Lao động về nước ‘méo mặt’ vì nợ nần

Tính đến thời điểm hiện tại đã có hơn 2.000 lao động trong niềm vui vỡ oà khi được về với đất mẹ. Thế nhưng, sau “thoát hiểm” với họ trước mắt là cả một gánh nặng nợ nần mà chưa biết khi nào mới trả hết.

 

Lao động về nước ‘méo mặt’ vì nợ nần

Tính đến thời điểm hiện tại đã có hơn 2.000 lao động trong niềm vui vỡ oà khi được về với đất mẹ. Thế nhưng, sau “thoát hiểm” với họ trước mắt là cả một gánh nặng nợ nần mà chưa biết khi nào mới trả hết.

Trắng tay về nước

Đa số lao động chọn con đường xuất khẩu lao động (XKLĐ) với mục đích thoát nghèo nhưng nhiều người trong số họ bỗng trở nên kiệt quệ vì đi chưa được bao lâu đã buộc phải tay không về nước.

Chiếc chuyên cơ Boeing 777 của Vietnam Airlines đã đưa anh Lê Văn Hoàn (Thanh Oai, HN) trở về từ Ai Cập tối 1-3. Mới 24 tuổi đầu, anh Hoàn những mong có thể đi xa làm ăn để thoát nghèo nhưng con đường thoát khỏi đói nghèo quá gian nan mà không đem lại kết quả như ý muốn.

Bác Thạnh, bố của anh Hoàn kể: “Nó cùng mấy đứa bạn quyết chí đi làm ăn xa chứ gia đình tôi cũng không muốn. Chiều ý con, gia đình chạy vạy vay khoảng 40 triệu đồng để làm thủ tục cho cháu đi xuất khẩu lao động. Bây giờ coi như “thất nghiệp” không công ăn việc làm lại mắc vào vòng nợ nần”.

Anh Phạm Quang Hiếu, quê Nghệ An may mắn là một trong số ít những lao động đầu tiên được đưa ra khỏi vùng chiến sự hồi hương an toàn. Nhưng ngay khi vừa đặt chân xuống sân bay Nội Bài anh đã không giấu nổi vẻ lo lắng, rồi đây không biết sẽ sống ra sao.

Anh Hiếu cho hay: “Tôi may mắn hơn nhiều anh em khác đang lưu lạc nơi đất khách quê người nhưng cứ nghĩ đến khoản nợ vài chục triệu đồng mà gia đình chạy đôn chạy đáo mới vay được để đi XKLĐ lại chợt rùng mình. Rồi đây không biết làm gì ra tiền mà trả nợ”.

Cũng trong cảnh ngộ tương tự, anh Nguyễn Hữu Tiến (Thạch Thất, HN) chưa hết bàng hoàng vì những gì mình vừa trải qua trên đất khách quê người. Đã từng tuyệt vọng vì nghĩ không về được quê hương, không được nhìn thấy những người thân trong gia đình nhưng trở về rồi lại sợ họ thêm khổ vì phải chung vai gánh món nợ cùng anh.

Trên các chuyến bay về nước, có không ít lao động do cảnh hỗn loạn đã không còn giấy tờ tuỳ thân, hộ chiếu cũng mất. Họ tay trắng về nước chỉ mang theo duy nhất một mẩu giấy thông hành cấp tạm. Giấc mơ làm giàu không những đã tan biến, họ lại phải chồng chất biết bao nỗi lo cho cuộc sống mưu sinh sau ngày về nước.

Món nợ dài lâu

Tính đến thời điểm này mới có hơn 2.000 lao động Việt Nam trở về từ Libya. Theo Bộ LĐTBXH, hiện tại có những lao động còn ở sâu trong đất liền Libya và nhiều lao động khác bị thất lạc hộ chiếu, giao thông vận tải, thông tin liên lạc rất khó khăn… Bộ đang tích cực công tác giải cứu số lao động còn lại khỏi vùng nguy hiểm.

Trước mắt, số lao động về nước sẽ được Bộ LĐTBXH và các doanh nghiệp hỗ trợ phần nào. Nhưng với số tiền ít ỏi (Bộ hỗ trợ 1 triệu đồng, DN hỗ trợ 1 triệu đồng) không thấm vào đâu so với món nợ họ phải đối mặt. Về lâu dài, người lao động nghèo như họ vẫn nặng gánh nỗi lo.

Với hơn 10.000 lao động xuất khẩu sang thị trường Libya, lại cùng một lúc ồ ạt trở về trong hoàn cảnh bất khả kháng thì bài toán giải quyết việc làm và ổn định cuộc sống cho họ là vô cùng cấp thiết nhưng cũng hết sức khó khăn.

Điều mà các lao động băn khoăn nhất lúc này là không biết Nhà nước sẽ có những chính sách cụ thể như thế nào để hỗ trợ họ thoát khỏi khó khăn và tạo cơ hội việc làm cho họ về lâu về dài.

Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Nguyễn Thị Kim Ngân cũng cho biết, hiện Bộ đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ có biện pháp hỗ trợ nghề cho lao động và yêu cầu các ngân hàng chưa vội đòi nợ người lao động.

Hy vọng với những biện pháp tích cực như vậy, người lao động sẽ sớm ổn định cuộc sống sau khi đã trải qua những ngày gian khổ  nơi chiến sự.

Đông Bích