Điện gió chờ cơ chế

Đã đến lúc phải có chiến lược năng lượng mới, giảm dần sự phụ thuộc vào các nguồn điện lệ thuộc vào thời tiết như thuỷ điện, theo hướng cắt giảm dần tỷ trọng dự án thuỷ điện nhỏ, công suất vừa không lớn,…

 

Điện gió chờ cơ chế

 

Ông Lê Minh Tuấn, Phó giám đốc Công ty cổ phần thuỷ điện Thác Mơ (Bình Phước) cho biết, bên cạnh mục tiêu mở rộng thêm một tổ máy 75 MW, công ty này cũng đang tính tới xây dựng dự án điện gió ở Thuận Bình (Ninh Thuận).

Thuỷ điện đi làm điện gió, điều này có vẻ lạ, nhưng không khó hiểu trong bối cảnh nguồn thuỷ điện cả nước vài năm gần đây liên tục bị căng thẳng do khô kiệt, trong khi nhiệt điện lại phập phù. Sự cố điện hạt nhân hiện nay ở Nhật Bản cũng đang khiến nhiều nước phải xem lại chiến lược năng lượng, hướng đến các nguồn sạch và an toàn hơn, như điện gió.

Bỏ phí nguồn năng lượng lớn

Theo TS Dương Duy Hoạt, Cố vấn Viện trưởng Viện Khoa học năng lượng: điện gió, điện mặt trời đang là lựa chọn tối ưu cho bài toán năng lượng khi nhiệt điện chạy than, khí hay dầu sẽ tới hạn do không thể kéo dài mãi việc tận thu các nguồn tài nguyên quý này. Nhiệt điện than, vốn chiếm tỷ trọng lớn, trong tương lai ngắn sẽ gặp khó do nguồn cung than giá rẻ không còn (năm 2015 theo dự báo VN sẽ phải nhập khẩu than), giá than cho điện cũng sẽ tiến dần và bằng giá thị trường. Thuỷ điện đang phát triển tới hạn, việc sinh sôi các dự án thuỷ điện nhỏ khắp khu vực miền Trung, Tây Nguyên cộng thêm thời tiết khô hạn kéo dài khiến việc tích nước khó khăn hơn.

Sự phụ thuộc quá lớn vào nguồn thuỷ điện đã phải trả giá khi nguồn cung điện này luôn căng thẳng những năm gần đây, khiến tình trạng thiếu điện, cắt điện trở nên trầm trọng. Điển hình như mùa khô 2011, tổng lượng nước thiếu hụt của các hồ chứa thuỷ điện lên tới 13 tỉ m3, tương đương sản lượng điện thiếu hụt khoảng 3 tỉ kWh so với trung bình nhiều năm (tính riêng 4 tháng còn lại mùa khô, thiếu hụt 1,78 tỉ kWh). Sự “thất thế” của thuỷ điện và việc các nguồn nhiệt điện luôn ì ạch vào chậm tiến độ, vận hành không ổn định cho thấy, việc phát triển điện gió, điện mặt trời là giải pháp thay thế hoàn hảo, nhất là khi nhu cầu tiêu thụ điện năng tăng dần theo các năm.

Còn theo ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng VN, sự cố điện hạt nhân ở Nhật Bản đặt ra vấn đề về tính an toàn cho nguồn điện này. Sự chuyển hướng của nhiều nước, mà mới đây nhất Trung Quốc ngừng cấp phép các dự án điện hạt nhân đáng để suy nghĩ.

Nhà đầu tư rất “mê” điện gió VN được đánh giá là có tiềm năng gió lớn nhất khu vực Đông Nam Á, với tổng công suất điện gió ước đạt khoảng 513.360 MW.

