. Đặc biệt, hàng hiệu giả mạo chủ yếu rơi vào nhóm hàng tiêu dùng như đồng hồ, mắt kính, túi xách, quần áo.. và cũng là hàng nhập lậu.

Thậm chí mặt hàng ảnh hưởng đến nguy cơ an toàn sức khoẻ của người tiêu dùng là bình gas cũng bị giả mạo. Riêng bình gas loại 12 kg giả mạo nhãn hiệu của các công ty, QLTT TP đã kiểm tra một điểm gắn niêm van bình gas 12kg giả nhiều nhãn hiệu ở quận 12, tạm giữ 202 bình gas giả nhãn hiệu và nhiều miếng niêm, tem chống giả, chụp van đầu bình.

Qua kiểm tra một công ty cơ khí ở huyện Hóc Môn, QLTT TP đã phát hiện nơi đây chứa nhiều vỏ bình gas loại 12 kg mang 14 nhãn hiệu, trong đó có một số bình gas không còn ở dạng hoàn chỉnh.

Theo ông Cao Tiến Vị, tổng giám đốc Công ty cổ phần Giấy Sài Gòn, nạn hàng gian, hàng giả nếu phát triển tràn lan sẽ vô tình giết chết sự tồn tại của doanh nghiệp trong nước. Trong khi doanh nghiệp làm ăn nghiêm túc, theo đúng tiêu chuẩn phải hoạt động trong trạng thái không cân bằng về mức đóng thuế, phải chấp hành nghiêm túc các yêu cầu bảo vệ môi trường, phải đầu tư lớn, lâu dài và sản xuất hàng có chất lượng, đầu tư tốn kém cho khâu phân phối,… thì hàng gian, hàng giả dễ dàng né tránh các quy định của Nhà nước, sản xuất chất lượng kém, giá rẻ khiến cho doanh nghiệp làm ăn chân chính khó có thể cạnh tranh nổi.

Nhằm ngăn chặn hàng nhập lậu ngay từ biên giới, Cục Quản lý thị trường đã có thoả thuận quy chế phối hợp cụm giáp ranh TP.HCM, Tây Ninh, Long An, kết quả đã khả quan nhưng vẫn còn nhiều thách thức.