 

Các nước Tây Âu có mức khoán mỗi một kWh của điện tái tạo, Chính phủ hỗ trợ trực tiếp bao nhiêu tiền. Chúng ta ở giai đoạn chưa phát triển, nếu không thể hỗ trợ trực tiếp luôn thì các chính sách khác như thuế, ưu đãi đất, giá mua phải rõ ràng mới hút được đầu tư

 

Ông Tạ Văn Hường, nguyên Vụ trưởng Vụ Năng lượng

 

Các dự án điện gió quy mô công nghiệp đã và đang được triển khai hiện nay có thể kể tại bán đảo Phương Mai (Bình Định) có 2 dự án, tổng công suất 48 MW. Tỉnh Ninh Thuận có 13 dự án xây dựng nhà máy điện gió đang được nghiên cứu triển khai, tổng công suất giai đoạn 1 trên là 277 MW. Tỉnh Bình Thuận có 12 dự án xây dựng nhà máy điện gió, tổng công suất khoảng 1.541  MW. Hiện đã có 5 tổ máy, mỗi tổ 1,5 MW được lắp dựng thành công tại huyện Tuy Phong và đã phát điện vào tháng 9.2009; 15 tổ máy kế tiếp đang được triển khai lắp dựng, sẽ nâng tổng công suất lên 30 MW. Ngoài ra, 1 dự án khác vừa được khởi công tại đảo Phú Quý, với tổng công suất 6,3 MW, dự kiến sẽ đưa vào vận hành năm 2011.  Tỉnh Lâm Đồng hiện có 1 dự án đang được nghiên cứu triển khai trên cao nguyên Langbiang, công suất lắp đặt giai đoạn 1 dự kiến là 40 MW. Một dự án khác, tại thành phố Đà Lạt, với công suất ban đầu là 30 MW đã  nhận được giấy chứng nhận đầu tư…

Theo một báo cáo tổng hợp, đến giữa năm 2010, ở 11 tỉnh, thành duyên hải miền Nam có tổng cộng 37 dự án điện gió đang triển khai ở các giai đoạn khác nhau, với tổng công suất đăng ký là 3.837 MW, trong đó phân kỳ giai đoạn 1 là 920,5 MW. Hai tỉnh có lượng nhà đầu tư và dự án đầu tư lớn nhất là Bình Thuận và Ninh Thuận. Ngoài ra, các tỉnh khác thuộc khu vực Tây Nguyên và duyên hải miền Trung cũng có các dự án điện gió, như: Đắk Lắk, Gia Lai, Khánh Hoà, Phú Yên, Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh…

Cuối năm 2010, Công ty CP điện gió Trung Nam (Trungnam Wind Power) đã khởi động dự án điện gió thông qua việc động thổ thi công trạm quan trắc gió tại xã Bắc Phong và Lợi Hải thuộc huyện Thuận Bắc, tỉnh Ninh Thuận. Trạm quan trắc gió này dùng để thu thập các thông số dữ liệu gió phục vụ mục đích lập dự án đầu tư, thiết kế kỹ thuật và thiết kế bản vẽ thi công lắp đặt các trụ gió sau này. Dự án điện gió tại Ninh Thuận do Trungnam

Wind Power làm chủ đầu tư với tổng công suất đề nghị lên đến 200 MW, cùng vốn đầu tư vào khoảng 500 triệu USD được chia làm hai giai đoạn. Khá nhiều dự án nhưng theo Bộ Công thương, hiện chỉ mới có 7,5 MW điện gió được nối lưới và cũng chưa thống nhất được giá bán giữa chủ đầu tư với người mua là Tập đoàn Điện lực (EVN).

 Thống kê tình hình triển khai điện gió
(tính đến tháng 6.2010)

Tỉnh/TP

Công suất, MW

Số nhà
đầu tư

Tổng số
dự án

 

 GĐ1

 Đăng ký

 

 

 Ninh Thuận
 Bình Thuận
 Bà Rịa – Vũng Tàu
 TP.HCM
 Tiền Giang
 Bến Tre
 Trà Vinh
 Sóc Trăng
 Bạc Liêu
 Cà Mau
 Kiên Giang

277
388

40
28,5
187

 1.068
1.541
6
0
100
280
93
350
99
300
0

 9
10
1
0
1
2
1
4
1
2
0

 13
12
1
0
1
2
1
4
1
2
0

 Tổng cộng

 920,5

 3.837

 31

 37

Cơ chế nào?

Suất đầu tư cao, giá thành cao trong khi đầu ra vẫn đang bị thắt do giá điện chung thấp vẫn là trở ngại lớn nhất cho phát triển điện gió. Theo ông Trần Viết Ngãi, “suất đầu tư điện gió trung bình trên 2 triệu USD/MW, tương ứng với giá thành khoảng 3.500 – 4.000 đồng/kWh, gấp đôi nhiệt điện chạy than, gấp 3 lần thuỷ điện, nhưng giá bán tạm thông qua hiện nay mới chỉ khoảng 1.300 đồng/kWh. Giá thấp như thế không đủ khấu hao nói gì có lãi”.

Ông Tạ Văn Hường, nguyên Vụ trưởng Vụ Năng lượng cho biết, Bộ Công thương trước đây cũng đã đưa ra các phương án giá, đề nghị duyệt giá bán 8 cent/kWh cho điện gió. Nhưng trong văn bản chính thức vẫn quy định tạm thanh toán 6 cent/kWh cho dự án điện gió ở Bình Thuận. “Cơ chế phát triển năng lượng tái tạo, đặc biệt điện gió cần có sự hỗ trợ trực tiếp của Chính phủ, nếu để riêng cho nhà đầu tư xoay xở thì không ai dại gì vào nguồn điện sạch, đắt tiền như thế để rồi khó bán. Các nước Tây Âu có mức khoán mỗi một kWh của điện tái tạo, Chính phủ hỗ trợ trực tiếp bao nhiêu tiền. Chúng ta ở giai đoạn chưa phát triển, nếu không thể hỗ trợ trực tiếp luôn thì các chính sách khác như thuế, ưu đãi đất, giá mua phải rõ ràng mới hút được đầu tư”, ông Hường nhìn nhận.

Mối quan tâm dành cho năng lượng tái tạo từ phía Chính phủ đã tăng. Mới đây, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đã yêu cầu Bộ Công thương xây dựng cơ chế mới, làm rõ những cơ chế ưu đãi cụ thể cho nhà đầu tư để triển khai các dự án điện gió tại VN khả thi hơn. Theo đó, phải đưa ra được các chính sách hỗ trợ giá điện thu mua, thuế, đất đai, đặc biệt tạo Quỹ hỗ trợ năng lượng tái tạo, bảo vệ môi trường như một trong những nguồn thu quan trọng để hỗ trợ sản phẩm năng lượng tái tạo.

“Đã đến lúc phải có chiến lược năng lượng mới, giảm dần sự phụ thuộc vào các nguồn điện lệ thuộc vào thời tiết như thuỷ điện, theo hướng cắt giảm dần tỷ trọng dự án thuỷ điện nhỏ, công suất vừa không lớn, vừa cày nát môi trường nhiều khu vực. Nhưng để phát triển được, chúng ta phải có cơ chế riêng, thậm chí luật hoá thành Luật Năng lượng tái tạo, thì mới hy vọng có bước nhảy vọt”, TS Dương Duy Hoạt nhìn nhận.

Chưa được xem là nguồn năng lượng của tương lai

Quyết định số 1855/QĐ-TTg về việc phê duyệt chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050 do Thủ tướng Chính phủ ban hành có đề cập đến việc khuyến khích phát triển nguồn điện sử dụng năng lượng mới, tái tạo. Phấn đấu tăng tỷ lệ các nguồn năng lượng mới và tái tạo lên khoảng 3% tổng năng lượng  thương mại sơ cấp vào năm 2010; khoảng 5% vào năm 2020, và khoảng 11% vào năm 2050.

Với những tỷ lệ như vậy, các nguồn năng lượng mới và tái tạo chưa được xem là những nguồn năng lượng chủ lực trong tương lai.